Tetsuji Honna : “ Tôi yêu Việt Nam như yêu trái tim mình”

Thứ Hai, 17/10/2016, 07:57
Không ít người nước ngoài đã đến Việt Nam làm việc và sau đó đem lòng yêu xứ sở còn nhiều gian khổ này. Một trong số đó có thể kể đến Tetsuji Honna, vị Nhạc trưởng đã gắn bó thời gian dài với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO)...


Tôi nhớ, khoảng cuối năm 2000, tôi gặp Tet ở 226 Cầu Giấy, lúc đó, VNSO còn nghèo về mọi mặt, cơ sở vật chất vẫn sơ lược, nhạc cụ đắt tiền rất hiếm, nhạc công trình độ không đồng đều… Tet đẹp trai kiểu Nhật, trẻ và nhiệt tình. Giám đốc VNSO Nguyễn Hữu Thiều nói với tôi rằng, Tet được mời về làm Cố vấn và Chỉ huy VNSO. Tôi nghĩ thầm: Liệu anh sẽ gắn bó được bao lâu và làm cách nào?

Lần đầu tiên Tet sang Việt Nam là chuyến lưu diễn của Toyota classic cùng với dàn nhạc Nagoya Philhamonic năm 2000. Nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân đã được mời diễn solo trong chương trình này. Sau đêm diễn, NSND Ngô Hoàng Quân (lúc bấy giờ là Phó Giám đốc dàn nhạc) đã đến phòng Nhạc trưởng của Tet và nói rằng "Hãy giúp chúng tôi". Tet rất ngạc nhiên nhưng cũng rất mừng vì tuy là lần đầu tiên Tet đến Việt Nam nhưng anh đã có những ấn tượng đẹp và cảm thấy yêu mến đất nước này.

Thời gian đó anh đang là chỉ huy chính của Dàn nhạc Osaka Symphony Orchestra và là chỉ huy khách mời chính của Dàn nhạc Nagoya Philhamonic, rất bận với nhiều công việc ở Nhật nhưng anh đã vui vẻ nhận lời.

Với mong muốn cùng với Giám đốc Nguyễn Hữu Thiều và Ngô Hoàng Quân đưa dàn nhạc trở thành một dàn nhạc có đẳng cấp trong khu vực, Tet đã chính thức ký hợp đồng với dàn nhạc ở vị trí cố vấn nghệ thuật và chỉ huy dàn nhạc (giai đoạn 2001-2009; từ năm 2009 đến nay Tet là Giám đốc âm nhạc, chỉ huy chính của dàn nhạc)

Về với VNSO, Tet cũng ấp ủ những hoài bão như các Giám đốc Dàn nhạc, cũng năng nổ nhiệt tình như người trong cuộc. Trước đó, VNSO đã có những chuyến lưu diễn ra khỏi biên giới, nhưng để có đẳng cấp quốc tế thì còn nhiều việc phải làm. Phải có nhiều buổi diễn hơn, để có cơ hội luyện tập nhiều hơn. Vừa diễn trong nước vừa phải ra thế giới. Thế rồi những chuyến sang Lào, Campuchia,  sang Nhật, Nga, Mỹ và diễn ở tất cả những thành phố lớn... 

Người Nhật đã nghe VNSO trình diễn 4 tác giả nổi tiếng, là: L.v Beethoven; Takemitsu Toru - một trong các tác giả hàng đầu của Nhật thế kỷ XX và Akutagawa Yasushi và Nguyễn Thiện Đạo, nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt. Đặc biệt là bản chuyển soạn cho dân ca quan họ Bắc Ninh "Vào chùa" của NSƯT Ngô Hoàng Quân biểu diễn tại Ban thờ chính của ngôi đền Todaiji (Nara) trong chuyến lưu diễn tại Nhật. Hay những đêm diễn của VNSO tại Nhà hát Carnegie Hall (New York) - một trong số những nhà hát lớn nhất thế giới và chỉ cho phép những dàn nhạc có đẳng cấp nhất định mới được biểu diễn…

Như chúng ta đã biết, nhạc hòa tấu cổ điển rất kén khán giả, và một khi khán giả đã mua vé đến nghe nhạc hòa tấu cổ điển thì điều đó đồng nghĩa với sự khẳng định khả năng trình tấu có đẳng cấp của một dàn nhạc. Kể những chuyến lưu diễn đó cũng là để nói lên thành công và niềm tự hào của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và của cá nhân Tet, một người Nhật đã gắn bó với Việt Nam một quãng đường dài.

*

Tôi hẹn gặp Tet vào một ngày đầu thu để nói về những câu chuyện đó, nói về sự than thở của ai đó về: "Không có gì rẻ hơn nhạc giao hưởng cổ điển", đồng thời một trong những sự đáng kính trọng nhất, đó là những nghệ sĩ nhạc giao hưởng cổ điển. Anh nhận lời, và khi tôi đến, anh đã ở đó. Mái tóc điểm hoa râm, thời gian (16 năm) đã trôi qua trên tóc của Tet, trên gương mặt điển trai, giàu tính cách Japanese của Tet.

Qua câu chuyện, tôi biết Tet sinh ra trong một gia đình khá giả với nghề sản xuất và kinh doanh bánh truyền thống của Nhật (tương tự như bánh Trung thu của Việt Nam). Thương gia, nhưng cha mẹ Tet chú trọng cho con mình một phong cách văn hóa, đặc biệt là với âm nhạc cổ điển. Họ nhận thức rằng, đó là một nền tảng trụ cột để con người hình thành nhân cách. 

Anh em, con cháu trong gia tộc nhà Tet đều thành công trong sản xuất và kinh doanh, nhưng đều am hiểu âm nhạc cổ điển. Riêng Tet, vừa học tại Nhật vừa đi nhiều nơi để có thêm kinh nghiệm. 

Anh kể: "Tôi cũng là may mắn. Yêu nghề và có điều kiện để theo nghề. Tôi đã đến nhiều nơi, và tại Amsterdam tôi đã tham dự nhiều chương trình với sự góp mặt của các cây đũa chỉ huy tên tuổi như: Nikolaus Harnoncourt, Frans Brugge, Riccardo Chailly, Carlo Maria Giulini, Tôn Koopman và Claus Tenstet… 

Khi còn là sinh viên, tôi thường dành tiền để đặt mua những chiếc đĩa than của các hãng thu âm nổi tiếng để có những tác phẩm mới của D.Shostakovic. Khi người thông báo cho tôi, đĩa đã đến Nhật, tôi vô cùng hồi hộp trước khi đi nhận về. Tôi luôn nghĩ tới ông ấy và âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài Nga - Shostakovic...".

Tôi bảo, sự nghiệp anh chọn là một sự nghiệp rất tốn kém, không phải dễ mà ai cũng làm được. Tet cười: "Âm nhạc là tình yêu của tôi, ý nghĩa cuộc đời tôi. Hạnh phúc của tôi là được thấy những gương mặt ngời rạng hạnh phúc của người hâm mộ nhạc cổ điển… 

Tôi rất nhớ cái ngày mà ngài Tổng thống và Thủ tướng Italia đã lắng nghe buổi hòa nhạc của chúng tôi tại Dinh Tổng thống - Capella Paulina ở Rome… hay những buổi diễn được người Việt vỗ tay rất lâu trong Nhà hát Lớn Hà Nội, đòi được nghe lại…".

Tet từng học chỉ huy với các bậc thầy như:  Inoue Michiyoshi, Yamada Kazuo và Prof.Carl, Buente, và trước đó, khi anh còn học Trombone với Prof.Willy Walter và Ito Kiyoshi. Giờ đây, trong tay Tet đã có nhiều giải thưởng lớn: Giải nhì tại Tokyo, giải nhì tại Arturo Toscanini, giải nhất tại Budapest, chưa kể, nhiều giải thưởng khác, bao gồm: Giải thưởng Âm nhạc của Nippon Steel dành cho nghệ sỹ tài năng trẻ, Giải thưởng của Bộ Văn hóa Nhật Bản, Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản… Nhưng với anh, giải thưởng không chỉ là sự khích lệ, mà lớn hơn đó là cơ hội được chỉ huy nhiều với các dàn nhạc có vị thế, đẳng cấp của thế giới.

*

"Vậy, điều gì gắn bó anh với Việt Nam ngần ấy năm?" - Tôi hỏi Tet. Tet cười hồn hậu: "Chẳng biết vì một điều gì cụ thể, chỉ biết rằng, mỗi khi về Nhật tôi lại nhớ Hà Nội ghê gớm, nhớ những người Việt, trong đó có bạn tôi, họ đẹp theo phong cách Á Đông, cả tính cách lẫn dáng hình, tử tế và trang nhã… Hà Nội, Sơn La, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thanh Hóa, Ninh Bình… những nơi tôi đã đến có nhiều điểm khiến tôi thú vị... 

Tôi nhớ cái tấp nập, vô tư của phố phường, nhớ từng ô cửa sổ những ngôi nhà trong khu phố cổ Hà Nội, Hội An có một cái gì đó rất Việt Nam. Tôi không thích lắm những thứ hoành tráng, nó ít thân thiện với con người".

Nói đến đây, gương mặt Tet hơi chùng xuống một chút. Tôi im lặng, hiểu những điều anh không nói. Đó là những bất cập của thực tại mà chưa có cách giải gỡ. Để nâng cấp một dàn nhạc giao hưởng từ vị trí một quốc gia không có truyền thống âm nhạc cổ điển châu Âu đến một dàn nhạc có đẳng cấp khu vực đã khó, nay muốn nó đạt tới đẳng cấp châu Á, hay thế giới đâu chỉ là một nỗ lực, một ý chí đơn thuần và của một vài người. 

Mặc dù, trình độ của mỗi một nghệ sĩ trong dàn nhạc ấy đã tốt hơn, chất lượng hòa tấu đã điêu luyện hơn, nhưng đó mới chỉ là thành tựu bước đầu. Nó còn cần tới vô số những thay đổi khác: nhạc cụ của mỗi cá nhân trong dàn nhạc tầm cỡ nào? Đời sống vật chất của nghệ sĩ ra sao để họ toàn tâm toàn ý dành cho việc khám phá và chinh phục tác phẩm đạt tới đỉnh của nó?  

Cứ như thế 16 năm đã trôi qua. Có thể còn nhiều điều Tet chưa làm được như chính anh mong muốn, hoặc như các nghệ sĩ trong dàn nhạc mong muốn, nhưng anh bảo anh luôn tự nhủ anh sẽ làm hết sức mình, anh gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ngần ấy năm chính vì tình yêu âm nhạc, vì tình bạn với các nghệ sĩ ở đây, với sự trân trọng của khán giả Việt. Anh vẫn hy vọng VNSO sẽ cùng anh vào ngày nào đó tới châu Âu, cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng âm nhạc cổ điển.

Anh không nhắc đến, nhưng tôi biết anh đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Tet chia sẻ: "Nếu cho tôi một điều ước, tôi ước rằng, người Việt bên cạnh tình yêu với nhạc trẻ hãy yêu nhạc cổ điển, nó là một nghệ thuật khiến cho con người có thể tự tin và tự hào về bản thân hơn, và tâm hồn có thể giàu có hơn. Tôi rất thích, có ai đó gọi điện cho tôi hay cho Mr Nguyễn Trí Dũng, không chỉ để hỏi có rảnh không, mà hỏi: Các ông đang biểu diễn chương trình gì, giá vé thế nào? bán ở đâu?". Đó là tín hiệu mang dấu ấn của một xã hội bình yên và hạnh phúc.

Tetsuji Honna (ngoài cùng bên trái) trong một buổi biểu diễn với vai trò chỉ huy dàn nhạc.

Trần Thị Trường
.
.