Nỗi niềm "gái ế"

Thứ Bảy, 10/10/2015, 08:00
Chừng dăm năm trở lại đây, khi mà trong khối văn phòng cả công lẫn tư nhan nhản các cô gái độ hăm bảy hăm tám chưa chồng, ban ngày lúi húi với dự án này đối tác kia, ban đêm trầm ngâm mơn chớn… cái bàn phím, thì một cụm từ mới xuất hiện, dần dà trở nên phổ biến và thành một cái mác bất đắc dĩ đến hài hước để gọi họ, đó là cụm từ "gái ế".

Cụm từ mang mầu sắc ngôn ngữ văn hóa công sở này thoạt tiên là cụm từ mà người khác (đa số là đồng nghiệp) dùng để trêu và chọc làm câu chuyện vui như vô số các câu chuyện trêu và chọc khác ở cơ quan, thì sau dần lại là cụm từ mà các cô gái ấy tự gọi mình. Và thế là từ đó, đằng sau một cụm từ bông đùa là cả một góc của đời sống với những câu chuyện bi - hài đầy màu sắc, những triết lý sống mới mẻ, những quan điểm đa chiều của kẻ bên trong lẫn người ngoài cuộc.

Câu chuyện đầu tiên, cũng hệt như câu chuyện muôn thuở của loài người thường bắt đầu từ một cuộc tìm kiếm - gái ế tìm kiếm người phù hợp với mình để yêu hoặc để cưới, hoặc đôi khi là để đùa một chút.

Kỳ thực thì công cuộc tìm kiếm này đã bắt đầu từ hồi rất sớm, cái hồi mà các gái ế của chúng ta chỉ mới be bé xinh xinh, hai má hồng hồng, cái hồi mà những câu chuyện cổ tích vẫn còn sống động như nó vốn thế và các bé gái vẫn đinh ninh rằng đâu đó có một hoàng tử đang rong ruổi trên lưng một con tuấn mã tới để giải cứu mình khỏi tay… cô giáo. Và trong lúc chờ đợi chàng hoàng tử đến thì sao không thử hình dung "một chàng hoàng tử thì trông như thế nào nhỉ?". Chàng hẳn phải cao lớn và biết võ công. Ngoài ra để chống lại được… cô giáo, chàng còn phải thông minh, học rất giỏi, đẹp trai và phải đeo cả kính nữa. "Đấy, hoàng tử của em, chàng phải như vậy nhé, nhưng, này, chàng đang ở đâu thế nhỉ?".

Cuộc sống muôn màu và sinh động vẫn điềm nhiên trôi, hoặc thong dong hoặc hối hả và bé gái giờ đã thành nàng. Nàng đã lớn lên cùng với những giấc mơ màu hồng, xuyên qua những cú sốc dậy thì, đã đứng dậy từ những cú vấp váp. Nàng để cho cuộc sống cuốn mình vào lòng. Và cuộc sống nói cho nàng biết phụ nữ nghĩ gì về đàn ông, đàn ông nghĩ gì về đàn ông, phơi bày cho nàng thấy một phần đoạn trích trong cuốn phim "Gia đình" sắp sửa công chiếu nay mai, trêu đùa nàng bằng một vài mối tình sến súa khiến cho nàng đã từng căm hận mà phán rằng "Mẹ kiếp, Lục Vân Tiên hay Sở Khanh thì đều là đàn ông cả".

Hình ảnh của chàng hoàng tử trong veo đã thêm phần méo mó so với hình ảnh ban đầu của các bé gái. Chỉ có cái câu hỏi thuở nào là không thay đổi, dù là đã mang sắc thái mới mẻ: "Bọn đàn ông tử tế chưa vợ liệu đã tuyệt chủng chưa mày nhể, hay là chúng đang ở đâu?", mà nàng hỏi tếu táo khi ha hả tán phét với vài cô bạn gái.

Rồi thì... thời gian trôi... cho đến khi nàng trở thành… gái ế - vai "nữ chính" trong những câu chuyện trêu và chọc ở góc nào đó của cuộc sống vốn hài hước và bông lơn. Gái ế giờ đã có một đời sống tâm thức hệt như một bảng màu loang lổ, trộn nhào màu sắc khác nhau của cuộc sống, của những biến cố và của những trầm ngâm. Trong cái đời sống ấy, gái ế dành cho mình một khoảng không trong trẻo để ở đó thực hiện cái công cuộc phán xét của mình. Hoặc là gái ế tự phán xét về thế giới bên ngoài, băn khoăn không hiểu bọn đàn ông thời nay nó cần gì, cái đầu nó chỉ để mọc tóc thôi hay sao mà không thấy một người sáng láng như mình đây; hoặc là ngậm ngùi quay ra phán xét chính mình, tự ti với những khiếm khuyết tự gái ế nhận ra, hoặc ai đó gán cho. Loay ha loay hoay trong cái khoảng không ấy một mình quá mệt mỏi, gái ế bước ra ngoài, lao vào cuộc sống, với các hoạt động, join các nhóm… chỉ để tìm câu trả lời cho cái câu hỏi "hey guy, where are you?".

Suy cho tới tận cùng, vẫn là cái câu hỏi đó vang lên nhức nhối. Vậy là tận sâu thẳm trong lòng gái ế, cái giấc mơ lấy được chàng hoàng tử như ý của nàng công chúa vẫn còn những dấu vết quan trọng, bất chấp sự mai một của hình ảnh ban sơ. Thêm vào đó là nỗi băn khoăn "làm sao để khớp nối được, dù chỉ là tương đối thôi, hai cái thế giới đàn ông - đàn bà vốn quá nhiều khác biệt". Gái ế yêu mình, nhưng cũng chán ghét bản thân mình. Gái ế vờ như yêu cuộc sống độc thân này, nhưng thực tế con mắt lại đau đáu tìm các ngóc ngách "chúng (đàn ông tử tế) ở đâu, chúng ở đâu?". Cái trạng thái hiếm hoi này không một đàn bà nào có được, ngoài gái ế. Đó là cái khoảng không duy nhất để gái ế lần đầu tiên thực sự suy nghĩ về chính bản thân mình, sau rất nhiều ảo tưởng và cả những lừa mị bản thân.

Nhưng... mà mỏi quá... nhiều gái ế đã tặc cú lưỡi đầu tiên trước câu hỏi này. Rồi tặc cú lưỡi thứ hai, thứ ba, thứ tư… cho đến khi chấm dứt cái băn khoăn ấy, quên hoặc lờ nó đi để chấp nhận đóng vai nữ chính trong cuốn phim "Gia đình", vốn đã xem trailer từ dạo trước, thoát khỏi tình hình "ế". Một số khác thì không chịu tặc lưỡi dễ dàng như thế, vẫn tiếp tục hỏi và tìm. Một số khác thì hỏi, song không tìm. Một số khác thì giữ nguyên cái hình ảnh chàng hoàng tử ban đầu trong veo, không hỏi mà mặc định tin rằng chàng sẽ tới trong nay mai. Và một số khác quay về điểm đầu tiên, nơi mà bé gái ngày nào đó chính thức biết suy tư về chính mình, tìm lại giấc mơ đã từng bỏ quên đâu đó, bên cạnh cái giấc mơ về chàng hoàng tử...

Đoàn Vương
.
.