Sân khấu Hà Nội 2018: Khép lại một năm lặng lẽ?
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Có thể nói, năm 2018 sân khấu Hà Nội thực sự không có được những đêm "bừng sáng" bằng những vở diễn gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả hay sự chú ý của truyền thông. Bởi vậy, xét về mặt hiệu ứng khán giả, có thể nói năm 2018 là một năm sân khấu Hà Nội khá mờ nhạt.
Vẫn là đời sống của các nhà hát kịch nói như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội có sự sôi động, có sức sống hơn các nhà hát kịch hát truyền thống như Chèo, Tuồng, Cải lương. Và có lẽ, điểm nhấn duy nhất có thể nhắc tới trong năm, đó là Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ III-2018 được tổ chức vào đầu tháng 11 với sự tham gia của 10 vở diễn lần lượt tranh tài tại rạp Công nhân đã tạo nên một chuỗi ngày sôi động, đó là: Nhà hát Kịch Việt Nam với vở diễn "Thế sự", Nhà hát Tuổi trẻ với vở diễn "Tôi đẹp tôi có quyền", Nhà hát Kịch Quân đội với vở diễn "Mùa hoa sữa", Đoàn Kịch CAND với vở diễn "Bão của hoàng hôn", Nhà hát Cải lương Hà Nội với vở "Đen trắng vòng đời", Nhà hát Cải lương Việt Nam với vở "Lý triều dựng nghiệp", Nhà hát Chèo Hà Nội với vở "Cô Son", Nhà hát Chèo Việt Nam với vở "Thị Hến", Nhà hát Kịch Hà Nội với vở "Ngôi nhà trong thành phố" và Trung tâm sân khấu và phát triển với vở "Họa tình".
Sân khấu kịch nói Hà Nội đoạt 3 trong tổng số 4 Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 4-2018. |
Kỳ Liên hoan sân khấu Thủ đô lần này cũng vẫn có mục đích là tạo ra "sân chơi" cho các nghệ sĩ là chính chứ thực sự chưa có những bước đi, cách làm nhằm thu hút, "lôi kéo" sự chú ý của khán giả. Thành thử, với 10 vở kịch được trình diễn liên tục trong vòng gần 1 tuần, nhưng dường như chỉ thấy "người nhà" xem với nhau là chính, còn khán giả thực sự thưa vắng.
Trên địa bàn Hà Nội, vẫn chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát kịch Việt Nam là có kịch mục được biểu diễn thường xuyên, liên tục có bán vé các tối trong tuần (chủ yếu là cuối tuần), còn nhà hát khác ở Hà Nội lâu nay chỉ sáng rực lên, "dập dìu tài tử giai nhân" vào những đêm tổng duyệt các vở diễn được nhà nước đặt hàng, sau đó sáng đèn thêm vài đêm nữa để rồi lại rơi vào lặng lẽ!
Nói cho thật công bằng, trong năm qua các nhà hát công lập ở Hà Nội vẫn có những nỗ lực đáng kể. Tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4-2018, trong số 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật tham dự, có khá nhiều vở diễn được đánh giá cao.
Thực sự, các vở diễn của sân khấu Hà Nội khi đến với TP. Hồ Chí Minh đã trở thành những món ăn khác lạ, gây sự tò mò, chú ý đối với khán giả cũng như các đồng nghiệp làm nghề. Chính vì thế cũng tạo được động lực đối với nghệ sĩ, diễn viên khi đến TP. Hồ Chí Minh để "trình làng" những ngón nghề quen thuộc của mình.
Kết quả, trong 4 vở diễn được Ban tổ chức trao Huy chương Vàng, thì có tới 3 vở diễn đến từ sân khấu Hà Nội đó là: "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Nhà hát Tuổi trẻ, "Bão tố Trường Sơn" và "Vùng lạnh" của Nhà hát Kịch Việt Nam; trong số 6 vở diễn được trao Huy chương Bạc thì cũng có tới 3 vở diễn đến từ sân khấu Hà Nội đó là "Khi con tốt sang sông" của Nhà hát kịch Quân đội, "Gặp lại người đã chết" của Đoàn kịch nói Công an Nhân dân và "Dưới ánh đèn" của CLB Sân khấu Thể nghiệm - Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Nhưng quả thực, trong những vở diễn đã được vinh danh này, vở diễn gây được ấn tượng với cả khán giả Thủ đô và khán giả ở TP. Hồ Chí Minh đồng thời có nhiều suất diễn bán vé nhất, được báo chí truyền thông nhắc đến nhiều nhất, đó chính là "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Nhà hát Tuổi trẻ với những sáng tạo, thử nghiệm mới mẻ đến từ kịch bản rất mới lạ, đặc sắc của cố biên kịch Lưu Quang Vũ và sự trăn trở của đạo diễn Sĩ Tiến.
Nhưng cũng phải khẳng định thêm rằng, vở diễn có được sự thành công ấy phải bắt đầu từ việc đó là một kịch bản đặc sắc dù được viết cách đây trên 30 năm nhưng lại rất thời sự, phù hợp với cuộc sống đương đại.
Điều này, chắc hẳn cũng phải khiến nhiều nhà biên kịch hiện nay phải để tâm, bởi lẽ trong nhiều năm nay, số kịch bản mới được dàn dựng thành công rất ít. Hầu hết các vở diễn gây được tiếng vang, được khán giả chú ý đều rơi vào các vở diễn được tái dựng từ những kịch bản kinh điển của nước ngoài hoặc của các cố tác giả đã qua đời từ rất lâu.
Kỳ vọng nào cho năm mới 2019?
Trong một lần trò chuyện với NSƯT Trần Lực về đời sống sân khấu ở Hà Nội, anh có nói một câu khiến người viết bài này và cả những nghệ sĩ làm sân khấu (nếu nghe được) đáng phải suy nghĩ: "Làm gì thì làm, phải đặt mình vào cái ghế của khán giả. Bởi vì, xét cho cùng, sân khấu mà không có khán giả thì đó là một "sân khấu chết"!.
Có thể nói, Trần Lực là một nghệ sĩ si mê sân khấu. Sau những biến cố của thời cuộc, đã mấy chục năm qua Trần Lực trở thành nghệ sĩ của điện ảnh, nhưng cuối cùng tình yêu với nghề đã "dẫn dụ" anh quay trở lại với sân khấu và có được những vở diễn do mình và cộng sự dàn dựng được khán giả Thủ đô đón nhận. Điều này đã khiến Trần Lực thực sự hạnh phúc và "tận tâm, tận lực, tận hiến" hơn với niềm đam mê của mình: muốn xây dựng một sân khấu có sức sống, có phong cách riêng, có khán giả. Nghệ sĩ Trần Lực bước sang năm 2019 tràn trề hi vọng - cũng là dấu mốc tròn 3 năm anh trở lại với sân khấu và xây dựng "Luc Team" - sẽ mang về cho anh những thành quả ngọt ngào.
Vở kịch "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" nhận được nhiều tình cảm của khán giả Thủ đô trong năm 2018. |
Niềm tin và hi vọng của Trần Lực cũng chính là niềm hi vọng của rất nhiều nghệ sĩ gắn bó lâu năm với sân khấu hay với những nghệ sĩ mới chân ướt chân ráo vào nghề với ngọn lửa nhiệt huyết còn đượm đà. Nhưng quả thực, nghĩ đến việc dịp Tết âm lịch sẽ có những vở diễn nằm trong chương trình thưởng thức nghệ thuật và giải trí dành cho khán giả Thủ đô như "Nữ ca sĩ hói đầu" đạo diễn Trần Lực cùng đoàn kịch "LucTeam" và "Thị Nở và Chí Phèo" của Sân khấu Lệ Ngọc, tôi tin chắc nhiều người sẽ cảm thấy vui mừng, thậm chí là xúc động.
Nếu làm được việc này thành công, thì chính sân khấu tư nhân sẽ góp phần nào thay đổi tư duy, thay đổi cách thức làm việc cũng như thưởng thức nghệ thuật ở mảnh đất Thủ đô. Đó là những động lực mới mẻ, thôi thúc, tạo nên sự phấn khích và hi vọng mới về một đời sống sân khấu "đời" hơn, gần gũi hơn đối với khán giả. Bởi thực sự, nếu "khuôn vàng thước ngọc" mà xa rời đời sống, xa rời khán giả, xa rời nhân dân... thì nói như NSƯT Trần Lực, thực sự là một sân khấu đã chết rồi!
Thay lời kết:
Những ngày cuối năm 2018, thông tin về sự ra đi của NSND Anh Tú - Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thực sự tạo nên một cơn "dư chấn tâm lý" đối với bạn bè, đồng nghiệp và khán giả yêu sân khấu. Anh Tú là một nghệ sĩ tài năng và quá đỗi yêu nghề - dù khi anh là diễn viên, hay khi trở thành đạo diễn của hàng loạt những vở diễn kinh điển đã "vực" dậy tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam, "kéo" được nhiều khán giả vào và cả những doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân vào cuộc như "Hamlet", "Romeo và Juliet"...
Đọc những dòng bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ về NSND Anh Tú trên báo chí hay trên mạng xã hội Facebook, cảm phục và trân trọng Anh Tú bao nhiêu thì càng thêm thương anh bấy nhiêu. Bởi lẽ, bệnh tật đã quật ngã Anh Tú khi anh vẫn đang trong những ngày say sưa trên sàn tập: hễ cứ xin bác sĩ được về nhà là lại đến với sàn tập, có những hôm ngủ lại ở nhà hát.
Và người ta lại nghĩ thêm rằng, cuộc đời vẫn có những người nghệ sĩ yêu sân khấu đến si mê như Anh Tú, thì sân khấu hẳn phải có một sức hấp dẫn tuyệt vời nào đó chứ? Và việc sân khấu thưa vắng khán giả hay đâu đó có những nhà hát, những nghệ sĩ với một đời sống khắc khoải, buồn bã, mỏi mòn, phải chăng là vì họ chưa tìm ra đường đi, cách đi hay chưa thực sự nỗ lực hết mức để tỏa sáng và khẳng định chính mình?