Phim cổ trang không chỉ đáng lo về mặt kinh phí
- Chờ đợi “cú bứt phá” từ dòng phim cổ trang Việt
- Trào lưu làm phim cổ trang: Đừng chỉ chạy theo xu hướng
- Trào lưu phim cổ trang cung đấu “made in Việt Nam”?
Hơn 10 năm trước, khi thành lập Hãng phim Tincom thì diễn viên Mai Thu Huyền đã đặt hàng kịch bản chuyển thể tác phẩm “Truyện Kiều” lên màn ảnh. Tâm huyết thì không ai phủ nhận, nhưng từ thơ sang phim hoàn toàn không đơn giản. Ban đầu kịch bản “Kiều” lên kế hoạch làm một bộ phim truyền hình 40 tập nhưng tính tới tính lui đều không khả thi.
Không muốn lãng phí khoản tiền đã chi trả cho những người biên kịch, nhà sản xuất Mai Thu Huyền quyết định chuyển “Kiều” thành một phim truyện điện ảnh để chiếu rạp trong năm 2020, nhân kỷ niệm 200 năm Thi hào Nguyễn Du qua đời, với suy tư: “Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng, ai cũng biết nên đôi khi mọi người đặt quá nhiều kỳ vọng.
Dự án “Kiều” đang chờ hết đại dịch COVID-19 để khởi quay! |
Ngoài ra, khán giả đã biết hết số phận của nhân vật như thế nào nên khi làm phim, người làm phim phải làm sao cho tác phẩm có những yếu tố sáng tạo, để người xem có thể thấy được những điều mới mẻ. Không chỉ vậy, việc truyện thơ chuyển thành phim cũng khó khăn hơn nhiều so với tiểu thuyết. Yếu tố cổ trang cũng quan trọng và tốn kém từ bối cảnh, phục trang. Tôi sẽ phải nghiên cứu kỹ, có sự đầu tư tương xứng vì nếu làm hời hợt hoặc không tới, sẽ oan uổng một tác phẩm lớn!”.
Cũng là một trong những người được Hãng phim Tincom mời tham gia dự án phim Kiều trước đây, đạo diễn Lưu Trọng Ninh có lẽ không còn duyên với những bộ phim ganh đua khốc liệt trên thị trường điện ảnh, nên vẫn giữ nguyên ý định làm phim truyền hình “Kiều”.
Dĩ nhiên, đạo diễn Lưu Trọng Ninh phải tìm đối tác khác, nhưng quan niệm thẩm mỹ cho phim truyền hình “Kiều” thì vẫn nhất quán như xưa: “Tôi sẽ không tả nhân vật theo kiểu 300 năm trước cho người ngày nay xem. Chúng tôi không có nhiệm vụ làm phim lịch sử. Cô Kiều của tôi sẽ không ủy mị theo kiểu “đau đớn thay phận đàn bà”.
Dự định phim bắt đầu bằng cảnh Kiều gặp gỡ Đạm Tiên. Dù đó là hình bóng tương lai của Kiều, nhưng cô sẽ không tin hay sợ trước lời nhắn của “ma không chồng”. Khi bước vào thế giới cạm bẫy, dù bị dìm xuống liên tục thì Kiều vẫn sẽ mạnh mẽ, không hề sợ sệt để vùng lên. Các nhân vật cũng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, mang hơi thở thời hiện đại. Ví dụ, Thúy Vân khi lấy Kim Trọng cuối phim sẽ có thể có những đau đớn day dứt. Chứ nếu dễ dàng như trong truyện thì lớp trẻ làm sao đồng tình được!”.
Hai phiên bản khác nhau, “Kiều” phim truyện điện ảnh và “Kiều” phim truyện truyền hình, nếu có cơ hội cùng xuất hiện, thì cũng là điều thú vị cho công chúng. Thế nhưng, trở ngại không nhỏ cho dự án “Kiều” cũng như dòng phim cổ trang Việt, đó là tính riêng của bản sắc Việt.
Bởi lẽ, chỉ cần nao núng, thì phim cổ trang Việt sẽ y hệt phim cổ trang Tàu. Chính nguy cơ “giống Tàu” cũng khiến đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh dù đã kiếm được nguồn kinh phí 40 tỷ đồng để làm bộ phim truyền hình “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, vẫn phải đắn đo: “Phục trang của nhà Trần tương đồng nhiều với trang phục của Trung Quốc nên để chuẩn bị cho việc này chúng tôi phải tổ chức một chiến dịch truyền thông để trình bày, giới thiệu những căn cứ, luận văn khoa học với sự tham gia của nhiều học giả nói về cách phục trang của thời Trần nhằm minh chứng và chỉ ra sự đồng nhất và tính khu biệt. Bởi các nước đồng văn đều mặc khá giống nhau nhưng mỗi dân tộc sẽ có những khác biệt đặc thù”.
Sự lo lắng ấy có cần thiết không? Rất cần thiết, vì bài học bi đát là bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long” được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để dàn dựng tại phim trường Hoành Điếm - Trung Quốc nhưng đành phải xếp vào kho, vì e ngại khi công chiếu thì khán giả sẽ nhầm với phim cổ trang Trung Quốc.
Phim cổ trang Việt không phải đến bây giờ mới hình thành. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng ta đã có những bộ phim gây tiếng vang như “Thủ lĩnh áo nâu”, “Đêm hội Long Trì” hoặc “Lá ngọc cành vàng”. Đầu thế kỷ XXI, một loạt phim truyền hình cũng khai thác cảm hứng cổ trang như “Lục Vân Tiên”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Đò xuôi vạn lý” hoặc “Chúa Tàu Kim Quy”, “Huyền sử thiên đô”… Và có lẽ thành công nhất trong thời gian gần đây phải nhắc đến bộ phim “Long Thành cầm giả ca”.
Phác thảo nhân vật cho phim “Phật hoàng Trần Nhân Tông”! |
Không ít đạo diễn từng trổ tài với phim cổ trang, nhưng nhanh chóng tháo chạy mà không hẹn tái ngộ. Nguyên nhân chủ yếu là làm phim cổ trang luôn tốn kém và phức tạp gấp 10 lần phim bình thường, vì bối cảnh lẫn phục trang đều phải bắt đầu tư con số không. Bằng kinh nghiệm bản thân, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Để làm một bộ phim cổ trang cho ra chất, không thể đầu tư dưới 1 triệu USD, khoảng hơn 23 tỉ đồng, dù toàn bộ ê kíp chúng tôi đã biết “liệu cơm gắp mắm” rồi! Đã thế phim cổ trang còn có nhiều rủi ro hơn các phim hiện đại khác vì phim chiếu ra hay bị soi đủ thứ, từ trang phục, bối cảnh, lời thoại…”.
Phim cổ trang tốn kém thì đã rõ, nhưng chướng ngại quan trọng hơn là khó giải quyết vướng mắc giữa lịch sử và huyền sử. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định khá sòng phẳng: “Thực tế rất nhiều phim lịch sử của chúng ta xa rời đời sống, nhất là về phục trang. Đành rằng làm nghệ thuật là sáng tạo và có tính thẩm mỹ cao, cách điệu đời sống, nhưng không thể xa rời mà phải trên cơ sở đời sống!”.
Ngược lại, đạo diễn từng làm bộ phim “Ngọn nến hoàng cung” có liên quan đến cuộc đời vị vua cuối cùng của chế độ phong kiết Việt Nam, hơi băn khoăn về cách cảm thụ từ phía công chúng: “Khi xem phim lịch sử trong nước, đa số từ nhà làm phim đến khán giả và cả giới phê bình đều quan tâm đến sự kiện, trang phục, binh khí, đạo cụ, bối cảnh quay... có đúng lịch sử không, mà ít ai bàn đến nội dung phim, trong khi vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung câu chuyện. Không chỉ đề tài về lịch sử mà tất cả những đề tài khác đều phải có câu chuyện thật hay, thật hấp dẫn!”.
Làm sao để có những bộ phim cổ trang thực sự thuyết phục người xem Việt Nam, cũng là chủ đề mà giới điện ảnh tranh cãi gay gắt. Đạo diễn Đào Bá Sơn từng làm bộ phim “Long thành cầm giả ca” đoạt giải Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương đưa ra tiêu chuẩn: “Một phim lịch sử hay chắc chắn phải hội đủ 3 điều kiện: thứ nhất là khả năng, tài năng của người làm phim; thứ hai là sự hiểu biết, tri thức; thứ ba là sự tôn trọng lịch sử của chính những người làm phim và phải có tâm trong góc độ nhìn nhận lịch sử. Tôi cũng cho rằng: trong một bộ phim lịch sử không thể có sự hư cấu quá mức, bắt buộc phải tôn trọng chi tiết, sự kiện lịch sử.
Trên cơ sở đó, người làm phim chỉ được quyền có sự hư cấu nhất định, nhưng phải nằm trong khuôn khổ để không tạo ra sự phi lý khiến người xem cảm thấy không chấp nhận được!”. Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng phân tích những nhược điểm của phim cổ trang nước ta có ba điều phải bận tậm, thứ nhất là nhà sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm, thứ hai là thiếu công nghệ hỗ trợ và thứ ba là thiếu cái nhìn khách quan đối với phim lịch sử mà cứ đóng khung theo lịch sử.
Cũng xuất phát từ ái ngại ấy, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh khi đầu tư làm bộ phim “Trưng Vương” đã phải rào trước đón sau: “Dù đã làm việc với nhiều giáo sư sử học Việt Nam để tạo nên một bộ phim chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng, nhưng chúng tôi vẫn mong khán giả hiểu cho bộ phim sẽ có những sáng tạo mới, chẳng hạn về trang phục, không thể giống hoàn toàn với tư liệu lịch sử”. Hi vọng những dự án nghệ thuật về phim cổ trang sẽ chinh phục được khán giả khi ra rạp.