Pianist Tuấn Nam: Jazz là giấc mơ của cuộc đời tôi

Thứ Năm, 10/09/2020, 09:58
Có thể nói, pianist Tuấn Nam chính là người đã và đang khơi tiếp dòng chảy của nhạc jazz trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Concert của Tuấn Nam là cuộc gặp gỡ, đối thoại của những thế hệ yêu nhạc jazz và âm thầm nuôi dưỡng để jazz tồn tại trong đời sống âm nhạc Việt Nam.


Khá lâu rồi, sau đêm nhạc jazz kỷ niệm của nghệ sĩ Quyền Văn Minh tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đến nay mới có một đêm nhạc jazz được chuẩn bị đầy đủ và công phu, quy tụ các thế hệ nhạc jazz Việt ở thánh đường Nhà hát Lớn - concert “Fusion Jazz” của pianist Tuấn Nam. Điều đó minh chứng cho thấy, nhạc Jazz không ồn ào nhưng vẫn có một dòng chảy ngầm mãnh liệt trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

1. Có thể nói, pianist Tuấn Nam chính là người đã và đang khơi tiếp dòng chảy của nhạc jazz trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Concert của Tuấn Nam là cuộc gặp gỡ, đối thoại của những thế hệ yêu nhạc jazz và âm thầm nuôi dưỡng để jazz tồn tại trong đời sống âm nhạc Việt Nam. 

Đã 10 năm rồi mới lại có một đêm nhạc jazz đậm đặc, quy mô và bài bản như vậy. Nói như nghệ sỹ ưu tú Quyền Văn Minh, sau nửa thế kỷ mở đường mòn cho nhạc jazz ở Việt Nam, đêm “Fusion Jazz” đã giúp hai thế hệ tiếp nối như Tuấn Nam và Quyền Thiện Đắc tìm cho mình “đường băng” để tiếp tục theo đuổi và khát vọng với nhạc jazz.

Pianist Tuấn Nam.

Xuất hiện trong vai trò khách mời và chỉ chơi đúng một bản, nghệ sĩ gạo cội Quyền Văn Minh với tiếng saxophone êm ả, hồn hậu, vị tha của “vị cha già” đã thấm đẫm tâm hồn người nghe với bản hoà tấu “Sông nước Hậu Giang” do ông sáng tác. Nghệ sỹ Quyền Văn Minh đã có màn ứng tấu đương đại cùng cử chỉ “rước trẻ” khi điện tử hoá sáng tác của ông qua tiếng organ biến hoá của Tuấn Nam. 

Ngay sau đó, Quyền Thiện Đắc cũng minh chứng thành quả của cha mình khi khoe vẻ thâm trầm khi trình tấu bản “Nét Huế” do anh sáng tác với màn song tấu piano – tenor saxophone. Đến lượt Tuấn Nam, với bản hoá tấu khúc dân ca Bắc bộ “Hoa thơm bướm lượn” được chơi theo đúng kiểu big band dầy dặn của thập niên 1940, điểm xuyết bằng những đoạn solo rất hiện đại của Tuấn Nam. Nét giai điệu chính chỉ còn thoáng qua, làm nền cho các nghệ sĩ thăng hoa trong phần trình diễn có thể xem là đặc sắc nhất trong cả liveshow.

Khi được hỏi jazz liệu có đất sống ở Việt Nam không, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã trả lời, sự tồn tại của câu lạc bộ do ông cầm chịch trong ngần ấy năm là minh chứng rõ rệt nhất, tuy nhiên, thế hệ của ông – những người “mở đường mòn cho jazz” đã qua, giờ là lúc để thế hệ tiếp theo tiếp tục lan tỏa tình yêu jazz đến với mọi người.

Vẫn biết đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng như lời Tuấn Nam, cái gì cũng cần một sự khởi đầu. Hy vọng Nam Jazz Night chính là khởi đầu thành công cho một chuỗi dự án dài hơi, để công chúng không chỉ biết đến jazz rộng rãi hơn, tiếp cận với tinh hoa của jazz dễ dàng hơn, mà còn để các nghệ sĩ jazz Việt có nhiều sân chơi hơn, theo đuổi đam mê phổ cập jazz trong đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại.

2. Trở về sau nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, Tuấn Nam lặng lẽ nuôi trong mình giấc mơ dành cho nhạc jazz. Anh đầu quân vào ban nhạc Anh em, dành 10 năm để khẳng định mình và để nghiên cứu, tìm hiểu đời sống âm nhạc Việt Nam. Tưởng như, giấc mơ jazz đã ngủ quên trong tâm hồn anh vì những bộn bề của cuộc sống và vì jazz vẫn vắng bóng trong đời sống âm nhạc Việt Nam. 

Nhưng Tuấn Nam nói: “10 năm đủ chín chắn và trải nghiệm để tôi tự tin đi con đường độc lập của mình mà không phải băn khoăn, hoài nghi, cũng không cần ngó trước nhìn sau. Jazz là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời tôi, vì thế, tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình này. Thực tế, jazz không hoàn toàn vắng bóng trong đời sống âm nhạc. Ở đâu đó, trong các bài hát, âm hưởng jazz vẫn len lỏi”. 

Có một số nghệ sĩ lớn đã tiên phong đi con đường thử nghiệm với jazz như album “Chat với Mozart” của ca sĩ Mỹ Linh, rồi Hồ Trung Dũng, Thái Thùy Linh, Phạm Thu Hà đều có những thể nghiệm thành công với jazz. Và khán giả vẫn dành cho jazz một tình yêu đặc biệt, dù cộng đồng đó chưa thực sự lớn.

Tuấn Nam, 10 năm làm Giám đốc âm nhạc cho nhiều concert của các nghệ sĩ ở Việt Nam, anh muốn khẳng định rằng, nghệ sĩ nhạc jazz có khả năng bao quát đời sống âm nhạc chứ không chỉ hạn hẹp trong thế giới của mình. Và lần này, khi quyết định trở thành một nghệ sĩ độc lập, đi con đường độc đạo với jazz, Tuấn Nam muốn đưa jazz lên một vị thế xứng đáng hơn trong đời sống âm nhạc. 

Với Tuấn Nam, jazz không còn nằm ở “vùng ven” mà jazz thực sự chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc. Vì thế, anh đưa jazz lên sân khấu Nhà hát Lớn với những bản phối mới mẻ như một cách khẳng định vị thế của jazz bình đẳng với các thể loại âm nhạc khác.

Cuộc đối thoại của hai thế hệ nhạc Jazz nghệ sĩ Quyền Văn Minh và nghệ sĩ Tuấn Nam.

Biên chế ban nhạc với cơ cấu big band thu nhỏ gồm một trống; một piano; một contrabass; dàn kèn gồm saxophone, trumpet, trombone đã lập tức gây ấn tượng cho người nghe bằng tinh thần phóng khoáng hiện đại, tự nhiên, ngẫu hứng nhưng mực thước, điêu luyện. Nhờ đó, tiếng đàn như rượu ủ lâu năm của Tuấn Nam chơi thăng hoa, biến hoá với tốc độ đáng kinh ngạc. Sau đêm nhạc của Tuấn Nam, chắc hẳn với khán giả yêu jazz, Tuấn Nam sẽ là một cái tên được nhớ, được kỳ vọng, là gạch nối tiếp theo cho ước mơ và khát vọng jazz Việt.

Tôi còn nhớ, nhiều lần trò chuyện với nghệ sĩ Quyền Văn Minh, người tiên phong đưa jazz lên sân khấu biểu diễn, ông lo lắng vì con đường jazz còn quá chông gai, khán giả vẫn nhạt nhòa. Còn Tuấn Nam, một người trẻ đầy đam mê và khát vọng, anh tự tin với con đường của mình. Đó là con đường không chỉ của một nghệ sĩ biểu diễn mà của một nhà sản xuất album cho các nghệ sĩ đam mê theo đuổi jazz. 

Anh nhìn thấy rất nhiều gương mặt nghệ sĩ mới muốn khai phá con đường jazz nhưng ở Việt Nam thiếu những nhà sản xuất chuyên nghiệp, thiếu sân chơi dành cho họ. Thay vì chọn con đường biểu diễn như các nghệ sĩ Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc và Trần Mạnh Tuấn, những người đã đưa cây kèn saxophone lên đỉnh cao thì Tuấn Nam chọn con đường của một nhà sản xuất và đồng hành với anh là cây đàn piano. 

Thực tế, trên tế giới cũng không có nhiều nghệ sĩ piano jazz, ở Việt Nam, nó càng xa lạ. Nhưng những biến tấu tự do, phóng khoáng, phá bỏ cả những giới hạn của Tuấn Nam trong đêm nhạc ra mắt của mình tại Hà Nội đã minh chứng cho sức hấp dẫn của piano jazz, cho tài năng của Tuấn Nam và hơn thế, cho cả tình yêu của anh với jazz.

Sau concert mở đường trở lại với jazz, Tuấn Nam đang bắt tay với một ca sĩ nhạc pop và sản xuất album cho cô ấy, sẽ ra mắt vào cuối năm nay, cùng với một concert riêng. 

“Tôi muốn tạo ra thương hiệu, là một nhà sản xuất, theo con đường jazz.  Thực tế, nhiều album của các ca sĩ đều có hơi hướng của nhạc jazz, rồi những đêm nhạc ca khúc nhiều ca sĩ phối với jazz. Jazz  có mặt khắp mọi nơi, chỉ có điều chúng ta có nhận ra và tô nó rõ nét hay không thôi. Tôi hy vọng sẽ làm nên thương hiệu nhạc jazz để mọi người nhận ra, có một mảng âm nhạc rất hấp dẫn đó tồn tại ở Việt Nam”. Anh chia sẻ. 

Nguyễn Tuấn Nam là người duy nhất của Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được đặc cách tuyển thẳng vào Học Viện Âm nhạc Malmo (Thuỵ Điển) vào năm 2017, nhận học bổng toàn phần khoá đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Piano Jazz mà không phải qua bất kì vòng thi tuyển nào. 

Anh có nhiều hoạt động đáng ghi nhớ trong thời gian học tập nước ngoài như biểu diễn cùng nghệ sĩ Buzor (Đan Mạch). Cả hai lưu diễn và gặt hái nhiều thành công tại: Festival danh tiếng Sata-Hame Soi 2009 (Phần Lan), Triển lãm Âm Nhạc Thế Giới tại Frankfurt (Đức), Jazzcruise Sinjaline (Thuỵ Điển) và nhiều liên hoan âm nhạc khác tại Thuỵ Điển, Đan Mạch. 

Khi trở về nước năm 2010, anh tổ chức liveshow đầu tiên tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP.HCM với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Nhóm tam tấu Trio Per Quyền Thiện Đắc và thầy anh, GS. Hakan Rydin. Oscar Nilsson (Thuỵ Điển) và NSƯT Quyền Văn Minh, nghệ sĩ saxophone Jazz. 

Tuấn Nam là nhà sản xuất âm nhạc, Giám đốc âm nhạc và kĩ thuật cho nhiều dự án, chương trình ca nhạc lớn ở Việt Nam như liveshow Hoàng Quyên, Kenny G Live in Concert, Live in Concert BoneyM- Chris Norman… Anh kết hợp cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Oplus… để đưa ra nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng cao.

Phan Chi
.
.