Thi sĩ Trần Vũ Mai: Duyên nợ với Nha Trang
Thực ra anh tên là Vũ Xuân Mai, quê ở Hà Trung - Thanh Hóa. Nhưng Mai đã "phải lòng" Nha Trang từ khi còn là cậu sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, qua những trang thơ của Trần Mai Ninh, thi sĩ cách mạng bất tử, người đồng hương Thanh Hóa của anh, tấm gương một thi sĩ - chiến sĩ mà anh thầm nguyện sẽ noi theo trọn đời. Những câu thơ đầu tiên anh đọc cho chúng tôi nghe khi cùng nhau tụ hội về Trường bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ Quảng Bá - Hội Nhà văn Việt Nam 1971 - bên cạnh những câu thơ của các thi hào thế giới P.Elua, Nezvan và của những bạn thơ từ các đô thành miền Nam vừa mới ra Bắc: Trần Vàng Sao, Nguyễn Hữu Ngô, là những câu thơ kỳ diệu của Trần Mai Ninh trong bài "Nhớ máu":
Ơi hỡi Nha Trang
Cái đô thành vĩ đại
Biết bao người đã niệm đọc tên mi
Và Khánh Hòa vĩ đại
Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người
Cả hồn ta sát tới…
Thần phục Trần Mai Ninh, Vũ Xuân Mai đã lấy họ của nhà thơ chiến sĩ đồng hương làm họ bút hiệu của mình. Và theo chính con đường của Trần Mai Ninh, con đường Nam tiến, xuyên Việt năm xưa, anh đã lên đường đến với chiến trường Khu 5 ác liệt, đến với Nha Trang xa thẳm Cực Nam.
Anh em văn nghệ giải phóng Khu 5 chúng tôi hồi ấy ai cũng ngạc nhiên vì tình yêu kỳ lạ của Trần Vũ Mai đối với mảnh đất Cực Nam, đối với Nha Trang mà anh chưa từng đặt chân tới. Vừa vào đến Khu ủy Khu 5 ở Trà Mi, Quảng Nam được ít ngày, anh đã xin đi ngay về chiến trường Cực Nam. Hồi ấy Cực Nam là chiến trường gian khổ và ác liệt nhất của Khu 5 vốn đã vô cùng ác liệt. Đường vào Cực Nam lại dằng dặc và hết sức nguy hiểm. Nhưng với anh, mọi cái đều không đáng kể. Điều quan trọng nhất là được đến Cực Nam, đến được Nha Trang của anh. Và anh lại ba lô đi tiếp chặng đường xuyên Việt trong nỗi ám ảnh không dứt của cái đô thành mang tên Nha Trang:
Rồi tôi đi qua những cánh rừng
Có đêm chợp ngủ bên dòng Daksuk
Súng để gối đầu chân thì gối dép
Nghe ngọn gió nào cũng như gió Nha Trang
Tôi ngoảnh lại
Tuy Hòa rung mềm mại
Tuy Hòa vui trong gió thổi
Lúc bấy giờ
Lúc ấy
Hỡi Nha Trang
(Thành phố nghiêng mình)
Nhà thơ Trần Vũ Mai (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn văn: Nguyễn Khắc Phục, Thanh Quế, Dương Đức Quảng ở căn cứ Trà My, Quảng Đà (năm 1974). |
Với "Những người đã lớn", "Cực Nam", "Thành phố nghiêng mình" và sau này là trường ca "Ở làng Phước Hậu", thơ Trần Vũ Mai là khúc tráng ca của thế hệ đi giải phóng và thống nhất đất nước. Trong thơ anh, hiện thực cuộc sống chiến đấu hiện lên gồ ghề trần trụi như nó vốn có. Ở đó, sự hào hùng đan xen nỗi bi thương. Ở đó hy vọng, niềm tin thực sự ánh lên từ máu lửa, từ những gian truân, đau đớn tột cùng.
Nha Trang giải phóng. Cùng những cánh quân của sư đoàn 968, Trần Vũ Mai đã có mặt ở Nha Trang từ những ngày đầu tháng 4/1975:
Lúc bấy giờ
Nha Trang
Những người phá thành vây đã tới
Nha Trang nghiêng mình
Manh áo Mỹ bạc màu rơi xuống biển
Những em gái cầm chổi ra đường
Hốt rác đầy mũ lính
Thành phố hiện ra cùng ánh cờ sao
(Thành phố nghiêng mình)
Đến được với giấc mơ của mình, Trần Vũ Mai đã sống thật hết mình, thật trọn vẹn với Nha Trang. Nhiều anh em văn nghệ giải phóng Khu 5 vì mến anh đã theo anh về với Nha Trang - Khánh Hoà. Anh đã giới thiệu Thanh Hồ, Thế Vũ, Trần Huyền Ân, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Hoàng Thu, Lê Văn Ngăn… vào những cơ quan văn hoá văn nghệ cách mạng. Anh chủ biên tuyển tập thơ Phú Khánh đầu tiên, sáng lập tờ Văn nghệ Phú Khánh. Anh thu hút mọi người bằng tài năng và nhiệt huyết của mình. Nhiều người dân Nha Trang yêu tài mến tình anh đã họp vào với anh em văn nghệ. Có vẻ như Trần Vũ Mai đã chuẩn bị cho một cuộc sống ổn định lâu dài với Nha Trang. Anh đã đưa người bạn gái của anh, một cô gái gốc Bắc ở Sài Gòn mới thương nhau từ những ngày đầu Sài Gòn giải phóng, về với căn hộ nhỏ của anh ở chung cư chợ Đầm. Em gái và em rể anh cũng đã vào Học viện Không quân. Anh chuẩn bị đưa mẹ từ Hà Nội và đón cha từ chiến trường Lào vào đoàn tụ tại Nha Trang của anh. Sau các truyện ngắn xuất sắc "Dắt đèn", "Bậc biển", Mai đã chuẩn bị rất kỹ càng cho những cuốn tiểu thuyết về tiểu đoàn đặc công nước 407, về nhà giáo liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh ở thị trấn Ninh Hòa…
Nhưng rồi cuộc chia tay định mệnh đã đến…
Chúng tôi thật sự hết sức bất ngờ khi biết anh quyết định từ biệt Nha Trang về lại Hà Nội. Dù biết anh vừa trải qua những chuyện riêng rất đau lòng, chúng tôi tin vào ý chí và nghị lực của anh.
Hoạ sĩ Thanh Hồ vẫn thường nói: "Trần Vũ Mai không thể sống thiếu Nha Trang, Nha Trang cũng không thể thiếu Trần Vũ Mai".
Nhưng Trần Vũ Mai đã quyết tâm dứt áo ra đi, trở lại Hà Nội. Và đó quả là một cuộc chia tay định mệnh.
Sau này, chúng tôi mới hiểu bên trong khuôn mặt chữ điền cương nghị của anh, bên trong con người hết sức dũng cảm và sắt đá của anh, một hình ảnh tuyệt đẹp thời chiến tranh của chúng tôi, là một trái tim thật yếu đuối trước những bội phản và sự tan vỡ lý tưởng. Anh về lại Hà Nội, là một biên tập viên có uy tín của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Anh vẫn làm thơ, dù không công bố nữa. Sau khi anh mất, được đọc thơ anh giai đoạn này, người ta mới biết Trần Vũ Mai vẫn đang âm thầm tìm kiếm trong sự cô đơn, trong nỗi thất vọng mênh mông, một lối đi riêng trong thơ, rất độc đáo, rất hiện đại. Đó là những bài thơ sâu thẳm nỗi đau của người đã từng qua những thử thách lớn, những mất mát lớn nhưng vẫn tin yêu trong trẻo lạ lùng.
Gặp anh ở Hà Nội, lúc nào tôi cũng thấy anh, cũng như thơ anh, cô đơn, lạc lõng, ngột ngạt, bế tắc vô cùng giữa chốn phồn hoa đô hội. Có lẽ anh ngột ngạt, bế tắc vì thiếu "bầu trời xanh thẳm Cực Nam", thiếu tiếng sóng gió Nha Trang nôn nao thuở nào chăng? Bởi vì, tuy sống giữa Hà Nội, Trần Vũ Mai vẫn không ngừng bị một Nha Trang cao xanh, lộng gió ám ảnh:
Chúng ta tới buổi chiều hè thứ nhất
Nón trắng bừng, sóng chùng lại Hồ Gươm
Các cô gái tươi cười nóng nôi nồng nhiệt
Áo choàng bay như thể bỏ quên
Những lá lá bay trên đá lát
Vâng, Hà Nội cao vần lên xanh nhạt
Cũng như trời mây lộng gió Nha Trang
(Vâng, Hà Nội)
Xa Nha Trang, nhưng Trần Vũ Mai vẫn hết lòng hết sức với Nha Trang khi có dịp. Tôi nhớ một kỷ niệm vui. Vào giữa những năm 1980, khi là lãnh đạo Sở VHTT Phú Khánh, tôi ra Hà Nội họp cùng với nhà thơ Văn Công, khi ấy là Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh. Biết Phú Khánh đang khó khăn trong việc tìm nhân sự lãnh đạo Hội VHNT, Trần Vũ Mai rất nhiệt tình giới thiệu hai nhà thơ Đào Xuân Quý và Nguyên Hồ, người gốc Khánh Hòa và Phú Yên, đang công tác ở Hà Nội, với nhà thơ Văn Công. Với chiếc xe đạp mini cà tàng, Trần Vũ Mai đã nhiều lần đạp xe chở nhà thơ Văn Công, vốn là một người rất yêu mến anh thời cùng sống trên vùng chiến khu Phú Yên, đến thăm để vận động thuyết phục hai nhà thơ lão thành về giúp quê hương. Có lần, vì xe tuột xích và cũng vì đang ngà ngà say, Trần Vũ Mai đã quẳng ông Phó Chủ tịch tỉnh kiêm nhà thơ xuống lòng đường Chu Văn An, ngay trước Nhà khách Chính phủ…
Hiểu tấm lòng anh, lãnh đạo tỉnh Phú Khánh, Sở VHTT và Hội VHNT nhiều lần nhắn mời Trần Vũ Mai về lại Nha Trang thăm anh em, nghỉ ngơi và viết. Anh có về một hai lần nhưng mỗi lần cũng chỉ ở một hai ngày rồi vội vã ra đi như trốn chạy chính mình. Vì sao thế, anh Mai?
Lần cuối cùng, tôi gặp Trần Vũ Mai là vào mùa hè 1990. Lúc này trông anh xác xơ, tiều tuỵ, giọng nói yếu hẳn, tay run lẩy bẩy. Rượu làm anh chếnh choáng suốt ngày, nhưng khi nhắc đến Nha Trang anh như tỉnh hẳn ra. Như mọi lần, anh lại hỏi thăm về Nha Trang thật cụ thể, chân thành. Anh lại đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ tuyệt đẹp về Cực Nam, về làng Phước Hậu, về Nha Trang của mình:
Nhớ sao giọt sáng trời xanh
Nghe chừng Phước Hậu lá cành bên môi
Nghe chừng nhẹ thoáng mưa rơi
Căn hầm thứ nhất của người vượt đêm
Và mưa vuốt mặt cuối thềm
Mẹ ngồi vắt áo dịu hiền, ngó xa
Áo vừa khô lại mưa qua
Rồi vai dần thấm lệ nhòa mẹ tôi…Tôi nhớ những ngày tôi sống
Tôi nhớ bầu trời Cực Nam lồng lộng
Có một phần xanh thắm cho anh
Xanh thắm mãi không ngừng
Ôi nỗi nhớ lây lòng chi lạ
Thấm dần và nảy nở…
(Ở làng Phước Hậu)
Lúc đó, tôi đã linh cảm một điều chẳng lành: Trần Vũ Mai đã như một ngọn nến sắp cháy đến những giọt cuối cùng.
Một năm sau, từ Nha Trang, chúng tôi nhận được tin anh từ trần trong dòng nước lạnh dưới đáy hồ Nghĩa Đô, giữa một ngày đông giá buốt.
Đã dũng cảm vượt qua được những thử thách nghiêm khắc và khốc liệt nhất của chiến tranh, nhưng không vượt qua được những đổ vỡ, trái ngang, oan nghiệt của đời thường hậu chiến, có vẻ như Trần Vũ Mai đã tự chọn cho mình một kết cục như vậy, như "những con rồng bay đến hết độ bay, chỉ còn nước rơi xuống chết" (Nguyễn Thụy Kha). Cuộc đời và cái chết của Trần Vũ Mai là một bi kịch bí ẩn của đời sống văn học sau chiến tranh.
Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ, (có lẽ đơn giản quá chăng), bi kịch đó có thể đã không xảy ra, nếu ngày đó Trần Vũ Mai đừng quyết định rời bỏ Nha Trang, Khánh Hòa, rời bỏ mảnh đất Cực Nam yêu dấu của anh.
Có phải thế không, anh Mai?