Nữ nghệ sĩ trẻ và những dự định bay bổng

Thứ Hai, 09/11/2009, 09:00
Phó An My (sinh năm 1977) là một nghệ sĩ chơi piano xuất sắc. Cô nổi bật trong các đêm biểu diễn độc tấu tại Festival Huế 2006 và 2008. Trước đó, mùa thu năm 2005, cô là nghệ sĩ piano trong nước đầu tiên được Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức một đêm biểu diễn độc tấu với piano.

My đặc biệt ở chỗ, cô chỉ lựa chọn biểu diễn những tác phẩm mà cô thích: Đó là những tác phẩm cận hiện đại soạn cho piano, mang một phong cách âm nhạc tự do, phóng khoáng với cấu trúc âm thanh phức tạp, phá vỡ các quy chuẩn một cách riêng biệt và biểu cảm.

Phó An My cho biết, cô đến với cây piano như một lẽ tự nhiên vì cô được sinh ra trong một "đại gia đình âm nhạc". Mẹ là một nghệ sĩ độc tấu piano nổi danh  Trịnh Thị An; bố là cây violinist lâu năm của Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam; chú ruột là nhạc sĩ nổi tiếng Phó Đức Phương. Căn nhà nhỏ trên phố Quán Thánh hồi nào, nơi cô sinh ra và lớn lên, như một thế giới riêng biệt của những hòa âm, có khi là hỗn âm, vì tiếng đàn nọ xen trong tiếng đàn kia khi mọi người cùng tập đàn, cùng trò chuyện một cách vui vẻ.

My nghe đàn từ khi còn trong… bụng mẹ. Năm tuổi, cô làm quen với hai cây đàn phổ biến nhất trong nhà lúc đó là piano và violin. Nhưng cuối cùng, piano là lựa chọn phù hợp với My hơn cả. Lý do không có gì to tát, cái ngón út của My hơi ngắn nên không tiện chơi violin…

Sang Berlin học tiếp về piano sau bốn năm học tại Nhạc viện Hà Nội, My thực sự phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua hoàn cảnh. Khi ấy, cô mới 13 tuổi và người anh trai tuy cũng đang học đại học ở Berlin, song vì thời gian ngặt nghèo của các buổi luyện tập nên anh em cũng ít có dịp gặp nhau..

Cuộc sống tự lập ở Đức từng ngày giúp My rèn giũa nên bản lĩnh, có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh. My không nề hà bất cứ một việc làm thêm nào, từ xếp báo đến rửa bát trong thời gian quy định của nhà trường dành cho sinh viên nước ngoài, để có thêm tiền chi tiêu trong những kỳ học triền miên.

Vất vả là vậy, nhưng chưa bao cô phải nghĩ tới hai từ "bỏ về", bởi cây đàn và môi trường học ở đây đã truyền cảm hứng cho cô. Với cách dạy không áp đặt, khơi gợi những tố chất sáng tạo của từng sinh viên, các thầy giáo đã giúp cho người học tự chủ trong việc lựa chọn bài và phong cách chơi phù hợp.

Cá tính nghệ sĩ trong Phó An My nhanh chóng được phát huy. Các sinh viên của trường đều ghi nhận, Phó An My là cây piano được tín nhiệm nhất trong mọi cuộc thi song tấu với kèn. Cô từng đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của thành phố Berlin năm 1996.

Sau khi tốt nghiệp xuất sắc, năm 1998, My về nước. Nhận thấy "sống bằng nghề biểu diễn piano" là quá mơ mộng, My xoay xỏa với cửa hàng nhỏ trên phố Quán Thánh, có khi lại đi dạy đàn. Từ năm 2004, tên tuổi cô bắt đầu quen thuộc trong giới sành nhạc thính phòng, khi liên tiếp tham gia các đêm nhạc "Cuộc sống nghiêng", "Ngày hội âm nhạc", "Phiêu thanh"… Một đời sống riêng phong phú, thực chất với tất cả những buồn vui, với những lo toan vướng bận đã được My đem cả vào trong tiếng đàn.

Từ năm 2006, khi tham gia festival Huế, Phó An My đã cùng nhạc sĩ trẻ Đặng Tuệ Nguyên thử nghiệm những tác phẩm kết hợp giữa piano và hò Huế, hát Cọi và được GS. Trần Văn Khê đánh giá cao và khích lệ: "Thật bất ngờ và vô cùng thú vị, tôi thấy tâm hồn Việt trong câu hò Huế, trong câu hát Cọi dân tộc Tày. Và tôi cũng thấy tâm hồn Việt trong tiếng đàn piano. Hai cái tưởng như xa mà gần…".

Đến nay đã không ít lần Phó An My làm giới nghệ thuật bất ngờ khi cô kết hợp tiếng đàn piano với những làn điệu dân gian. Và thật đặc biệt khi lần đầu tiên, tiếng đàn piano được kết duyên với tuồng, trong vở tuồng cổ "Lửa thiêng" của tác giả Lương Tử Đức.

Một loại hình sân khấu truyền thống bác học với một loại hình âm nhạc thính phòng cổ điển, được kết hợp một cách khéo léo đã tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật gần gũi với khán giả. Nhạc sĩ An Thuyên đã phải ngạc nhiên trước những thử nghiệm mới lạ này.

Với My, tuồng là một loại hình nghệ thuật uyên bác, nhiều triết lý, và cô thấy sẽ rất thuyết phục khi kết hợp nó với tiếng đàn piano. Vẫn những lời đối thoại, những nhân vật của tuồng, cách trò chuyện, các điệu tuồng, tiếng trống sẽ được tiếng đàn piano với những bản nhạc soạn riêng sẽ dẫn dắt, khớp nối để khán giả cảm nhận được đa chiều hơn về nội dung của vở diễn.

Nhà hát tuồng Việt Nam, nghệ sĩ biên đạo múa Công Nhạc, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đang cùng hợp tác với Phó An My trong dự án "có một không hai" này, dự kiến sẽ được công diễn vào tháng 12 tới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ý tưởng luôn đầy ắp, Phó An My cũng đang ấp ủ những dự định táo bạo khác trong việc kết hợp piano và các làn điệu dân ca ba miền, những tinh hoa của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Và My hy vọng  mỗi năm sẽ có một chương trình của cô với cây đàn piano...

Tương Hương
.
.