Thầy giáo trẻ như ca dao tục ngữ
Hai mươi năm... Thầy vẫn bắc cầu kiều
Nâng bước đàn em trên dòng hay chữ
Thầy vẫn trẻ như ca dao, tục ngữ
Giản dị và giàu, khai thác mãi không vơi
Em mang về gương mặt tuổi ba mươi
Lại bé nhỏ đứng bên thầy, bẽn lẽn
Vẫn đỏ mặt khi thầy khen em lớn
(Mười hai tết xa thầy... Em làm được gì đâu!)
Qua mấy con sông, qua mấy nhịp cầu
Em vẫn nhớ một cây cầu thầy bắc
Cây cầu ấy có tay vịn chắc
Những dòng chữ tập bay chuyền em vịn vào đây!
Mười hai năm... em cất cánh bay
Thấy đạo lý làm người thêm sáng
Và lấp lánh những gì chưa kịp rạng
(Em mang lời thầy và cuộc sống soi nhau)
Nhà thầy nghèo đã đủ ngói lợp đâu
Đêm thu mát đón trăng - Thầy mở liếp
Thầy ơi! Sao cái riêng thầy ít
Cả tấm lòng thầy dành cho chúng em?
Cái giàu của thầy em có cách hiểu riêng
Chính là cái thầy đem cho đó
Giá chúng em như cây mận, cây đào trước ngõ
Sẽ bảo nhau kết hoa nở đầy cành giữa buổi sáng
xuân nay
Thầy ơi!
Mỗi chúng em một tác phẩm của thầy
Thầy trau chuốt và trao cho Tổ quốc
Chúng em ở khắp miền đất nước
Vẫn quanh thầy như sao tụ quanh trăng
Ngọc thầy mài - những viên ngọc lung linh
(Bạn bè em nhiều anh hùng, dũng sĩ...)
Thầy vẫn thế, cứ vô cùng bình dị
Vẻ đẹp thầy lặn ở mỗi chúng em.
(Tác phẩm của thầy, tác phẩm của em - Ngọc Mài)
Tôi đã tìm lại trong ký ức và lật sách tìm những vần thơ của các thế hệ học trò từ xưa đến nay nói về người thầy giáo. Số bài thơ có được không phải ít, và không phải không có những bài hay. Riêng tôi, tôi chỉ thích bài thơ này của Ngọc Mài. Đôi khi tôi đã đặt câu hỏi: Phải chăng đây là tình nghĩa của nhiều thế hệ học trò đối với thầy giáo đọng kết thành thơ qua câu chữ của Ngọc Mài?
Hai mươi năm... Thầy vẫn bắc cầu kiều
Nâng bước đàn em trên dòng hay chữ
Thầy vẫn trẻ như ca dao, tục ngữ
Giản dị và giàu, khai thác mãi không vơi
Hình ảnh "cầu kiều" và "dòng hay chữ" là hình ảnh cũ của văn học dân gian, ở đây anh chỉ gợi để làm nền. Từ đó, anh đã sáng tạo được một hình ảnh thơ đẹp: "Thầy vẫn trẻ như ca dao tục ngữ"... Đọc đến câu này, tôi giật mình, mạch thơ đột ngột chuyển hẳn từ việc mượn hình ảnh xưa sang khám phá và sáng tạo hình ảnh mới.
Trước đây nhiều người đã nói về sự giản dị và giàu của ca dao tục ngữ. Nhưng so sánh người thầy giáo với ca dao tục ngữ thì chỉ có anh. Và anh đã nói đúng. Vẻ đẹp của người thầy giáo là vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của cuộc sống.
Tôi xúc động đến tần ngần khi đọc khổ thơ:
Nhà thầy nghèo đã đủ ngói lợp đâu
Đêm thu mát đón trăng - Thầy mở liếp
Thầy ơi! Sao cái riêng thầy ít
Cả tấm lòng thầy dành cho chúng em?
Cái nghèo thanh bạch về vật chất và cái giàu sáng trong của tâm hồn người thầy giáo đã được anh nói bằng hình ảnh đẹp, điển hình. Tâm hồn người thầy giáo ở đây là tâm hồn của các nhà thơ: yêu thiên nhiên, đến với thiên nhiên bằng cả tấm lòng thanh thoát và rộng mở. Đó cũng là tâm hồn đẹp của người Việt
Không dừng lại ở việc ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người thầy, Ngọc Mài đã nhìn thấy vẻ đẹp sâu xa của thầy giáo ở kết quả những sản phẩm vô giá mà người thầy giáo trao cho Tổ quốc:
Ngọc thầy mài - những viên ngọc lung linh
(Bạn bè em nhiều anh hùng, dũng sĩ...)
Thầy vẫn thế, cứ vô cùng bình dị
Vẻ đẹp thầy lặn ở mỗi chúng em.
Anh đã dùng hình ảnh những viên ngọc sáng, theo quan niệm truyền thống là những thứ quý nhất ở đời để tôn cao giá trị đích thực của người thầy. "Vẻ đẹp thầy lặn ở mỗi chúng em" là một câu thơ kết nén tình cảm đến thành trí tuệ.--PageBreak--
Tôi đã gặp thầy giáo của Ngọc Mài - nhà giáo Trần Huy Bính - thầy giáo dạy văn cho Ngọc Mài sáu năm cấp hai và cấp ba (nay là trung học cơ sở và trung học phổ thông), ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, người được Ngọc Mài kính đề tặng ở đầu bài thơ, trong một lần cùng tham gia hội giảng giáo viên dạy giỏi của tỉnh Hải Hưng cách đây hai mươi nhăm năm.
Không, tôi không xem nhà giáo Trần Huy Bính là toàn bộ hình ảnh người thầy giáo trong bài thơ. Văn chương nghệ thuật là hư cấu và tưởng tượng. Nhưng tôi phải nhận rằng nhà giáo Trần Huy Bính chính là nguyên mẫu trực tiếp đã mang lại cho Ngọc Mài cảm xúc viết nên bài thơ, và có đầy đủ vẻ đẹp mà Ngọc Mài viết trong tác phẩm. Người thầy giáo ấy tất phải có người học trò ấy.
Ca ngợi thầy bằng những hình ảnh đẹp chưa đủ, Ngọc Mài còn muốn trực tiếp thể hiện tình cảm của mình đối với thầy giáo:
Em mang về gương mặt tuổi ba mươi
Lại bé nhỏ đứng bên thầy, bẽn lẽn
Vẫn đỏ mặt khi thầy khen em lớn…
Miêu tả những biểu hiện bên ngoài, tác giả đã nói được sâu sắc nội tâm của người học trò: dù hôm nay đã làm được nhiều điều lớn lao vẫn bé nhỏ trước người thầy giáo cũ. Tâm trạng của anh cũng là tâm trạng của những người học trò chân chính nhiều thế hệ.
Người học trò ấy bước vào đời "mang lời thầy và cuộc sống soi nhau", như chim bay vẫn nhớ về tổ cũ, như dòng sông ra biển vẫn nhớ về ngọn nguồn… Nỗi nhớ ở đây không phải chỉ như một kỷ niệm, mà là nỗi nhớ tiếp thêm sức mạnh, rút ra những bài học thiết thực. Một hình ảnh đẹp đã được tạo từ tình cảm sâu nặng ấy:
Chúng em ở khắp miền đất nước
Vẫn quanh thầy như sao tụ quanh trăng
Còn phần thưởng nào cao quý hơn đối với người thầy giáo bằng tình cảm đầm ấm vây quanh của học trò?
Người học trò ước ao trả nghĩa một phần công ơn của thầy. Tất nhiên không thể trả nghĩa bằng tiền bạc. Tiền bạc có nghĩa lý gì với tâm hồn cao đẹp của người thầy giáo chân chính! Chỉ có thể đem tình cảm để đáp lại tình cảm. Anh đã ước mơ:
Giá chúng em như cây mận, cây đào trước ngõ
Sẽ bảo nhau kết hoa nở đầy cành giữa buổi sáng xuân nay
Chắc là thầy sẽ vui. Làm sao cho thầy giáo được vui lòng, đó là ước mơ, là trách nhiệm của bao thế hệ học trò. Chỉ có những thời kỳ lịch sử thối nát, xã hội suy tàn, đạo đức bị băng hoại, quan hệ thầy trò mới được đo bằng tiền bạc: Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ôi, mới nhắc lại thôi mà tôi cũng đau lòng. Không thể tưởng tượng nổi một dân tộc có truyền thống "tôn sư trọng đạo" như dân tộc ta mà cũng có lúc để cho một số bọn người làm vấy bẩn quan hệ thầy trò đến như thế ư? Những thời kỳ tiến bộ của lịch sử, tình nghĩa thầy trò bao giờ cũng là thước đo đạo lý của xã hội và của mỗi người.
Em là tác phẩm do thầy bồi đắp nên. Thầy là một tác phẩm lớn của cuộc sống mà chúng em phải khai thác để làm giàu, làm đẹp thêm cuộc đời. Tư tưởng chủ đề đó, Ngọc Mài đã hoàn thành được bằng một giọng thơ ân tình, bình dị và trong sáng.
Có được những hình thơ đẹp trước hết là ở tâm hồn đẹp của anh, một tâm hồn chân thật. Ngọc Mài tuy sức khỏe yếu (anh đã mất cách đây mấy năm), nhưng khi sống anh vẫn yêu đời, hăng hái tham gia công tác xã hội. Có lẽ tình yêu cuộc sống, tình yêu con người đã trợ lực cho anh viết được những vần thơ hay đó chăng?
Trong hoàn cảnh những năm gần đây, phải đọc quá nhiều những bài thơ trung bình như những ánh huỳnh quang nhợt nhạt, có được một bài thơ "Tác phẩm của thầy, tác phẩm của em" là một điều rất quý. Riêng về đề tài thầy giáo và nhà trường, bài thơ trên đây của Ngọc Mài thực sự là một ngọn lửa sáng, là một trong những bài thơ được nhiều người yêu thích