Phạm nhân Trại giam Thủ Đức viết thư "Gửi lời xin lỗi": Giọt nước mắt hồi sinh

Thứ Năm, 24/04/2014, 08:00
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết vừa qua, Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết: "Hoạt động này là cầu nối xóa mờ nỗi đau cho người bị hại, thân nhân người bị hại, thân nhân phạm nhân và chính những phạm nhân cũng được giảm bớt day dứt, yên tâm học tập, lao động cải tạo. Đợt triển khai tiếp theo, chúng tôi sẽ khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng đi cùng số lượng thư".

Phát động đợt 1 từ tháng 7/2013 đến tháng 2/2014, hoạt động viết thư chủ đề "Gửi lời xin lỗi" của Trại giam Thủ Đức đã nhận được hơn 7.000 thư, chiếm tỉ lệ 89,2% trên tổng số phạm nhân toàn trại. Trong đó có gần 5.000 thư gửi thân nhân, 400 thư gửi cho người bị hại, số còn lại gửi cho bạn bè, thầy cô, cơ quan, tổ chức, thư ngỏ cộng đồng… Hơn 5.300 bức thư đã được gửi đi.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết vừa qua, Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết: "Hoạt động này là cầu nối xóa mờ nỗi đau cho người bị hại, thân nhân người bị hại, thân nhân phạm nhân và chính những phạm nhân cũng được giảm bớt day dứt, yên tâm học tập, lao động cải tạo. Đợt triển khai tiếp theo, chúng tôi sẽ khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng đi cùng số lượng thư".

1. Ngày nhận được thư con từ phương Bắc xa xôi, đêm, gã chong mắt lên trần nhà. Cười rồi khóc, đảo điên. Bức thư chỉ hai dòng vỏn vẹn mà làm tim gã nhói lên từng cơn: "Chị em con mong bố về từng ngày. Con muốn được kể thành tích học tập của chị em con cho bố nghe lắm". Nước mắt gã trào ra. Sao khi buôn "cái chết trắng" cho hàng trăm người, tim gã không nhói như thế? Sao khi đánh hộc máu đám bạn tù, gã không oằn oại như thế? Sao khi mẹ già gào khóc, bước xiêu bước vẹo khi gã bị luân chuyển từ ngoài Bắc vào Nam, gã không thấy đau?

Gã điên quá, gã cấu mạnh lên ngực như muốn móc tim của mình ra để xem nó lạnh hay nóng. Gã nhớ, khi ấy gã cuồng dại vì tiền, thật nhiều tiền. Gã nhớ, khi ấy gã muốn cho lũ nhãi ranh xăm trổ đầy mình kia một trận để biết kẻ tù phương Bắc là ai. Gã nhớ, khi ấy đôi mắt vằn đầy tia máu không nhìn mẹ mà in ngút trên màu áo giám thị…

So với đất Bình Thuận này, quê gã xa lắm. Căn nhà nhỏ trên phố Đê La Thành, Hà Nội hằng ngày đón bước chân gã về trong ánh mắt mẹ già giờ chỉ là chuyện quá vãng. Đám con thơ líu ríu. Vợ vò võ đêm thâu. 20 năm tù với gã dài đằng đẵng. 20 năm đủ tạo một kiếp người vào đời. Ngày ngày vác cuốc lao động, lên lớp học tập cải tạo không thắng nổi khát khao tự do giằng xé. Và gã tìm về nó theo cái cách của mình.

"Tôi hơn thua với anh em phạm nhân cùng phân trại. Tôi đã vi phạm nội quy và bị kỷ luật. Thế rồi kể từ đó tôi cứ buông trôi, trượt dài như chiếc xe lao xuống dốc không phanh".

Một gã tù miền Bắc quậy tung trời, gã không muốn bất cứ ai xem thường gã. Như con ngựa bất kham, 15 năm trời gã vi phạm nội quy liên tục. Bị tra chân vào cùm, bị nhốt riêng trong buồng tối, gã vẫn ương ngạnh. Để đến một ngày, sau một lần nổi loạn tưng bừng, gã bị chuyển trại. Nhìn từng gốc cây, ngọn cỏ của phân trại 5 thu nhỏ sau chấn song xe, gã ngẩn người: "Không lẽ cuộc đời mình cứ thế này mãi sao? Không chốn nào cho mình dung thân sao?".

Phạm nhân giao lưu cùng giám thị và người bị hại.

Gã bước chân vào phân trại số 4. Lòng trống rỗng. Bước chân đeo chì. Những ánh mắt lạ nhìn gã. Ánh mắt đưa ra lời chào, nụ cười vỗ về. Không! Cuộc đời mình phải khác! Và đến khi nhận được thư con, gã bật khóc. Giọt nước mắt ướt nhòa trên đôi má đỏ hỏn thuở nào nay tuôn ròng trên gò má gió bụi. Gần 50 năm đời người…

Lời người giám thị văng vẳng bên tai: "Hãy sống vì mọi người, đừng để mọi người phải sống vì mình". "Sống đúng ở tuổi 47 đi Sơn". Tờ giấy trắng, cây bút trao tay gã. Cái vỗ vai nhẹ bẫng mà gã nghe nặng trĩu tâm can. Và lá thư rụt rè từng chữ từng chữ rồi vội vàng như thể ngay sau phút đó, gã vĩnh viễn chẳng thể còn cơ hội mà viết nữa. Con chữ xô nghiêng, ào ạt gửi về cho đàn con thơ, gửi đến mẹ, gửi đến những màu áo xanh ngày đêm mệt nhoài, trăn trở vì gã: "Tôi đã được cán bộ giáo dục dành rất nhiều thời gian để động viên khuyên bảo như thấu hiểu được nỗi lòng của một phạm nhân xa xứ như tôi. Tôi thầm cảm nhận được đây là tình cảm của một con người với một con người, một người thầy với một người trò, không còn là khoảng cách của một người đang thi hành pháp luật với một người phạm tội nữa.

Đã rất nhiều đêm tôi không sao ngủ được và luôn tự hỏi: "Sao tôi lại ích kỷ như vậy, sao tôi lại có thể lãng quên đi những gì quý giá nhất đang thuộc về tôi"… Một niềm mơ ước muốn làm lại, niềm mơ ước được về để hít thở không khí bốn mùa đặc trưng của miền Bắc bỗng trỗi dậy hơn bao giờ hết…".

2. "Bình tĩnh đi con". Bàn tay bà mẹ trẻ đặt nhẹ vào tấm lưng thiếu nữ bần bật dưới lớp vải trắng sọc xanh. Cô bé như tỉnh lại, đoạn thư đứt đoạn chắp lại mạch lạc trước đám đông. Lời xin lỗi này dành cho mẹ. "Ước gì trước kia con chín chắn hơn trong từng suy nghĩ, biết nghe lời mẹ dặn. Những năm tháng con sống buông thả bản thân để lao vào những cuộc vui chơi. Biết bao giọt nước mắt của mẹ đã rơi vì con thế mà con vẫn không tỉnh ngộ. Bây giờ con chỉ biết chờ đợi từng ngày từng tháng để được gặp mẹ".

Trong một lần tụ tập bạn bè ăn chơi, Hiền đã gây sự với một bạn gái trong nhóm. Bạn trai cô ta cho Hiền một cái tát nảy đom đóm. Tức tối, cô bé về nhà rủ anh trai "phục thù". Gã trai kia bị anh trai Hiền đâm trọng thương, phải nhập viện cấp cứu. Thấy gã trai quằn quại, đau đớn bao nhiêu thì Hiền lại thấy hả hê bấy nhiêu. Cô bé không hề nghĩ rằng mình và anh trai đã gây ra một tội lỗi vô cùng nghiêm trọng. Hôm đi học về, bị Công an còng tay dẫn đi, bước chân Hiền mới biết cuống quýt. Nhìn anh trai lủi thủi cúi gằm mặt leo lên xe Công an, nhìn mắt mẹ sũng nước đỏ hoe, Hiền hoang mang. Cô bé kể, nhiều lần mẹ lên thăm, nhưng nhìn những nếp nhăn lạ lẫm của mẹ, nhìn 5 năm phía trước sau song sắt, nước mắt cô lại ứa ra, chặn ngang cổ họng. Một bà mẹ trẻ, một cô bé, lặng lẽ nghe tiếng nức nở của nhau ở phòng thăm nuôi, rồi ra về…

3. Nói như một người cha phạm nhân, dù phũ phàng nhưng thành thật: "Lâu nay người ta có ác cảm với nhà tù. Nhưng chính nơi đây là trường học đạo đức lớn nhất cho những đứa con bất trị". Viết cánh thư ấy, với các phạm nhân, đó là điều không dám và không bao giờ.

"Tôi viết thư trong tâm trạng khó tả lắm, rất hồi hộp, căng thẳng, ngượng ngập và bồn chồn, có lẽ tâm trạng của kẻ mang tội nó vậy hay sao ấy…" - phạm nhân Nguyễn Duy Tiến thú nhận. Và họ hiểu rằng lá thư ấy không dễ dàng gì xin được sự tha thứ của người bị hại, xoa dịu nỗi đau xé lòng của người thân. Nhưng, cánh thư là nơi sẻ chia, nơi có thể trút hết mọi nỗi niềm để nói cho thỏa lòng mình. Còn e ngại một câu nói đầu môi thì cánh thư sẽ là nơi chuyển gửi trong từng nét bút vội vã, run rẩy hay rụt rè. Và cũng chất chứa những giọt mồ hôi, những tâm huyết mà người giám thị từng ngày, từng đêm đã đổ xuống để động viên người tù cầm bút, dù có lúc tưởng như vô vọng.

Hàng trăm lá thư gửi cho người bị hại rơi vào câm lặng. Nhưng còn đó những hồi âm đẫm tình người. Gần 20 năm, người góa phụ trẻ ngày nào giờ mái tóc đã mồi, chân đã run. Bà Nguyễn Thị Mỹ òa khóc khi hôm nay, người dìu mình lên sân khấu giao lưu lại là kẻ thủ ác ngày nào cướp đi mạng sống của chồng bà trong một phút bốc đồng.

"Qua thư, tôi hiểu những năm tháng bị truy nã, cậu Trần Chinh bị khủng hoảng tinh thần, bị bạn bè xa lánh, gia đình bỏ mặc không biết đi đâu về đâu, nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết. Nhưng lúc trên bờ vực của cái chết, nhìn vợ con nheo nhóc, cậu mới biết sự sống quý giá với mình và người khác như thế nào. Mẹ con tôi sẵn lòng tha thứ, chúng tôi không muốn gia đình cậu phải gánh thêm nỗi đau như mình. Cậu đã bán cả mảnh đất duy nhất của gia đình để đền bù cho tôi. Chúng tôi rất cảm kích, chỉ mong cậu cải tạo tốt để sớm về với gia đình xã hội" - bà Mỹ nói. Bước xuống sân khấu, Chinh ôm chầm lấy bà. Thoáng ngạc nhiên, đôi tay bà nhẹ nhàng vỗ về trên thân hình lực điền rung lên nức nở.

Phía dưới khán đài, gã phạm nhân Trần Hoàng Sơn cuống quýt kéo tay áo lau vội giọt nước mắt rơi trên tấm hình mẹ già và vợ con -  món quà đặc biệt mà Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức dành tặng gã. Lấp loáng trong làn nước mắt, những cuộc đời đang hồi sinh…

Phan Thi Uyên
.
.