Những sự kiện Văn học nổi bật năm 2016

Thứ Năm, 19/01/2017, 15:26
Năm 2016 vừa trôi qua là một năm khá đặc biệt của Văn học Việt Nam với nhiều sự kiện lớn, nhỏ. Nhưng nếu xét trên góc độ tác phẩm được xuất bản, thì 2016 lại là một năm khá... bình lặng. 


Năm 2016, Làng văn cũng không có cuộc tranh luận - phản biện nào gay gắt, nảy lửa xung quanh một tác giả - tác phẩm, một vấn đề hay một trào lưu nào đó. Thành thử, những hội nghị, hội thảo mang tính lý luận chuyên ngành Văn học đã trở thành những hoạt động nổi bật nhất trong năm với dấu mốc "thành tựu 30 năm" tính từ năm 1986...

Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ IX

Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ lần thứ IX diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 29-9-2016 với sự tham gia của trên 100 đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của những người cầm bút mà còn là niềm kỳ vọng của những người yêu văn chương vào một diện mạo văn học trẻ đang hình thành mới mẻ, đầy sức sống.

Hội nghị “Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX” có sự tham gia của trên 100 cây bút.

Trong khuôn khổ của hội nghị, 2 hội thảo: "Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo" và "Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân" với nhiều tham luận nói lên tiếng nói, tâm trạng, nỗi niềm của người viết trẻ hôm nay. Theo đánh giá của Ban tổ chức, sau 5 năm kể từ Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ lần thứ VIII đến nay, nhiều người viết trẻ đã bứt phá trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công.

Ngoại trừ những tác giả đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có thể nhắc đến một số tác giả tiêu biểu như: Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn, Lữ Thị Mai, Văn Vũ Song Toàn, Du Nguyên, Lê Vũ Trường Giang, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nhụy Nguyên...

Cũng trong 5 năm qua, thêm nhiều gương mặt mới xuất hiện, đang kiến tạo cho mình một lối đi riêng với nhiều triển vọng và kỳ vọng như Đào Quốc Minh, Đỗ Nhật Phi, Kiều Mai Ly, Trác Diễm, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Nguyễn Văn Toan, Kiều Duy Khánh... 

Hội nghị những người viết văn trẻ lần này cũng nghiêm túc, thẳng thắn trong việc nhìn nhận những hạn chế của văn trẻ như: sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, còn quá ít tác phẩm đề cập một cách ráo riết tới số phận con người Việt Nam hôm nay và nhiều tác giả trẻ vẫn đang lúng túng trong việc tìm kiếm lối đi cho riêng mình.

Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam - thông qua Hội nghị lần này - đã gửi đến các tác giả trẻ thông điệp mong muốn các tác giả sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống xã hội, nhập cuộc để lắng nghe, tìm hiểu và phản ánh chính xác những vấn đề mà hiện thực đặt ra.

Hội thảo quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”

Diễn ra vào ngày 29-4 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hội thảo quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà văn, giới phê bình, các nhà nghiên cứu và học sinh, sinh viên thuộc các cơ sở đào tạo có chuyên ngành liên quan đến văn học.

Đã có 85 tham luận được gửi về Ban tổ chức và trong khuôn khổ 1 ngày diễn ra hội thảo, đã có hàng chục tham luận được trình bày với nhiều vấn đề liên quan đến diện mạo, thành tựu, tác giả, tác phẩm, những tồn tại của thế hệ nhà văn trưởng thành và sáng tác sau năm 1975.

Các tham luận đã được in thành kỷ yếu “Thế hệ nhà văn sau 1975 - Diện mạo và thành tựu” là một tài liệu tham khảo đối với các nhà nghiên cứu, phê bình, học sinh sinh viên.

Bên lề cuộc hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Vì sao cho đến giờ những người có trách nhiệm ở Hội Nhà văn, Viện Văn học và các nhà phê bình lớn tuổi và cả các nhà phê bình trẻ tuổi vẫn luôn “ngả” về thế hệ các nhà văn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ?

Vì sao thiếu vắng những nhà phê bình thực sự quan tâm tới văn học của thế hệ trẻ kế cận lứa tuổi 7X, 8X, 9X để đưa ra những đánh giá, nhận định xác đáng, tin cậy về họ?

Đa số ý kiến của các nhà phê bình, người nghiên cứu văn chương đều cho rằng, với tác phẩm và các vấn đề liên quan đến sáng tác của thế hệ nhà văn sinh sau vẫn cần có thêm “độ lùi” về thời gian, để tác phẩm có “độ lắng” mới kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá và đưa ra những nhận định được. Và rằng, đây là một thế hệ đang định hình, diện mạo còn chưa thực sự rõ nét nên tiếp tục phải... chờ đợi trước khi một chỗ đứng vững vàng được xác lập trên văn đàn.

Lễ kỷ niệm 60 năm Tạp chí Văn nghệ quân đội ra số đầu tiên (1/1957 - 1/2017) và trao giải cuộc thi thơ 2015-2016.

Hội nghị “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”

Trong 3 ngày từ ngày 24 đến 26-6-2016, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV với sự tham dự của hơn 200 nhà văn với chủ đề “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”.

Hội nghị lần này là sự nhìn lại diện mạo, khuynh hướng, tính chất, đặc điểm và những dấu ấn của tiến trình văn học đổi mới qua góc nhìn của lý luận phê bình nhằm chỉ ra những thành tựu của đổi mới văn học với những cống hiến vào đời sống tinh thần của đất nước dưới góc nhìn văn hoá học; đặc biệt là chỉ ra những yêu cầu mới, giải pháp mới nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nền văn học nước nhà, đưa đời sống văn học lên một trình độ mới cao hơn, theo hướng"dân tộc, hiện đại, khoa học và hội nhập tích cực".

Hội nghị đã tiến hành 4 cuộc hội thảo chuyên ngành: Lý luận - Phê bình, Thơ, Văn xuôi và Văn học dịch. Các chủ đề được đưa ra bàn luận là: Thơ và Nghiên cứu lý luận phê bình văn học Việt Nam 30 năm đổi mới; Văn xuôi và Văn học dịch Việt Nam 30 năm đổi mới... với 70 tham luận của các nhà văn, nhà thơ trên khắp mọi miền đất nước.

Tại các cuộc hội thảo, một số vấn đề được đưa ra bàn luận sôi nổi như: Số phận của dân tộc và nhân dân phải là mối quan tâm hàng đầu của văn học; Văn học Việt Nam đổi mới trong cơ chế thị trường; Tự do sáng tạo của nhà văn và tư duy đổi mới; Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây; Di sản lịch sử và độ lùi thời gian; Sự thay đổi điểm nhìn về chức năng văn học; Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc qua các nhân vật phía bên kia trong tiểu thuyết về chiến tranh gần đây; Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới, những bước thăng trầm...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, mặc dù có nhiều vấn đề được đề cập, song dường như vẫn có một khoảng cách giữa thực tế sáng tác văn học với lý luận phê bình văn học.

Trao giải thưởng cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015-2016

Nhiều năm qua, các cuộc thi do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức luôn được giới cầm bút cả nước quan tâm, tin cậy gửi đến những tác phẩm mới nhất, tâm đắc nhất. Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2015-2016 đã thu hút hàng ngàn tác giả với hàng vạn tác phẩm gửi dự thi. Theo Ban tổ chức, các tác giả đến từ mọi miền Tổ quốc, từ vùng sâu vùng xa tới các đô thị lớn, từ những người mới lần đầu cầm bút tới những người đã thành danh trong và ngoài quân đội... đều nhiệt tình tham gia.

Tính đến hết năm 2016, Ban Tổ chức đã chọn đăng trên 700 tác phẩm của hơn 200 tác giả. Trong khuôn khổ cuộc thi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng đã tổ chức 5 trại viết ở Đại Lải, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đà Lạt và Tam Đảo để hỗ trợ, đồng hành với các tác giả.

Những cây bút trẻ trung, sung sức ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tham dự trại đã có dịp giao lưu, thâm nhập đời sống bộ đội, tìm hiểu cuộc sống mọi mặt của nhân dân, đặc trưng văn hóa các vùng đất để từ đó có được những tác phẩm sâu sắc hơn, gần gũi, thiết thực và có giá trị hơn.

Kết thúc cuộc thi, giải nhất thuộc về tác giả Nguyễn Minh Khiêm với các tác phẩm: "Nhận hoa", "Đối thoại ở rừng", "Xin về nhận lại"; 2 giải nhì thuộc về tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh với các tác phẩm "Khi anh yêu anh", "Lala bé bỏng", "Mở cửa ngục", "Những tiếng chuông điền giã" và tác giả Nguyễn Quang Hưng với các tác phẩm "Cát vọng phu", "Thư Phan Vinh", "Ý nghĩa lưng trời", "Lời chào".

Lễ trao giải diễn ra vào ngày 12-1-2017 nhân kỷ niệm 70 năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát hành số đầu tiên.

Hà Anh
.
.