Phim Việt xuất ngoại: Vẫn còn là giấc mơ xa!

Thứ Sáu, 15/01/2021, 22:02
Đưa phim Việt ra thế giới là khát vọng mà những nhà làm phim vẫn đang hằng cố gắng, mong mỏi. Dẫu biết rằng câu chuyện xuất ngoại và xuất khẩu phim Việt đã được thực hiện từ cách đây chục năm, nhưng cho đến hiện nay, con số những bộ phim được xuất ngoại vẫn còn đếm trên đầu ngón tay!

Cơ hội nhiều nhưng vẫn loay hoay tìm lối ra

Trong một buổi hội thảo, đạo diễn  Lord Puttnam khẳng định: "Cơ hội nào cho điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới": "Khi các bạn đã có những bộ phim tốt, cơ hội bán được ra thị trường quốc tế hoàn toàn rộng mở". Câu nói đó như một sự khích lệ cho các nghệ sĩ, các nhà làm phim của chúng ta, nhưng nhiều năm nay để thực hiện nó chúng ta vẫn còn loay hoay chưa tìm ra con đường rộng mở.

Trao đổi cùng chúng tôi, TS chuyên ngành Văn hóa học Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Để xuất khẩu được phim Việt ra nước ngoài là một điều rất khó, nó nằm trong bối cảnh chung là các sản phẩm "Made in Vietnam" khó có cơ hội xuất ngoại. Từ nước mắm, hạt gạo, nếp, lá chuối gói bánh chưng cho bà con Kiều bào ở nước ngoài cũng được nhập từ Thái Lan (những mặt hàng này vốn là đặc sản Việt). Nói điều này để thấy rằng ngay bán cho người Việt ở nước ngoài còn khó huống chi bán cho người nước ngoài, nhất là bán các tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh.

Cách khắc phục dễ nhất mà cũng khó nhất là tiếp cận thị hiếu của công chúng thế giới và đổi mới nâng tầm phim Việt từ nội dung cho đến hình thức: khai thác sâu bối cảnh và văn hóa Việt, diễn xuất tốt, quay phim và kỹ thuật điện ảnh hiện đại. Ngoài ra, cách đơn giản hơn là hợp tác đầu tư, trao đổi đa phương và song phương trong làm và kinh doanh điện ảnh".

Phim Việt dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thể xuất ngoại. Trong ảnh là cảnh phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victo Vũ.

Nhà văn, biên kịch Võ Thị Kim Liên, nguyên Giám đốc hãng phim Sen Vàng cho rằng, trình độ của nghệ sĩ Việt Nam có thể ngang ngửa với nước ngoài, nhưng lực bất tòng tâm. Bản thân bà là một nhà sản xuất phim cũng chưa dám nghĩ đến việc bán phim ra nước ngoài. "Các nhà làm phim của ta đa số không có nhiều tiền để đầu tư sản xuất như phim nước ngoài, sao dám cạnh tranh với phim nước ngoài. Trừ phim do nhà nước đầu tư"- bà Kim Liên chia sẻ.

Dù xuất ngoại phim Việt được ví như một khe cửa hẹp, nhưng các nhà làm phim Việt cũng đang tích cực nỗ lực tìm phương cách để xuất ngoại được tác phẩm của mình. Họ xông xáo, luôn tìm cơ hội để phát triển sang thị trường thế giới bằng nhiều con đường khác nhau: Thông qua các liên hoan phim, các nhà phát hành quốc tế, hợp tác sản xuất với nước ngoài…

"Cơ hội xuất ngoại của phim Việt rõ ràng là rộng mở. Nhưng với chất lượng phim Việt còn trồi sụt, việc phát hành tại các quốc gia châu Á còn khó khăn, chưa nói đến thị trường nhiều khắt khe như Mỹ. Bởi thực tế, để nhận được sự gật đầu của các cụm rạp ở Mỹ, bộ phim phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về điện ảnh quốc tế. 

Từ câu chuyện cô đọng, không lan man dàn trải nhưng vẫn đầy đủ kịch tính, cao trào và có chiều sâu, cho đến các phần kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc và các cảnh hành động phải đủ đẳng cấp Hollywood. Vậy muốn đưa phim Việt ra thị trường thế giới thì các nhà làm phim cần nhìn thẳng vào thực tế chất lượng từng tác phẩm của mình"- biên kịch Vân Anh bày tỏ.

Cần nhà nước hỗ trợ, mạnh dạn chung tay hợp tác

Ngoài ra, nhiều nhà làm phim tư nhân Việt Nam đưa phim đến các chợ phim quốc tế như: Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Mai Thu Huyền, Dustin Nguyễn…  Trong đó phải kể đến phim “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân. Để phim có mặt và đón nhận tại thị trường phim quốc tế, bản thân nhà sản xuất phải tự thân vận động, tìm mối quan hệ để phát hành, rồi tự mò mẫm liên hệ truyền thông, báo chí, đài truyền hình… Nhưng phim phải đạt chuẩn chất lượng họ đề ra. 

Chính vì vậy mà Ngô Thanh Vân đã thuê những nhà làm phim có tên tuổi của Hollywood tham gia tư vấn cho phim của mình. Và thêm vào đó là những hình ảnh mang dấu ấn Việt: Sông nước miền Tây, áo bà ba và hình ảnh đất và người phương Nam, TP Hồ Chí Minh. Sự kết hợp giữa bản sắc Việt và chuẩn Hollywood chính là yếu tố tiên quyết để phim vượt qua được tất cả những yêu cầu từ nhà phát hành quốc tế.

Có một thực tế, không ít phim quảng bá rình rang được bán, chiếu ở nước ngoài nhưng trên thực tế chủ yếu là hoạt động giao lưu văn hóa hơn là thông qua các nhà phát hành chuyên nghiệp. Hầu hết các bộ phim này đi chu du nước ngoài đều chủ yếu là thăm dò thị trường, quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy nhiều nhà sản xuất đã tự thân vận động, tìm mối quan hệ để có thể quảng bá tác phẩm tại các cụm rạp có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống thì sẽ hiệu quả hơn. 

Dẫu vậy, đây cũng chưa phải thị trường màu mỡ cho các nhà sản xuất, vì kiều bào ở các nước không nhiều để nhà sản xuất nhắm tới. Những người lớn tuổi thì không ra rạp xem phim, người trẻ thì nhiễm văn hoá nước sở tại nên cũng không muốn xem phim Việt. Nếu có xem thì chủ yếu họ muốn đi xem thử như thế nào. Và thực tế cho thấy doanh thu phim ở thị trường nước ngoài vẫn là con số chưa từng được bất cứ nhà sản xuất nào công bố.

Phim Việt chưa thể vươn ra thị trường thế giới, và ngay cả thị trường trong nước cũng bị phim ngoại lấn át phần nào. Những bộ phim của Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái, Ấn Độ... tràn ngập màn ảnh và thu hút khán giả Việt. Đây là một thách thức với chúng ta. Song cái chúng ta cần suy nghĩ là: Điều gì giúp họ thành công thế? Và chúng ta có thể học hỏi gì từ họ?

Chia sẻ với suy nghĩ này, TS Thu Thủy nói: "Gần đây tôi có dịp xem 2 bộ phim mới của Thái Lan "Chạm không đến tim em" và "Đuổi bóng tình yêu". Nhìn chung hai phim này khá hay vì hơi giống các làm phim của người Hàn trước đó (thập niên 80, 90 của thế kỷ trước). Nhưng phim chỉ được cốt truyện tình yêu khá rắc rối, phức tạp, diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất khá sáng, bối cảnh phim đẹp, còn về văn hóa Thái thì chưa thấy rõ nét lắm vì phim toàn nói về giới thượng lưu, quý tộc, nhà giàu.

Bộ phim trên của người Thái không đặc sắc lắm, người Việt có thể làm phim như cách người Hàn hay Thái làm. Đó là tập trung vào một vài yếu tố đặc sắc, làm nổi bật câu chuyện và một số giá trị văn hóa, để khán giả "thấy có cái gì để xem"".

"Đưa phim Việt ra thị trường thế giới và được đón nhận nồng nhiệt quả vẫn là một bài toán nan giải chứa đựng những câu hỏi, khát vọng, thách thức phía trước. Dẫu biết có nhiều nhà sản xuất không ngừng nỗ lực để tìm kiếm cơ hội.  Nhưng để việc xuất khẩu phim Việt tiến đến chuyên nghiệp, cần sự liên kết giữa các nhà làm phim và đặc biệt phải cần đến chính sách nhất quán cho lĩnh vực điện ảnh từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy thì việc vận động, xuất khẩu phim không chỉ còn là nhỏ lẻ - "Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau" - biên kịch Vân Anh thổ lộ.

Để việc xuất khẩu, xuất ngoại của phim Việt không còn là giấc mơ, ngay lúc này cần sự định hướng về chiến lược của nhà nước từ chính sách lẫn ngân sách. Và đồng thời, cần hơn là một cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn để kích thích sáng tạo, tạo môi trường dễ liên kiết hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước và nước ngoài. Biên kịch Phạm Thùy Nhân từng nói, muốn thu hút khán giả ngoại, bán qua nước nào thì chỉ cần mời ngôi sao nghệ sĩ tên tuổi lớn của nước đó đóng phim của Việt Nam là sẽ được.

Văn hóa, lịch sử Việt Nam có nhiều điều đặc sắc, có những giai đoạn gắn bó với nước ngoài như Liên Xô, Cu Ba, Mỹ, Pháp…, nếu các nhà làm phim biết khai thác có thể tìm ra những chủ đề, đề tài hay cho các bộ phim có yếu tố liên quan đến những nước trên. Từ đó tạo thêm cơ hội cho phim Việt xuất ngoại.

Nguyễn Thịnh
.
.