Sân khấu và trại viết của các Hội

Chủ Nhật, 08/03/2020, 17:07
Đi sâu vào thủ tục tổ chức và sinh hoạt của trại sáng tác Hội NSSK mới thấy sự chuyên nghiệp của việc mở trại của Hội...

Tôi có may mắn được đi dự trại sáng tác của nhiều Hội chuyên ngành nghệ thuật như Văn học, Sân khấu, Điện ảnh… Ở mỗi Hội có cách tổ chức trại khác nhau nhưng có thể đi đến một khẳng định, Trại sáng tác là một đặc trưng ưu việt đáng ghi nhận của thể chế đối với văn nghệ sĩ, đó cũng chính là nơi kích hoạt tập trung và mạnh mẽ nhất khả năng sáng tạo nếu trại viên là người nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật của mình.

Qua theo dõi và cũng là trại viên thường kì của trại sáng tác Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) trong hơn một thập niên qua, tương đương với hơn hai nhiệm kì của Hội, tôi thấy việc mở trại sáng tác được duy trì đều đặn hằng năm với số lượng bình quân một năm hai trại. Cá biệt do nhu cầu của đời sống sân khấu thì có năm như năm 2015, ngoài hai trại thường xuyên, Hội còn mở trại sáng tác kịch bản thể nghiệm. Năm 2019 cũng mở thêm trại sáng tác kịch bản cho các thể loại kịch truyền thống.

Khai mạc trại sáng tác Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam năm 2018.

Đi sâu vào thủ tục tổ chức và sinh hoạt của trại sáng tác Hội NSSK mới thấy sự chuyên nghiệp của việc mở trại của Hội. Sau khi thông báo việc mở trại đến các tác giả hội viên, nhận được thông báo này, các tác giả nộp đề cương chi tiết và Ban tổ chức trại kinh qua sự phân lọc kĩ càng để chọn ra 15 đề cương xuất sắc nhất, mời tác giả của 15 đề cương này đi dự trại. Sau 15 ngày dự trại, các trại viên bằng mọi giá phải hoàn thiện kịch bản để nộp cho trại.

Từ năm 2010, khi nhà văn Chu Lai làm Trưởng ban sáng tác của Hội, ông có sáng kiến yêu cầu nộp kịch bản mới, hoàn chỉnh lên Ban tổ chức để tuyển chọn kịch bản tốt dự trại. Vào trại, các trại viên chia tổ để cùng nhau sáng tác, hoặc toàn thể trại viên nghe lần lượt các kịch bản để bổ sung, góp ý cho nhau. 

Trong thời gian còn lại ở trại, tác giả có thể nâng cao, sửa chữa kịch bản của mình tốt hơn qua sàng lọc, tiếp thu góp ý của đồng nghiệp. Với tư cách là một tác giả, tôi thấy biện pháp này khá bổ ích và có hiệu quả để các trại viên tương tác chuyên môn với nhau và để giúp cho tác giả hoàn thiện kịch bản của mình một cách kỹ lưỡng và chất lượng nhất.

Với cách làm chặt chẽ, nghiêm túc như vậy, có thể nói kịch bản của trại viên trong các trại sáng tác của Hội NSSKVN tuy chất lượng có khác nhau nhưng đã đạt được tính chuyên môn, tính chuyên nghiệp và ĐỦ SỨC ĐƯỢC DÀN DỰNG TRÊN SÂN KHẤU.

Nhưng trong làng sân khấu, vài chục năm qua lại nảy ra một tình trạng đáng buồn. Đó là tiếng kêu của các đoàn nghệ thuật sân khấu nói riêng và ngành sân khấu nói chung là thiếu kịch bản để dàn dựng. Trong khi đó, mỗi năm chỉ riêng các trại sáng tác bình thường đã cho ra khoảng 30 kịch bản. Có năm đột biến tới 45 kịch bản. Đây là một mâu thuẫn trong cung cầu hay là một tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”?

Qua theo dõi của tôi trong gần hai chục năm, số kịch bản viết ra trong các trại sáng tác của Hội NSSKVN được dàn dựng trên sân khấu vô cùng thưa thớt với tỉ lệ bình quân hằng năm chưa đầy 1%. Điều này chứng tỏ việc mở trại chỉ thuần túy là biện pháp giải ngân mà không phải biện pháp kích thích sáng tạo, tạo ra mối gắn kết giữa trại sáng tác và kịch mục của các đơn vị sân khấu đều là thành viên của Hội NSSKVN. Nói chính xác hơn, sự tách rời này ít nhiều là biểu hiện Hội NSSKVN đã quên chức năng điều hành, kết nối, tương tác tìm đầu ra cho tác phẩm của các hội viên trong phạm vi có thể của mình.

Tôi nhớ, vào năm 2009, lần đầu tiên tôi đi dự trại sân khấu, trong buổi khai mạc và bế mạc có khá đông đại biểu của các nhà hát, đoàn kịch đến dự và theo dõi nội dung kịch bản. Kịch bản “thầy Chu” của tôi viết tại trại này được Nhà hát Chèo Quân đội dựng thành vở diễn đoạt Huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật Chèo toàn quốc năm 2013 chính là một biểu hiện của mối liên hệ hữu cơ này.

Tôi lại nhớ khi NSND Lê Hùng (một đạo diễn tài ba và là giám đốc của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ khi ấy) đưa ra nguyên tắc: “Kịch bản nào được giải của Hội NSSKVN thì Nhà hát nên dựng”. Kịch bản “Tôi và nhân vật của tôi” của Hà Đình Cẩn đoạt giải A, và kịch bản “Giàn mùng tơi gẫy rập” của tôi đoạt giải B trong giải thưởng kịch bản chất lượng năm 2010 của Hội NSSKVN đều được dựng ở Nhà hát Kịch Quân đội và Nhà hát Kịch Việt Nam.

Kịch bản hài “Con người là thế nào?” (tôi viết ở trại sáng tác kịch bản hài tại Nha Trang 2012) được Hội tặng giải chất lượng hằng năm, Lê Hùng định dựng thì ông về hưu, đến nay vẫn nằm yên. Với tư cách tác giả, tôi rất mong muốn tình trạng gắn bó hữu cơ mật thiết giữa các nhà hát, các đoàn kịch và các tác phẩm đã hoàn chỉnh ở các trại viết được tái lập.

Đáng buồn gần một thập niên trôi qua, tình trạng “gắn bó” nêu trên không còn nữa. Trại mở ra hay những cuộc hội thảo về sân khấu liên quan rất nhiều đến các đơn vị sân khấu cũng chỉ quanh đi quẩn lại là sự có mặt của các tác giả, nhà tổ chức và mấy vị đại biểu đọc bản tham luận, còn đại diện các nhà hát, các đoàn kịch thì không. Kịch bản chất lượng được Hội trao giải xong thì lại đút ngăn kéo tác giả, hay lưu trữ trong kho của Hội.

Nhưng kể cả khi hai tình trạng trên được tái lập thì cũng chỉ gỡ bí cho thiểu số kịch bản, hay nhà hát nào đó. Bởi cho đến nay trại sáng tác và các nhà hát, đoàn kịch vẫn là những mảng rời rã, mối liên hệ đáng có chưa được xác lập. Còn mâu thuẫn giữa số lượng 30-45 kịch bản được viết từ các trại sáng tác của Hội và căn bệnh thiếu kịch bản tại các nhà hát, đoàn kịch vẫn chưa giải quyết được về cơ bản nếu Hội không bộc lộ vai trò, chức năng liên thông của mình.

Để giải quyết mâu thuẫn này, theo tôi nghĩ Hội NSSKVN cần phát huy vai trò chỉ đạo và điều phối của mình. Với một quy trình từ khâu chọn kịch bản dự trại đến khâu hoàn chỉnh kịch bản qua góp ý như tôi nói ở trên, nên hầu hết các kịch bản của trại do Hội NSSKVN đã đạt yêu cầu chuyên môn, nghệ thuật. 

Nên chăng sau mỗi trại Hội (Ban sáng tác đối với các kịch bản, Hội đồng nghệ thuật đối với những kịch bản có chất lượng được Hội khen thưởng hằng năm) cần giới thiệu các kịch bản của trại cho các nhà hát, đoàn kịch trong cả nước. Nếu đơn vị nào dựng kịch bản nào từ trại sáng tác, Hội nên động viên bằng sự tài trợ tượng trưng (hoặc thực chất) kinh phí cho vở dựng theo kịch bản đó. Tất nhiên các đơn vị kịch còn phải làm nhiệm vụ chính trị với địa phương, rồi với nhu cầu và gu dựng vở, họ sẽ tìm ra kịch bản phù hợp .

Với cách làm này thì uy tín của Hội sẽ thêm phần được nâng cao, tình trạng khan hiếm kịch bản sẽ dần dần được giải quyết và đội ngũ tác giả vốn đã hiếm hoi của sân khấu có thêm niềm vui và hứng thú sáng tạo.

Thêm một ý kiến nhỏ nữa, là gần một chục năm nay, trong khi các Hội chuyên ngành khác mở trại vẫn có đủ thành phần tác giả ở trên mọi vùng miền của đất nước thì Hội NSSKVN lại cá biệt lấy lý do kinh phí chia khu vực vùng miền rất bất hợp lý. Tác giả miền nào thì chỉ được dự trại miền đó. Hi vọng nhiệm kì này Hội NSSKVN sẽ xóa được tình trạng phân biệt vùng miền tác giả trong các trại sáng tác của Hội?

Ngày 19/2/2020

Nguyễn Hiếu
.
.