Sáng tạo trong phim chuyển thể: Con dao hai lưỡi
- Bộ phim "Kiều" miêu tả Hoạn Thư ghen tuông như thế nào?
- Những mỹ nhân mới của phim truyền hình Việt
- Phim truyền hình Việt nhìn từ giải thưởng
Các bộ phim sắp ra mắt thời gian tới như “Kiều”, “Trạng Tí”… đều là phim chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng. “Kiều” chuyển thể từ danh tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. “Trạng Tí” lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh thiếu nhi “Thần đồng đất Việt”.
Trước đó, nhiều phim chuyển thể cũng đã trình làng như “Cậu Vàng” (chuyển thể từ truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao), “Mắt biếc”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (chuyển thể từ loạt truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh)…
Đón nhận tác phẩm mình yêu thích trong hình hài mới là ngôn ngữ điện ảnh, khán giả rất trông chờ mỗi lần có một tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim. Thế nhưng số phim đáp ứng mong đợi của họ không nhiều. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, phim chuyển thể có cái lợi là có sẵn người hâm mộ của nguyên tác. Nhưng đây cũng chính là chướng ngại vật.
“Người hâm mộ luôn đòi hỏi ekip làm phim phải giữ đúng tinh thần nguyên tác, bám sát tình tiết tác phẩm lẫn tính cách nhân vật. Trong khi đó, nhà làm phim nào cũng muốn mình tự do sáng tạo trên nền cảm hứng từ nguyên tác. Bởi đã là tác phẩm phái sinh thì cần sự làm mới, từ đó tạo sự thú vị cuốn hút. Họ không muốn phim của mình chỉ đơn giản là bản minh họa bằng điện ảnh cho tác phẩm gốc” - anh phân tích.
Ở bộ phim “Kiều”, nhà sản xuất - diễn viên Mai Thu Huyền đi sâu vào khai thác mối tình tay ba của Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư chứ không bám sát cuộc đời truân chuyên của Thúy Kiều. Nhân vật Từ Hải bị đẩy ra ngoài, không xuất hiện trong phim. Và Thúc Sinh thư sinh, đa tình, nhu nhược được ekip biến thành một trang nam tử có võ nghệ cao cường, tả xung hữu đột ở nơi thâm sơn cùng cốc để cứu Thúy Kiều. Nhân vật Hoạn Thư do “người đẹp xứ dừa” Cao Thái Hà đảm nhận. Nhưng qua các đoạn giới thiệu phim, Hoạn Thư không hiện lên thông minh, mưu mẹo theo kiểu “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao” như cụ Nguyễn Du mô tả mà lại ngùn ngụt cơn ghen trên nét mặt, cầm hung khí ra tay khi bắt gặp chồng trăng hoa.
Riêng phim “Trạng Tí”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết anh làm theo hướng giả tưởng, kỳ ảo. Tiết lộ này khiến fan hâm mộ “Thần đồng đất Việt” té ngửa bởi bản truyện tranh không phải là một tác phẩm fantasy (kỳ ảo). Nó là câu chuyện dung dị, chân thật về Trạng Tí và những người bạn Sửu, Dần, Mẹo dựa trên các giai thoại và chuyện lịch sử về những danh nhân đất Việt lẫy lừng thời xưa như: Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh… Công chúng lo sợ thể loại fantasy sẽ khiến bộ phim “Trạng Tí” đánh mất tinh thần nguyên tác. Ngay trong trailer (đoạn giới thiệu phim), dư luận đã tiếng bấc tiếng chì khi hành trình của Trạng Tí được úp mở là hành trình đi tìm cha. Ở phân đoạn khác, chi tiết do ekip tự ý sáng tạo là quả bưởi rơi vào chiếc giếng chứ không phải hố sâu như trong truyện đã khiến khán giả bất bình. Bởi chi tiết chiếc giếng khiến cho mạch phim phi logic, khiến cho Trạng Tí vốn thông minh trở nên ngờ nghệch.
Nhân vật Thúc Sinh trong phim “Kiều” có võ nghệ cao cường. |
Ngoài hai phim “Kiều” và “Trạng Tí” sắp ra mắt nhưng đã vấp phải phản hồi trái chiều vì sự tung tẩy, thêm thắt nhân vật, tình tiết thì các phim trước đó cũng dính vô số khen chê.
Nhân vật Hồng vốn không phải là nhân vật trong truyện “Mắt biếc” mà do tự ý biên kịch sáng tạo. Hồng được đưa vào phim để làm nổi bật sự chung tình, một lòng vì Hà Lan của Ngạn. Sự dễ thương, những câu nói duyên dáng của Hồng đã giúp nhân vật này nhanh chóng lấy được cảm tình của khán giả.
Nhân vật Dũng cũng không đểu giả đến mức bị ghét cay ghét đắng như trong nguyên tác. Dũng được ekip làm phim giãi bày lý do gia đình cấm cản để rồi phải bỏ rơi Hà Lan. Cũng như Hồng, nhân vật Dũng trong phim được nhiều người yêu thích.
Trong khi đó, việc thay đổi cái kết của “Mắt biếc” khiến người xem cảm thấy mạch phim hơi khiên cưỡng. Đạo diễn Victor Vũ để cô con gái Trà Long nói rằng “Có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta” thì Hà Lan mới thức tỉnh, mới hiểu tình yêu âm thầm của Ngạn để chạy ra sân ga tìm anh.
Dù không đọc truyện, chỉ xem phim, khán giả cũng thấy có gì đó “sai sai” vì trước đó Hà Lan đã rất nhiều lần hiểu tình cảm của Ngạn nhưng cô vẫn quyết chối từ vì mỗi người một quan niệm sống. Không phải chờ đến lúc con gái khuyên nhủ, cô mới hiểu được tình yêu ấy để đuổi theo trong vô vọng.
Phim “Cô gái đến từ hôm qua” cũng cố gắng ghi điểm khi thêm thắt yếu tố kỹ xảo nhưng nó làm mất chất mộc mạc, hồn nhiên. Việc phát triển tuyến nhân vật phụ như lớp trưởng Chiêu Minh có tình cảm với thầy giáo dạy thể dục để nội dung thêm phần kịch tính cũng là điểm trừ của phim. Mối tình thầy trò bỗng trở nên lạc lõng giữa tổng thể trong sáng, dí dỏm.
Phim “Cậu Vàng” lỗ nặng ở phòng vé vì nhiều sáng tạo thiếu logic. |
“Cậu Vàng” có thể coi là thất bại nặng nề nhất của dòng phim chuyển thể với nhiều tình tiết được thêm thắt vô lý. Trong “Lão Hạc”, Binh Tư là nhân vật bất lương chuyên ném bả chó, còn trong phim, Binh Tư được xây dựng như một anh hùng thảo khấu. Cô vợ ba của Bá Kiến lại là người miền Nam, được Bá Kiến lấy về để đẻ con trai nối dõi tông đường trong khi ông đã có con trai là Lý Cường (!?). Xem phim, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm kêu trời: “Cậu Vàng” phá nát tinh thần của tác phẩm gốc, đặc biệt là những tác phẩm văn chương kinh điển!”.
Chính sự sáng tạo ở phim chuyển thể gây ra cuộc tranh cãi không hồi kết giữa nhà sản xuất và khán giả. Thậm chí, ngay chính tác giả nguyên tác cũng không mấy bằng lòng khi chứng kiến đứa con tinh thần có hình hài khác lạ khi chuyển thể thành phim. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể khi phim “Cô gái đến từ hôm qua” hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”… ra mắt, ông phải đi xem khoảng ba lần.
Lần một, ông thấy phim quá hời hợt, không thể hiện đúng điều ông gửi gắm. Về nhà ngẫm lại, ông thấy mình không nên nhìn bộ phim dưới góc độ là cha đẻ của tác phẩm. Điều đó chỉ khiến ông và nhiều nhà văn khác không cảm nhận hết cái hay, cái đẹp trong sự sáng tạo của ngôn ngữ điện ảnh. Tâm niệm như vậy nên lần xem thứ hai, thứ ba, ông dần thấy phim có nhiều điểm hay đáng ghi nhận.
Trước thắc mắc của nhiều khán giả về việc tại sao không tham gia vào quá trình làm phim để ekip bám sát tác phẩm gốc thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thú thật: “Khi lên khâu kịch bản cho đến khâu chuẩn bị bấm máy, nhà sản xuất luôn ngỏ lời mời tôi tham gia hỗ trợ, cố vấn. Nhưng tôi từ chối vì mình không am hiểu điện ảnh. Tôi là nhà văn, tôi chỉ đảm nhận đúng vai trò của mình khi cầm bút sáng tạo tác phẩm. Còn khi nó đã thành hình và nằm trên tay bạn đọc, lúc đó nó có hàng triệu đời sống khác.
Mỗi người sẽ cảm nhận tác phẩm theo một cách khác nhau. Mỗi người sẽ có một chân dung Ngạn, một Hà Lan… trong tâm tưởng, không ai giống ai. Vậy thì khi được đưa lên màn ảnh rộng, đứa con tinh thần của mình đã bước vào vùng trời mới, có đời sống mới. Ở đó, nó được nhào nặn, đặt để dưới góc nhìn, óc tưởng tượng của đạo diễn. Nó có thể không giống suy nghĩ của tôi, của người này, người kia”.
Rõ ràng, nhà văn lẫn khán giả không cấm nhà làm phim sáng tạo vì có những nhân vật, tình tiết thêm thắt được khán giả ủng hộ. Nhưng trước yêu cầu ngày càng khắt khe của công chúng, đội ngũ làm phim không thể tùy hứng, thích làm gì thì làm. Một khi khán giả cảm thấy mình và nguyên tác không được tôn trọng đúng mực, sự sáng tạo không thuyết phục, họ sẽ khiến bộ phim ấy chết trong tức tưởi.