Sân khấu Hà Nội sau mùa dịch COVID - 19: Nỗ lực kéo khán giả đến rạp

Thứ Sáu, 29/05/2020, 07:45
Tối 23-5 vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã biểu diễn thành công vở kịch nói "Bệnh sĩ" (Kịch bản: cố tác giả Lưu Quang Vũ; Đạo diễn: NSND Tuấn Hải) - vở diễn mở màn trong chuỗi chương trình khởi động lại sân khấu sau một thời gian dài bị đình trệ vì dịch COVID - 19 do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch triển khai. 


Sau "Bệnh sĩ", hàng loạt địa điểm biểu diễn quen thuộc của Thủ đô sẽ sáng đèn với các chương trình nghệ thuật đặc sắc, được lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng với mục tiêu "kéo" khán giả trở lại với sân khấu biểu diễn.

Màn khởi động ấn tượng

Đại dịch COVID-19 tuy đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường và vẫn đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khiến bất kỳ quốc gia nào cũng phải thận trọng, e dè. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bình ổn của cuộc sống, sự phát triển kinh tế mà COVID-19 còn khiến lĩnh vực văn hóa - giải trí toàn cầu tạm thời bị đứt gãy.

Đối với Việt Nam, tuy đến nay vẫn chưa có người chết vì dịch, song những ảnh hưởng sâu đậm mà dịch bệnh để lại, trong đó có văn hóa - nghệ thuật, phải mất một thời gian dài mới có thể phục hồi. Đương nhiên, để văn hóa - nghệ thuật có được sự phục hồi như mong đợi, nó cần có sự hỗ trợ về chính sách đến từ sự điều tiết vĩ mô. Bên cạnh đó, phải nỗ lực tự thân, sự sáng tạo và đổi mới không ngừng đến từ các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ.

Vở kịch "Bệnh sĩ" của Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn cho chuỗi chương trình khởi động lại các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch COVID19.

Chính vì thế, chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đề ra nhằm hỗ trợ và khuyến khích 12 nhà hát thuộc Bộ có cơ hội biểu diễn trở lại, góp phần quan trọng trong việc "hâm nóng" đời sống văn hóa nghệ thuật vốn "nguội lạnh" vì dịch bệnh suốt mấy tháng qua.

Vở kịch nói "Bệnh sĩ" (Kịch bản: cố tác giả Lưu Quang Vũ; Đạo diễn: NSND Tuấn Hải) của Nhà hát Kịch Việt Nam đã diễn ra thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là vở diễn từng lập kỷ lục với tổng số gần 300 đêm diễn kể từ khi được công diễn (năm 2015) đến nay.

Trong số khán giả đến xem vở kịch đầu tiên được biểu diễn tại Hà Nội sau một thời gian dài gián đoạn, có một số "khán giả đặc biệt" như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện... Đây là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với tập thể anh chị em nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam nói riêng và giới sân khấu biểu diễn nói chung.

Theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện triển khai, sau vở "Bệnh sĩ" của Nhà hát Kịch Việt Nam, các nhà hát khác trực thuộc Bộ sẽ lần lượt có một vở diễn/ chương trình tiêu biểu, có chất lượng để phục vụ khán giả cũng như làm nóng sân khấu biểu diễn sau nhiều tháng ngưng trệ. Các chương trình biểu diễn sẽ kéo dài từ nay cho đến cuối tháng 8-2020.

Cụ thể: Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ biểu diễn vở "Cướp biển" vào tối 31-5 tại Rạp xiếc Trung ương; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ biểu diễn chương trình "Mặt trời phương Đông" tại Nhà hát Âu Cơ vào ngày 12-6; Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ biểu diễn vở "Vân dại" vào tối 13-6 tại Nhà hát Chèo Kim Mã; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn chương trình hòa nhạc chọn lọc vào tối 19-6 tại phòng hòa nhạc - Nhạc viện Hà Nội; Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn vở "Thân phận nàng Kiều" vào tối 20-6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam biểu diễn "Tháng 6 trời mưa" vào 27-6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn chương trình "Nhịp điệu ATK" tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên vào ngày 27-6; Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn vở "Chuyện tình Khau Vai" vào tối 11-7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam biểu diễn vở "Hồ Thiên nga" vào tối 22-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Cần thêm những "cú hích"

Chắc hẳn nhiều người sẽ tỏ ra băn khoăn khi thấy trong danh mục biểu diễn "khởi động sau mùa COVID-19" này lại không có tên của Nhà hát Tuổi trẻ - một trong các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và là đơn vị nghệ thuật hàng đầu trong việc tiếp cận với khán giả ở Thủ đô.

Qua tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ Nhà hát Tuổi trẻ không tham gia chương trình 'khởi động" này là vì đơn vị đã có một hệ thống các chương trình đánh dấu sự trở lại sau mùa dịch của riêng mình bằng việc phục vụ khán giả nhỏ tuổi nhân dịp ngày "Quốc tế thiếu nhi" 1-6.

Ngoài sự kiện "Ngày hội của bé" diễn ra lúc 20h ngày 1-6-2020, Nhà hát Tuổi trẻ lại tiếp tục có các suất diễn với dự án nghệ thuật "Bay lên những ước mơ" đã có từ mùa hè 2019. “Bay lên những ước mơ” là dự án nghệ thuật do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp cùng Công ty cổ phần Hàng không Vietjet thực hiện với những vở diễn đặc sắc dành cho thiếu nhi, từ khi ra mắt đã thu hút hàng ngàn lượt khán giả nhỏ tuổi và các bậc phụ huynh yêu mến, gặt hái được nhiều thành công có sức lan tỏa trong xã hội.

Vì thế, “Bay lên những ước mơ” mùa diễn thứ hai đã được khởi động với ba chương trình: “Vaxilixa và Phù thủy độc ác" (Kịch vui thiếu nhi), “Cuộc chiến vô cực” (Nhạc kịch thiếu nhi) và “Trống Choai đi đâu thế…?” (Ca múa nhạc - Kịch vui).

Theo chia sẻ của đại diện Nhà hát Tuổi trẻ, chuỗi hoạt động biểu diễn này đánh dấu sự trở lại nhanh chóng của Nhà hát Tuổi trẻ sau thời gian giãn cách xã hội từ ảnh hưởng của dịch COVID -19, được các nghệ sỹ gửi gắm nhiều tình cảm, tâm huyết với mong muốn chung tay góp sức cùng toàn xã hội chiến thắng bệnh dịch, từng bước đưa cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường. Với mong muốn được chia sẻ khó khăn và tri ân tới đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch, dự án “Bay lên những ước mơ” của Nhà hát Tuổi trẻ còn dành tặng hàng ngàn vé xem chương trình cho con em các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… những người đã và đang ngày đêm ở nơi tuyến đầu chống dịch.

Một cảnh trong tiểu phẩm "Cuộc chiến vô cực" trong chương trình "Bay lên những ước mơ" của Nhà hát Tuổi trẻ phục vụ khán giả nhỏ tuổi nhân dịp 1-6.

Thực tế cho thấy, trong tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn chung hiện nay, việc "vực" dậy một đời sống văn hóa - nghệ thuật bình thường như lúc chưa có dịch là một việc không hề dễ dàng. Nhưng việc này đã trở nên khá dễ dàng đối với Nhà hát Tuổi trẻ là vì đơn vị này đã tìm được một "Mạnh thường quân" đỡ đầu cho chương trình. Điều này hẳn là đơn vị nghệ thuật nào cũng phải mơ ước nhưng để một nhãn hàng chịu chi tiền ra cho một đơn vị nghệ thuật, chắc hẳn đơn vị ấy phải có những yếu tố, những điều kiện khắt khe cần phải đáp ứng với yêu cầu của nhà tài trợ.

Có một điều "may mắn" đối với sân khấu Hà Nội năm 2020 là, giữa cơn khủng hoảng chung chưa biết bao giờ mới kết thúc này, tháng 7 tới đây sẽ diễn ra Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Liên hoan quy tụ gần 30 đơn vị nghệ thuật thuộc nhiều loại hình sân khấu (chèo, cải lương, kịch nói, ca kịch) trên cả nước tham gia với 35 vở diễn. Như vậy, trong tháng 7 này, sân khấu Hà Nội sẽ liên tục sáng đèn trong vòng nửa tháng với các vở diễn tham gia tranh tài tại liên hoan.

Ngoài những vở diễn/ chương trình được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đầu tư kinh phí như đã nói ở trên, cần có thêm những "cú hích" mới như thế này để góp phần "làm nóng" sân khấu Thủ đô, từng bước đưa đời sống văn hóa - nghệ thuật trở lại nhịp điệu bình thường.

Nguyệt Hà
.
.