Quyền lực của khán giả

Thứ Năm, 22/04/2021, 13:28
Việc quyết định sống còn cho một bộ phim chiếu rạp dựa vào rất nhiều yếu tố, nhưng có lẽ yếu tố chốt hạ cuối cùng chính là khán giả. Chính khán giả là những người phán quyết, họ sẽ quyết định sự sống còn cho những bộ phim.


Trước đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, hàng loạt các bộ phim sắp ra rạp đều bị hoãn lại, những bộ phim với đầu tư hơn chục tỷ cũng bị phủ vải nằm chờ ngày công chiếu. Các bộ phim đều là “những đứa con tinh thần” của nhà sản xuất, đồng thời cũng là những củ khoai bỏng nóng, bán được thì lời mà giữ lâu thì hỏng.

Với doanh thu hơn 350 tỉ đồng, “Bố già”đã phá được nhiều kỉ lục phòng vé phim Việt.

Trong nước, đại dịch COVID-19 đã tạm thời được kiểm soát, như hiệu ứng domino, hàng loạt các bộ phim điện ảnh ra rạp, tạo một cuộc chiến phòng vé sôi động. Sau sự thành công của phim “Bố già”, các bộ phim Việt khác cũng sẵn sàng cho cuộc đua phòng vé. Để cân sức nặng, độ thu hút của một bộ phim, chúng ta cần rất nhiều yếu tố: ngân sách đầu tư, kịch bản, diễn viên, độ quảng bá… nhưng điều quan trọng nhất chính là khán giả. 

Một bộ phim Việt muốn ra mắt thị trường trong nước cần rất nhiều thời gian và công sức, với sự kì công của cả đoàn làm phim và cái đích cuối cùng là để chạm đến khán giả. Vậy điều quan trọng nhất là sự quan tâm của khán giả trong nước. Một phim dù được đầu tư nhiều tiền với quy mô lớn đến đâu nhưng khi ra mắt mà không được sự đón nhận của khán giả thì đó là một sự không thành công, kể cả những bộ phim tuyên truyền, nếu không có người xem thì cũng không thể tuyên truyền được. Khán giả chính là người thẩm định, người bỏ tiền ra để tăng doanh thu cho bộ phim, họ đồng thời cũng chính là người quyết định sự sống còn cho bộ phim. 

Sự đánh giá của khán giả chính là sự quảng bá tốt nhất cho một bộ phim, đạo diễn Lê Thanh Sơn đã nói: “Những bộ phim chất lượng khiến khán giả thấy mình trong đó, họ sẽ mời bạn bè, gia đình cùng đi xem chung, tạo nên văn hoá xem phim”. 

Phim “Bố già” mới công chiếu gần đây đã có doanh thu gần 400 tỉ đồng nhưng đây có thực sự là một bộ phim xuất sắc? Bộ phim được đầu tư công phu về mặt quảng bá, cũng đánh được vào tình cảm gia đình – thứ tình cảm mà ai cũng có nhưng thực sự kịch bản vẫn chưa đạt tầm vóc điện ảnh, câu chuyện chưa đủ sức nặng, phim không thực sự đặt ra được vấn đề và giải quyết vấn đề. 

Nhưng những nhà sản xuất phim chứng minh được sự cố gắng, tâm huyết của họ ở trong đó, sự chân thành, tôn trọng khán giả. Chính những khán giả là người đã quảng bá, lan toả góp thêm sự thành công cho “Bố già”, đã đưa doanh thu của bộ phim lên cao, phá được nhiều kỉ lục phòng vé.

“Nỗi niềm Trạng Tí” hay “nỗi niềm” của tác giả Lê Linh.

Đó là bộ phim có sự đồng thuận, ủng hộ của khán giả, vậy một bộ phim mà không có sự đồng thuận, ủng hộ của khán giả thì sẽ ra sao? Những bộ phim không được đầu tư nhiều về quảng bá sẽ bị “chết yểu” ngay khi vừa ra rạp. Nhưng cũng có một số bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn có nguy cơ bị “nhấn chìm”. 

Dẫn chứng chính là phim “Cậu Vàng”. Sau hai tuần công chiếu, “Cậu Vàng” được xếp rất ít các suất chiếu vì lượng khán giả không nhiều. Chỉ trong hai tuần, “Cậu Vàng” đã lặng lẽ rút khỏi các rạp chiếu phim, với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, trong khi kinh phí của bộ phim lên đến 20 tỷ đồng, điều này cho thấy sự thiệt hại nặng nề của nhà làm phim. 

Bộ phim vấp vào sự phản đối gay gắt khi người quản lý trang mạng xã hội Facebook của “Cậu Vàng” có phát ngôn thiếu tôn trọng, thậm chí là xúc phạm tới khán giả. Sau vụ việc, đoàn làm phim đã lên tiếng xin lỗi nhưng doanh thu vẫn khó cứu vãn. Ngoài ra, bộ phim còn vấp phải những tranh luận về chú chó đóng vai cậu Vàng lại là chó Shiba của Nhật Bản, hay bối cảnh phim rời rạc, hình ảnh phim có vài chỗ bị giật, nhòe. Tóm lại, cộng đồng mạng cho rằng, những người làm phim “Cậu Vàng” đã không tôn trọng khán giả, đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến doanh thu phòng vé của phim giảm mạnh. 

Nối gót làn sóng tẩy chay của dân cư mạng, bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu kí” cũng vấp vào nhiều tranh cãi và bị đa phần cư dân mạng (khán giả) tuyên bố tẩy chay. Bộ phim “Trạng Tí phiêu lưu kí” là hành trình tìm mẹ của cậu bé Tí cùng nhóm bạn Sửu, Dần, Mẹo – đều là các nhân vật trong truyện tranh dân gian nổi tiếng của trẻ em “Thần đồng Đất Việt”. Khi bộ phim được ra mắt, tác giả Lê Linh của bộ truyện “Thần đồng Đất Việt” đã đăng tải dòng tâm sự của mình lên trang mạng cá nhân Facebook. 

Tác giả Lê Linh viết về “Trạng Tí và giấc mơ điện ảnh”, ông khẳng định việc chuyển thể “Thần đồng Đất Việt” thành phim cũng là ước mơ mà mình mong muốn từ lâu. Nhưng hãng phim này chỉ làm việc tác quyền với Công ty Phan Thị mà không hỏi bất kì ý kiến nào của tác giả Lê Linh, khiến ông vô cùng thất vọng và không ủng hộ. 

Sau việc cư dân mạng lên tiếng đòi lại công bằng cho tác giả Lê Linh, nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân đã chủ động mời ông hợp tác nhưng không thành công. Không được tác giả Lê Linh ủng hộ, khán giả cũng phản đối phim vì đạo diễn đã thay đổi rất nhiều những chi tiết nội dung phim khác phiên bản gốc. Đạo diễn của bộ phim là ông Phan Gia Nhật Linh, ông giải thích rằng truyện tranh có thể không có logic về mặt tâm lý, nhưng phim thì phải có. Ông cho rằng cần phải thay đổi sáng tạo vì phim cần khác truyện, cần có tính logic, và logic của ông lại một lần nữa dấy lên “làn sóng tẩy chay” mạnh khi tung một đoạn ngắn của phim, đoạn Trạng Tí “gọi bưởi”. 

Cảnh quay này được lấy cảm hứng từ tập một của bộ truyện “Thần đồng Đất Việt” mang tên “Pháp sư gọi bưởi”, theo nguyên tác, nhân vật Tí lấy quả bưởi bị rơi từ trong hố sâu lên. Nhưng trong phim, đạo diễn lại đưa phim lên một tầm “logic hơn”, đó là để nhân vật Tí lấy nước mương đổ đầy giếng sâu nhằm lấy quả bưởi. Nhiều khán giả cho rằng chi tiết này hết sức bất hợp lí, giếng nước thường có mạch ngầm ở dưới, theo nguyên tắc bình thông nhau, khó có thể đổ đầy được. Không những vậy, đổ nước mương vào giếng dễ gây ô nhiễm nguồn nước. 

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trong buổi họp báo ngày 24/1 giải thích về vấn đề vì sao lại thay đổi hình ảnh bố tử (miếng vải thêu trước ngực và sau lưng áo thời phong kiến) của nhân vật Tí từ hình chữ S sang hình cá chép. Ông cho rằng truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, vào thời đó, bản đồ Việt Nam chưa có hình chữ S và việc thay đổi là chủ ý của đạo diễn. Đạo diễn muốn bộ phim phù hợp với bối cảnh, nhưng poster của bộ phim lại tiếp tục vấp “hạt sạn”, vì nhân vật Mẹo trong phim đeo niềng răng, thời Hậu Lê chưa có bản đồ hình chữ S nhưng lại có niềng răng? Điều này khiến khán giả càng phản đối phim hơn. 

Đạo diễn bộ phim cho biết đã quen với việc phim bị tẩy chay, trước đó, ông từng có hai phim bị tẩy chay nhưng khi ra phòng vé vẫn được doanh thu khá tốt. Vậy nên, ông cảm thấy bình thản. Đạo diễn tin rằng vẫn có nhiều khán giả yêu thương và ủng hộ phim, ông không quan tâm đến những lùm xùm mà muốn tạo một sản phẩm ý nghĩa cho thiếu nhi. 

Nhưng khán giả cho rằng, đạo diễn cần quan tâm đến những góp ý của khán giả để tạo ra một bộ phim hay nhất, bởi cái đích đến thành công chính là sự hưởng ứng của khán giả. Với lại, hai bộ phim trước đó của ông có dính sự phản đối nhưng không phải mạnh mẽ như bộ phim hiện tại. Về mặt pháp luật, nhà sản xuất phim “Trạng Tý phiêu lưu kí” làm đúng luật, nhưng việc bỏ qua công sức của tác giả Lê Linh hay thay đổi nhiều cảnh phim khiến cho khán giả không đồng thuận. Bộ phim sẽ ra mắt vào ngày 30/4, liệu sẽ nối chân “Cậu Vàng” hay là một thành công vang dội như “Bố già”?

Hàng loạt các phim Việt đua nhau ra rạp và nhận được rất nhiều ý kiến của khán giả, điều này cho thấy thị trường phim Việt đã có sự khởi sắc. Ai cũng muốn bộ phim của mình được xuất sắc đến tuyệt đỉnh, có thể chạm được đến tất cả thành phần khán giả, nhưng sự tuyệt đối như vậy là một điều khó có thể đạt được. 

Một bộ phim có doanh thu lớn, đầu tiên cần chọn được đối tượng chính xác, cần được đầu tư kì công và điều đặc biệt là cần lắng nghe khán giả. Dù một bộ phim có hoàn hảo tuyệt đối đến đâu mà không có bước tôn trọng khán giả thì bộ phim ấy chắc chắn không thành công. Nhưng có nhà làm phim nào có thể dám tuyên bố bộ phim của mình là hoàn hảo tuyệt đối? 

Chính khán giả là những người quyết có “quyền sinh, quyền sát” cho một bộ phim. Một bộ phim thành công, là sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả. Chỉ cần nhà làm phim có tâm, có tầm và tôn trọng khán giả thì khán giả sẽ không quay lưng mà sẽ nâng cái tầm của phim lên một mức cao hơn những gì phim vốn có.

Khánh Hà
.
.