Phần ứng xử trong các cuộc thi sắc đẹp: Câu hỏi “tầm tầm” thì lấy đâu ra câu trả lời hay?

Thứ Năm, 26/11/2020, 16:15
Trong hầu hết các cuộc thi sắc đẹp, ứng xử luôn là phần thi quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo đánh giá của phần đông giới mộ điệu, những năm qua, trong một vài cuộc thi sắc đẹp ở nước ta, phần thi ứng xử đang dần bị hình thức hóa và đôi khi dở cười, dở khóc như một màn tấu hài vụng về, sống sượng.


Nhắc đến danh từ Hoa hậu, Hoa khôi, người ta thường nghĩ ngay đến một cô gái có gương mặt hợp nhãn số đông và vóc dáng chuẩn. Nhưng theo thời gian, các cuộc thi sắc đẹp đang dần quan tâm nhiều hơn đến vẻ đẹp trí tuệ của thí sinh. Và phần thi ứng xử là thước đo giúp thí sinh phô diễn sự thông minh, tầm nhìn, kiến thức xã hội và bản lĩnh sân khấu thông qua câu trả lời đòi hỏi phản xạ nhanh chóng, linh hoạt chỉ trong mấy chục giây ngắn ngủi.

Cứ sau một cuộc thi sắc đẹp, bên cạnh những ý kiến trái chiều về nhan sắc của người đẹp đăng quang thì phần thi ứng xử của các thí sinh lọt top luôn để lại nhiều bình luận sôi nổi. Mới đây nhất, khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam kết thúc, nhiều người tỏ ra không thực sự thuyết phục khi chiếc vương miện danh giá được trao cho thí sinh Đỗ Thị Hà - cô gái 19 tuổi đến từ Thanh Hóa, bởi lý do phần trả lời ứng xử của cô hơi cụt ngủn và chưa thực sự trôi chảy.

Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2020 (Nguồn ảnh - Kiếng Cận).

Tương tự trường hợp của Đỗ Thị Hà, khoảng một năm trước, Nguyễn Trần Khánh Vân cũng chịu áp lực tương tự lúc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sau câu trả lời ấp úng, thiếu chiều sâu mà cộng đồng mạng đánh giá là kém xa phần ứng xử của Á hậu 1 Nguyễn Huỳnh Kim Duyên và Á hậu 2 Phạm Hồng Thúy Vân. Như vậy để thấy, một vài khuyết điểm trên gương mặt có thể được khắc phục bằng công nghệ make up nhưng ứng xử thì luôn cần bản lĩnh!

Bản lĩnh ấy là sự phản ánh một quá trình phấn đấu, rèn luyện và thậm chí là sự từng trải những va đập, vấp ngã. Có những thí sinh thực sự giỏi giang, thông minh, sở hữu thành tích học tập "khủng", nhưng đứng trước đám đông, ngôn từ của họ dường như đóng băng lại. Phần thi ứng xử là một thử thách không hề đơn giản, nhất là đối với những cô gái trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường lần đầu tiên được đứng trên một sân khấu tầm cỡ quốc gia.

Người ta thường nói, Hoa hậu là người của công chúng, đội chiếc vương miện lên đầu cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng đảm đương sứ mệnh vì cộng đồng, xã hội. Để làm được điều đó, theo lý thuyết, Hoa hậu cần có một trái tim nhân ái và vốn kiến thức sâu rộng. Vậy nên, thí sinh dù xinh đẹp đến nhường nào, nhưng một câu trả lời ứng xử ngô nghê, lúng túng cũng có thể bị mất điểm trầm trọng trong lòng công chúng, ngay cả khi may mắn đăng quang.

Một khi sự trau dồi chưa đủ thì rất khó để có được một phần thi ứng xử sắc sảo đúng nghĩa. Các câu trả lời phần nhiều sẽ mang sự cảm tính hơn là lý tính. Có nghĩa, nó xuất phát từ xúc cảm vụn vặt của cá nhân chứ ít khi được thể hiện dưới góc độ tổng hợp, đánh giá thông qua việc vận dụng linh hoạt những tri thức khoa học. Từ đó dẫn đến thực trạng chung là nội dung trả lời chỉ phớt qua được bề mặt, có chăng là kỹ năng ngôn ngữ của ai trôi chảy hơn ai mà thôi.

Trong thời lượng ứng xử mấy chục giây, điều tiết thời gian như thế nào cho câu trả lời chỉn chu, trọn vẹn luôn là một bài toán khó. Nếu phân tích chi tiết thì sợ lan man. Nếu chỉ đưa ra luận điểm đơn thuần thì chưa thuyết phục được khán giả. Trí tuệ của một thí sinh nằm ở khoảnh khắc quyết định đó. Cái khoảnh khắc mà mỗi một phần trăm giây đều vô cùng quý giá. Cái khoảnh khắc mà có lẽ bộ não phải tư duy nhanh gấp chục lần những lúc bình thường.

Sự non kém về kỹ năng ứng xử là một trở ngại quá lớn đối với số đông những người đẹp nước ta khi vươn ra các đấu trường nhan sắc quốc tế. Điều đó cũng giải thích cho việc, hai thập kỷ qua, dù hầu như năm nào cũng cử đại diện tham gia nhưng chúng ta vẫn chưa thể chạm tay đến những danh hiệu chính thức trong hai cuộc thi Hoa hậu lớn nhất hành tinh là: Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ, chứ chưa dám mơ tưởng đến ngôi vị cao nhất.

Như chúng ta đã thấy, những người đẹp đăng quang ở hai cuộc thi này luôn thuyết phục được giới mộ điệu trên toàn thế giới bởi câu trả lời ứng xử "nuốt mic" mang đậm dấu ấn cá nhân và truyền được cho người nghe những nguồn cảm hứng, năng lượng tươi mới, tích cực. Chẳng hạn trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018, khi được hỏi về một bài học quan trọng nhất trong cuộc đời và việc sẽ áp dụng nó như thế nào nếu bạn được đội chiếc vương miện, Catriona Gray đã ngay lập tức tự tin trả lời:

"Tôi làm việc rất nhiều trong các khu ổ chuột ở Tondo, Manila và cuộc sống ở đó vô cùng nghèo khó, đáng buồn. Và tôi luôn dạy bản thân phải tìm kiếm những điều tốt đẹp trong đó, tìm kiếm vẻ đẹp trên những gương mặt trẻ thơ và biết ơn. Và tôi sẽ mang theo điều này khi là Hoa hậu Hoàn vũ, để nhìn nhận các vấn đề với sự lạc quan, để đánh giá nơi nào tôi có thể chia sẻ, nơi nào tôi có thể hỗ trợ với tư cách một người phát ngôn. Nếu tôi có thể dạy mọi người biết ơn, chúng ta có thể tạo nên một thế giới nơi sự tiêu cực không thể phát triển, trẻ em sẽ có nụ cười trên gương mặt" (Nguồn dịch: Minh Anh - Vnxpress).

Catriona Gray trả lời ứng xử tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018.

Câu trả lời giàu cảm xúc và đầy tính trải nghiệm ấy đã mang về cho cô gái đến từ Philippines chiếc vương miện danh giá sau rất nhiều nỗ lực đáng nể phục. Tại các cuộc thi hoa hậu lớn trên thế giới, vẻ đẹp hình thức không thể có một mẫu số, quy chuẩn thống nhất. Ví dụ như có quốc gia chuộng làn da trắng thanh tú, nõn nà, có quốc gia chuộng làn da nâu bóng giòn, khỏe khoắn thì sự phân định cao - thấp phần nhiều phụ thuộc vào câu trả lời ứng xử.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của phần thi ứng xử, bên cạnh kỹ năng trình diễn, các "lò" đào tạo hoa hậu nổi tiếng ở Philippines, Venezuela... rất chú trọng đến kỹ năng ứng xử. Các cô gái đến đây phải trải qua một quá trình khổ luyện cao độ từ tư thế đứng, giọng nói, khẩu hình miệng, biểu cảm gương mặt, tốc độ nhả chữ... cho đến việc học tập, tích hợp các kiến thức xã hội để có được một câu trả lời hay và thuyết phục. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia này trở thành cường quốc sắc đẹp của thế giới.

Trở lại với các cuộc thi Hoa hậu ở nước ta, dường như phần thi ứng xử đang thiếu những câu hỏi mang tính thời đại, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng nhiều kiến thức tích hợp để phản biện vấn đề. Khi câu hỏi dở thì lấy đâu ra câu trả lời hay? Điều đáng ghi nhận của Ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam năm nay là đã kịp thời mở cuộc thi đặt câu hỏi cho phần ứng xử. Song, giữa rất nhiều những câu hỏi gửi về, họ vẫn chưa chọn ra được các câu hỏi thực sự độc đáo, thậm chí là bị trùng lặp. 

Câu hỏi cũ kỹ dẫn đến những câu trả lời khuôn sáo, nghe thì có vẻ mượt mà, trơn tru nhưng thực ra chưa gợi mở được những thông điệp ấn tượng. Nhất là đối với các câu hỏi chọn cái này hay cái kia, thí sinh cứ việc trả lời "nước đôi", nghĩa là không chọn một nội dung cụ thể nào cả cho... an toàn.

Trong cuộc thi này, với câu hỏi: "Nếu bạn phải lựa chọn giữa người con hiếu thảo của gia đình và người có ích cho xã hội thì bạn sẽ chọn làm người nào", thí sinh Phạm Thị Phương Quỳnh trả lời: "Việc trở thành một người con hiếu thảo và việc trở thành một người có ích trong xã hội là hai điều mà chúng ta luôn hướng đến trong cuộc sống. Nếu phải lựa chọn một trong hai có vẻ điều đó quá khó khăn. Nên nếu tôi được chọn lựa, tôi xin tham lam mà chọn cho mình cả hai". Có cư dân mạng comment: "Một câu hỏi thiếu muối thì câu trả lời nhạt nhẽo cũng không có gì khó giải thích".

Tất nhiên, chấm điểm các thí sinh dự thi Hoa hậu là sự theo dõi sát sao cả quá trình dài của họ chứ không chỉ vài tiếng đồng hồ xuất hiện sơ bộ trên truyền hình. Điểm thi ứng xử chỉ là một phần trong số rất nhiều những phần thi khác như: tài năng, dự án nhân ái, trình diễn thời trang... Đỗ Thị Hà, Nguyễn Trần Khánh Vân và những hoa hậu khác nữa có thể chưa ổn trong phần thi ứng xử nhưng lại xuất sắc ở những phần thi còn lại nên họ đủ điểm đăng quang là điều hợp lý.

Tuy nhiên, phần thi ứng xử đâu phải là phần trả lời bài cũ? Để hướng đến tính chuyên nghiệp, đã đến lúc phải thay đổi tư duy đặt câu hỏi cũng như tư duy trả lời ứng xử theo hướng mở, mới mẻ, hiện đại và sáng tạo. Đừng để một phần thi ứng xử nghiệp dư, mang tính hình thức, gây ra những tranh cãi lùm xùm, phiền phức làm giảm đi cái ý nghĩa tốt đẹp mà một cuộc thi Hoa hậu hướng tới!

Tôn Nữ Khả Di
.
.