Tôi rất sợ sự yêu ghét chủ quan của người viết
- Nhà viết kịch, nhà báo Xuân Trình: Vững tin “Thời tiết ngày mai”
- Nhạc sỹ, nhà viết kịch Minh Phương: “Người tuyên truyền viên vĩ đại”
- Nhà viết kịch Chu Thơm: Rất cảm phục những người thầy “bất đắc dĩ”
Trong giới sân khấu hiện nay, nếu thiếu kịch bản hay để dàn dựng, các đạo diễn thường "xúi nhau" tới gặp Nguyễn Toàn Thắng. Trong vòng một năm qua, anh có tới 3 vở diễn về đề tài lịch sử được dàn dựng trên sân khấu các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đó là các vở "Đoạt hồn", "Vì sao lạc xứ" và mới đây nhất là "Truyền thuyết Triệu Trinh Nương".
- Đoàn cải lương Hoa Mai (thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội) đang dàn dựng vở diễn mới của anh, lấy cảm hứng về cuộc đời nhân vật nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (Bà Triệu). Tôi biết anh là tác giả sân khấu đã viết nhiều về các nhân vật lịch sử, nhưng phần lớn họ là những nhân vật mà cuộc đời, số phận được ghi chép lại khá đầy đủ trong chính sử. Nhưng nhân vật trong vở diễn lần này của anh là Bà Triệu, một nhân vật nữ được kể trong truyền thuyết nhiều hơn là chính sử. Mà viết kịch bản lịch sử thì cứ liệu chính sử cũng rất quan trọng. Anh đã vượt qua khó khăn này như thế nào?
+ Đúng là về mặt tư liệu lịch sử liên quan đến Bà Triệu chúng ta gần như không còn gì. Nhưng với tôi, cái khó này không thành vấn đề lắm. Để xây dựng kịch bản sân khấu về một nhân vật lịch sử, đôi khi tôi chỉ cần một sự kiện lịch sử là đủ, bởi bản thân sự kiện ấy, cột mốc ấy đã nói lên rất nhiều điều. Trong kịch bản về Bà Triệu này tôi cũng chỉ cần một cột mốc là thời điểm bà đứng lên cầm quân khởi nghĩa, rồi tất cả câu chuyện của vở diễn sẽ đổ dồn về cột mốc ấy.
Để làm được như vậy tôi đã phải lồng rất nhiều câu chuyện vào. Lối sáng tác của tôi là chuyện lồng trong chuyện, để khán giả có cái mà xem. Bởi tôi quan niệm, khán giả phải có cái mà xem đã thì mới có cái mà suy ngẫm, chứ cứ bắt khán giả suy ngẫm mà chả có gì xem thì không thể giữ chân khán giả trong rạp được.
Tác giả sân khấu Nguyễn Toàn Thắng. |
-Thường thì khi viết về cuộc đời một nhân vật lịch sử người ta phải thích nhân vật đó. Nhưng anh chia sẻ rằng có những nhân vật đọc chính sử anh không thích, nhưng anh vẫn viết kịch bản về họ? Vì sao vậy?
+ Đơn giản bởi vì với tôi, những nhân vật mà tôi không thích lắm phần nào đó lại dễ hơn viết về nhân vật mà tôi say sưa. Tôi biết rằng nhân vật mình không thích không có nghĩa là họ không hay, mà rất có thể do mình bị định kiến bởi những sáng tạo của người đi trước.
Thời điểm này, việc thích hay không thích một nhân vật nào đó không quan trọng với tôi, mà điều quan trọng là nhân vật ấy làm được gì cho dân cho nước. Thậm chí từng có lúc tôi giật mình khi nhận ra rằng nhân vật mình thích hoá ra chẳng có công trạng gì to lớn, hình ảnh về họ chỉ là sản phẩm thêu dệt.
Ngoài ra tôi nhắc mình phải cảnh giác, vì với nhân vật mình thích quá, say mê quá, mình rất dễ rơi vào cảnh vẽ chân cho rắn. Còn với nhân vật mình không thích mà viết ra được, đương nhiên mình sẽ đánh giá công tâm hơn, và đến lúc nào đó, sẽ nhìn họ với con mắt lạ hơn. Tôi rất sợ sự yêu ghét chủ quan của người viết.
- Anh có thể tiết lộ hiện nay trong ngăn kéo của anh có bao nhiêu kịch bản về đề tài lịch sử đang đợi được bước lên sân khấu các đoàn nghệ thuật?
+ Kể cả những kịch bản đang hoàn thành thì khoảng hơn 30, thậm chí có những kịch bản tôi viết luôn bằng thơ và hoàn toàn không dùng một lời thoại nào.
- Cái khó và cái dễ của một đề tài lịch sử so với một đề tài hiện đại trong mắt một người viết kịch bản sân khấu như anh là thế nào?
+ Tôi thấy cái khó nhất là mình phải tìm ra được vấn đề của ngày hôm nay trong các đề tài lịch sử mà vẫn kể được chuyện xưa, không làm sai lệch lịch sử. Nếu cứ sáng tạo một cách tuỳ hứng thì sẽ khiến cho người xem cảm thấy khó chịu, còn nếu kể tuần tự như tiến thì thà người ta ở nhà đọc sách còn hơn là đến rạp xem. Thực sự là viết kịch bản đề tài lịch sử luôn phải đối mặt với cái khó này. Cách đây ít năm, tôi như phát điên lên vì chưa tìm được lối viết phù hợp, cứ kể một lúc lại như chuyện xưa, nhưng nay thì đỡ hơn rồi. Quan trọng nhất vẫn là tìm được cách kể chuyện riêng của mình.
- Là một người làm sân khấu lâu năm, anh thấy tình trạng thiếu kịch bản mà nhiều đạo diễn đang kêu ca hiện nay có đúng không? Chúng ta có ít người viết kịch bản, hay đơn giản chỉ là ít kịch bản đủ hay để dàn dựng?
+ Có vấn đề này liên quan đến kịch bản tôi muốn chia sẻ ở đây. Theo quan sát của tôi, rất nhiều đạo diễn vẫn đang dùng con mắt của ngày xưa để đọc kịch bản của ngày hôm nay. Họ yêu cầu kịch bản phải khuôn thước như của ngày xưa, nhưng nếu cho họ dựng các kịch bản cũ thì họ lại lảng tránh, rất mâu thuẫn.
Đọc kịch bản mới, hiểu các lớp nghĩa ngầm bên trong, là chuyện ngày hôm nay ít đạo diễn chịu làm. Tôi cho rằng kịch bản hay không quá ít và quá thiếu, vấn đề là phía các đạo diễn, họ có chịu đọc, hiểu và thẩm thấu đến cùng các kịch bản hay không.
Cảnh trong vở “Người con của Vạn Thắng Vương” tác giả kịch bản Nguyễn Toàn Thắng, Nhà hát Chèo Ninh Bình dàn dựng. |
- Tôi hiểu, đôi khi vấn đề kịch bản hay lại nằm ở phía đạo diễn chứ không chỉ đơn giản phía người viết. Một kịch bản sân khấu có hay đến mấy mà không gặp được "con mắt xanh" của người đạo diễn thì cũng rất khó thoát khỏi kiếp nằm trong ngăn kéo của người viết. Chúng ta thừa nhận thời của Lưu Quang Vũ có nhiều đạo diễn tầm vóc, tên tuổi mà phần nhiều trong số họ nay đã ra người thiên cổ hoặc không còn làm sân khấu được nữa. Chính họ đã nhìn ra, cổ vũ, ủng hộ, khích lệ để Lưu Quang Vũ sáng tạo và gặt hái những thành tựu rực rỡ. Những đạo diễn trẻ hơn ở thế hệ sau, những người cùng thời với anh, anh cảm nhận thế nào về họ?
+ Chúng ta đang sống và làm nghệ thuật ở một giai đoạn là mọi thứ rất sòng phẳng, ai giỏi người ấy đắt hàng, được mời dàn dựng liên tục. Đạo diễn giỏi vẫn có chứ, nhưng rõ ràng chưa nhiều. Đạo diễn cùng thời tôi rất quý trọng là NSND Triệu Trung Kiên. Anh ấy liên tục làm vở từ kịch bản của tôi, một người rất đồng cảm với những gì tôi viết, sẵn sàng tham gia với tôi ngay từ công việc đầu tiên là phác thảo ý tưởng cho đến lúc hoàn thành kịch bản.
Chúng tôi có thể tranh luận đến tận cùng, thậm chí có lúc giận nhau, chỉ để cho tác phẩm tốt hơn. Có lúc anh Kiên cũng nói với tôi là hơi tiếc vì chưa giải mã đươc hết các lớp lang vì kịch bản của tôi nhiều tầng, nhưng tôi hiểu rằng với điều kiện làm sân khấu khó khăn hiện nay, như thế đã là quá tốt rồi.
- Ngành sân khấu vừa kỷ niệm 31 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Mỗi năm các vở diễn của Lưu Quang Vũ vẫn được các đoàn nghệ thuật dàn dựng lại và được khán giả chờ đợi. Là một người viết thế hệ sau Lưu Quang Vũ, có khi nào anh tự đặt câu hỏi, vì sao, sau Lưu Quang Vũ vẫn không có được những tên tuổi tác giả thực sự sáng chói, dù cho hiện thực cuộc sống hôm nay vô cùng phong phú về chất liệu cho người viết thỏa sức sáng tạo? Theo anh, người viết kịch bản sân khấu hôm nay đang thiếu gì để có thể trở thành những Lưu Quang Vũ mới?
+ Trước khi đắm đuối với đề tài lịch sử, có một thời gian gần như có điểm nóng gì của xã hội là tôi lập tức ngồi vào bàn viết. Có những vở đang dựng thì bị dừng lại, tôi không hiểu lý do và cũng gần như không có nhu cầu tìm hiểu. Có những vở đưa cho anh em cùng nghề đọc thì rất thích bởi sự mạnh mẽ và gai góc, nhất là lời thoại bởi đó là thế mạnh lớn nhất của tôi với xuất phát điểm là học nghề ngôn ngữ, nhưng sau đó các kịch bản này đều được cất vào kho.
Tôi không muốn làm phép so sánh bởi mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng ở đây đang thiếu yếu tố thiên thời và địa lợi. Nếu có được hai yếu tố ấy, việc xuất hiện những tên tuổi hoàn toàn là chuyện có thể. Tôi lấy ví dụ này, có thể không chính xác, nhưng cũng có cái để suy nghĩ. Trong bóng đá Việt chẳng hạn, trước khi ông Park đến, vẫn những cầu thủ ấy đá đâu thua đấy, và sau khi ông đến, tất cả như lột xác.
- Một số tác giả kịch bản sân khấu thường tỏ ý bức xúc về việc kịch bản của họ hay bị "xé nát" không thương tiếc dưới tay đạo diễn. Anh có chung nỗi bức xúc đó không và anh nói gì về câu chuyện này?
+ Tôi qua cái giai đoạn ấy lâu rồi hay nói đúng hơn tôi không bức xúc về điều đó. Thay bằng bức xúc, tôi viết làm sao cho đạo diễn có muốn xé hay cắt gọt gì cũng khó. Trong sân khấu phải hiểu điều này, nhiều kịch bản đọc lên nghe rất du dương nhưng lại không có tính kịch, đạo diễn không xé đi thì dựng kiểu gì. Phải hiểu rằng chẳng đạo diễn nào muốn sửa lại kịch bản vì quá mất công, nên khi họ phải làm vậy, chẳng qua là cực chẳng đã thôi.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.