Thời trang trong phim ảnh: Không chỉ là nét điểm tô

Thứ Sáu, 25/06/2021, 13:45
Dấu ấn tiêu biểu là giải Oscar dành cho thiết kế phục trang đẹp nhất được vinh danh lần đầu vào năm 1948. Trong giáo trình về thiết kế trang phục của Oscar, trang phục không chỉ đơn thuần là vải vóc được đắp lên thân thể của những nhân vật, nó là biểu trưng cho giai cấp, cuộc sống, tính cách, mối quan hệ hay thậm chí là tâm trạng của nhân vật đó.


Nhiều hơn chỉ là những bộ trang phục

Dấu ấn tiêu biểu là giải Oscar dành cho thiết kế phục trang đẹp nhất được vinh danh lần đầu vào năm 1948. Trong giáo trình về thiết kế trang phục của Oscar, trang phục không chỉ đơn thuần là vải vóc được đắp lên thân thể của những nhân vật, nó là biểu trưng cho giai cấp, cuộc sống, tính cách, mối quan hệ hay thậm chí là tâm trạng của nhân vật đó. 

Trang phục còn là công cụ tô màu khung hình, là cách tái hiện quá khứ, thể hiện một nền văn hóa hay để đạo diễn tiết lộ các chi tiết ẩn giấu dẫn dắt đến cái kết bất ngờ của bộ phim hay lớn hơn là thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Những bộ trang phục được xem là tiếng nói riêng góp phần tạo nên ngôn ngữ chung của một tác phẩm điện ảnh. 

Không thể nào không kể đến bữa tiệc thị giác mà đạo diễn Vương Gia Vệ mang đến cho khán giả trong "In The Mood For Love". Phim dành cho mình một câu chuyện khó kể về tình yêu của hai con người đang mắc kẹt trong hai cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Lại càng khó hơn đối với nhân vật nữ chính - bà Trương (Trương Mạn Ngọc), khi đặt vào hoàn cảnh những năm 60 của thế kỷ trước ở Hong Kong với sự cấm kị về việc phụ nữ thể hiện cảm xúc của mình. 

“In The Mood For Love” kể cho khán giả nhiều điều thông qua màu sắc trang phục của nữ chính.

Đạo diễn Vương Gia Vệ quyết định giữ kín mọi diễn biến tình cảm của bà trong lòng rồi âm thầm thể hiện nó thông qua 23 bộ xường xám xuyên suốt bộ phim. Đó không chỉ là bữa tiệc thị giác, nó còn là sự nồng cháy yêu thương, lúc đau đớn kìm hãm trong lòng người phụ nữ vốn có gia đình nhưng lại tìm thấy sự hạnh phúc ở một điểm tựa khác. 

Vương Gia Vệ từng nói: "Chiếc xường xám đó không chỉ đơn thuần là một chiếc xường xám. Nó thể hiện tâm trạng của nhân vật chính. Như thể cô ấy đang khoác lên mình tâm trạng đó trong suốt cả ngày dài".

Một bộ phim khác khai thác khía cạnh thời trang của thời đại là "The Devil Wears Prada". Phim lấy bối cảnh hậu trường của một tòa soạn thời trang hư cấu ở New York với nhân vật Miranda Priestly - nữ Tổng biên tập của tạp chí nổi tiếng Runway được lấy cảm hứng từ Anna Wintour hiện là nữ Tổng biên tập tạp chí Vogue. 

Tính đến nay, "The Devil Wears Prada" vẫn là một trong những tác phẩm truyền cảm hứng mạnh mẽ về thời trang với những bộ đồ hàng hiệu đắt đỏ với tổng trị giá lên tới 1 triệu USD và những bài học về thời trang mà nó mang lại. Nhưng hơn cả là cách nhà tạo mẫu Patricia Field đảm nhận phần phục trang cho phim, giúp chúng ta thấy được những biến chuyển tâm lý của các nhân vật thông qua cách họ khoác trên mình các bộ váy khác nhau. 

Tiêu biểu là phân đoạn bà hoàng Miranda toát lên sự buồn bã, cô độc bằng chiếc váy đen thẫm hay Andy mặc Chanel từ đầu đến chân để thể hiện sự tự tin trước sự xem thường của những đồng nghiệp xem cô là "đồ quê mùa".

Chiến thắng của "Black Panther" năm 2018 về giải thưởng Oscar dành cho thiết kế trang phục cũng là một ví dụ tiêu biểu cho việc trang phục thể hiện một nền văn hóa, kể cả khi nó là một nền văn hóa giả tưởng, ấn tượng đến nhường nào. 

Để tạo nên hình ảnh của một bộ tộc châu Phi sở hữu công nghệ hiện đại nhất thế giới, nhà thiết kế Ruth E. Carter đã phải kết hợp các yếu tố tương lai, quần áo truyền thống của châu Phi và phụ kiện thời trang cao cấp. Từng chi tiết của phim được lấy cảm hứng từ trang phục của những tộc người châu Phi như tộc người Basotho, tộc người Maasai, Suri Ethiopia,.. Sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố giả tưởng với những nền văn hóa lâu đời thật sự đem đến một trải nghiệm vô cùng ấn tượng cho những ai xem tác phẩm này.

Chiến lược kinh doanh lợi cả đôi đường

Những phim lấy bối cảnh hiện đại, nhà làm phim thường sử dụng chi phí được tài trợ bởi các thương hiệu thời trang, làm đẹp. Đổi ngược lại, các tác phẩm điện ảnh có trách nhiệm quảng bá sản phẩm của nhà tài trợ bằng cách lồng ghép chúng vào trong những thước phim một cách khéo léo nhất. Thuật ngữ "product placement" là một chiến lược đem lại ích lợi cho cả hai phía không chỉ tính trên phương diện kinh tế. Mọi thứ được tinh tế gián tiếp quảng bá nhưng không gây nên cảm giác phản cảm.

Tại xứ sở Kim Chi, kể từ năm 2019, các bữa tiệc thị giác càng trở nên đắt đỏ với sự đầu tư, chuẩn bị vô cùng kì công. "Mine" - bộ phim truyền hình Hàn Quốc được nhiều người xem nhất hiện nay có sự hậu thuẫn của CJ Group, một "ông lớn" tại Hàn Quốc. "Mine" khiến khán giả choáng ngợp với loạt trang phục cao cấp như Dior, Valentino, Gucci, Prada... Những bộ trang phục không chỉ đặt vào một cách vô tội vạ mà được tính toán một cách kĩ lưỡng.

"Mine" xây dựng bảng màu riêng cho mỗi nhân vật. Mỗi khi nhìn thấy màu sắc đó trong khung hình, khán giả biết cảnh phim sẽ tập trung vào nhân vật nào là chính. Vai nữ chính Jung Seo Hyun (Kim Seo Hyung) với tông màu thể hiện tính cách bao gồm xanh đen, trắng, đen, xám cũng những bộ trang phục mang màu sắc đương đại thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán và bí ẩn. Những bộ trang phục này đã đưa khán giả đi qua những khung hình mà nhân vật đơn độc giữa màu vàng cam đầy vương giả của giới quý tộc nhưng lại trùng khớp với màu sắc căn nhà giam cầm cô trong cuộc sống giả tạo.

Vì sao CJ Group lại đầu tư một số tiền lớn như vậy cho những bộ trang phục đắt đỏ mà các nhân vật khoác lên người dù bản thân tập đoàn không sản xuất sản phẩm thời trang. Đầu tiên phải nói đến thị hiếu của khán giả, đặc biệt là khán giả châu Á. Người châu Á đặc biệt thích hàng hiệu, đặc biệt tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó, những bộ phim Hàn Quốc lại có sức ảnh hưởng lan rộng khắp thị trường màu mỡ của lĩnh vực này. 

“Gái già lắm chiêu V” chiêu đãi khán giả bằng một bữa tiệc thời trang thịnh soạn.

Thay vì chỉ đưa các sản phẩm của bản thân quảng bá trực tiếp trên khung hình - thứ khiến khán giả dễ dàng chán ngán, công ty này quyết định cho người xem "làm quen" với những món đồ đắt đỏ và định hình lại tư duy của họ về việc giá trị vật chất họ có thể đạt được xứng đáng như thế nào khi chi trả cho các thương hiệu cao cấp. Việc hình thành suy nghĩ chi tiêu với giá trị lớn hơn trong tư duy người xem sẽ khiến họ có cái nhìn thoáng hơn với những sản phẩm có giá thành cao của CJ Group. Đồng thời, nó mở ra hướng phát triển cao cấp hơn.

Việc các tác phẩm có yếu tố thời trang cao cấp ngày càng xuất hiện với mức độ dày đặc còn liên quan đến đại dịch COVID -19. Khi cơ hội để người dân được ra ngoài mua sắm ngày càng thấp, những bộ phim với nhân vật mặc các sản phẩm hàng hiệu đi khắp nơi không khác gì một buổi diễn thời trang sống nhằm kích thích mong muốn chi tiêu. Hiệu quả của nó được nhìn thấy rõ với doanh thu của các sản phẩm cao cấp tăng trưởng theo cấp số nhân, đặc biệt là sau cơn sốt "The World of the Married" lên sóng tại Hàn Quốc.

Hiệu ứng lan đến Việt Nam

Năm 2020, chúng ta nhìn thấy sự trỗi dậy của phong cách thời trang "high-teen" vốn từng làm mưa làm gió trong những tác phẩm nổi tiếng những năm 2000 như "Gossip Girls" hay "Clueless". Hay rõ ràng hơn là tác động của những bộ phim Hàn Quốc đến với khán giả Việt.

Sau khi "Crash Landing on You" lên sóng, chiếc váy hoa của Vanessa Bruno được nữ diễn Son Ye Jin mặc nhanh chóng trở thành cơn sốt được tìm mua trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Đầm họa tiết hoa hồng, trong bộ sưu tập Thu Đông 2019 của Dolce & Gabbana xuất hiện trong phim giá hơn 2.500 USD cũng được nhiều ngôi sao Việt Nam diện ngay sau đó. Hiệu ứng này cũng xuất hiện với những trang phục mà Seo Ye Ji diện trong "Psycho But It's Okay" hay Kim Hee Ae mặc trong "The World of Married".

Việc đầu tư trang phục một cách chỉn chu, đầy hàm ý tuy chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng cũng manh nha xuất hiện. Tiêu biểu phải kể đến bữa tiệc thị giác đầy sang trọng trong "Gái già lắm chiêu V". Bên cạnh các nhãn hàng nổi tiếng như Chanel, Hermès, Louis Vuitton,... phim còn lồng ghép nhiều thiết kế của NTK Đỗ Mạnh Cường, tạo nên một bộ sưu tập sang trọng, quý phái và đặc biệt là thể hiện rõ tính cách của ba nhân vật chính của bộ phim. Đồng thời, đặt giá trị của những sản phẩm do NTK Đỗ Mạnh Cường ngang hàng với các thương hiệu lớn kia.

Tận dụng tốt trang phục trong phim không chỉ khiến bộ phim thêm phần hoàn hảo, truyền đạt tốt nội dung, nâng cao chất nghệ thuật mà còn thể hiện rõ yếu tố văn hóa, truyền thống hay tư tưởng mà bộ phim muốn truyền tải. Việc kết hợp yếu tố thời trang với các nhãn hàng, công ty lớn cũng góp phần hỗ trợ đoàn làm phim một khoản chi phí lớn. Đây thật sự là một hướng đi đáng cân nhắc đối với các nhà làm phim việc để có một phương pháp mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Khải An
.
.