Thanh Tùng: Giọt nắng bên thềm đã tắt

Thứ Hai, 28/03/2016, 08:01
Một cuối chiều đầy nắng và gió trong vườn, nơi cõi mộng của Saxophone Trần Hà nằm phía sau khu Tháp Bà Ponagar Nha Trang, chúng tôi quyết định lên tàu hướng ra sông Cái. Hơn mười người gồm cả người lớn và trẻ con lỉnh kỉnh nhạc cụ bước lên một hành trình đêm dọc theo con sông thơ mộng, hai bên bờ là những rặng dừa xanh mướt, thỉnh thoảng hiện ra những mái nhà với thứ ánh sáng leo lắt thật buồn. Trên cao, bầu trời đầy trăng sáng và chung quanh là những vì sao cô đơn nằm lẻ lạc. Chúng tôi đã hát và trình tấu những bài nhạc tưởng niệm Thanh Tùng ngay tại quê hương của anh, Nha Trang. 


Tôi bỗng so vai: mới ngày nào tôi rời bỏ Hà Nội về lại TP Hồ Chí Minh đúng vào ngày nhà thơ Bùi Giáng mất, thì hôm nay, ngày tôi đến Nha Trang, mùng bảy âm lịch, tháng hai (15/3/2016) lại rơi ngay vào  ngày nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời.

Chưa đầy một năm qua, chúng ta đã phải nói lời chia tay với quá nhiều người nhạc sĩ tài hoa, từ thế hệ tiền bối là các nhạc sĩ gạo cội như Trần Văn Khê, Hữu Bằng, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân đến lớp nối tiếp là các nhạc sĩ trẻ Lương Minh, Lê Ngọc Anh Kiệt (violon), Trần Lập…  Tôi quyết định viết điều gì đó về anh, nhạc sĩ Thanh Tùng ngay tại nơi anh sinh ra và rời khỏi năm anh chỉ vừa sáu tuổi. Dù chỉ là chút ấu thơ thôi, nhưng con người ai chẳng có quê hương nguồn cội?

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết "Trở về dòng sông tuổi thơ" để nhớ về miền Tây sông nước thì Thanh Tùng đã hướng vọng về quê hương bằng những ca khúc "Phố biển" hay "Chuyện tình của biển"… Đó chính là nơi tôi đang ngồi đây ngồi nhớ đến anh - Nha Trang.

Nhạc sỹ Thanh Tùng.

Ngày đó, 1993, khi Thanh Tùng và dàn nhạc sĩ thượng thặng gồm Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên, Tôn Thất Lập bước vào giảng đường A Trường đại học Tổng hợp TP Hồ CHí Minh, chúng tôi đã đứng dậy và ồ lên trong sự trầm trồ ngưỡng mộ. Lúc ấy, Thanh Tùng là người nổi bật nhất vì anh điệu đà, có phần kiểu cách.

Ở thời điểm mới trải qua thời bao cấp được mấy năm mà một nhạc sĩ đi xe hơi cổ, mặc veston trắng, đội nón rộng vành, miệng ngậm tẩu hút pipe thì có thể gọi là vương giả! Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhạc sĩ Thanh Tùng là vậy, bởi trước đó tôi đã từng mê đắm những ca khúc của anh. Tôi mạnh dạn đến xin anh số điện thoại và địa chỉ nhà, để xin một cái hẹn viết bài cho tờ báo Sinh viên thời nay của trường. Anh đồng ý.

Như sự nhắc lại của nhà văn Nguyễn Đông Thức, ngôi nhà ở TP Hồ Chí Minh của Thanh Tùng nằm ở Ngõ Cây Điệp, số 88. Còn ngôi nhà mà tôi đến, tôi nhớ không lầm lại là số 12D, căn biệt thự ở trong hẻm đường Phan Kế Bính, quận 1, đối diện nhà ông Trần Bạch Đằng. Ngày đó anh ra tiếp tôi, một đứa sinh viên rụt rè đang tập tành làm báo. Dù ngồi trong nhà, anh vẫn đội cái mũ rộng vành, tay ngậm tẩu và mặc đồ sang trọng. Đó là phong cách không lẫn lộn của một "tay chơi" trong làng nhạc bấy giờ. Sau khi biết được những gì về anh và âm nhạc mà anh đang truyền tải đến mọi người, bất cứ một ca khúc nào sau đó của Thanh Tùng tôi đều để tâm tìm hiểu.

Thời gian đó, TP Hồ Chí Minh có nhiều nhóm nhạc, một số nhạc sĩ có uy tín và tài năng thường lập nhóm nhạc để giúp đỡ lứa ca sĩ đàn em rồi tạo điều kiện cho đi hát, vừa vui vừa có thu nhập. Nếu như trước đó, phong trào ca khúc chính trị thời Cẩm Vân, Lệ Thu, Ngọc Bích, Trung Hành… với các ban nhạc Synco nữ, Hải Âu…v.v và sau đó nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu lập nhóm "Dây Leo Xanh" toàn nữ, thì nhạc sĩ Thanh Tùng lập ra nhóm "Những Làn Sóng Nhỏ" một thời nổi đình đám trên truyền hình và các sân khấu quần chúng.

Có thời, quán cà phê nhạc Những Người Bạn ở số 8 Nguyễn Văn Chiêm, quận 1 (nay là Café Trung Nguyên) làm ăn phát đạt. Nhóm những nhạc sĩ trong đó có Thanh Tùng lấy nơi đó làm nơi tụ tập. Bọn sinh viên chúng tôi lập nhóm hát bè cho các ca sĩ chính (lúc đó ca sĩ Thu Hà gần như hát độc quyền bài “Giọt nắng bên thềm”  mỗi lần được ngồi chung bàn "hầu rượu" cho các tiền bối mình ngưỡng mộ là mừng lắm.

Anh Thanh Tùng lúc nào cũng hiền lành, điềm đạm, thể hiện đúng chất "Công tử Bạc Liêu" mà không huênh hoang nhiều lời. Ở anh toát ra cái thần khí của một tướng lãnh thời phong kiến bởi gương mặt vuông vức và nam tính, nhưng ẩn bên trong là một tâm hồn nhẹ nhàng, phiêu bồng như chính âm nhạc của anh đã nói lên vậy.

Nói về âm nhạc của Thanh Tùng thì thật vô cùng, nhưng tựu chung lại chỉ có thể nói gọn trong một câu: Thanh Tùng là một nhạc sĩ thuần chất tình ca. Nhưng tại sao rất nhiều người viết tình ca và cả đời đi tìm sự tách biệt, sự đứng riêng một mình mà vẫn không thành công, còn Thanh Tùng thì đã làm được điều đó và làm một cách nhẹ nhàng như hơi thở?

Sự khác biệt của âm nhạc Thanh Tùng đến từ chính khả năng bẩm sinh của anh và những rung động quá đẹp về tình yêu và vạn vật chung quanh anh ấy. Hãy cảm nhận ngay từ tựa đề của những ca khúc nổi tiếng trong khoảng 200 ca khúc anh đã viết: Câu chuyện nhỏ của tôi, Mưa ngâu, Giọt nắng bên thềm, Chuyện tình của biển, Một mình, Hoàng hôn màu lá, Em và tôi, Lời tỏ tình của mùa xuân, Hát với chú ve con, Phố biển, Lối cũ ta về, Cảm ơn mùa thu, Tình không biên giới, Vĩnh biệt mùa hè, Trái tim hoang vu, Hoa tím ngoài sân… v.v… 

Mỗi ca khúc của Thanh Tùng là một câu chuyện tình, có bố cục, có tình tiết. Chỉ một đánh động nhỏ, một âm vang cũng đủ để anh tạo ra được một ca khúc đẹp cho đời. Trong những ca khúc của anh, người nghe rất dễ nhận thấy có hội họa và văn chương trong đó. Lấy cảm hứng từ cây hoa khế trước nhà, anh viết "Một ngày tình cờ, trên đường phố tôi có bàn chân em. Mặt trời thì hồng và trên cây khế có nhiều tiếng chim…";

Hay ở trong bài "Vĩnh biệt mùa hè", một ca khúc làm xao động bao con tim của lứa thanh niên chúng tôi thời ấy, anh viết "Mùa hè bâng quơ, bâng quơ nỗi nhớ… Những chiếc lá non vương trên cành cây khô". Nhạc Thanh Tùng rất chú trọng sử dụng các chất liệu hình ảnh, nó đến từ những cảnh vật bình dị diễn ra xung quanh ta và anh biết cách nâng lên thành biểu tượng để khai thác tới cùng rồi "nhắc khéo" cho mọi người một thông điệp nào đó về tình yêu.

Trong bài "Hát với chú ve con" cũng vậy, rõ ràng anh đang yêu nhưng mượn tiếng ve, mây trời, con nắng… để nói hộ lòng mình với người con gái ấy: "Một hôm mây trắng bỗng nhớ tiếng hát em, mây lang thang hoài để bầu trời thêm vắng, một hôm con nắng bỗng nhớ tiếng hát em…". Ngay cả một ca khúc thời viết cho phong trào thanh niên xung phong, anh cũng viết mềm mại, chẳng có hô hào gì mà lay động bao trái tim lên đường: "Anh như chim tìm bầy bay theo ngọn gió xa, theo chân anh từng ngày cây xanh và lá hoa…" (Hoàng hôn màu lá)

Những bài hát Thanh Tùng viết ra nhiều nhất có thể ở giai đoạn thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX. Ở giai đoạn mà mọi người thường nói cho dễ hiểu là "Ca khúc chính trị", thì âm nhạc của Thanh Tùng đứng riêng và thổi vào hồn giới trẻ một luồng gió mới, nhẹ nhàng, dễ thương khiến người ta quên đi những hệ lụy vất vả đang bủa vây của đời sống.

Anh viết "Ngôi sao cô đơn" nhưng hát xong chẳng thấy cô đơn chút nào nữa, viết "Lời tỏ tình của mùa xuân" thì nghe xong thấy trái tim rạo rực đến không ngờ! Nhưng đôi lúc, chúng ta bắt gặp trong nhạc của Thanh Tùng những tự sự sâu kín đến tưởng như phải vùng vẫy lắm mới thoát được. Bởi cuộc đời anh phải sống trong sự cô độc quá nhiều.

Nghe "Giọt nắng bên thềm", hay "Một mình", "Lối cũ ta về"… lòng ai cũng có thể chùng lại: "Vắng em đời còn ai với ai/ Gió sương mòn cả hai vai/ Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ, cô đơn cùng với tôi về…". Bởi đó chính là đời thực mà người nhạc sĩ đã đưa vào âm nhạc để kể lể, để bày tỏ và gần như sống chết với ca khúc mình viết ra. Thanh Tùng đã phải trải qua đời sống cô độc từ lúc còn thanh tân từ sau sự ra đi quá sớm của người vợ trẻ. Anh ở vậy cho đến khi qua đời. Chính sự cô đơn đó đã tạo nên “nhan sắc” cho những ca khúc về sau này, càng lúc càng sâu thẳm và đầy ẩn ý. Như mọi người hay nói, giờ đây Thanh Tùng đã không còn một mình nữa…

Chào anh, nhạc sĩ Thanh Tùng, một tài hoa kiệt xuất của nền âm nhạc Việt đương đại.

"Tâm hồn của đá" đã trở về với cát bụi

Chỉ 2 ngày sau sự ra đi đầy tiếc nuối của nhạc sĩ Thanh Tùng, trái tim của hàng triệu khán giả Việt lại đau thắt bởi sự ra đi của nhạc sĩ - rocker Trần Lập - người thủ lĩnh, linh hồn của ban nhạc Bức Tường. Trần Lập vội vã ra đi khi mới ở tuổi 42 - độ tuổi sung mãn nhất trong cuộc đời người đàn ông nghệ sĩ. Hơn 20 năm kể từ ngày thành lập ban nhạc Bức Tường, nhạc sĩ - ca sĩ Trần Lập đã vượt qua nhiều trở ngại, kiên trì theo đuổi dòng nhạc yêu thích để trở thành một nhóm rock chuyên nghiệp có sức ảnh hưởng đặc biệt đối với giới trẻ Việt Nam qua các ca khúc có sức sống mãnh liệt như "Bông hồng thủy tinh", "Bài ca sông Hồng", "Tiếng gọi", "Người đàn bà hóa đá", "Đường đến ngày vinh quang"...

Các album "Tâm hồn của đá", "Ngày khác"..., các liveshow với thương hiệu Bức Tường luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với công chúng. Các chương trình Rock Storm do Trần Lập làm đạo diễn cũng luôn thu hút lượng khán giả vô cùng đông đảo, thể hiện sự cuồng nhiệt và khát vọng của tuổi trẻ mỗi lần diễn ra.

Không xa trước ngày vĩnh viễn rời xa cõi đời, Trần Lập đã thực hiện được giấc mơ cháy bỏng của mình, đó là tổ chức liveshow "Đôi bàn tay thắp lửa" trong khi vừa xạ trị xong, sức khỏe rất yếu. Cách Trần Lập tận hiến cho cuộc đời, cách Trần Lập đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác cũng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về nhân cách và sức mạnh tinh thần của Trần Lập. Sự ra đi của nhạc sĩ - rocker Trần Lập vì thế đã để lại niềm luyến tiếc, một khoảng trống lớn khó có thể lấp đầy, nhưng khán giả chắc hẳn sẽ nhắc nhớ về anh rất lâu...                                

(Quý Ban)

Bùi Thanh Tuấn
.
.