Phải tạo ra "cái nôi" cho văn chương đích thực

Thứ Năm, 10/08/2017, 11:57
Hai trong những thực trạng mà có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có thể né tránh được khi nhắc đến văn học Việt Nam đương đại chính là sự nghèo nàn về số lượng các tác phẩm có chất lượng và đặc sắc và sự eo hẹp trong kinh phí hoạt động của các tổ chức hội địa phương cũng như Trung ương. 


Hai thực trạng ấy vốn dĩ được móc nối với nhau như một chuỗi liên kết nguyên nhân - kết quả và bất chấp những ý kiến cho rằng, làm nghệ thuật là phải dấn thân, phải dẹp bỏ vật chất tầm thường, chúng ta cũng đều phải đồng thuận cùng nhau rằng, không có đầu tư, văn học thực sự khó có thể phát triển.

Nếu kiếm tìm website của tổ chức Arts Council England (ACE), một cơ quan thuộc Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy có một mục rất nổi bật là "Kiếm tìm đầu tư".

Chỉ cần nhìn sơ qua mục ấy, với các tiểu mục của nó, chúng ta sẽ hiểu rằng thực trạng của nghệ thuật đỉnh cao nói chung và văn học nói riêng trên thế giới thực sự đang như thế nào. Một cường quốc lớn như Vương quốc Anh, với tài lực hùng mạnh và dồi dào vẫn cần phải kêu gọi những nguồn đầu tư từ bên ngoài xã hội để phát triển văn học và nghệ thuật. Vậy thì so sánh với thực trạng ở Việt Nam, chúng ta có thấu cảm được cho những người làm văn học thực sự hay không?

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) đã chính thức khai trương tại khu đô thị Royal City (Nguyễn Trãi, Hà Nội). Không chỉ có quy mô lớn nhất, đây còn là trung tâm nghệ thuật độc đáo với không gian trưng bày tràn ngập ánh sáng tự nhiên trong lòng đất (trong ảnh: tác phẩm “Ngụ ngôn vàng”.

Việc các hội văn học, nghệ thuật ở Việt Nam vẫn phải sống dựa duy nhất vào bầu sữa ngân sách đầu tư của nhà nước đang cho thấy một vấn đề nổi cộm. Đó chính là sự phó mặc hoàn toàn cho nhà nước của chính các thành phần trong xã hội trong việc đầu tư cho văn học nghệ thuật.

Dường như, chính sự lạnh nhạt của những nhà đầu tư cho văn học đã khiến văn học trở nên "không còn quan trọng" trong xã hội và từ đó, xuất hiện sự mặc cảm nhất định của giới cầm bút, dẫn tới việc nhiều người không viết nữa, bỏ nghề để mưu sinh hoặc nếu có viết thì cũng không đầu tư thực sự hết tâm huyết khi còn phải phân tâm cho quá nhiều vụn vặt đời thường.

Trong hoàn cảnh ấy, việc lo lắng kiếm tìm nguồn đầu tư cho văn học cũng được "giao khoán" cho một số tên tuổi đang đảm lãnh trách nhiệm điều hành các hội và họ, với lực lượng mỏng, sức cập nhật với thời đại cũng bắt đầu cùn mòn dần, đã không thể kham nổi việc chèo lái một con thuyền lớn trong giai đoạn công nghệ thông tin đã làm thay đổi phương thức phát hành rất nhiều.

Quay trở lại câu chuyện ở Anh quốc, có một ví dụ chúng ta nên tham khảo vì tính chất của nó rất gần với những gì đang xảy ra ở Việt Nam hiện nay. Có một tạp chí phê bình văn học rất uy tín có tên là London Review Books (LRB).

Tạp chí được thành lập từ năm 1979 và tính từ thời điểm đó đến nay, chủ đầu tư của nó, bà Mary-Kay Wilmers đã phải dùng 35 triệu bảng Anh từ chính tài sản cá nhân của mình để bù lỗ nhằm duy trì sự tồn tại của tạp chí này. Không có gì có thể lý giải cho hành động của Mary-Kay Wilmers ngoài tình yêu dành cho văn chương.

Liên hệ với Việt Nam, nhìn vào khó khăn thực sự hiện nay của những tuần báo văn học từng đình đám nhiều thập niên, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi "Ai là người hết lòng yêu văn học và sẵn sàng nuôi dưỡng văn học đây?".

Trở lại với website của Arts Council England, trong một bài giới thiệu có tên "Hỗ trợ văn chương", ACE nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng, văn chương đóng vai trò chủ đạo trong bộ mặt văn hoá đương đại". Đồng thời, ACE cũng cho biết, chỉ riêng giai đoạn từ 2014 - 2015, họ đã đầu tư tới 17,5 triệu bảng Anh cho các dự án sáng tác, xuất bản, phát hành… các tác phẩm văn học. Nguồn đầu tư ấy họ lấy từ đâu?

Không phải 100% từ chính phủ Anh. Ngân sách chính phủ Anh cấp cho ACE với các dự án văn học chỉ chiếm chưa tới 50% các khoản đầu tư hằng năm. Chính ACE là một kênh kêu gọi đầu tư dùm các tác giả, với công cụ công khai trên website của mình, nơi các tác giả có thể đưa ra dự án của họ để kêu gọi nhà đầu tư, đồng thời các nhà đầu tư nghệ thuật có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư cho văn học, nghệ thuật một cách dễ dàng.

Thực chất, sự tham gia của xã hội (xã hội hoá) vào việc phát triển văn học, nghệ thuật đã là một hướng đi có từ lâu ở nhiều nước trên thế giới. Và các nhà đầu tư vào các dự án nghệ thuật không phải tìm tới đó để kiếm lợi nhuận. Nhiều khi, họ chỉ tham gia vì yêu thích, trân trọng nghệ thuật hoặc đơn thuần là một thủ thuật bút toán kế toán để cân đối lại khoản thu nhập ngõ hầu thuế thu nhập cá nhân mà họ phải đóng là ít nhất, có lợi cho họ nhất. Và cũng có vài nghệ sỹ Việt Nam từng được mời sang diễn cộng đồng ở nước ngoài dưới sự bảo trợ của một nhà tài phiệt nào đó mà mục đích họ chỉ  là "thà đầu tư vào văn hoá con hơn đóng nhiều thuế hơn".

Gần đây, có một tập đoàn đã thành lập một trung tâm nghệ thuật đương đại ở Hà Nội. Đó chính là tín hiệu đáng mừng cho thấy bắt đầu có sự quan tâm đến văn học nghệ thuật từ phía những người giàu. Và vì vậy, đã đến lúc văn học phải chuyển mình, để tìm kiếm cái nôi cho văn chương thực sự, đủ sức để văn chương trở lại đúng nghĩa là mũi nhọn chủ đạo của văn hoá đương đại như định nghĩa mà Arts Council England đã đưa ra ở trên.

Hà Quang Minh
.
.