Tiếng chiêng trước nguy cơ... lặng dần

Thứ Bảy, 04/08/2018, 07:30
Ma mị, linh thiêng, hùng tráng, âm thanh cồng chiêng là tiếng vọng của truyền thống, của cội nguồn dân tộc, là sợi dây nối quá khứ với hiện tại và tương lai, nối kết nền văn hóa của một dân tộc với nền văn hóa cộng đồng và nhân loại.


Thức điệu tâm linh

Cồng chiêng là nhạc lễ của người Tây Nguyên. Âm nhạc cồng chiêng đi dọc vòng đời cây lúa cạn và cây lúa nước, theo suốt cuộc đời con người, trở thành tinh hoa văn hóa dân tộc, thức điệu tâm linh cả cộng đồng. Trong lễ hội, cồng chiêng là phương tiện để con người thông linh với Yàng (thần linh, theo tín ngưỡng đa thần), giao hòa cùng trời đất, giao đãi giữa cộng đồng.

“Thuở xa xưa, một bộ cồng chiêng quý, tức cồng chiêng có âm chuẩn tiếng hay, giá trị quy đổi từ một đến hai con voi, hoặc bằng 40 con trâu mộng. Người nhiều cồng chiêng, không chỉ là người giàu có, còn là người nhiều sức mạnh.

Sức mạnh do Yàng cing (thần chiêng) ban. Bon nào, dòng họ nào có nhiều cồng chiêng, bon ấy, dòng họ ấy sẽ được các bon khác, dòng họ khác nể trọng, nghe theo. Già làng ở bon ấy có thể được tôn làm già làng cho cả một vùng”, già KNẻo (xã Đạ Mri, huyện Đạ Huoai) chia sẻ.

Theo già KNẻo, người Mạ phân biệt rạch ròi giữa chiêng quý (chiêng có Yàng cing ngự) và chiêng thường (chiêng không có Yàng cing ngự). Chiêng có thần chiêng ngự, chỉ sử dụng trong các dịp lễ trọng và nhất thiết phải có con vật hiến sinh từ trâu trở lên thì mới được tấu. Chiêng càng cổ, thần chiêng càng mạnh, giá trị càng cao.

Nghệ nhân cồng chiêng KBreoh (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) cho hay: “Âm nhạc cồng chiêng là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau. Mỗi nhạc công chỉ chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu. Cồng chiêng bảo lưu hình thức diễn xướng cộng đồng, hợp tấu bằng cách nghe nhau, tức phải có tâm linh cộng đồng ứng vào. Cồng chiêng hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, cá thể hóa người biểu diễn”.

Nghệ nhân cồng chiêng KBreoh cho rằng, khả năng âm nhạc này được người Mạ phát triển một cách tự nhiên và phổ biến trong cộng đồng thông qua những mùa lễ hội, cũng là những đợt trình tấu cồng chiêng thâu đêm suốt sáng. “Cái quý nhất, độc đáo nhất nơi âm nhạc cồng chiêng là ở sự cộng cảm của sân khấu dân gian”, nghệ nhân cồng chiêng KBon (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) tâm sự.

Cái sân khấu dân gian mà nghệ nhân cồng chiêng KBon nói đến chính là không gian diễn xướng, không gian rừng, không gian lễ hội, không gian bon làng, nơi những người con chân chất, mộc mạc, giản dị, thân thiện gốc Tây Nguyên cất lời cháy khát gửi đến các thế lực siêu nhiên tiếng nói của cộng đồng, bên những chóe rượu cần, quanh ngọn lửa thiêng trong tiếng cồng chiêng ngân vọng cùng gió ngàn, mây núi.

Trong không gian văn hóa đậm chất huyền ảo ấy, mỗi nghệ nhân tấu chiêng trong giàn chiêng sáu (bộ chiêng có 6 chiếc) đảm trách một nhạc âm trong đường tuyến giai điệu. Chuỗi giai điệu trong một bài chiêng là sự kết tinh của sự phối hợp ăn ý giữa sáu nghệ nhân tấu chiêng.

Ngoài ra, giàn cồng chiêng khi trình tấu lại trải dài trong không gian, nên giai điệu luôn hiện hữu dưới dạng hiệu ứng âm thanh nổi, một hiện tượng dường như chỉ thấy ở âm nhạc cồng chiêng, cùng với độ cao thấp, dài ngắn, còn nghe được cả độ xa gần. “Chưa kể, nó còn có cái đẹp về hình thể, động tác tay chân của người tấu chiêng và người thực hiện những điệu dân vũ”, nghệ nhân cồng chiêng Touneh Ma Bio (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) cho biết.

Ma mị, linh thiêng, hùng tráng, âm thanh cồng chiêng là tiếng vọng của truyền thống, của cội nguồn dân tộc, là sợi dây nối quá khứ với hiện tại và tương lai, nối kết nền văn hóa của một dân tộc với nền văn hóa cộng đồng và nhân loại.

Mai một không còn là nguy cơ  

Năm 2005, UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng từ đó đến nay, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Theo già KLiuh (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh), nguyên nhân là do rừng đang ngày càng bị thu hẹp.

“Nếu thiếu rừng, con người không còn nghe được từ trong sâu thẳm chính mình tiếng gọi cuốn hút của vẻ đẹp nguyên khiết, của tự nhiên hoang dã. Và con người sẽ không còn huyền thoại, không còn nghe, không còn kể, không còn tiếp tục sáng tạo ra huyền thoại nữa”, già KLiuh ngậm ngùi.

Quả vậy, mất rừng là mất đi một dạng thức văn hóa, cũng là môi trường diễn xướng cồng chiêng, thành thử giờ đây cồng chiêng chỉ còn được thấy trong các hội diễn, hội thi, các điểm du lịch, các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ do Nhà nước tổ chức. “Nhiều chương trình trong số đó được dàn dựng theo kịch bản, nên bản chất văn hóa cồng chiêng đã bị thay đổi, sai khác. Bây giờ, chúng ta ít khi thấy cồng chiêng cất lời trong không gian thiêng nguyên thủy”.

Ông KTư, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn 15 (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm), nói: “Ngày nay, người trẻ KHo phải đi làm thuê, làm việc gia đình, không có nhiều thời gian để tập luyện cồng chiêng như trước nữa. Nếu có tập hợp được để tập cồng chiêng thì chúng hỏi: “Đi đánh cồng chiêng vậy có được tiền không?”.

Thầy giáo Nguyễn Ry, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm trao đổi: “Mặc dù chưa có công trình nào nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến việc chủ nhân di sản văn hóa nhân loại, nhất là ở những người trẻ, không còn tha thiết với văn hóa cồng chiêng, nhưng chỉ bằng trực quan thôi cũng đủ thấy thế hệ trẻ giờ đây rất ít người thích tập cồng chiêng, thậm chí không còn thích thú khi nghe đánh cồng chiêng”.

Ông KThế, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà ưu tư: “Có thời kỳ, do nghèo khó và thiếu hiểu biết, một số người dân trong bon đem cồng chiêng đi bán, khiến số lượng cồng chiêng suy giảm”.

“Cồng chiêng vốn hình thành và phát triển gắn với tín ngưỡng đa thần và nền văn minh thảo mộc. Nhưng hiện nay các nghi lễ truyền thống, nghi lễ vòng đời, mùa vụ không còn, nhất là sự thay đổi tín ngưỡng, tập tục khiến cồng chiêng không còn được xem là vật thiêng. Nguy cơ mai một cồng chiêng còn thể hiện ở chỗ các bài chiêng cổ bị biến mất”, già làng KTiếu (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) nhìn nhận.

Theo già làng KTiếu, văn hóa cồng chiêng đang chịu nhiều biến đổi đã tác động tiêu cực đến các nghi lễ dân gian, ẩm thực, trang phục, không gian kiến trúc... Do đó, muốn cồng chiêng vang lên trong cộng đồng tự nhiên như trước kia thật không dễ.

Nỗ lực níu giữ tiếng chiêng

Cộng đồng cư dân Tây Nguyên đã sáng tạo nên một di sản văn hóa mang tầm vóc nhân loại, cố nhiên cộng đồng cư dân ấy cũng biết cách trao truyền cho những thế hệ sau gìn giữ, tích bồi, làm dày thêm di sản ông bà, tránh bị mai một. Các nghệ nhân: Touneh Ma Bio, Ya Thung (xã Đà Loan, huyện Đức Trọng), KBreoh, KBon, KChung (xã Đạ KNàng, huyện Đam Rông), Điểu KLộc (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên)... là những người được cộng đồng cư dân chọn để lãnh trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa ấy. Trong nhiều năm qua, bằng tâm huyết và trách nhiệm, các nghệ nhân cồng chiêng không ngừng chỉ dạy, trao truyền cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa của ông bà, để rồi cùng có ý thức gìn giữ, bảo vệ.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên cho biết: “Ngay sau sự kiện UNESCO vinh danh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015.

Tiếp đó, chúng tôi lại trình đề án Bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Đề án này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt trong năm 2018. Điều đó có nghĩa, về mặt chỉ đạo, tỉnh và ngành văn hóa địa phương đều quan tâm đến công tác bảo vệ văn hóa cồng chiêng”.

Theo Giám đốc Nguyễn Thị Nguyên, từ năm 2009 đến năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã mở 48 lớp dạy cồng chiêng cho trên 1.150 người trẻ là con em các dân tộc Mạ, KHo, Chu Ru đang sinh sống trong bon làng và học sinh đang theo học tại các trường dân tộc nội trú.

Cùng đó, tỉnh còn trang bị 15 bộ chiêng cho một số địa phương có đông người bản địa sinh sống, cũng như duy trì 16 đội (nhóm) cồng chiêng trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai và thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của du khách khi đến Lâm Đồng. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức thành công 9 kỳ lễ hội văn hóa cồng chiêng và tôn vinh gần 100 nghệ nhân.

“Trong 10 năm chúng tôi tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao, đặc biệt là Lễ hội Văn hóa cồng chiêng, thì thấy rằng lực lượng nghệ nhân cồng chiêng đã được trẻ hóa qua từng năm”, Giám đốc Nguyễn Thị Nguyên nhận xét.

Âm nhạc cồng chiêng thành sản phẩm du lịch

Nghệ nhân cồng chiêng KBreoh cho rằng, trong điều kiện cồng chiêng đang thiếu hẳn môi trường diễn xướng, thì du lịch trở thành mảnh đất tốt để phát huy giá trị của cồng chiêng đến với cộng đồng. Vì vậy, suốt 20 năm qua, nghệ nhân cồng chiêng KBreoh luôn tổ chức cho Đội cồng chiêng xã Lộc Tân tham gia biểu diễn phục vụ du khách tại Khu du lịch thác Đam Bri (Bảo Lộc), Khu du lịch Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh) và Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Ông KThế thừa nhận: “Đưa âm nhạc cồng chiêng vào hoạt động tại các điểm, khu du lịch là một cách tốt để quảng bá cồng chiêng”.

Thầy giáo Nguyễn Ry chia sẻ thêm: “Cơ quan quản lý Nhà nước nên giao nhiệm vụ đảm bảo cuộc sống của nghệ nhân cồng chiêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Chỉ khi nghệ nhân sống được bằng việc diễn tấu cồng chiêng thì công tác bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng mới khả thi trên thực tế, còn không chỉ dừng lại ở mức hô hào. Vì chúng ta không thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng chỉ dựa trên nhiệt huyết của nghệ nhân được”.

Theo thầy giáo Nguyễn Ry, ngoài yếu tố năng lực tài chính, doanh nghiệp còn có những thuận lợi khác, như khả năng kết nối tour du lịch trải nghiệm, tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, nhất là không gian sẵn có rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với hoạt động âm nhạc cồng chiêng. Do đó, kết hợp với doanh nghiệp để bảo đảm đời sống cho nghệ nhân cồng chiêng là phù hợp với xu thế hội nhập.

Cồng chiêng và múa xoang là linh hồn trong các lễ hội của người Tây Nguyên.
Trịnh Chu
.
.