Tên Người là cả một niềm thơ

Thứ Hai, 31/08/2009, 09:30
Trong cuộc đời sáng tác của nhiều nhạc sĩ, có được một ca khúc hay về Bác Hồ thực sự là một niềm tự hào. Bởi, nói như nhà thơ Cu Ba Phêlic Pita Rôđờrigết thì "Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ".

Dưới đây là tâm sự của các nhạc sĩ Cao Việt Bách, Văn Dung, Đăng Nước về những sáng tác đặc biệt của họ. Đó là các ca khúc: "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người", "Những bông hoa trong vườn Bác", "Chúng con bên giấc ngủ của Người" - những ca khúc sẽ xuất hiện trong chương trình đại nhạc hội "Hồ Chí Minh - một đời vì nước vì dân" do Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo CAND và Đài Truyền hình TP HCM phối hợp tổ chức tại Quảng trường Ba Đình ngày 29/8 tới.

Nhạc sĩ Cao Việt Bách: “Bác như đang hiện diện trong ngày vui”

Ngay sau ngày đất nước toàn thắng, nhà báo Đăng Trung mang "khoe" với tôi bài thơ "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" anh vừa sáng tác   dựa trên cái tứ "Ai vô thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng" của nhà thơ Tố Hữu và sự kiện năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước. Tôi và nhà báo Đăng Trung đã bàn với nhau và cùng quyết tâm "Phải có một cái gì về sự kiện trọng đại này"...

Ngay hôm sau, tôi đem đến anh bản thảo ca khúc "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" hoàn chỉnh. Cả hai chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau và hát vang: "Thành phố Hồ Chí Minh/ Ngời ngời rực sáng tương lai /Trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác"... Hình ảnh Bác Hồ như đang hiện diện trong ngày vui đại thắng. Nhạc phẩm "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" đã vang trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào những ngày đầu tháng 5 năm 1975, mau chóng được đông đảo thính giả cả nước đón nhận.

Năm 1977, đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu tiên trình diễn tác phẩm này trên sân khấu Nhà  hát TP HCM. Dàn hợp xướng có tới 160 người. Khán phòng chật cứng người nghe. Bỗng tất cả khán giả đứng hết cả lên, đồng thanh hát cùng  dàn hợp xướng. Tôi cảm động quá, đứng trên bục chỉ huy tôi quay hẳn người lại, bắt nhịp cho khán giả. Tiếng hát của cả ngàn người hòa cùng dàn hợp xướng vang ngân... Đây có lẽ là bản giao hưởng hợp xướng đông người tham gia nhất, hùng tráng nhất trong cuộc đời làm nhạc trưởng của tôi. Tôi đánh nhịp cho mọi người mà nước mắt cứ trào ra...

Có lẽ cảm xúc về lần biểu diễn ấy tôi sẽ không bao giờ quên.

Nhạc sĩ Văn Dung: Mỗi người hãy là một bông hoa đẹp

Nhạc sĩ Văn Dung chia sẻ, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cũng như bao nhạc sĩ khác, với niềm kính yêu và tiếc thương Bác vô hạn, ông đã sáng tác những ca khúc chứa chan tình cảm về Bác như "Tên Người sáng mãi niềm tin" (năm 1969), "Tiếng Người nói ngày ấy" (năm 1975)... Những ca khúc này đều được bạn bè đồng nghiệp và khán thính giả cả nước đánh giá cao. Nhưng không hiểu sao ông vẫn cảm thấy lòng trĩu nặng như đang mắc nợ một điều gì đó. Những suy nghĩ ấy cứ đau đáu trong ông, lúc bảng lảng, lúc lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Năm 1970, khi bắt tay viết ca khúc "Hành khúc thanh niên cộng sản", hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Người trồng hoa vĩ đại" cũng được nhắc qua hình ảnh "Vinh quang thanh niên được Bác chăm lo như rừng hoa lớn lên dưới cờ cách mạng". Và cũng từ đó, ý tưởng "Mỗi người hãy là một bông hoa đẹp" cứ đeo đuổi ông.

Một buổi tối năm 1977, như thường lệ, nhạc sĩ Văn Dung lấy sách ra đọc, nhưng đọc mãi mà không thấy chữ, chỉ “nghe” thấy nhạc. Nhạc sĩ liền lấy giấy ra ghi lại những điều mà mình "nghe" thấy. Và những giai điệu cùng ca từ của "Những bông hoa trong vườn Bác" cứ thế ào ạt tuôn trào: "Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người". Ông thực tình không lý giải nổi điều kỳ lạ này. Ông không ngờ rằng vào lúc ông cảm thấy việc viết một ca khúc về Bác hình như không thể thực hiện được thì bài hát lại ra đời. Ca khúc được viết chỉ trong một giờ đồng hồ. Có lẽ đó là rất nhiều cảm xúc của ông đã được dồn nén từ lâu, để một ngày “chưng cất” thành những giai điệu bay bổng. Chỉ sau khi giai điệu cuối cùng của bài hát kết thúc, ông mới thấy nhẹ lòng trở lại, những day dứt lâu nay dường như đã được giải tỏa.

Người đầu tiên thể hiện ca khúc "Những bông hoa trong vườn Bác" là nghệ sĩ Tuyết Nhung của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát ngay sau khi ra đời đã nhận được sự khen ngợi và tình yêu mến của khán giả.

Theo nhạc sĩ Văn Dung tâm sự, trong bài hát, ông không dùng nhiều từ gắn với tên Hồ Chủ tịch nhưng người nghe vẫn thấy hình ảnh Bác đọng lại, gợi niềm nhớ thương Bác khôn nguôi. Không chỉ có vậy, ông còn gửi gắm ý nghĩa sâu sắc qua những ca từ: "Mỗi mùa hoa, một mùa yêu thương/ Mỗi màu hoa, một màu yêu thương/ Gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm". Thông điệp của ông là: Chúng ta hãy trân trọng mọi cái hay, cái đẹp, làm sao để mỗi chúng ta là một mùa xuân của quê hương, đất nước.

Nhạc sĩ Đăng Nước: “Bài hát được phổ biến rộng rãi đúng như điều tôi ước đoán”

Năm 1972, khi vừa vào học Nhạc viện Hà Nội được 3 tháng, cậu sinh viên Nguyễn Đăng Nước nhận được giấy báo nhập ngũ. Vậy là Đăng Nước lên đường, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Công Binh Hải Quân đóng tại Quảng Nam. Nhưng chàng thanh niên này không "xếp bút nghiên" mà đem theo giáo trình âm nhạc để tự học.

Tháng 5/1976, trung sĩ Nguyễn Đăng Nước được nghỉ phép về thăm nhà và được cùng cha là Thiếu tá Công an Nguyễn Đăng Chè vào Lăng viếng Bác. Từ tình cảm dành cho Bác dồn nén trong tim và niềm xúc động khi nhìn đoàn đại biểu nhân dân vào Lăng viếng Bác, ngay tối hôm đó, về khu tập thể của Bộ Nội vụ (cũ) ở ngõ Chiến Thắng, Khâm Thiên (Hà Nội), nhạc sĩ Đăng Nước đã viết xong lời 1 của ca khúc "Chúng con bên giấc ngủ của Người".

Hôm sau, Đăng Nước phải về quê Hưng Yên - nơi mẹ anh và những người thân trong gia đình đang ngóng đợi sau 4 năm xa cách. Tại đây, anh bắt tay viết tiếp lời 2. Khi trở lại Hà Nội, Đăng Nước đã đem bài hát đến Báo Công an nhân dân (cùng ở trong ngõ Chiến Thắng) hát cho các bác trong phòng cùng nghe. Ai cũng khen bài hát rất hay và xúc động, nhưng mọi người đều chung cảm nhận là hình như nó vẫn thiếu một cái gì đó.

Vậy là đêm đó, Đăng Nước đã suy nghĩ rất lâu và cuối cùng thay một nốt nhạc để đoạn cuối bài hát vút lên: "Cháu con đời đời bên Bác/ Bác ơi Bác ngủ ngon lành" như lời khẳng định Bác mất đi nhưng sự nghiệp của Người còn mãi. Bài hát hoàn thành, bằng linh cảm của một nghệ sĩ, Đăng Nước biết rằng nó sẽ được phổ biến rộng rãi. Báo CAND là nơi đăng bản nhạc này  và ngay sau đó Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho dàn dựng.

Cho đến tận bây giờ, Đăng Nước vẫn còn một niềm trăn trở, đó là các ca sĩ Việt Nam khi thể hiện bài hát vẫn nghiêng nhiều về tình cảm bi thương, về nỗi đau mất mát khi Bác ra đi, trong khi điều nhạc sĩ muốn gửi gắm đó là một nỗi niềm "khỏe khoắn" hơn. Có lẽ, trong hàng trăm ca sĩ đã thể hiện bài hát này, nhạc sĩ Đăng Nước cảm thấy hài lòng nhất với phần thể hiện của cố NSND Lê Dung.

Nhạc sĩ Đăng Nước mong muốn, tại chương trình "Hồ Chí Minh - một đời vì nước vì dân" kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và gìn giữ thi hài của Người, bài hát sẽ được thể hiện đúng theo mong đợi của anh

Nhóm PV (thực hiện)
.
.