Phim hài Tết đã thật vui như Tết?
Nếu mùa phim Tết 2013 có 5 phim hài thì mùa phim Tết 2014 cũng có các phim hài như "Năm sau con lại về" (đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu), "Cô dâu đại chiến 2" (đạo diễn Victor Vũ), "Hai Lúa" (đạo diễn Lê Quang Hưng), "Tèo Em" (đạo diễn Charlie Nguyễn). Đa số các đạo diễn trên đều có thuận lợi khi làm phim hài, khi khán giả đã có sự tín nhiệm nhất định. Đạo diễn Charlie Nguyễn từng gây ấn tượng với loạt phim hài "Để mai tính", "Long Ruồi", "Cưới ngay kẻo lỡ"; đạo diễn Victor Vũ chỉ cần "Cô dâu đại chiến 1" đã dư sức cù khán giả. Riêng Trần Ngọc Giàu với "Nhà có 5 nàng tiên" vốn đã khiến người xem "cười trên từng cây số", là một cục nam châm mạnh không kém để kéo khán giả đến với những trận cười.
Vậy, với phim hài Tết 2014, chúng ta thử xem các nhà làm phim hài có tung ra được các "chiêu" gì độc đáo?
Trước hết, cốt truyện ly kỳ được xem là một "chiêu" có vẻ vẫn luôn đắc địa. Chẳng hạn, trong "Tèo Em", câu chuyện hai chàng đực rựa buộc phải lên cùng chuyến xe định mệnh đi về thị xã Sa Đéc, chính sự khác biệt và xung đột giữa họ đã sinh ra nhiều tình huống tréo ngoe, khiến họ có thể bổ sung cho nhau, ảnh hưởng và làm thay đổi con người nhau, tạo nên sự hấp dẫn, gây cười cho câu chuyện. Diễn viên Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn vào vai hai nhân vật sống ở hai thế giới khác nhau (người lanh lợi, lịch lãm; kẻ cù lần, ngây ngô). Điểm nhấn chính là Thái Hòa trán chít khăn đỏ, quần đùi áo số ngồi vắt vẻo trên nắp capô ôtô trên con đường hai bên là ruộng lúa còn Trí Nguyễn bảnh chọe đứng bên cạnh cũng đủ gây cười. Sự "chẳng giống ai" ở chỗ họ đối lập nhau từ ngoại hình đến tính cách và những điều đó dù người xem tưởng như đã gặp đâu đó ở các miền quê đang đô thị hóa đến chóng mặt; lại vẫn thấy họ khác người bởi những hành động, câu thoại "thoải như con gà mái" nơi làng quê cùng kiểu tay chơi, lối phát ngôn "hồn nhiên như cô tiên" nơi phố thị.
Phương Mỹ Chi và Thúy Nga trong "Hai Lúa". |
Trong "Cô dâu đại chiến 2", các nhà làm phim lại tìm cách "cù" khán giả bằng chiêu thức: Trong phim xuất hiện rất nhiều nhân vật rất… khác người. Một trong số đó là nhóm "Quả phụ áo đen" vốn là nỗi kinh hoàng của "đàn ông cả nước" và là "những người đòi lại công bằng cho các chị em". Chính họ cùng các nhân vật cốt lõi tạo nên những nút thắt - mở quan trọng, đủ sức cù khán giả. Không những vậy, các nhà làm phim còn cho chàng trai tên Việt (người yêu cô Ngọc) từ lúc đính hôn đã có nhiều biểu hiện lạ như hay về trễ, lúc đi thì mặc một bộ đồ, lúc về thì lại mặc bộ khác mà trên người thì lúc nào cũng nồng nặc mùi nước hoa phụ nữ.
Điểm đáng chú ý nhất trong "Năm sau con lại về" là Hoài Linh tái xuất trong vai Sáu xe ôm, người hàng xóm tốt bụng đã bưng bít kế hoạch "giả trúng số" của cặp vợ chồng từ việc thuê ngôi nhà khang trang giúp nhân vật ông già Lương hoàn thành vai ông bà chủ nhà hàng cao cấp cho đến việc là đầu mối bán căn nhà cũ của ông. Ở khía cạnh "Đàn ông chẳng ai hoàn hảo", mối quan hệ giữa Việt (Bình Minh) và Ngọc (Lan Phương) đã cù được khán giả bởi những điểm trái khoáy đáng cười trong những con người tự mệnh danh là "hoàn hảo".
Một "chiêu" không kém phần lợi hại là mời người nổi tiếng sắm vai. Dù phủ nhận việc ăn theo sức nóng của những gương mặt để câu khách phim Tết nhưng rõ ràng những gương mặt ăn khách chính là nhân tố để các nhà làm phim tự tin gây cười. Chẳng hạn trong "Hai Lúa", đó là sự xuất hiện của "thần đồng âm nhạc" Phương Mỹ Chi với giọng hát dân ca mượt mà hiếm có.
Trong ý thức của các nhà làm phim, diễn viên mới chính là "chiêu" có sức hút nhiều nhất của các phim hài Tết. Bởi kịch bản có nhiều chất hài đến mấy mà không có sự chuyển tải tương xứng của các diễn viên đẳng cấp, tức không có người biết cù khán giả, thì cũng coi như…bỏ. Vì vậy, trong "Năm sau con lại về" là sự tái xuất của "ông vua phòng vé" phim hài Hoài Linh với nét duyên hài "độc nhất vô nhị". Người xem cũng chờ đợi Hoài Linh và Việt Anh sẽ tung hứng ra sao, nữ nghệ sĩ Thanh Thủy trổ tài với những ngón nghề chọc cười khán giả thế nào, nam diễn viên trẻ Quý Bình đã phải "gồng cơ bắp" để phục vụ cho cô Việt kiều Lê Khánh và cả hai có khá nhiều cảnh quay độc đáo, hài hước có thể hy vọng "đủ đô" để khiến khán giả không thể nhịn cười…
Hoài Linh và Thanh Trúc trong phim "Năm sau con lại về". |
Trong "Tèo Em" là sự tự làm mới của "độc cô cầu bại" trên "chiến trường cù" Thái Hòa. Trong"Cô dâu đại chiến 2" thì không chỉ một người giỏi cù, bởi bên cạnh sự trở lại của 2 cô dâu quen thuộc là đầu bếp Quyên (Lê Khánh) và bác sĩ Mai Châu (Vân Trang) còn là "người mới" - diễn viên Bình Minh với bề ngoài điển trai và nam tính, rất dễ dàng hóa thân thành "người trong mộng" của các cô dâu. Đó là chưa kể sự kết hợp của Bình Minh với người bạn cũ Lan Phương, từng cộng tác và để lại ấn tượng tốt cho khán giả trong phim "Cô gái xấu xí".
Nhiều "chiêu" khác cũng được các nhà làm phim tận dụng triệt để. Chẳng hạn, "Tèo Em" có vẻ "ăn theo" truyện tranh với các câu ngạn ngữ mới trong "Sát thủ đầu mưng mủ" nên poster của phim cũng trưng slogan "Trong cái khó…ló cái ngu". Còn "Cô dâu đại chiến 2" "ăn theo" chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" dù có chút sáng tạo với mẫu nhân vật "kiều nữ đa nghi".
Câu hỏi đặt ra là đành rằng tiếng cười là mục đích của các phim hài, nhưng liệu có mấy thông điệp được gửi gắm như "Nhà có 5 nàng tiên?". Và liệu có mấy phim hài Tết khiến ý tưởng nhân văn đủ độ thấm; và sự cưu mang, đùm bọc mang tính cộng đồng nơi chính những người nghèo của câu chuyện phim khiến khán giả vừa bị cù nhưng vẫn rơi nước mắt? Hay là hài lại chỉ thuần túy hài? Kế tục "Nhà có 5 nàng tiên", liệu "Năm sau con lại về" đan xen những tình huống dở khóc, dở cười có mang thông điệp nhân văn sâu sắc với nội dung xoay quanh việc đôi vợ chồng già "dựng cảnh" để đón con trai du học về nước?
Do khán giả xem phim dịp Tết chủ yếu để tìm những giây phút thư giãn nên thị trường phim Tết vẫn phải giải bài toán thị hiếu khán giả. Nhưng khán giả cần những phim hấp dẫn và thu hút từ chính nội dung câu chuyện chứ không phải từ những cái tên đang ăn khách biến bộ phim là công viên để đi dạo chơi… Những khán giả muốn thưởng thức nghệ thuật thật sự và muốn xem những giây phút thăng hoa của những tài năng diễn xuất vượt trội thì phim hài nào dành cho họ? Những cái tên danh hài, siêu mẫu, ca sĩ vẫn có thể thành công trong phim ảnh, nhưng cần cho họ có đất diễn thể hiện tài năng và tạo thiện cảm với khán giả hơn là dùng sự tỏa sáng của họ ở lĩnh vực khác để mang đến những tác phẩm giải trí "mì ăn liền", mua vui nhưng "chẳng đủ một vài trống canh"...
Câu hỏi khác nữa đặt ra là liệu các "cô dâu" của phần 1 "Cô dâu đại chiến" từng lập kỷ lục doanh thu có lập cú đúp khi họ đã khiến khán giả "vui như Tết" trong Tết năm ngoái? Và liệu Thái Hòa từng cù rất giỏi qua Long Ruồi (phim cùng tên), qua vai giả gái là cô Trâm (Cưới ngay kẻo lỡ) có tiếp tục đem lại cho khán giả những trận cười? Và nhất là Hoài Linh, từng một mình đủ khiến khán giả cười nghiêng ngả năm ngoái với "Nhà có 5 nàng tiên", liệu có khiến phim "Năm sau con lại về" đại náo phòng vé? Hơn nữa, nếu có những diễn viên làm khán giả yên tâm khi vào rạp là được cười (Hoài Linh, Thái Hòa, Việt Anh, Thanh Thủy…) thì ngược lại, có những cái tên có vẻ hợp với vai trò MC nhiều hơn. Cũng như không ai có thể đảm bảo rằng phim trước hay thì phim sau không dở, cũng như phim trước đem lại sự "vui như Tết" thì phim sau cũng sẽ vui không kém