Sách giả lộng hành trên sàn thương mại điện tử
- Nhức nhối vấn nạn sách giả, sách lậu
- Tạm giữ hơn 72.000 quyển sách giáo khoa nghi vấn giả mạo
Cuối tháng 6, Công ty First News - Trí Việt tổ chức buổi công bố các bằng chứng chứng minh ba sàn giao dịch điện tử lớn tại Việt Nam bày bán nhiều đầu sách giả, nhái các đầu sách bán chạy của First News.
Đơn vị này cho hay thời gian gần đây, rất nhiều độc giả đã gửi thư, email than phiền chất lượng sách của First News. Họ không hiểu vì sao sách mua ở các sàn thương mại điện tử lớn mà chất lượng lại rất kém: chữ nhòe, gáy mờ, lỗi chính tả rất nhiều, hình ảnh minh họa không sắc nét...
Sau khi xem xét, đơn vị xác nhận 100% những cuốn sách trên là sách giả. Những đầu sách thường bị làm giả của First News là những cuốn được nhiều bạn đọc quan tâm như “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, “Hạt giống tâm hồn”, “Bảy thói quen cho bạn trẻ thành đạt”... Đến nay, đơn vị này phát hiện gần 700 đầu sách bị làm giả, bị xâm phạm bản quyền dưới nhiều hình thức.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News cho biết: “Rất nhiều gian hàng trên các sàn này đưa hình sách thật lên rao bán. Nhưng khi chuyển sách đến tay khách hàng thì họ lại chuyển sách giả.
Mới đây, sau nhiều lần viết trên mạng xã hội cảnh báo mức độ cao, tôi quyết định cho nhân viên đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ tất cả các sàn, công ty bán sách online, quay video từ khâu đặt sách đến khi nhận hàng. Chúng tôi không mở các bao sách được giao ra, mời các công ty thừa phát lại đến tiến hành mở bao hàng và lập vi bằng. Thật bất ngờ, tất cả 128 đơn hàng ngẫu nhiên đó đều là sách in lậu, sách giả. Ngoài 128 đơn hàng này, chúng tôi có trên 500 chứng cứ bán sách giả, sách lậu của các công ty, các sàn thương mại điện tử bán sách trong cả nước do bạn đọc gửi về”.
Một số đầu sách giả đang được rao bán công khai trên mạng do First News thu thập. |
Không chỉ riêng First News mà các nhà xuất bản, đơn vị làm sách khác như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Thái Hà Books... cũng vấp phải tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho hay, sách giả ngày càng tinh vi, biến hóa khôn lường. Nếu sách nào có giá thành rẻ hơn sách thật, in bị nhòe mờ... thì còn dễ dàng nhận ra là sách giả.
Thế nhưng giờ đây, sách giả có chất lượng in không thua kém gì sách thật. Chỉ có những người trong nghề lâu năm mới phát hiện những chi tiết như bìa mờ nhạt hơn một chút, giấy bìa và ruột sách mỏng hơn, mực in không đều, hơi lem nhem chỉ ở những trang có chữ to, gáy sách giả thường không vuông vức. Thậm chí có những cuốn in còn đẹp hơn sách thật với những phiên bản khác nhau và ứng dụng hiệu ứng chữ nổi, ép nhũ, mạ vàng...
Để phát hiện các sách giả cao cấp này thì bạn đọc phải có một cuốn sách thật để đối chiếu từng chi tiết bên trong mới nhận ra được. Thậm chí, nhiều trùm in lậu còn đẩy giá sách giả cao hơn sách thật để đánh lừa bạn đọc thích giảm giá nhiều.
Nếu mua ở nhà sách hay vỉa hè, bạn đọc còn trực tiếp đối chiếu, so sánh chất lượng thì khi đặt mua sách trên sàn thương mại điện tử, bạn đọc gần như không có cơ hội đó. Chỉ khi đọc kỹ từng chi tiết trong sách, họ mới phát hiện những sai sót mà sách giả vấp phải. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì các sàn thương mại điện tử không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các gian hàng.
Ngoài một số sàn bắt buộc người bán phải khai báo đầy đủ giấy tờ đăng ký kinh doanh thì nhiều sàn khác không yêu cầu điều này. Người bán hàng tự do có thể vào đăng ký lập gian hàng thoải mái với cam kết “tùy hứng”: không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng... Phía sàn nào cũng tự nhận mình có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của các gian hàng; loại bỏ hàng giả khỏi website khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News bức xúc cho hay: “Chúng tôi đã gửi cảnh báo nhiều lần đến tất cả các sàn bán sách online, nhưng dường như tất cả các sàn đó không hề quan tâm, vô cảm nói rằng: chúng tôi cho thuê cửa hàng bán thu 13%, không chịu trách nhiệm ai bán sách giả hay bất cứ cái gì giả hết.
Có sàn nói, ai mua giả mang đến đây chứng minh được chúng tôi sẽ trả lại tiền. Nhưng sự thực là không tới 0,001% bạn đọc mua sách giả từ các nhà sách và các sàn nhận sách biết đó là sách giả, vì sách giả giống y chang sách thật”.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, cơ sở pháp lý để xử lý các sàn thương mại điện tử rất khó bởi họ chỉ là đơn vị trung gian. Họ tạo ra “chợ” để các gian hàng giao dịch với khách, tạo ra cơ sở để thanh toán và giao hàng chứ họ không có hàng. Họ không lưu trữ hàng thì không có lý do để xem xét và xử lý. Cách duy nhất là quy tất cả tội trạng về cho người sản xuất sách lậu – sách giả.
Lâu nay, sách giả, sách lậu là vấn nạn nhức nhối chưa được giải quyết thấu đáo ở nước ta. Dù Việt Nam có đầy đủ Luật sở hữu trí tuệ và tham gia Công ước Berne nhưng các cơ sở, hành lang pháp lý này chưa phát huy hiệu quả. Ý thức bạn đọc chưa cao, chưa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong khi các trùm sách giả thì ngang nhiên lách luật. Chế tài xử phạt không đủ sức răn đe cộng với nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc làm sách giả khiến tình trạng này không hề thuyên giảm mà ngày càng biến tướng, còn người làm sách thật thì ngại “đáo tụng đình” vì “chưa được vạ thì má đã sưng”.
Đơn cử như vụ thua kiện đau đớn của First News trước lô sách giả của cơ sở in Huy Thi tại Hà Nội năm 2011. Với phán quyết “10 ngàn quyển sách đang làm giả tại cơ sở Huy Thi đã bị bắt trước khi tung ra thị trường nên không hề gây bất cứ thiệt hại nào”, cơ sở này trắng án.
Trước vấn nạn này, các đơn vị làm sách từng có rất nhiều cách thức để tự bảo vệ mình. Sau khi ra phương thức quét mã QR năm 2013, đến năm 2015, NXB Trẻ thử nghiệm tem thông minh. Khi mua sách, độc giả cào lấy mã tem để nhập vào website của NXB và nhận những ưu đãi. Nếu mua sách giả, đương nhiên những mã tem sẽ không có và nếu có cố gắng in giả thì mã tem cũng không tương tác được. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng thừa nhận tem thông minh ra đời với mục đích chính vẫn là tương tác, chăm sóc khách hàng chứ không mong gì chuyện chống sách giả.
Bởi nói như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà thì: “Công nghệ do con người làm ra nên nếu những tội phạm nghiên cứu và dùng công nghệ chống lại công nghệ thì các đơn vị làm sách vẫn “chết” như thường. Đối với người làm sách, vấn nạn sách lậu gần như bị xem sống chung với lũ”.
Điều đáng buồn nhất là vẫn có nhiều bạn đọc, kể cả các ban ngành vẫn chưa nhận ra tác hại sâu xa từ việc in lậu và phát hành, tiêu thụ sách giả. Thậm chí nhiều người còn bày tỏ quan điểm ủng hộ sách lậu vì sách giả có xấu một chút, đọc nhức mắt một chút, sai một chút nhưng lại rẻ. Họ không nghĩ rằng đây là vấn nạn để lại hậu quả vô cùng nặng nề không chỉ cho nhà xuất bản, đơn vị làm sách chân chính mà còn cho chính bản thân người đọc nói riêng và xã hội nói chung. Cổ súy cho sách giả có khác gì chúng ta ủng hộ việc ăn cắp chất xám người khác, nhân nhượng với sự giả dối trong kinh doanh?
Sách giả giết dần, giết mòn những người làm sách thật. Sách giả không chỉ gây tổn hại về vật chất, tinh thần cho nhà xuất bản, đơn vị làm sách mà còn gây tổn hại đến chính người đọc. Chẳng hạn sách về sơ cấp cứu, chữa bệnh mà sai nội dung - dù chỉ một dòng, một chữ- cũng vô cùng nguy hiểm đến sức khoẻ hay cả tính mạng bạn đọc nếu áp dụng trong những tình huống khẩn cấp.
Tri thức bị tiếp nhận sai lệch sẽ làm hỏng cả một thế hệ, một xã hội, thậm chí cả đất nước như lời một triết gia nổi tiếng thế kỷ 18: “Muốn phá huỷ tinh thần một dân tộc, phá huỷ một quốc gia - trước hết hãy tàn phá nền giáo dục và tri thức của quốc gia đó trước”.
Trước tình trạng sách giả lộng hành trên sàn thương mại điện tử, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho hay, thời gian tới Hội sẽ vào cuộc quyết liệt, đồng hành cùng các đơn vị làm sách để ngăn vấn nạn này. “Phải coi hành vi in giả và buôn bán sách giả là vi phạm pháp luật, nếu đủ điều kiện có thể khởi tố hình sự. Do đó cuộc đấu tranh này cần có sự kết hợp giữa nhà xuất bản và đơn vị làm sách, cũng như các cơ quan chức năng và văn phòng luật sư” – ông nhấn mạnh.