Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương: Anh vẫn như ngày nào
Nhà văn Quân đội, Thiếu tướng Hồ Phương hiện cư ngụ ở Khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Khi tôi đến thăm ông, vừa định bấm chuông thì cũng là lúc nhà văn đi phố về. Buổi chiều nắng gắt, trán ông lấm tấm mồ hôi. Ông cười bảo tôi: “Mình đi xin học cho đứa cháu”, rồi mời tôi vào nhà.
Cùng lên tầng hai, để nguyên bộ quần áo vừa đi về, ông tiếp tôi. Trong bộ thường phục trông ông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi gần 80. Nhà văn tươi trẻ, thân tình như hồi nào chúng tôi cùng quân ngũ.
“Lớp nhà văn quân đội trưởng thành từ trong khói lửa chiến thanh thành đạt khá đông thế mà được phong tướng không nhiều” - nghĩ thế nên tôi hỏi ông:
- Nghe nói anh là nhà văn đầu tiên trong Quân đội được phong hàm cấp tướng?
Ông cười rồi chậm rãi cho tôi biết:
- Năm 1990, Tổng cục Chính trị có chủ trương phong quân hàm cấp tướng cho một số quân nhân là nhà văn. Trong cuộc gặp gỡ với các nhà văn Quân đội tại trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ là thượng tướng Nguyễn Nam Khánh nói: “Chúng ta đã có cấp tướng về quân sự, về chính trị, về khoa học kỹ thuật... Lần này Tổng cục Chính trị có chủ trương lấy ý kiến của các đồng chí để phong tướng cho các nhà văn”.
Những năm trước đó do yêu cầu tăng cường đội ngũ văn nghệ sĩ cho bên ngoài, nhiều văn nghệ sĩ được chuyển ngành như nhà thơ Chính Hữu, nhà văn Hữu Mai, nhà văn Nguyễn Khải, nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sĩ Huy Du...
Nếu còn ở Quân đội có thể trong số đó có người được phong tướng.
Sau khi tọa đàm thân mật với các nhà văn, Tổng cục cho bỏ phiếu kín, thăm dò sự tín nhiệm. Trong cuộc bỏ phiếu kín thăm dò lần ấy, người có số phiếu cao nhất là nhà văn Hồ Phương.
Hồ Phương là nhà văn trưởng thành từ “Chiến sĩ Quyết tử” của Thủ Đô sáu mươi ngày đêm khói lửa bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông, gìm chân quân xâm lược cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn suốt những năm chống Pháp trong đội hình của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội là Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng, từ người lính lên Chính trị viên đại đội.
Năm 1949 ông phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của Quân đội là báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308, cũng là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Tạp chí Quân đội nhân dân. Cả cuộc đời ông gắn bó với quân đội và viết về quân đội về chiến tranh cách mạng.
Qua các thời kỳ, các giai đoạn của lịch sử, nhiều tác phẩm của ông vẫn “neo đậu” được trong lòng bạn đọc như: “Thư nhà”, “Cỏ non”, “Biển gọi”, “Hà Nội nơi xa”…
Truyện ngắn viết về bộ đội của Hồ Phương xuất hiện khá sớm. “Lưỡi mác xung kích” và “Thư nhà” năm 1948 đem đến cho văn học kháng chiến hình ảnh người chiến sĩ mới, sau này được gọi bằng cái tên trìu mến, thân thương là “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Hiếm có một truyện ngắn đầu tay của một nhà văn không chuyên lại được bạn đọc và cả những người viết văn lớp trước trân trọng như thế. Nhất là trong hoàn cảnh những năm đầu kháng chiến, không ít các nhà văn còn bàn chuyện “nhận đường”, viết về kháng chiến như thế nào? “Thư nhà” của Hồ Phương như là một phát hiện về hình ảnh anh bộ đội kiểu mới.
Nhà văn Hồ Phương tâm sự:
Đời viết văn của tôi, kỷ niệm thì nhiều, chỉ xin được kể đôi điều. Sau này, khi Tổng cục Chính trị thành lập Tạp chí văn nghệ Quân đội, nhiều nhà văn, nhiều bạn viết trong quân đội được mời về. Một cuộc hội ngộ rất có ý nghĩa: Hồ Phương, Hữu Mai từ Đại đoàn chủ lực 308, Nguyên Ngọc từ chiến trường Khu 5, Xuân Thiêm từ chiến trường Khu 3...
Câu chuyện nhà thơ Xuân Thiêm kể nhiều người nhớ mãi: Hồi ấy ở Khu 3, quân đội Pháp tiến hành nhiều cuộc càn quét vào các địa phương đồng bằng sông Hồng để tiêu diệt bộ đội chủ lực. Chúng đi đến đâu cũng cướp bóc, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ.
Nhiều phụ nữ là vợ, là người yêu, là người thân của những người lính. Những người phụ nữ bị hãm hiếp đau khổ về tinh thần thể xác nhưng đau đớn hơn là bị xã hội coi thường, bị người yêu hoặc chồng bỏ. Một hiện thực khá phổ biến lúc bấy giờ. Hạnh phúc của nhiều lứa đôi bị tan vỡ. Giải quyết như thế nào trước thực tế này?
Hồi đó nhiều địa phương có hai loại quan niệm khác nhau: Có người cho rằng, người phụ nữ bị địch hiếp, chồng (hoặc người yêu) bỏ là đúng. Cũng có loại ý kiến khác là chồng (hoặc người yêu) bỏ như thế là vô nhân đạo.
Những người lãnh đạo ở huyện Đông Triều đọc được “Thư nhà” của Hồ Phương và chấp nhận việc giải quyết của người lính trong đó là đúng: “Đúng đây là cách giải quyết của người chiến sĩ cách mạng”. Cách giải quyết trong “Thư nhà” được nhiều địa phương chấp nhận để hòa giải cho các gia đình gặp hoàn cảnh éo le như thế.
“Thư nhà” không những được người đọc lớn tuổi yêu thích mà còn được bạn đọc nhỏ tuổi một thời đón nhận nên đã đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong nhà trường nhiều năm trước đây.
Năm 1960 Hồ Phương viết “Cỏ non”. Đây là truyện ngắn hay được chọn vào giảng dạy trong chương trình văn học ở trường phổ thông. Nhiều giáo viên nhận ra nhân vật trong truyện ngắn là Hồ Giáo - người anh hùng lao động làm nghề chăn bò ở nông trường.
Thực ra thì truyện ngắn “Cỏ non” của nhà văn Hồ Phương ra đời được mấy năm thì Hồ Giáo mới được Nhà nước tuyên dương là Anh hùng Lao động. Điều đó nói lên khả năng dự báo của nhà văn. Nhân vật Nhẫn được nhà văn xây dựng trong truyện ngắn mang những nét điển hình của những người anh hùng trong đời thường.
Trong những năm đầu đánh Mỹ, Quảng Bình, Vĩnh Linh là những địa được mệnh danh là “đất lửa”, “đất thép”. Ký sự “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” của nhà văn Hồ Phương khá điển hình, phản ảnh cuộc sống chiến đấu của tập thể các chiến sĩ pháo phòng không ở đảo Cồn Cỏ mà tiêu biểu là Thái Văn A. Ký sự có tác dụng tốt động viên tinh thần chiến đấu, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, leo thang tàn bạo của Mỹ.
- Có một chuyện cảm động. Tôi được nghe những người trực tiếp phục vụ Bác kể lại. Ký sự “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” được chọn gửi sang Trung Quốc cho Bác Hồ đọc vì hồi đó - cuối những năm 60 của thế kỷ XX, Bác mệt phải thường xuyên sang chữa bệnh ở nước bạn. Nghe nói Bác Hồ rất cảm động khi nghe đọc “Chúng tôi ở Cồn Cỏ”. Bác hỏi nhà văn nào viết? Người đọc truyện nói của Hồ Phương. Bác khen “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” là một quyển sách tốt. Cách viết chân thực và sinh động, có tác dụng giáo dục, động viên quân và dân ta noi theo những chiến sĩ Cồn Cỏ.--PageBreak--
Nhà văn Hồ Phương kể về sự đón nhận cảm động của Việt kiều người Hà Nội ở Canada đối với tác phẩm “Hà Nội nơi xa”: Năm 2000 nhà văn được mời sang Canada thăm gia đình người anh định cư ở đấy và dự đám cưới đứa cháu. Biết ở đấy cũng có những Việt kiều quá khích nên người anh dặn ông trong đám cưới có nhiều Việt kiều, không nên nói gì.
Nhưng không ngờ, hôm dự đám cưới, nhiều người tìm đến hỏi thăm ông. Nhiều người cảm động khi được biết Hồ Phương là tác giả “Hà Nội nơi xa” đã được Hội Việt kiều đăng trên tạp chí Đất Việt trước đó.
Câu chuyện của nhà văn Hồ Phương về người “Hà Nội nơi xa” làm xúc động những người Việt Nam ở Châu Mỹ. Đúng là văn học đã giúp cho con người gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn.
Tôi hỏi ông:
- Tại sao viết về một nhân vật anh hùng có thật là Kan Lịch anh đề là “tiểu thuyết”?
- Tôi xây dựng Kan Lịch là một hình tượng văn học mang tính riêng và tính chung, vừa cụ thể vừa khái quát. Đúng là có người sống, chiến đấu cùng Kan Lịch nói rằng nhân vật trong tiểu thuyết không giống Kan Lịch.
Nhưng một lần, tôi và nhà văn Hữu Mai đến trạm khách Bộ Quốc phòng để gặp các anh hùng ở miền Nam vừa ra Bắc. Chúng tôi cùng gặp Kan Lịch, vui câu chuyện nhà văn Hữu Mai hỏi: “Anh Hồ Phương viết về Kan Lịch có đúng không?”. Kan Lịch hồn nhiên trả lời:” Viết đúng mình lắm chứ”. Thế đấy, vừa giống lại vừa không giống nguyên mẫu.
- Có người nói, nhà văn Hồ Phương về già càng viết khỏe?
- Trong năm năm (2000-2005) tôi viết ba tiểu thuyết và đã được xuất bản- mỗi cuốn hơn 500 trang: “Yêu tinh”, “Ngàn dâu” và “Những cánh rừng lá đỏ”, nói chung là được nhiều tiếng khen thế là mừng rồi. Tiểu thuyết “Yêu tinh” được nhận Giải thưởng của Bộ Công an và tiểu thuyết “Ngàn dâu” được Giải thưởng của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Vừa rồi, tiểu thuyết “Cha và con” của tôi viết về Bác Hồ và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng đã được NXB Kim Đồng ấn hành và được dư luận đánh giá rất tốt. Chỉ chưa đầy tháng mà nghe nói sách đã in nối bản mấy lần, với số lượng phát hành lên tới 7.000 bản. Mình nghĩ, mình viết được là vì vốn sống vẫn chưa khai thác hết, lại nữa bây giờ nghỉ rồi có nhiều thời gian và cũng phải nói là đời sống vật chất bây giờ đầy đủ hơn trước nhiều lắm...