Sân khấu và bước chuyển mình thời 4.0

Thứ Năm, 20/06/2019, 08:36
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu khoa học đáng kinh ngạc đã thâm nhập hầu hết lĩnh vực của đời sống, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, sự chuyển mình của sân khấu (gồm kịch nói, cải lương, tuồng) để bắt kịp xu hướng công nghệ vũ bão vẫn còn khá chậm chạp.


Trung tuần tháng 6, vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” (tác giả Nguyễn Thế Kỷ) được tái hiện với bản dựng mới do đạo diễn Triệu Trung Kiên đảm nhận. Đây cũng là lần đầu vở đến với khán giả TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc đoàn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ đến tận Khau Vai để tìm hiểu đời sống bà con dân tộc, nắm bắt chất liệu gửi gắm vào vai diễn thì sự đổi mới trong việc quảng bá đã khiến công chúng chú ý. Ekip lập fanpage “Chuyện tình Khau Vai” thông tin về vở diễn và liên tục cập nhật chuyện hậu trường, hình ảnh diễn viên đang tập luyện, tung poster cũng như clip hành trình ở Khau Vai.

Thậm chí, trên fanpage này còn có mini game đố vui cho khán giả với phần thưởng là vé mời. Khán giả vô cùng thích thú vì cách quảng bá vở diễn và tiếp cận công chúng như thế này vẫn là điều rất mới mẻ ở sân khấu cải lương. Riêng sân khấu kịch nói, một số đơn vị dần để tâm đến việc giới thiệu vở trên Facebook. NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết, sở dĩ vở “Rặng trâm bầu” của sân khấu TKC luôn đông khách là nhờ các nghệ sĩ siêng năng lên trang cá nhân kêu gọi khán giả ủng hộ.

Ekip vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” thêm thu hút khán giả nhờ cách tiếp thị, tương tác bằng fanpage (Ảnh: Tiểu Vũ).

Những tín hiệu trên là bước đầu rất đáng mừng để sân khấu TP Hồ Chí Minh dần hồi sinh. Bởi lâu nay sân khấu bị ví như đèn treo trước gió vì muôn vàn khó khăn bủa vây. Nếu cải lương, hát bội rơi vào phận hẩm hiu, lâu lâu mới có suất diễn gọi là thì kịch nói cũng không khá khẩm hơn.

Theo Tiến sĩ văn hóa Mai Mỹ Duyên, ngoài các nguyên nhân như sân khấu lạc hậu, các vở diễn nghèo nàn cả về đề tài và dàn dựng, diễn viên không còn chuyên tâm... thì một nguyên nhân khiến khán giả quay lưng với sân khấu còn bởi: Sân khấu chưa vận dụng được sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc dàn dựng và tổ chức biểu diễn.

Phải thừa nhận rằng trong cơn lốc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc... bắt sóng khá nhanh và hiệu quả thì sân khấu vẫn lật đật chạy theo sau. Những nỗ lực của ekip “Chuyện tình Khau Vai” hay “Rặng trâm bầu” vẫn bị xem là bước đổi mới khá chậm và lẻ tẻ của sân khấu. Đạo diễn Hà Quang Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh không khỏi ngán ngẩm khi sân khấu nước nhà hiện nay không khác gì thời “một nghìn chín trăm hồi ấy”.

Vở bị cắt liên tục để chuyển cảnh. Và mỗi lần chuyển cảnh là tắt đèn tối om rồi chờ 10 phút, nhân viên loay hoay với bục bệ, phông màn... Sang nước ngoài, ông kinh ngạc khi họ đã có vô số cách dựng tân tiến, hiện đại như sân khấu xoay, sân khấu nâng... để chuyển cảnh tích tắc và tạo hình như cảnh thật chứ không nặng tính ước lệ, cũ kỹ như ta. Họ không chỉ sử dụng hết các công năng, cả về các chiều ngang, sâu, cao, cả bên dưới sàn diễn mà phần lớn đều có sự can thiệp của công nghệ, thậm chí là tự động hóa. Hệ thống điều khiển ánh sáng hiện đại, hoàn toàn tự động trong điều khiển, pha màu, nhuộm màu, các loại đèn kỹ xảo tạo hiệu ứng, công nghệ 3D mappin...

Đạo diễn Hoàng Duẩn cho hay ông dở khóc dở cười khi diễn viên đang thoại thì mất luôn cả tiếng, hay âm thanh “rột rẹt” là chuyện thường ngày. Thực tế đó đã hạn chế rất nhiều sự sáng tạo của đạo diễn, nhất là những đạo diễn khao khát muốn xử lý nghệ thuật, muốn dàn dựng các vở diễn hoành tráng, hiệu quả với sự trợ giúp của công nghệ để tạo sức hút cho khán giả.

Ở nước ta, phần lớn các đạo diễn - lực lượng được xem là “máy cái” để tạo ra các tác phẩm- thì đa số không được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Các đạo diễn trẻ không còn mặn mà với việc dàn dựng kịch nói vì không mang lại lợi nhuận nhanh và nhiều như truyền hình, điện ảnh... Số còn lại dù có tâm huyết với nghề cũng không thể tiếp cận với công nghệ bởi nó khá mới, cần phải có lộ trình và thời gian.

Ngay cả khi học trong nhà trường thì các môn học có liên quan đến công nghệ, kỹ thuật dành cho các đạo diễn tương lai cũng rất hạn chế nếu không muốn nói là gần như bằng không! Đạo diễn không am hiểu về công nghệ thì không thể tìm kiếm được sự hỗ trợ công nghệ từ các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác dàn dựng như thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo...

Nhiều người ngại đổi mới, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống như cải lương, vì sợ bị đánh giá là lai căng, phá nát cải lương. Trước luồng ý kiến này, NSND Giang Mạnh Hà cho rằng chúng ta không thể mãi bám vào quá khứ, gặm nhấm với thành công rồi bảo thủ, duy ý chí, làm thế thì nền sân khấu của Việt Nam sẽ yếu kém toàn diện so với khu vực và trên thế giới.

“Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo không ngừng, trăm hoa đua nở, càng nhiều tác phẩm vở diễn sáng tạo đột phá, độc đáo, mới lạ, khác biệt với cách làm cũ càng được công chúng ủng hộ. Chúng ta không nên sợ đưa kỹ thuật công nghệ cao của thế giới vào sân khấu cải lương là phá cải lương. Bởi các vở diễn hiện đại vẫn còn sử dụng âm nhạc, làn điệu cải lương thì nó vẫn mãi mang thần thái hồn phách của cải lương.

Điều quan trọng là sử dụng kỹ thuật công nghệ đó như thế nào? Có phù hợp không? Tính hiệu quả và chất lượng ra sao? Từ thuở manh nha, nghệ thuật cải lương đã mang trong mình sự tiếp nhận, giao thoa và đổi mới. Vậy thì thế kỷ XXI với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể không đổi mới sân khấu cải lương” – ông nhấn mạnh.

Vở “Rạng ngọc Côn Sơn” sử dụng màn hình led làm phông nền để chuyển cảnh nhanh và sinh động.

Riêng công tác tổ chức biểu diễn tại các sân khấu, TS Mai Mỹ Duyên đánh giá công tác này vẫn khá nghiệp dư và mang tính “ăn may”. Việc tiếp thị, phát triển khán giả, truyền thông, bán vé, xin tài trợ là những khâu còn rất hạn chế. Nếu các rạp phim, tụ điểm biểu diễn âm nhạc đều có hệ thống bán vé online thuận tiện, hiệu quả thì sân khấu kịch nói lẫn cải lương vẫn bán vé trực tiếp tại rạp.

Điều này khiến khán giả rơi rụng dần vì quá bất tiện. Một vài sân khấu cũng tổ chức bán vé online nhưng không nhiều và thao tác còn quá rườm rà, khó khăn. Việc in vé, xét vé, đón tiếp khán giả vẫn theo “công nghệ” thủ công, gây phiền hà và mất nhiều thời gian của khán giả.

“Thiết nghĩ với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì các nhà hát nên tận dụng kịp thời và áp dụng trong việc tổ chức các chiến lược quảng cáo, quảng bá, tiếp thị. Một ví dụ đơn giản: Mỗi khi nhà hát ra mắt vở diễn mới chỉ cần một thao tác trên điện thoại thông minh là tất cả khán giả thân thuộc sẽ nhận được tin nhắn thông báo, kèm theo là các chế độ ưu đãi cho suất diễn đầu tiên. Sử dụng công nghệ để gửi đến khán giả những lời chúc trong các dịp lễ tết, các dịp kỷ niệm quan trọng, ngày sinh nhật, chắc chắn sẽ góp phần tác động rất mạnh đến việc giữ chân và lôi kéo khán giả đến với sân khấu của mình.

Sử dụng điện thoại thông minh để đặt vé, thanh toán cũng như ra vào cửa mà không cần phải in vé sẽ góp phần giảm chi phí in ấn, lại thuận tiện cho khán giả. Hoặc họ có thể thông báo lịch diễn, thành phần nghệ sĩ, phát trailer cho từng vở diễn bằng các tiện ích của công nghệ 4.0”– TS Mai Mỹ Duyên đề xuất.

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, để làm được những điều trên thì trước tiên phải có rạp hát đủ tiêu chuẩn với hệ thống trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến hướng đến công nghệ 4.0. Hiện nay các rạp hát của chúng ta khá xập xệ. Khi mới khởi công, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang từng được kỳ vọng là thánh đường cải lương phía Nam. Nhưng đến khi đưa vào sử dụng, các nghệ sĩ ngã ngửa vì thiết kế vô cùng bất tiện cho việc dàn dựng, diễn xuất, nhất là những vở có quy mô lớn. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về công nghệ, nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng, ứng dụng hiện đại cũng là vấn đề cần kíp.

Phan Thi Uyên
.
.