Trang phục dân tộc cho người đẹp Việt dự thi nhan sắc quốc tế:

Phải là “Sứ giả”của văn hóa truyền thống

Thứ Sáu, 03/11/2017, 08:31
Việc lựa chọn trang phục cho thí sinh Việt tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi bộ trang phục đó phải thực hiện quá nhiều “sứ mệnh”. Hai năm trở lại đây, Miss Universe Vietnam đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universes”. Điều khá bất ngờ là khi cuộc thi đang bước vào giai đoạn nước rút thì tổ chức Miss Universe Vietnam thông báo sẽ sử dụng trang phục áo dài mang tên “Hồn Việt” – thiết kế của Nguyễn Hữu Bình từng lọt vào top 5 cuộc thi năm 2016...

Mới đây, khi Hà Thu và ekip chính thức giới thiệu bộ trang phục tham gia tranh tài ở phần thi “National costume” (trang phục truyền thống hay trang phục dân tộc) tại “Hoa hậu Trái đất – Miss Earth” 2017, lập tức gây nên những luồng dư luận trái chiều. Thay vì áo dài, Hà Thu đã lựa chọn thiết kế mang tên “Chiến binh hoa” khá lạ mắt theo chủ đề chiến binh bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

Không biết bộ trang phục có giúp Hà Thu “làm nên chuyện” tại một đấu trường nhan sắc lớn hay không, nhưng nhiều người cho rằng, bộ trang phục chưa đậm nét truyền thống văn hóa Việt

Sự lựa chọn không dễ dàng

“Chiến binh hoa” gây ấn tượng với người xem vì sự sexy, táo bạo trong thiết kế, đồng thời cũng toát lên sự mạnh mẽ của người mặc. Khán giả có thể nhận ra, liên tưởng đến Việt Nam qua hình ảnh bông hoa sen vàng được cách điệu phía sau. Đây là sản phẩm của nhà thiết kế trẻ Minh Công.

Bộ trang phục “Chiến binh hoa” Hà Thu lựa chọn tham dự phần thi “Trang phục truyền thống” tại “Hoa hậu Trái đất” năm nay gây nhiều tranh cãi.

Chia sẻ về lý do lựa chọn “Chiến binh hoa” để tham dự phần thi “Trang phục truyền thống” tại “Hoa hậu Trái đất” năm nay, Hà Thu nói rằng, cô yêu tà áo dài Việt nhưng muốn mang đến cuộc thi điều gì đó mới mẻ hơn, đồng thời giới thiệu thêm cho bạn bè quốc tế một hình ảnh đặc trưng nữa của Việt Nam là hoa sen.

Không ít người cho rằng, “Chiến binh hoa” là thiết kế độc đáo sẽ giúp thí sinh có được thành tích tốt tại một trong những đấu trường nhan sắc lớn, uy tín nhất thế giới này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bộ trang phục chưa đậm nét văn hóa truyền thống Việt, quá sexy, giống các nhân vật chiến binh trong game online. Sự dịu dàng, nữ tính của người phụ nữ Việt đã bị che lấp bởi “Chiến binh hoa”.

Cùng với thời điểm Hà Thu tham gia “Hoa hậu Trái đất”, Á hậu Huyền My cũng đại diện Việt Nam tham gia “Hoa hậu Hòa bình Quốc tế - Miss Grand International” 2017 được tổ chức tại Việt Nam. Bộ áo dài tone màu đỏ, vàng sang trọng, quý phái đã giúp Huyền My đứng vị trí thứ 2 trong top 15 trang phục dân tộc được bình chọn nhiều nhất (đứng sau bộ trang phục dân tộc của đại diện đến từ Indonesia).

Được biết, đó là một thiết kế của Ngô Nhật Huy có trọng lượng lên đến 30kg, với phần tà sau dài, được xẻ làm nhiều lớp. Riêng mấu đội đầu nặng 8kg. Phần vai, eo, tà áo được trang trí bằng họa tiết dát vàng, lấy cảm hứng từ họa tiết thời Nguyễn. Chất liệu sử dụng cho bộ áo dài là vải gấm. Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, bộ trang phục khá rườm rà, nhiều chi tiết và “phảng phất” màu sắc Trung Quốc. Chiếc mấn đội đầu bị cho là chưa ăn nhập với trang phục.

Việc lựa chọn trang phục cho thí sinh Việt tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi bộ trang phục đó phải thực hiện quá nhiều “sứ mệnh”. Hai năm trở lại đây, Miss Universe Vietnam đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universes”. Điều khá bất ngờ là khi cuộc thi đang bước vào giai đoạn nước rút thì tổ chức Miss Universe Vietnam thông báo sẽ sử dụng trang phục áo dài mang tên “Hồn Việt” – thiết kế của Nguyễn Hữu Bình từng lọt vào top 5 cuộc thi năm 2016.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi thì bộ trang phục chiến thắng trong cuộc thi năm nay sẽ được chọn để trình diễn tại “Hoa hậu Hoàn vũ thế giới” 2018. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, sở dĩ Ban Tổ chức đưa ra quyết định này là do các mẫu thiết kế năm nay chưa mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, lựa chọn thiết kế áo dài “Hồn Việt” là giải pháp an toàn hơn cả.

Thiết kế của Ngô Nhật Huy giúp Huyền My đứng vị trí thứ 2 trong top 15 trang phục dân tộc được bình chọn nhiều nhất.

Áo dài vẫn nên là lựa chọn số 1

Theo dõi cuộc thi “Thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universes” hai năm trở lại đây tôi thấy rằng, các nhà thiết kế trẻ đã rất cố gắng tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những thiết kế phá cách, táo bạo. Bản sắc văn hóa truyền thống Việt đã được tiếp cận, khai thác từ nhiều góc độ khác nhau. Trang phục không chỉ là áo dài, áo tứ thân bằng chất liệu lụa truyền thống mà còn là váy, áo cách tân, sử dụng nhiều chất liệu từ thiên nhiên, gắn với đời sống văn hóa Việt như tre, mây…

Việc lựa chọn, đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào trang phục phải được thể hiện một cách tinh tế. Một trong số mẫu thiết kế lọt top 6 cuộc thi “Thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universes” 2017 là “Bánh mì” của Phạm Phước Điền gây tranh cãi. Bánh mì là món ăn rất đặc trưng của Việt Nam. Nhiều du khách nước ngoài ấn tượng với Việt Nam vì món ăn giản dị này.

Tuy nhiên, đó có phải là cái cốt lõi bản sắc văn hóa Việt? Người nước ngoài sẽ nghĩ gì về văn hóa Việt khi đại diện Việt Nam mặc bộ trang phục gắn với hình ảnh bánh mì sải bước trên sân khấu? Tương tự như vậy, nhiều người cho rằng, các mẫu thiết kế khác lọt top 6 cuộc thi năm nay như “Hoa đăng sắc Việt” (Nguyễn Vũ Hùng), “Phố cổ” (Nguyễn Đình Thuận), “Ngũ hổ” (Nguyễn Đặng Thanh Nhàn”, “Thăng Thu” (Nguyễn Đức Hải), “Nữ quyền” (Phạm Minh Phúc) cũng chưa có được sự tinh tế trong chuyển tải văn hóa Việt.

Theo quan điểm chúng tôi, trang phục cho hình ảnh Việt Nam trên đấu trường nhan sắc quốc tế vẫn nên là áo dài. Trong mắt bạn bè quốc tế, nói đến áo dài là họ liên tưởng đến Việt Nam với hình ảnh người phụ nữ duyên dáng, thanh lịch nhưng cũng rất sang trọng, quý phái. Phom áo dài cùng những phụ kiện đi kèm có nhiều “đất” để các nhà thiết kế đưa vào đó các họa tiết, hoa văn đậm nét văn hóa Việt. Thực tế cho thấy, những bộ trang phục dân tộc giúp người đẹp Việt tỏa sáng chủ yếu vẫn là áo dài.

Điển hình nhất phải kể đến bộ trang phục của nhà thiết kế Thuận Việt mà Hoa hậu Phạm Hương trình diễn tại “Hoa hậu Hoàn vũ” 2015. Họa tiết chim hạc, lá trúc – những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam được thêu cầu kỳ, tỉ mỉ bằng chỉ ép nhũ vàng. Chiếc mấn đội đầu hình chim hạc là một điểm nhấn của bộ trang phục.

Trước đó, bộ áo dài do Thuận Việt thiết kế cho Hoa hậu Diễm Hương tham gia “Hoa hậu Hoàn vũ” 2012 cũng được đánh giá cao với họa tiết thổ cẩm. Bộ trang phục lấy ý tưởng từ hoa sen và họa tiết sen cổ mà Thuận Việt thiết kế cho đại diện Việt Nam Trương Thị May tham gia “Hoa hậu Hoàn vũ” 2013 cũng được trang web uy tín Missosology đánh giá là “ấn tượng nhất, mang vẻ sang trọng, thanh lịch và đậm chất hoàng gia”.

Mẫu thiết kế “Bánh mì” của Phạm Phước Điền lọt top 6 cuộc thi “Thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universes” 2017.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm của nhà thiết kế Thuận Việt khi cho rằng, thiết kế trang phục dự thi, điều đầu tiên phải tính đến tiêu chí của từng cuộc thi. Ví dụ như ở cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ” thì phần trang phục dân tộc luôn đòi hỏi yếu tố phá cách, mới lạ. Tiếp theo đó là phải phù hợp với thí sinh mặc trang phục đó. Văn hóa Việt Nam không thiên về sự bề thế, cầu kỳ mà đó là sự giản dị, chiều sâu trong ý tưởng thiết kế. Điểm nhấn của trang phục là phối màu sắc phải tinh tế, phù hợp với người mặc. Hoành tráng chỉ là yếu tố phụ, là cái vỏ bề ngoài.

Để tỏa sáng trên đấu trường sắc đẹp quốc tế, người đẹp Việt phải chuẩn bị chu đáo, trong đó trang phục là yếu tố không thể bỏ qua. Đại diện Việt Nam tham gia dự thi, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, đó là đại diện cho sắc đẹp, trí tuệ, bản sắc văn hóa của quốc gia. Trang phục họ mặc trên người, nhất là trong phần thi “Trang phục dân tộc” chính là một “kênh” để giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người Việt Nam. Chính vì vậy, những nhà thiết kế hay những người có quyền lựa chọn trang phục cho thí sinh cũng cần phải có cái nhìn thật sâu sắc về văn hóa Việt. Thành công không đơn thuần là việc bộ trang phục có giành được thứ hạng cao hay không mà còn là nó đã tiếp cận, giới thiệu được văn hóa Việt đến bao nhiêu người.

Phạm Thiên Giang
.
.