Phim truyền hình về đề tài hôn nhân, gia đình: Không thay đổi, sẽ nhàm chán

Chủ Nhật, 11/07/2021, 11:26
Không phải ngẫu nhiên mà đồng loạt chiếm sóng "giờ vàng" hiện nay đều là những bộ phim có đề tài hôn nhân, gia đình như "Hương vị tình thân", "Hãy nói lời yêu", "Mùa hoa tìm lại", "Thương con cá rô đồng", "Cây táo nở hoa"... Không thể phủ nhận lợi thế và sức hút của dòng phim này, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID - 19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nếu không tiết chế hay thay đổi phù hợp, phim về đề tài hôn nhân, gia đình sẽ đi vào lối mòn, nhàm chán.


Kể từ đầu năm nay, ngoại trừ "Hồ sơ cá sấu", các phim phát sóng trên giờ vàng trên sóng truyền hình này đều mang đề tài hôn nhân, gia đình. Sau "Đừng bắt em phải quên", "Trở về giữa yêu thương", "Hướng dương ngược nắng"... là sự thế chỗ của "Hãy nói lời yêu", "Hương vị tình thân", "Mùa hoa tìm lại", "Thương con cá rô đồng"... Mỗi bộ phim là một câu chuyện khác nhau nhưng cũng không ngoài những khúc mắc, xung đột trong tình yêu, hôn nhân như ngoại tình, mâu thuẫn con chung - con riêng, cha mẹ cấm đoán, gây sức ép với con cái... 

Trong số các bộ phim về đề tài hôn nhân, gia đình phát sóng gần đây thì "Về nhà đi con", "Hoa hồng bên ngực trái", "Hướng dương ngược nắng"... là những bộ phim đã tạo được cơn sốt trong lòng công chúng. Đây chính là tiền đề để các đạo diễn hào hứng tiếp tục chinh phục đề tài này. Sau đó, những bộ phim như "Hãy nói lời yêu" hay "Hương vị tình thân" cũng đã bước đầu gây chú ý bởi những phản ánh mâu thuẫn trong những gia đình hiện đại.

Một cảnh trong phim “Mùa hoa tìm lại”.

Không thể phủ nhận, phim về đề tài hôn nhân, gia đình luôn dễ chiếm được cảm tình với khán giả. Câu chuyện phim là những khúc mắc, mâu thuẫn trong đời sống thường nhật mà có thể ai đó đều đã từng nếm trải. Đó là những vấn đề của bạn bè, người thân, hàng xóm hay của chính mình mà thông qua đó, khán giả có thể tìm được cho mình một bài học hay giải pháp cần thiết. Chính vì vậy lựa chọn dòng phim hôn nhân, gia đình để sản xuất có thể coi là sự khôn ngoan của các ê kíp làm phim. Hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh COVID - 19 còn đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, sản xuất phim về đề tài gia đình thường được đánh giá là đơn giản, dễ làm hơn cả. Dù phim có bối cảnh là nông thôn hay thành thị thì việc chọn cảnh quay cũng không cần đầu tư quá phức tạp. Kịch bản cho dòng phim này cũng khá dồi dào vì nhiều người viết.

Phim truyền hình về đề tài hôn nhân, gia đình không kén người xem bởi những vấn đề đưa ra đều khá gần gũi, quen thuộc với mỗi người. Thời gian gần đây, phim được đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, diễn viên, bối cảnh... nên nhìn chung, các phim được đánh giá là chân thực, gần với đời sống. Các nhà làm phim cũng đã có những đổi mới để phim ngày càng chân thực hơn. Nhân vật nữ chính không nhất thiết phải hiền lành, nữ tính nữa mà có thể cá tính, cực đoan và thậm chí "đầu gấu" như Minh trong "Hướng dương ngược nắng". Những người mẹ trong phim cũng không chỉ có hiền lành, cam chịu, hy sinh mà mạnh mẽ đấu tranh bảo vệ con mình, đôi khi hơi thái quá như Bạch Cúc trong "Hướng dương ngược nắng", bà Hoài trong "Hãy nói lời yêu", bà Sa trong "Hương vị tình thân"...

Sức hút của dòng phim hôn nhân, gia đình là không thể phủ nhận thông qua các lượt xem. Bộ phim "Hướng dương ngược nắng" hay gần đây là "Hãy nói lời yêu" luôn nhận được hàng trăm lời bình luận sau mỗi tập phim. Sau gần 30 tập phim, "Cây táo nở hoa" đã chạm mốc gần 3 triệu lượt người xem. Không chỉ xem, bày tỏ quan điểm bình luận trên các trang cá nhân, khán giả còn thể hiện quan điểm của mình trên các trang cá nhân của các diễn viên. Thậm chí, với một số diễn viên đảm nhận vai phản diện như Hạnh Thúy, Quỳnh Nga, Trúc Mai... còn nhận những trách móc, sự "ném đá" không thương tiếc vì vai diễn.

Tuy nhiên, khi có quá nhiều phim khai thác cùng một đề tài được phát sóng nên khán giả dễ dàng nhận ra những lối mòn, sự lặp lại. Ngoại tình là một trong những yếu tố mà gần như phim nào cũng được đưa vào như là nguyên nhân chính dẫn đến những đổ vỡ trong hôn nhân từ "Cát đỏ", "Hướng dương ngược nắng", "Hãy nói lời yêu", "Thương con cá rô đồng"... Nhân vật người thứ ba với biệt danh "tiểu tam" xuất hiện liên tục từ "Về nhà đi con", "Hoa hồng bên ngực trái", "Đừng bắt em phải" đến "Hướng dương ngược nắng", "Hãy nói lời yêu"... đã mang lại những nhàm chán nhất định. Những cảnh đánh ghen cũng được các đạo diễn khai thác triệt để nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng ngay cả khi phim đã dừng phát sóng. Có khán giả thống kê, chỉ 11 tập phim trong "Hãy nói lời yêu" mà đạo diễn sử dụng tới 6 cảnh đánh ghen. Sự lạm dụng cảnh đánh ghen không chỉ khiến khán giả thấy bội thực, nhàm chán mà còn phần nào hé lộ sự "bí ý tưởng" của các đạo diễn.

Phim “Thương con cá rô đồng” ngày càng thu hút sự chú ý của khán giả.

Bất cứ thời đại nào, gia đình và những giá trị của gia đình luôn được xã hội đề cao, trân trọng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, gia đình luôn chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của cơ chế thị trường, đời sống hiện đại. Việc nâng niu và giữ gìn giá trị gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi gia đình và những giá trị căn bản của cuộc sống hôn nhân được tái hiện một cách bi lụy và đẩy mâu thuẫn lên thái quá như một số phim hiện nay lại khiến khán giả ức chế. Những người mẹ độc đoán, những ông chồng "sểnh ra là ngoại tình", những người phụ nữ ngang nhiên chen vào gia đình người khác... nếu cứ xuất hiện liên tục sẽ khiến khán giả, đặc biệt là những người trẻ thiếu niềm tin vào hôn nhân và những giá trị truyền thống. 

Thực tế, phim ảnh luôn có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, tinh thần của khán giả. Mỗi bộ phim sẽ mang đến cho khán giả những bài học riêng tùy theo cách cảm nhận của mỗi người. Mang đến quá nhiều những minh chứng tiêu cực sẽ khiến khán giả trẻ nhìn cuộc sống hôn nhân ở góc độ kém lạc quan. Nhiều người cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh, phim truyền hình ngày càng cho thấy vai trò là món ăn tinh thần quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình nhưng hình ảnh gia đình và những giá trị căn bản của cuộc sống hôn nhân tái hiện trên sóng truyền hình còn một màu và thiên về bi lụy, tiêu cực. Đành rằng, những hiện tượng như trong phim truyền hình phản ánh như ngoại tình, cha mẹ con cái bất đồng quan điểm là hiện thực đời sống nhưng khi xuất hiện liên tục với tần suất dày đặc sẽ khiến người xem có cái nhìn bi quan về hôn nhân, gia đình.

Cảm giác nhàm chán ở các bộ phim về đề tài hôn nhân gia đình còn ở sự quen mặt của các diễn viên. Dù diễn xuất của các nghệ sĩ hiện nay được đánh giá là khá ổn nhưng việc gặp nhiều gương mặt quen từ phim này qua phim khác cũng khiến bản thân bộ phim giảm đi sức hấp dẫn. Vừa hoàn thành vai Hải trong "Hồ sơ cá sấu", khán giả lại gặp Mạnh Trường trong phim "Hương vị tình thân". Vừa tạm biệt Quách Thu Phương trong "Đừng bắt em phải quên" thì ngay lập tức đã thấy trở lại trong "Hương vị tình thân". Những gương mặt như Quỳnh Kool, Phương Oanh, Thu Quỳnh, Hồng Đăng, Hồng Diễm cũng xuất hiện dày đặc trên phim truyền hình thời gian gần đây.

Sự áp đảo của dòng phim hôn nhân, gia đình đã cho thấy "món ăn tinh thần" có phần đơn điệu. Đành rằng, những bộ phim truyền hình về đề tài này vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng nhưng những nhà làm phim cũng cần mở rộng đề tài và có hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Người xem rất cần có thêm những bộ phim chính luận sâu sắc, đưa ra được những góc nhìn sắc sảo, đa chiều về thời cuộc hay những bộ phim về giới trẻ, nghề nghiệp mang nhiều màu sắc lạc quan, tích cực.

Có thời điểm, phim chính luận chiếm một phần trong số các bộ phim phát sóng như "Người phán xử", "Sinh tử", "Lựa chọn số phận"... Thậm chí, có thời điểm là điểm mạnh đầy tự hào của VFC. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phim chính luận vắng bóng trên màn ảnh nhỏ. Các nhà chuyên môn cho rằng, phim chính luận vẫn được xem là mảnh đất màu mỡ với các nhà sản xuất. Nếu có kịch bản phim tốt, cách làm phim hấp dẫn thì phim chính luận có sức thu hút không kém cạnh những bộ phim của các đề tài khác. Tuy nhiên, dòng phim này khó làm, đòi hỏi nhiều yếu tố lại kén người xem nên không phải đạo diễn nào cũng sẵn sàng bắt tay vào thực hiện. Hy vọng rằng, thời gian tới, các nhà làm phim truyền hình sẽ mang đến nhiều lựa chọn đặc sắc khác cho khán giả yêu màn ảnh nhỏ.

Khánh Thảo
.
.