‘’Thân phận nàng Kiều” - Câu chuyện độc đáo của rối cạn
“Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Ê kíp thượng thặng
Một ê kíp xuất sắc, thượng thặng bao gồm: Tác giả - NSƯT Lê Chức; nhà văn Nguyễn Hiếu; chuyển thể kịch bản và đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng; tạo hình rối - Họa sĩ Lê Đình Nguyên; tạo hình mỹ thuật -họa sĩ Ngô Thắng; âm nhạc - nhạc sĩ Trần Đức Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến; biên đạo múa - NSƯT Hồng Phong cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Truyền thống - Nhà hát Múa rối Việt Nam với những gương mặt diễn viên sáng giá nhất: Lan Hương, Thu Hương, Thanh Tùng cùng các nghệ sĩ như Hồng Phong, Đỗ Kha, Kim Thoa, đã làm nên một vở diễn rối cạn “Thân phận nàng Kiều” ấn tượng. Đây cũng chính là vở diễn được đặc biệt đầu tư dàn dựng để tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV năm 2019 tổ chức cuối năm 2019 tại Hà Nội.
Tôi may mắn là một trong những khán giả đầu tiên được xem vở rối cạn “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam trong đêm tổng duyệt ngày 23/8/2019 vừa qua. Cảm giác không chỉ riêng tôi mà gần như hầu hết khán giả khi xem xong “Thân phận nàng Kiều”, dẫu cánh màn nhung đã khép lại, đèn đã bật sáng mà ai nấy đều lưu luyến chưa muốn rời khán phòng để ra về. Khán giả và nghệ sĩ ở lại giao lưu với nhau trong khoảnh khắc dư tràn cảm xúc mà hiệu ứng vở diễn mang lại.
Một cảnh trong vở “Thân phận nàng Kiều” - Nhà hát múa rối Việt Nam. |
"Thân phận nàng Kiều" khắc họa tính cách từng nhân vật chính một cách khác biệt, nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ múa rối nhân vật trong thơ gần gũi và sắc nét hơn trên sân khấu. Mọi tình tiết, cảnh trí trong "Thân phận nàng Kiều" được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, bằng không gian - ánh sáng trừu tượng đặc sắc, mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại. Vở diễn gây xúc động mạnh với hầu hết khán giả.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có mặt tại buổi tổng duyệt đã chia sẻ: “Truyện Kiều dù là một tác phẩm đã quá gần gũi và thân thuộc với mỗi người Việt Nam, song đích tiếp nhận cuối cùng của tác phẩm vẫn là đối tượng thiếu nhi và khán giả quốc tế.
Do vậy, đưa Truyện Kiều và hình tượng nàng Kiều lên sân khấu múa rối để khán giả tiếp nhận được hồn cốt của tác phẩm, hình tượng nhân vật cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự tinh tế, xử lý khôn khéo từ kịch bản đến tạo hình sân khấu và tạo hình nhân vật.
Tôi cho rằng đây là một vở diễn độc đáo và có tính đột phá trong nghệ thuật rối cạn ở Việt Nam. Vở diễn đã gây ấn tượng mạnh với khán giả là điều đáng mừng”.
NSND Nguyễn Tiến Dũng ngay khi bắt tay vào sản xuất vở cũng đã tiết lộ: “Tôi đã ấp ủ dàn dựng một kịch rối cạn về nàng Kiều cách đây hơn chục năm và đến giờ mới thực hiện được. Ý tưởng và khát vọng của tôi là nàng Kiều của múa rối sẽ có nét riêng, tiếng nói riêng.
Cả ê kíp sáng tạo “Thân phận nàng Kiều” đã có những buổi ngồi bàn tròn trao đổi rất hào hứng với nhiều dự tính để thống nhất những sáng tạo, tiếng nói chung trong việc bắt tay thực hiện vở diễn. Phải nói là tôi may mắn quy tụ được một ê kíp tinh nhuệ, cực kỳ ăn ý.
Khi tôi nêu ý tưởng những tạo hình nhân vật rối thì họa sĩ tạo hình nắm bắt ngay suy nghĩ của tôi và thể hiện cực chuẩn. Xong một nhân vật rối lại gửi qua cho nhạc sĩ và tác giả kịch bản để làm lời thoại và âm nhạc cho phù hợp, hòa quyện với nhau, mang lại những hiệu ứng chiều sâu của vở diễn trên sân khấu. Khán giả phản hồi về tạo hình rối và âm nhạc rất ăn ý, âm nhạc có tính chất nhạc kịch mới lạ, hay, tạo nên những cao trào đắt giá cho vở diễn…
Âm nhạc của nhạc sỹ Đức Minh và Nguyễn Vĩnh Tiến khá xuất sắc, cùng với diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên đã làm nên sự thành công của vở diễn. “Thân phận nàng Kiều” cơ bản đã lột tả được những khát vọng của ê kíp khi khi nung nấu quyết tâm làm vở rối cạn về nàng Kiều. Phần còn lại tùy vào đánh giá của khán giả trong nước và quốc tế khi xem vở diễn”.
Tạo hình “Tinh quái”
Để làm nên sự thành công của một vở diễn cần rất nhiều sự đóng góp của cả một ê kíp, từ khâu kịch bản đến đạo diễn, dàn diễn viên, âm nhạc, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật.v.v. Nhưng riêng với thể loại múa rối, tạo hình ra con rối để phù hợp với từng nhân vật vô cùng quan trọng và họa sĩ làm công việc này chính là tạo nên hồn cốt của vở diễn. Vai trò của tạo hình rối ở "Thân phận nàng Kiều" chính là họa sĩ Lê Đình Nguyên với biệt danh “Nguyên Trâu”.
Trong làng tạo hình rối, Lê Đình Nguyên có tiếng là “quái dị” khi thể hiện các ý tưởng độc lạ của mình trên rối. Thế nên khi đến với “Thân phận nàng Kiều”, sau bao ngày đêm nghiên cứu Kiều cho triển lãm của riêng mình, hiểu Kiều, ngấm Kiều, ăn ngủ cũng đăm đắm nghĩ tới Kiều nên “Nguyên Trâu” dường như xuất thần với tạo hình rối cho vở. Những con rối hiện lên vừa mang bản mặt "đắc địa", vừa như được thổi vào đó một linh hồn sống động.
NS Lan Hương và Thu Hương hóa thân “Nàng Kiều” vở “Thân phận Nàng Kiều” tại lễ tổng duyệt của nhà hát múa rối Việt Nam. |
Gương mặt lưỡi cày hiểm ác của Thằng bán tơ với cách diễn tung hứng đầy tài năng của diễn viên Thanh Tùng đã khắc họa trên sân khấu một hình tượng điển hình về CÁI ÁC, của mọi gian trá lừa lọc trục lợi trên bất hạnh của người khác. Nhân vật Bà mối chỉ với độc một cặp môi khổng lồ đỏ chon chót bay lượn trên nền một tấm vải hình con bướm màu đen đã khắc hoạ một cách cô đọng nhất tính cách và miệng lưỡi giảo hoạt của một kẻ chuyên “cò mồi xác thịt”.
Nhân vật Hồ Tôn Hiến cũng là một tạo hình rối xuất sắc khi gương mặt vương ngạnh, bề thế, nham hiểm với đôi mắt không có lòng đen, chỉ có những vệt lòng trắng trợn lên trên bọng mắt màu đỏ ngự giữa một tấm áo quan tối màu khắc họa một Hồ Tôn Hiến vừa nham hiểm vừa đa mưu túc kế, vừa hiểm ác hèn hạ.
Một trong những tạo hình nhân vật thành công nữa là “Tú bà” với mặt heo, mồm heo, bụng Trư Bát Giới và hai cái bầu vú là hai quả bầu treo lúc lĩu trước ngực. Cứ nhìn mặt mà bắt hình dong thì tạo hình Tú Bà là điển hình của những gì vừa bần tiện vừa tham lam xôi thịt, hành ngón nghề ghê tởm ở chốn lầu xanh. Hay như nhân vật Sở Khanh với tạo hình rối hai mặt, Thúc Sinh mặt ngược mặt xuôi… cho thấy ý đồ thâm sâu của họa sĩ khi làm rối rất rõ, nhằm lột tả tận cùng tính cách điển hình của nhân vật.
Về phía các diễn viên, diễn xuất thần nhất ngoài Kiều của nghệ sĩ Lan Hương và Thu Hương ra chính là nhân vật Thằng Bán Tơ và Hoạn Thư. Hai diễn viên Thanh Tùng và NSƯT Kim Thoa – Thiếu Ngân đã diễn như lên đồng, lột tả đến tận cùng bản mặt nham hiểm gian ác của thằng bán tơ hay MÁU GHEN điên đảo, bệnh hoạn, song"đúng điệu" của Hoạn Thư -người đàn bà con nhà gia thế quyền quý.
Có được tạo hình nhân vật chuẩn xác cộng hưởng với tài năng diễn xuất của nghệ sĩ và ê kíp nghệ sĩ tham gia vở diễn “Thân phận nàng Kiều” đã tạo nên một sự khác biệt của rối cạn chắc chắn đủ để gây ấn tượng với khán giả trong nước và quốc tế trong Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm sắp tới tại Hà Nội.
“Chim lợn” – Nỗi kinh dị của mọi thời đại
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhân vật đàn Chim Lợn trong “Thân phận nàng Kiều”. NSND Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu cùng đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng khá ra “chiêu độc” khi cho đàn Chim Lợn xuất hiện từ đầu vở cho đến cuối vở diễn. Họa sĩ Lê Đình Nguyên đã phù phép trong tạo hình đàn chim lợn với cái mỏ dẩu ra với một vòm họng khổng lồ khiến cho cái miệng của đàn Chim Lợn ngoác đến cả ngoài mang tai.
Mỗi khi đàn chim lợn ùa ra sân khấu đưa tin, những cái miệng há ra với hiệu ứng ánh sáng phát sáng từ vòm họng đỏ lòm hay vàng chóe cùng tiếng kêu gầm rú man rợ bầy đàn của chúng khiến người xem nổi cả da gà. Chim Lợn thời nào cũng có, và dù ở xã hội phong kiến hay đời sống hiện đại hôm nay thì đàn Chim Lợn tồn tại như một phần tất yếu điển hình cho cái xấu xa, góc đen tối đầy ám khí của xã hội.
Ở thời nào Chim Lợn cũng trở thành nỗi kinh khiếp của loài người, và hình như trong đời sống hiện đại hôm nay, chúng ngày càng đông đúc hơn, bầy đàn hơn, tinh vi hơn, ghê tởm hơn.
“Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam dựa vào truyện xưa mà đề cập đến những vấn đề đáng lên án trong xã hội hiện tại, cũ mà rất mới, mới mà vẫn chứa đựng nét giao thoa những vấn đề của xã hội, của thời đại xưa và nay.