Sự kiện tưởng nhớ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Khi cộng đồng chung tay bảo vệ di sản
- Bảo vệ di sản: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
- Bảo vệ di sản văn hoá trong đại dịch COVID-19
- Nghịch lý bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể
Thời gian qua, nhiều di sản đã được cộng đồng chung tay gìn giữ. Có thể là những di sản vật thể như đình chùa, cổ vật. Nhưng có những di sản phi vật thể như âm nhạc, thi ca... cũng đang được cộng đồng quan tâm và chia sẻ.
Mới đây, dự án “Se sẽ chứ” - thuộc Thư viện Ơ Kìa và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm lưu giữ, lan tỏa tinh thần của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng.
Không chỉ xoay quanh thơ ca, “Se sẽ chứ” còn thực hiện đêm nhạc, triển lãm tranh, tuần chiếu phim, chuỗi trò chuyện với nghệ sĩ v.v lấy cảm hứng từ tinh thần và di sản nghệ thuật mà hai cố nhà thơ để lại.
Sức sống của “Mây trắng”
Sáng 18-4, Trung tâm Văn hóa Pháp không còn một chỗ trống. Những người yêu thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh có mặt để cùng nhau đọc thơ, hoặc giản đơn chỉ ngồi để lắng nghe và hồi tưởng những kỷ niệm về hai con người tài hoa này.
Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ. |
Đứng trước micro và bản dịch đoạn thơ trong “Mây trắng của đời tôi” bằng tiếng mẹ đẻ của mình, ngài đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam, ông Vitezslav Grepl đã bật khóc. Trong lá thư gửi cho Ban tổ chức sau chương trình, phu nhân đại sứ, bà Renata Greplova chia sẻ: “Chúng tôi đã được minh chứng về sức mạnh của thơ ca. Dù 33 năm trôi qua, kể từ khi tai nạn đã cướp đi sinh mạng của hai nhà thơ, nhưng những bài thơ của họ vẫn khiến tôi cảm thấy mình có thể mở lòng và trân trọng vẻ đẹp của nó. Chúng tôi rất biết ơn khi được mời tham gia sự kiện này, dù cho đó là một lần phải đối mặt với nỗi đau của chính mình”.
Khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cùng tham gia đọc thơ: vợ chồng NSND Lan Hương- NSƯT Đỗ Kỷ, Việt Anh (Vlog 1977), Lưu Tuấn Anh - con trai đầu của nữ sĩ Xuân Quỳnh... Ngoài ra, còn có màn biểu diễn ca khúc “Thuyền và biển” (nhạc Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Xuân Quỳnh) của diva Mỹ Linh, ca khúc “Tiếng Việt” (nhạc Lê Tâm, lời thơ Lưu Quang Vũ).
NSND Lê Khanh tâm sự: “Dường như chú (cách gọi thân thiết mà Lê Khanh gọi nhà thơ Lưu Quang Vũ) là người “được chọn” - nói như từ ngữ ngày hôm nay. Chú được chọn để “selfie” mọi khoảnh khắc của đời sống. Mỗi vở kịch là vô vàn bức ảnh sinh động, sống động và cực kỳ hiện thực. Ai có thể chụp hết được tất cả hành vi, ý nghĩ, tư tưởng của con người? Thú thực, tôi không biết hết. Song tới lúc này, chỉ có thể là Lưu Quang Vũ. Và sau những bức ảnh hiện thực bi hài ấy, ai sẽ là người vẫn yêu, vẫn tin, vẫn hy vọng. Người đó chính là Lưu Quang Vũ”.
Trước đó, tại không gian Phố Hoài của nhà văn Trần Thị Trường, mặc cho những cơn mưa đầu hè tầm tã, công chúng yêu Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vẫn đến để cùng nhau đọc thơ, hồi tưởng lại những kỷ niệm về hai nhà thơ họ yêu quý. Tại đây, chúng ta được gặp lại những nghệ sĩ đã gắn bó một thời son sắt cùng các tác phẩm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.
Nhà văn Trần Thị Trường xúc động chia sẻ: “Mọi người, với tình yêu thơ, người thơ và đều muốn nhân đây thêm lần gặp bạn, thêm bạn mới, biết thêm nhiều người mới nên vẫn đến chật kín không gian Phố Hoài, dù trời mưa như trút. Sự kiện được quá nhiều người quan tâm, vợ chồng đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Phú Bình, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ; con trai nhà thơ Xuân Quỳnh; họa sĩ Bùi Văn Tuất... các doanh nhân, nhà văn, những người luôn có mặt trong các sự kiện văn hóa vì cộng đồng”...
Đại sứ Cộng hòa Séc khóc khi đọc thơ Lưu Quang Vũ. |
Khán phòng Trung tâm Văn hóa Pháp hay không gian lãng mạn của Phố Hoài với sự đồng cảm và lan tỏa của thơ Xuân Quỳnh -Lưu Quang Vũ một lần nữa đã chứng minh cho ý tưởng của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là đúng, khi chị quyết định trao quyền tổ chức sự kiện này vào tay công chúng, để họ thỏa sức thể hiện tình yêu với Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ theo những cách riêng biệt.
Hình thức của sự kiện “Se sẽ chứ” vì thế, đa dạng hơn, có thể là một đêm thơ ấm cúng, một buổi trò chuyện về thi ca, triển lãm, chiếu phim, trưng bày mỹ thuật, diễn kịch,... lấy cảm hứng từ chuyện đời, chuyện nghề và các tác phẩm của hai nhà thơ “Mây trắng”.
Và không chỉ riêng Hà Nội, “Se sẽ chứ” đã bay tới các thành phố khác để kết nối những tâm hồn đồng điệu với thi ca. Mỗi điểm thơ là một “cái tôi”, một “cá tính” độc đáo nhưng đều chất chứa sự rung động của công chúng với nghệ thuật nói chung và Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ nói riêng.
Ở Hội An là đêm của những bài thơ duyên dáng, lấp lánh trong ánh hoa đăng, được thả trôi trên dòng sông giữa lòng phố cổ thi vị. Từ Cửa Biển - Hải Phòng, là cuộc hội ngộ của những văn nghệ sĩ cùng thời Lưu Quang Vũ với những hoạt động đặc biệt như: tọa đàm về dấu ấn của thành phố cảng Hải Phòng trong đời sống sáng tác của Lưu Quang Vũ, cuộc thi sáng tác mang tên “Viết cho em từ cửa biển”, đêm thơ trong không gian Ga Sách Bụi - “nghĩa trang” của những cuốn sách cũ quý giá.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên những áng thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ hoà nhập vào bầu không khí năng động và sáng tạo tại khuôn viên Trường đại học Fulbright, đại học Hoa Sen cùng Tipsy Art. Những áng thơ của thời đại cũ bỗng được “trẻ hoá” dưới nhiều cách thể hiện mới mẻ, thú vị.
Khi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản
Có thể nói, thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh là di sản của văn học Việt Nam. Trong nhiều góc tâm hồn người Việt đều dành tình yêu cho thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Nhưng tình yêu đó khi được kết nối, giao thoa với nhau thì sức lan tỏa của nó càng mạnh mẽ hơn. Với sự kiện “Se sẽ chứ”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã làm được điều đó.
Chị nói, dự án xuất phát từ tình yêu của chị dành cho hai tác giả chị yêu. Tuy nhiên, “Sau khi đi vào nghiên cứu, nhìn nhận khách quan từ nhiều khía cạnh khác nhau, mình thấy rằng, họ thực sự là một biểu tượng lấp lánh màu huyền thoại - rất cuốn hút, rất lý tưởng để trở thành biểu tượng tinh thần cho “Se sẽ chứ”. Và “Se sẽ chứ 2021” là phiên bản mở rộng của ba mùa trước khi quyền tổ chức được trao vào tay khán giả - những công chúng yêu văn chương nghệ thuật”.
Với tinh thần đó, dự án tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các lớp nghệ sĩ như NSND Lê Khanh, diễn viên Chiều Xuân, NSƯT Đỗ Kỷ - NSND Lan Hương, đạo diễn Nguyễn Thước, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trần Thị Trường, nhà văn Trương Quý, nhạc sĩ Lê Tâm, nhà thơ Hàm Anh, nhà thơ Dạ Thảo Phương...
Bên cạnh những nghệ sĩ kỳ cựu, “Se sẽ chứ 2021” cũng có sự góp mặt của những gương mặt trẻ tiêu biểu như MC Thu Hà, MC Phí Linh, MC Lê Anh... Sự hưởng ứng này chắc chắn sẽ là sải cánh rộng giúp “Se sẽ chứ” bay xa hơn nữa tới với cộng đồng yêu thi ca.
Từ Hải Phòng, họa sĩ Đặng Tiến đã bán đấu giá tranh lấy quỹ ủng hộ cho sự kiện “Se sẽ chứ” ở Hải Phòng. Nghệ sĩ piano Trang Trịnh mời một nghệ sĩ cello và pianist Quỳnh Trang cùng tham gia.
Rất nhiều người, bằng những cách khác nhau đã ủng hộ dự án “Se sẽ chứ” để lần đầu tiên, dự án được tổ chức cả ba miền với những hoạt động ý nghĩa, đúng tinh thần mà người khởi xướng, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: “Thời gian gần đây, khi văn thơ đang mất dần chỗ đứng trong đời sống thì “Se sẽ chứ” bỗng nhiên trở thành một chất xúc tác dịu dàng, gợi mở tình yêu tiếng Việt nói chung và thơ văn nói riêng nơi người trẻ. Những câu từ trong sáng, áng thơ chân thành cùng sự tử tế bình dị của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ sẽ là lý do hoàn hảo nhất để chúng ta cùng ngồi lại, quay về tiếng Việt, ngắm nhìn những con chữ hiền hoà và yêu thêm ngôn ngữ mẹ đẻ”.
Trước sự kiện “Se sẽ chứ”, chuỗi âm nhạc và sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng được cộng đồng tổ chức ở nhiều vùng, miền khác nhau. Một dự án “Bảo tàng” Trịnh Công Sơn tại Huế đang được gia đình cố nhạc sĩ thực hiện, mà ở đó là sự góp sức, kỷ vật, ảnh của cộng đồng.... Rõ ràng, các di sản vật thể và phi vật thể rất cần sự chung tay của cộng đồng, chỉ khi cộng đồng gìn giữ, thực hành, bảo vệ thì di sản mới thực sự “sống” đúng nghĩa của nó.