Tiếng chim trong thành phố...
- “Nghe tiếng chim cu, tôi thấy tôi đang thiền…”
- Những tiếng chim trong thành phố
- Buổi sớm nghe tiếng chim cu gáy
Có một dạo, ông bạn nhà thơ của mình than buồn, một mực đòi bán nhà bồng chống vợ con về quê sinh sống. Bạn nói thành phố chật chội quá, chẳng có một chút gì nên thơ. Đi đâu cũng chỉ thấy toàn xe cộ, nhà cửa san sát nhau, con người thì quấn chặt lên mình đủ thứ để chống chọi với nắng nôi, khói bụi. Bạn nói, muốn viết một bài thơ có hồn còn khó hơn lên trời. Viết gì nổi với một ngày nhìn vào đâu cũng thấy buồn buồn.
Bạn gác lại giấc mơ vui thú điền viên bằng câu nói nhẹ bâng của vợ: “bộ ông bị khùng hả, đang yên đang lành đòi bán nhà về quê”. Vợ bạn có dịp lôi cái tính thơ thẩn của bạn ra cười. Cái sự lãng mạn từ lâu không nuôi nổi gia đình cứ chực chờ vỡ vụn ấy đâu có làm bạn thôi bớt mộng mơ.
Mấy thùng đất bạn ì ạch mang lên ban công đâu có làm vợ bạn xốn xang, cái màu xanh của cây trái đâu có làm vơi đi cơn bực tức trong lòng vợ bạn. Lúc phơi đồ vướng chân, vợ bạn còn tiện tay gom mớ đất vào một góc, hất nước phơi đồ vào đám lá vừa nhu nhú xanh. Bạn buồn tan nát cả một buổi chiều mà chẳng biết sự đổ vỡ từ đâu.
Bạn từ bỏ giấc mơ hít thở không khí trong lành, bỏ dỡ giây phút ngồi giữa ban công nghe cây lá “kể chuyện tình”. Vợ bạn chắc còn buồn lâu với những thứ trời ơi đất hỡi của bạn. Nhấp ngụm cà phê, bạn thở dài, giá như ngày nào cũng có một tiếng chim vút lên làm dịu bớt đi âm thanh ồn ào của thành phố. Bài thơ trên trang vở học trò của bạn như muốn nhảy lên biểu tình, bạn vò nát tờ giấy quăng vào sọt rác “sống như thế này thì lấy đâu ra cảm xúc mà viết”.
Rồi một ngày, tiếng chim trong thành phố cứ ríu rít suốt ngày, bạn nghiêng tai, nhắm mắt thả hồn vào từng tiếng hót của bầy chim phía sau nhà. Bạn khoe “làm được bài thơ ngon lành”. Bạn đọc sang sảng cho mình nghe bài thơ về tiếng chim trong thành phố, có chút thi vị làm cho cuộc sống của bạn bớt nhàm chán hơn.
Và rồi tiếng chim ấy cứ đều đều theo bạn suốt ngày đêm, bạn lại đâm ra chán chường. Tiếng chim phát ra từ cái máy cát- xét của nhà nuôi chim yến cứ bủa vây bạn suốt ngày đêm. Giấc mơ bạn cũng rối bời đi vì tiếng chim… công nghiệp.
Vợ bạn vào ra thở hắt, hàng xóm quanh nhà được dịp bàn tán xôn xao, đám trẻ con không thể tập trung học bài. Hai bên tai vẫn ù ù tiếng chim dù bạn đã rời đi chỗ đó rất xa. Mình nhìn bạn cười “thi vị quá chừng còn đòi gì nữa”.
Bà già với giấc ngủ nửa vời cũng bỏ cuộc sau năm lần khép – mở cổng rào với câu nói nghe đến thuộc làu “ồn vầy ngủ nghê gì được”. Câu nói đó dường như chẳng làm lay động đến ông hàng xóm ngày ngày vẫn mở tiếng chim ầm ỉ, người ta mời nhau hội họp ì đùng, ông chủ đất chỉ cười “đất tui, tui muốn làm gì kệ tui”. Bạn ngồi trong nhà bịt tai, nhìn mình chao chát. Ngoài kia, những tràng âm thanh cứ rơi đầy góc phố…
Mấy cuộc “thương thảo” khép lại mà chẳng đi đến đâu. Bạn kể, hàng xóm tức mình, bê nguyên dàn âm thanh phát tiếng quạ kêu. Chủ nhà yến cứng họng trước câu nói “đất nhà tui, tui muốn làm gì thì làm”. Đám chim yến nghe tiếng quạ kêu bỏ tổ bay đi mất, chủ nhà yến ngồi trong chống cằm mà mắt ngấn nước, bao nhiêu vốn liếng bay theo cánh chim không biết đường về.
Hàng xóm lăm le nhìn nhau bằng ánh mắt căm hờn, chẳng có cuộc chạm mặt nào mà không hằn sâu lòng thù hận. Một bữa trưa buồn buồn, chủ nhà yến xách dao qua gõ cửa hàng xóm, tiếng quạ kêu vẫn đều đều phát ra nghe nhói lòng người. Người ta sẵn sàng ném vào nhau những lời cay nghiệt, con dao lạnh ngắt trên tay người lặng thinh mà ánh sáng từ lưỡi dao đâu có soi rõ những ngóc ngách trong lòng người.
Đám trẻ trong nhà người lớn dạy cho cách thù hằn nhau, cách đáp chống trả lại bằng cách chia chỗ ngồi trong lớp học, cách không đứng chung ở vỉa hè hay bằng mặt mà không bằng lòng. Bạn ngồi trong nhà lắc bay muốn rụng hết tóc cũng không thể nào làm vơi đi nỗi buồn trong bạn. Rồi người ta đưa ra phương án giảm tải ô nhiễm tiếng ồn, định lượng thời gian, âm lượng.
Cuộc họp kết thúc, người ta tạm bằng lòng như cách sống chung với lũ nhưng những lời lẽ trong lúc nóng giận như vẫn còn ở lại mọc rễ cắm sâu vào lòng đất. Hàng xóm đã xa cách lại càng cách xa hơn. Và vết nứt ở lòng người cũng không thể nào hàn gắn lại được.
Sau bài thơ về tiếng chim ở trong thành phố, bạn chẳng thể viết được gì. Tiếng chim cứ ong ong trong đầu bạn. Nghĩ, bạn phải đi thật xa, nơi không có tiếng chim nào được phát ra. Vợ bạn cũng làm một cuộc khăn gói rời đi mà không thể. Con người chứ đâu phải một cái cây nói bứng đi là bứng được. Tiếng chim vẫn hòa vào âm thanh của thành phố, những tiếng cứ va vào nhau không mỏi. Hỏi bạn khi nào rời đi, bạn chỉ cười, đi hoài cũng mỏi chân…