Phim Việt "tăng tốc" ra rạp dịp cuối năm: Biến thách thức thành cơ hội

Thứ Năm, 31/12/2020, 13:47
Dịch bệnh COVID-19 đã phủ một không khí ảm đạm lên thị trường điện ảnh thế giới. Điện ảnh Việt Nam cũng đã từng có thời điểm gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh này. Tuy nhiên, với sự kiểm soát dịch bệnh tốt, thị trường phim Việt đã và đang chứng kiến sự "tăng tốc" ra rạp của một loạt các bộ phim dịp cuối năm.


Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các rạp chiếu phim quay trở lại hoạt động. Sự thắng lợi tưng bừng về mặt doanh thu của bộ phim "Ròm" đã khởi đầu cho một giai đoạn nhiều hy vọng của phim Việt. 

Không thể phủ nhận, bớt sự cạnh tranh của các phim bom tấn quốc tế (vì dịch bệnh không sản xuất được), các nhà làm phim Việt đã tận dụng được cơ hội này để đẩy nhanh tốc độ sản xuất, đưa các bộ phim tới gần khán giả hơn. 

Từ thách thức phải khắc phục tình trạng hậu COVID - 19 như thế nào, điện ảnh Việt đã từng bước tạo cho mình một cơ hội hiếm có. 

Sau một số bộ phim có được doanh thu khủng như "Ròm" (60 tỷ đồng chỉ sau gần 1 tháng công chiếu), "Tiệc trăng máu" (gần 200 tỷ đồng)... điện ảnh Việt tiếp tục sôi động với 5 bộ phim ra mắt trong tháng 12 và đầu tháng 1- 2021 gồm "Hoa phong nguyệt vũ", "Người cần quên phải nhớ", "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử", "Võ sinh đại chiến" và "Em là em". 

Sắp tới, trong giai đoạn Tết 2021, sẽ là cuộc đối đầu giữa "Lật mặt 5: 48h" và "Trạng Tí", "Bố già" và "Gái già lắm chiêu 5".

Phim “Lật mặt 5: 48h” hứa hẹn sẽ thu hút khán giả bởi những pha hành động gay cấn và hài hước.

Điểm lại một số phim để thấy các nhà làm phim đang cố gắng mang đến cho khán giả một bữa tiệc tinh thần đa dạng và nhiều màu sắc nhất. "Chị Mười Ba: 03 ngày sinh tử" (đạo diễn Lê Thanh Hòa) với bối cảnh là Đà Lạt trong đó miêu tả cuộc sống của Kẽm Gai (Anh Tú đóng) bất ngờ bị cuốn vào vòng xoáy thù hận khi bỗng nhiên có mặt ở nơi Đức Mát (Phát La) bị giết. Chị Mười Ba (Thu Trang thủ vai) không tin đàn em là kẻ giết người nên đã quyết định sẽ tìm ra hung thủ trong thời gian 3 ngày. Phim hành động lẫn những pha hài hước cùng dàn diễn viên lành nghề nên phim được đánh giá là khá dễ xem. 

"Võ sinh đại chiến" (đạo diễn Bá Cường) có đề tài về võ thuật nên thu hút sự tham gia của nhiều những gương mặt trong làng võ. Ngoài diễn viên chính của phim là Katleen Phan Võ - con gái chưởng môn Vịnh Xuân chính thống còn có Tiến Hoàng - cascader người Anh gốc Việt từng tham gia nhiều dự án phim Hollywood. Hay võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất (người 7 lần vô địch thế giới môn Muay Thái hạng nghiệp dư) vào vai Bá Long. 

Phim "Người cần quên phải nhớ" (đạo diễn Đỗ Đức Thịnh) xoay quanh nhân vật chính là Bình (Trần Ngọc Vàng thủ vai) - gã côn đồ bị mất trí nhớ khi cản trở phóng viên Loan (Hoàng Yến Chibi) đang điều tra chuyện làm ăn phi pháp của ông chủ Bình. Sau đó, Loan vờ làm bác sĩ tâm lý nhận chăm sóc Bình nhằm điều tra cái chết của cha mình. Tình huống éo le xuất hiện khi Loan dần lung lay ý định ban đầu và có cảm tình với Bình. Dù có đề tài hình sự nhưng bộ phim vẫn mang phong cách hài hước thường thấy của Đức Thịnh. 

"Em là em" (đạo diễn Lê Thiện Viễn) được thực hiện theo thể loại rom - com (hài lãng mạn). Phim có sự tham gia diễn xuất của những gương mặt sáng giá như Ngô Kiến Huy, Maya, Hứa Vỹ Văn, Khả Như... Phim hài hước nhẹ nhàng nhưng cũng gửi gắm trong đó những triết lý nhân văn sâu sắc. 

Cho đến thời điểm này, "Chị Mười Ba: 3 ngày sinh từ" đang dẫn đầu về mặt doanh thu so với những bộ phim còn lại. Thậm chí, có những thời điểm, phim còn đẩy ''bom tấn'' hiếm hoi của Hollywood mùa phim năm nay là "Wonder Woman 1984" xuống vị trí thứ 2 tại phòng vé. Nhờ đó, phim có được lợi thế về suất chiếu trên toàn quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, trong dịp lễ giáng sinh và Tết Dương lịch, phim Việt thắng thế trên sân nhà.

Trước đó, một loạt những bộ phim cũng đã ra mắt vào tháng 11 như "Trái tim quái vật", "Thang máy" (ra mắt 30-10), "Sài Gòn trong mưa" (ra mắt 6-11), "Chồng người ta" (ra mắt 20-11). Trong đó, một số phim đã được đẩy lên ra mắt sớm. 

Ví dụ "Chồng người ta", có lịch ra rạp 21-8 nhưng sau đó phải hoãn do dịch bệnh COVID - 19 trở lại và dự kiến ra rạp tháng 12 nhưng sau đó đổi lên 20-11. Bộ phim "Sài Gòn trong mưa" cũng quyết định dời lịch chiếu từ 20-11 lên 6 11. Đặc biệt "Tiệc trăng máu" định dời sang 2021 nhưng đã đẩy lên phát hành từ ngày 23-10. 

Bộ phim "Thang máy" cũng không ngoại lệ, cả ê kíp cũng đã quyết định công chiếu ngay vào cuối tháng 10 thay vì tháng 11 như dự tính. Điều này cho thấy, các nhà làm phim Việt đã rất nhanh nhạy tranh thủ khoảng thời gian ít có sự đối đầu với phim nước ngoài để đưa phim Việt tới gần khán giả hơn.

Phim “Tiệc trăng máu” đã lập kỷ lục về doanh thu cho điện ảnh Việt.

Có thể nói, với việc các phim bom tấn nước ngoài lần lượt dời lịch chiếu đến sang năm thì đây là cơ hội để phim Việt chinh phục khán giả trên sân nhà. Nhìn sang hai thị trường điện ảnh lớn cùng khu vực châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh nhưng họ cũng đã khôi phục lần lượt 100% và 80% so với cùng kỳ năm 2019. Mang lại doanh thu chính cho phòng vé của các nước này cũng thuộc về những bộ phim nội địa.

Những tín hiệu vui được mang lại từ những bộ phim phát hành gần đây không chỉ bằng doanh thu mà còn bằng sự đa dạng trong đề tài phản ánh. Bộ phim "Ròm" khai thác đề tài khá mới lạ  (nạn lô đề) để qua đó phản ánh cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo với những thông điệp nhân văn, cảm động. 

"Sài Gòn trong mưa" là câu chuyện của cảm xúc và năng lượng tuổi trẻ. "Chồng người ta" đề cập đến cộng đồng giới tính thứ 3, truyền tải thông điệp về gia đình với những vấn đề thường gặp trong đời sống xã hội hiện đại. 

"Thang máy" được quảng bá là bộ phim kinh dị Việt đầu tiên vượt cửa ải kiểm duyệt mà không phải cắt gọt một giây nào. Với đề tài gia đình, phim đề cập đến chứng trầm cảm, nỗi sợ hãi và tức giận của thanh thiếu niên mà nhiều người trẻ hiện nay thường gặp.

Một số bộ phim đang được khán giả trông ngóng như "Nữ danh ca" của nhà sản xuất Thanh Thúy - Đức Thịnh thuộc thể loại trinh thám. Để báo thù những kẻ năm xưa đã giết chết cha và chị gái mình, cô gái trẻ tên Mây đã dành cả tuổi thanh xuân để rèn luyện tài sắc, trở thành Madam Đào - nữ danh ca quyến rũ nhất và cũng vô cùng nguy hiểm. 

"789: Phát đạn của kẻ điên" của đạo diễn Lương Đình Dũng với sự đầu tư rất lớn đề cập đến vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. "Thanh Sói" của "đả nữ" Ngô Thanh Vân cũng đang được trông đợi. "Lật mặt 5: 48 giờ" là phim thuộc thể loại hành động lấy bối cảnh miền Tây sông nước. Câu chuyện xoay quanh việc gia đình Mạc Văn Khoa đón một gia đình vị khách từ phương xa tới nhưng nhanh chóng nhận ra đây là cuộc truy lùng gắt gao của băng nhóm xã hội đen...

Có thể nói, COVID - 19 đã có thời điểm gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường điện ảnh Việt. Đặc biệt nửa đầu năm 2020, nước ta chỉ có 15 phim nội ra rạp. Trong khi đó, năm 2019 có 42 phim ra rạp, với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng theo tỷ lệ cứ trung bình 1 tuần/ 1 phim ra rạp. Vì dịch bệnh, một số bộ phim bị hoãn chiếu hay ngưng sản xuất. 

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2020, khán giả đã nhìn thấy sự khởi sắc của phim Việt sau khi COVID - 19 được khống chế và các bom tấn nước ngoài buộc phải dời lịch chiếu sang năm sau. Mùa phim Giáng sinh và Tết Dương lịch năm nay phim Việt chỉ phải cạnh tranh cùng những bộ phim đến từ Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là bên cạnh một số bộ phim xuất sắc, thu hút đông đảo lượng khán giả tới rạp thì có một số phim không tận dụng được cơ hội này. Đó là các phim bị đánh giá là nhạt nhòa, thiếu dấu ấn. 

Nếu như ở giai đoạn đầu năm là những phim như "Bí mật linh xà", "30 chưa phải là Tết", "Tiền nhiều để làm gì". Còn hậu COVID có "Sắc đẹp dối trá", "Điều ước của Cha", "Bằng chứng vô hình", "Bí mật của gió"... 

Có những phim được giới chuyên môn đánh giá là thực hiện khá chỉn chu nhưng không ăn khách. Thậm chí những bộ phim như "Tôi là não cá vàng", "Thang máy" lại khiến khán giả thất vọng... 

Điều đó cho thấy, dù chúng ta có lợi thế rất lớn nhưng nếu phim không có những điểm nhấn thu hút thì vẫn có thể kéo được khán giả tới rạp.

Thảo Duyên
.
.