Phá hoại và vong bản

Thứ Hai, 20/05/2019, 07:51
Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ về câu chuyện của nhà thờ Bùi Chu. Khá may là các cơ quan truyền thông chính thống đã thông tin kịp thời để tránh gây hiểu lầm cũng như hoang mang trong dân chúng với kiểu hồ nghi quen thuộc là một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử bị phá dỡ vì chuyện đất đai.

Nguyện vọng và quyết tâm phá dỡ nhà thờ Bùi Chu là của giáo xứ và cũng được công bố rộng rãi bởi người phụ trách giáo xứ ấy. Và nguyện vọng, quyết định ấy đã khiến rất nhiều người đặt ra câu hỏi "Liệu có thể trùng tu để giữ nguyên kiến trúc của nhà thờ hay không thay vì phải dỡ bỏ để xây lại một nhà thờ mới?".

Câu hỏi đó càng được xoáy sâu hơn khi dự án trùng tu Nhà thờ Đức Bà TP Hồ Chí Minh cũng đang ở trong giai đoạn khó khăn và phải kéo dài tới 2023. Ít ai hiểu được để trùng tu, phục chế Nhà thờ Đức Bà TP Hồ Chí Minh, Tòa Tổng giám mục đã phải lao tâm khổ tứ thế nào.

Đơn cử, gạch ngói sử dụng được nhập khẩu từ Pháp, nghe đâu từ chính nhà sản xuất lâu đời đã từng cung cấp vật liệu để xây dựng Nhà thờ này hơn 1 thế kỷ trước. Và cho đến tận hôm nay, công trình đó vẫn rất cần nguồn vốn tài trợ và vẫn kêu gọi giáo dân ủng hộ để công trình sớm hoàn thiện.

Câu chuyện nhà thờ Bùi Chu và nhà thờ Đức Bà TP Hồ Chí Minh đã gợi mở ra một góc nhìn luôn rất thời sự ở Việt Nam hiện nay, chuyện về các di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích tôn giáo. Nói về di tích lịch sử nói chung, nếu ai đi ngang qua ngôi nhà ở số 1 Hàm Long, một di tích lịch sử gắn liền với cách mạng, chúng ta sẽ thấy nó xuống cấp thế nào.

Đã từng có lần người viết bài này ngồi uống bia với vài đồng nghiệp báo chí ở đối diện di tích ấy và được nhìn từ trên cao xuống để chứng kiến sự dột nát của nó là như thế nào. Và thoáng suy nghĩ về sự xuống cấp của di tích đã được tự lý giải rằng có thể các thủ tục hành chính để trùng tu, phục hồi di tích còn quá cồng kềnh, nhất là khi các thủ tục ấy đều liên quan đến một câu chuyện rất đời thường: tiền đầu tư.

Sự chậm trễ trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích có thể là nguyên nhân dẫn đến sự nóng ruột của các cá nhân liên quan trực tiếp đến những di tích, đặc biệt là di tích mang tính tôn giáo. Khổ nỗi, kiến thức về trùng tu, tôn tạo, bảo tồn của những cá nhân ấy lại quá hạn hẹp. Họ chỉ suy nghĩ đơn giản về sự khang trang cần có và nhiều khi, sự nhiệt tình của họ trong nóng vội đã dẫn tới hành động không khác gì phá hoại.

Nếu lục lại trong các thư lục cũ, chúng ta sẽ thấy việc lên tiếng về chuyện tự ý tôn tạo, sửa chữa các di tích lịch sử như đình, chùa, miếu, mạo đã tồn tại từ hơn hai chục năm nay. Điển hình, năm 2012, ở Hưng Yên, dồn dập chuyện tự ý trùng tu chùa Trăm Gian và chuyện tự ý xây mới lại Đền Mẫu ở quần thể di tích Phố Hiến.

Các vụ ấy đã bị báo chí phê phán và buộc cơ quan quản lý văn hoá phải can thiệp cấp kỳ. Vậy mà chỉ 3 năm sau, năm 2015, ngôi chùa cổ An Tháp cũng ở Hưng Yên lại tiếp tục gặp vấn nạn tự ý bị tháo dỡ để hòng xây mới. Và cho đến tận hôm nay, liên tiếp xảy ra các vụ "trùng tu trái phép" buộc chính quyền phải ra công văn đình chỉ, mà điển hình là đình Lương Xá, là chùa Bối Khê… những công trình khoác cái danh trùng tu nhưng thực tế bị giới nghiên cứu văn hoá coi là phá hoại.

Song song tồn tại với tình trạng trùng tu như "phá" tràn lan và chưa có biện pháp giải quyết triệt để nhiều năm qua lại là một tình trạng khác, lặng lẽ hơn, không bị đình chỉ (vì không vi phạm quy định) nhưng có thể để lại những vết sẹo rất lớn trong văn hoá.

Đó chính là tình trạng xây dựng chùa mới, những ngôi chùa dù khang trang, hoành tráng, thậm chí có thể là "kỷ lục" nhưng thực tế lại rất vong bản. Trong một chia sẻ gần đây, hoạ sỹ Lê Thiết Cương phải đau xót thốt lên rằng "Hệ thống tượng trong các ngôi chùa cổ của Việt Nam cực đẹp: từ Tam thế, Thích ca sơ sinh, Anan, Ca diếp, Văn Thù, Phổ Hiền… Tại sao họ không tham khảo? Tại sao lại cứ đi copy tượng ngoại? Bụt chùa nhà rất đẹp, riêng việc cảm được vẻ đẹp ấy đã là thiêng rồi. Chắc các chủ đầu tư ngôi chùa to nói ở trên tưởng bở tượng ngoại thiêng hơn tượng nội?".

Và để minh họa cho nhận định ấy của mình, hoạ sỹ Lê Thiết Cương còn đính kèm một bức ảnh bộ sưu tập các pho tượng cổ Phật giáo của Việt Nam ở Bảo tàng Guimet của Pháp do anh chụp năm 2018. Và thực sự, nếu chúng ta đi thăm thú các ngôi chùa mới xây hiện nay, chúng ta sẽ giật mình. Tượng Phật được làm mới na ná chút tượng của Campuchia, chút Indonesia, chút Lào, chút Thái Lan…

Trong khi đó, nền mỹ thuật Phật giáo lâu đời của Việt Nam có một đặc trưng riêng vô cùng đặc sắc và không thể trộn lẫn vào đâu được. Chúng ta từng tự hào rất nhiều về hệ thống tượng Phật, La Hán… ở các ngôi chùa cổ, niềm tự hào được hun đúc từ khi chúng ta là học trò. Vậy thì tại sao khi trưởng thành, khi chúng ta có chút thành công ngoài đời sống và làm công quả xây chùa, chúng ta lại có thể dễ dàng vong bản một cách đáng sợ như thế?

Đó là một câu hỏi rất lớn mà trách nhiệm không chỉ quy về chủ đầu tư mà còn phải kể đến cả đơn vị cấp phép cho những công trình văn hoá như thế? Nền tảng văn hoá dân tộc của người làm quản lý văn hoá đã đi đâu mất rồi, để cho giá trị vong bản bỗng dưng lên ngôi và ngập tràn, thậm chí còn được ngưỡng vọng?

Nếu các cơ quan quản lý văn hoá không sớm rà soát và làm chặt chẽ lại việc trùng tu cũng như xây mới các công trình tôn giáo, chắc chắn sẽ có một ngày không xa, chính con cháu chúng ta sẽ khó lòng có thể nhận diện được bản sắc của quê hương mình nữa. Hậu quả ấy, chúng ta mãi mãi không trả được, vĩnh viễn không trả được bởi khi con cháu chúng ta trưởng thành, chúng ta đã bỏ lại những đống rác của mình để thành người thiên cổ mất rồi.

Hà Quang Minh
.
.