Phát hiện kho báu tranh cổ Trung hoa tại nhà của một nhà văn ở Hà Nội

Thứ Bảy, 01/02/2014, 08:00

Đã đôi ba lần nhà văn Ông Văn Tùng mời tôi đến xem tranh cổ Trung Hoa tại nhà ông. Chuyện lạ thường khó tin, nhưng vừa bước chân lên tầng hai, tôi liền bị choáng ngợp bởi đây là một kho báu thật sự, với sự hiện diện hàng chục bức tranh quý, nguyên bản cỡ lớn từ đời Nguyên, đời Minh đến đời Thanh đã không cánh mà "bay" sang Việt Nam qua hàng trăm năm mới được phát hiện và vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn...

LTS: Trong quá trình thực hiện số Báo Xuân Giáp Ngọ, chúng tôi đã nhận được bài viết này của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương. Nội dung bài viết đề cập tới việc nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng (hiện sống và viết ở Hà Nội) đang sở hữu một kho báu tranh cổ đặc biệt quý hiếm của một số họa sĩ nổi tiếng Trung Hoa. Mặc dù cuối bài, tác giả đã lý giải về việc từ con đường nào, "những bức tranh quý" ấy (như tác giả nhận xét) đã đến Việt Nam và thuộc quyền sở hữu của nhà văn Ông Văn Tùng, nhưng vì xét thấy đây là vấn đề lớn, vượt ra ngoài khả năng minh định của tòa soạn, đòi hỏi sự "vào cuộc" của các nhà chuyên môn, chúng tôi chỉ xin giới thiệu đây như một sự tham khảo...Trước khi các cơ quan chức năng có ý kiến chính thức, xin bạn đọc hãy coi những nhận định trong bài viết chỉ là của riêng tác giả Hoàng Kim Đáng.

Từ bức tranh ngựa cỡ lớn của Mã Tấn…

Đã đôi ba lần nhà văn Ông Văn Tùng mời tôi đến xem tranh cổ Trung Hoa tại nhà ông. Chuyện lạ thường khó tin, nhưng vừa bước chân lên tầng hai, tôi liền bị choáng ngợp bởi đây là một kho báu thật sự, với sự hiện diện hàng chục bức tranh quý, nguyên bản cỡ lớn từ đời Nguyên, đời Minh đến đời Thanh đã không cánh mà "bay" sang Việt Nam qua hàng trăm năm mới được phát hiện và vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn.

Trong kho tranh quý ở nhà Ông Văn Tùng, tác giả Mã Tấn có hai bức. Bức "Hai con thỏ" được vẽ bằng mực nho trên lụa, đề năm 1398, niên hiệu Hồng Vũ thứ 31 nhà Minh. Trong Bảo tàng Nghệ thuật Bắc Kinh hiện cũng có bức "Hai con thỏ" giống hệt như bức tranh Thỏ của Mã Tấn nhưng không thấy đề năm sáng tác, đề thơ hoặc đóng dấu triện trên nền tranh và tên tác giả không phải Mã Tấn, mà tên được viết bằng tiếng Anh là La Leng Mu. Phải chăng bức "Hai con thỏ" này được La Leng Mu vẽ lại theo tranh "Hai con thỏ" của Mã Tấn? Việc này, các nhà nghiên cứu mỹ thuật cũng nên để tâm xem xét!

Bốn năm sau, năm con ngựa Nhâm Ngọ (1402) đời Minh Kiến Văn thứ tư, Mã Tấn vẽ bức tranh ngựa bằng mực nho trên lụa cỡ lớn (147 x 90cm) đề là "Trạm Như Cư Sĩ Mã Tấn". Bức tranh đã qua hơn 600 năm tồn tại mà vẫn còn giữ nguyên màu sắc cực kỳ ấn tượng. Mã Tấn chẳng những là danh họa, còn là trọng thần của Chu Nguyên Chương, vị lãnh tụ quân khởi nghĩa đã lập nên nhà Minh, lên ngôi Hoàng đế năm 1363. Sau này, bị Chu Nguyên Chương âm mưu hãm hại, để bảo toàn tính mệnh, Mã Tấn đã bí mật bỏ trốn lên rừng núi ẩn dật làm bậc cư sĩ, lấy hiệu là Trạm Như và trong tranh được đề là "Trạm Như cư sĩ Mã Tấn".

Mã Tấn vẽ ngựa nhưng thực ra là diễn tả tâm trạng con người rất sâu sắc và rất thành công. Bức tranh ngựa của Mã Tấn là một trong số ít bức tranh ngựa trở thành "kiệt tác" đầu tiên trong lịch sử hội họa Trung Hoa. Mãi đến thời nhà Thanh mới có họa sĩ chuyên vẽ ngựa nổi tiếng như Từ Bi Hồng.

… đến bức "Càn Long vọng dương" do chính Vua Càn Long vẽ

Bức "Càn Long Vọng Dương" của Vua Càn Long và bức "Lão Tử đời Minh" của Đỗ Thị Phương Trân.

Bức tranh "Càn Long Vọng Dương" do chính vua Càn Long vẽ, mô tả nhà vua đang đứng ở bên lầu, hướng về ông mặt trời. Ông mặt trời mầu đỏ là dấu triện của vua Càn Long. Trong triện có hai chữ "Càn Long". Phía dưới, bên phải bức tranh có đề 5 chữ. Ba chữ to bên trái bức tranh là "Hoàng Hạc Lâu" và hai chữ nhỏ hơn, phía bên phải là chữ "Sinh thành". Chữ "Hoàng" ở trong tranh có nghĩa chỉ nhà vua, chứ không phải chữ "Hoàng" là "Vàng" trong bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu - Đời Đường! Vậy "Hoàng Hạc Lâu" chính là lầu hạc của Hoàng đế Càn Long và con dấu của vua Càn Long vẫn thường dùng để "đóng triện" ở phía trên, bên phải của bức tranh.

Hoàng Hạc Lâu được xem là bức tranh quý do đích thân vua Càn Long vẽ, đang hiện hữu trong kho báu tranh quý của nhà văn Ông Văn Tùng.

Cũng trong "kho tranh quý" này có bức "Lão Tử Đời Minh" của Đỗ Thị Phương Trân, một nữ họa sĩ nổi tiếng cuối đời Minh, cùng hàng chục bức tranh khác khá nổi tiếng mà nhà văn Ông Văn Tùng chưa sắp xếp được chỗ treo để thưởng ngoạn như các bức "Phong Trần Tam Hiệp" của Trương Bạch Hạc; Bức "Tân Mùi dạ nguyệt" của Đường Bá Hổ; "Phong cảnh" của Vương Huy; Bức "Mùa thu năm Canh Tý" của vương Thời Mẫn; Bức "Tứ quý: Xuân - Hạ - Thu - Đông Bính Tuất niên" của Dương Tự; Bức "Quan đế Thánh Quân Tượng" của Ngô Chấp Đại; Bức tranh "Tôm" của Tề Bạch Thạch - họa sĩ nổi tiếng triều đại nhà Thanh...

Từ đâu nhà văn Ông Văn Tùng có được kho tranh quý ấy?

Nhà văn Ông Văn Tùng sinh năm 1936, quê ở Hồ Liễu, Yên Lạc - Nam Đàn (Nghệ An) nhưng cư trú đã lâu tại Thủ đô Hà Nội. Gặp ông, đọc văn ông, ta thấy khẩu chí cương trực như chính con người ông vậy. Lần đầu gặp ông, tôi hỏi ngay:

- Ông có dòng dõi người Trung Quốc?

- Vâng, đúng thế! Tôi vốn người họ Ông - dòng họ người Trung Quốc Triều Thanh, còn gọi là họ của những người Tàu! Họ Ông ở Việt Nam hầu như ít người biết đến. Trong gia phả dòng họ Ông hiện có một bài ca: Họ Ông vốn xuất Trung Hoa/ Tỉnh là Phúc Kiến, thuộc nhà Đại Thanh/ Từ Càn Long - Thanh Hoàng ngự trị/ Họ "Ông" ta thuần ý là đầu/ Cùng con Hồng Vũ với nhau/ Cha con khi ấy từ Tàu sang Ta...

Nói đến dòng họ Ông không thể không nhắc đến vị quan đại thần Triều Thanh là Ông Đồng Hòa (1830 - 1908) thuộc phái Duy Tân, cuối đời Thanh, quê ở Giang Tô. Ông Đồng Hòa từ năm 1894 tới 1898 từng hai lần giữ chức Quân cơ Đại Thần. Từ năm 1895 - 1898 kiêm nhiệm Tổng lý Nha môn Đại Thần.

Thời chiến tranh Trung - Nhật, Ông Đồng Hòa đứng về phía chủ chiến phản đối Lý Hồng Chương. Khi Quang Tự ban chiếu Minh định quốc thị thì Ông Đồng Hòa bị Từ Hy Thái Hậu truy bức rồi cách chức đuổi về quê, giao cho địa phương quản thúc cho đến lúc qua đời. Không làm quan thì ông viết sách, để lại những trước tác như "Ông Văn Cung công nhật ký" và "Bạch lô thi Văn Cảo". Ông còn là một nhà thư pháp rất nổi tiếng. Dòng họ Ông để khỏi bị nguy hiểm đã bí mật trốn chạy sang Việt Nam qua đường biển và cư trú ở các vùng: Nghệ An - Hà Tĩnh - Hội An (Quảng Nam - Đà Nẵng) để làm ăn buôn bán. Một cánh chạy về Nam Đàn và gia đình Ông Văn Tùng thuộc cánh này.

Nhà văn Ông Văn Tùng nhớ lại: "Khi tôi mới 10 tuổi, được biết ông nội tôi tên là Ông Văn Kiên, vừa dạy học chữ nho vừa dạy chữ quốc ngữ, vừa là lương y chữa bệnh bốc thuốc. Nhà ông nội tôi đầy sách và tranh cổ do Ông Đồng Hòa trao lại. Đến đời cha tôi thì sách cũng mất dần, còn tranh cổ thì không biết đã "biến" đi đâu mất.

Nhà tôi ở Nghệ An là một ngôi nhà cổ, được xây dựng từ thời Lê, đã có sự trùng tu đôi chút nhưng vẫn giữ được nét cổ kính xưa cũ. Một lần về quê để chữa lại một phần ngôi nhà ấy thì tình cờ phát hiện được chiếc ống tre rất lớn, bám đầy mồ hóng, hai đầu đậy nắp và gắn sơn rất kín. Tôi mở ra thì bên trong có một cuộn giấy rộng khổ, cuộn hết sức cẩn thận. Toàn bộ là những bức tranh và thư pháp. Thôi đúng là "kho" tranh quý của ông nội tôi đây rồi!".

Nói đến Ông Văn Tùng, ngoài sự nghiệp giáo dục, ông còn là nhà văn được bạn đọc yêu mến, nhà dịch thuật có uy tín. Ông đã dịch trên 60 đầu sách văn học Trung quốc từ cổ đại đến trung đại và hiện đại. Hiện ông đang hoàn thiện bộ sách "Lịch sử Mỹ thuật Trung Quốc" của Lý Dục Chi. Trong bộ sách có nhắc đến tác giả của những bức tranh nổi tiếng trong kho báu tranh cổ của Ông Văn Tùng.

Khi tiễn tôi ra về, ông chớp chớp mắt, nói với vẻ xúc động:

- Ông Đáng họ Hoàng Kim, cầm tinh con Rồng Canh Thìn (1940), rất yêu mến và am hiểu văn học, nghệ thuật. Tôi xin ủy nhiệm ông toàn quyền công bố những tác phẩm Mỹ thuật Trung Hoa Cổ đại mà tôi đang có

Hoàng Kim Đáng (Xuân 2014)
.
.