Những người đàn bà trong cuộc đời Nelson Mandela
Một điều thật đáng nói: Ở tuổi tám mươi, với hành động "táo bạo" ấy, ông Mandela không những không bị "phê phán" mà còn được dư luận rộng rãi trong và ngoài nước đồng tình, cảm thông - một việc mà ngoại trừ ông, khó có thể xảy ra với bất kỳ vị đứng đầu Nhà nước nào trên thế giới.
Có được như vậy là bởi: Từ nhiều năm trước đó, thiên hạ biết quá rõ về thực chất con người Mandela, vị thủ lĩnh đã anh dũng xả thân cho sự nghiệp giải phóng nhân dân da đen Nam Phi thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Vì một khát vọng cao cả đó, Mandela đã phải đánh đổi bằng tất cả những gì được xem là ý nghĩa nhất đối với một đời người: Đó là tự do và hạnh phúc gia đình. Hai bảy năm bị giam cầm, con chết, vợ đau, cảnh nhà ly tán, Mandela thực sự là biểu tượng của người đàn ông "đã vì sự nghiệp cách mạng mà hy sinh tình cảm riêng"- như bà vợ đầu Evelyn Wase của ông từng nhận xét.
Năm 1944, Mandela lập gia đình. Tuần trăng mật chưa tàn thì ông đã lên đường đi Soweto chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa vĩ trang. Khi Evelyn Wase sắp đến ngày sinh lại là khi Mandela bị chính phủ Nam Phi truy nã. Đứa con đầu của họ đã ra đời trong hoàn cảnh bố phải ẩn trốn, mẹ bị cảm gió suýt chết!
Từ đó, liên tiếp những bất hạnh ập đến với gia đình Mandela, mà người hứng chịu trực tiếp là vợ ông. Trong khi đức lang quân mải miết vùi đầu vào các hoạt động chính trị, thì Evelyn Wase buộc phải căng mình ra mà gánh vác mọi việc trong nhà, từ việc kiếm tiền đến nuôi dạy con cái. Đêm đêm, trong cơn ác mộng, bà như nhìn thấy tận mắt cảnh chồng mình bị bắt và bị tra tấn.
Do tinh thần suy sụp, nỗi khổ quá sức chịu đựng, năm 1958, Evelyn Wase đã buộc phải ly hôn với Mandela. Sau 14 năm chung sống, họ có với nhau 4 người con, trong đó cô con gái lớn chỉ lọt lòng được 9 tháng đã chết vì suy dinh dưỡng, cậu con trai lớn thì chết vì tai nạn giao thông ở tuổi ngoài hai mươi!
"Tôi chưa hề được hưởng hạnh phúc với ông ấy, dù chỉ là một ngày. Đối với tôi, hôn nhân là thất vọng và đau khổ" - Bà Evelyn Wase từng bùi ngùi nhận định về cuộc tình xưa cũ của mình. Tuy nhiên, bà không hề một lời quở trách Mandela, vì hơn ai hết, bà rất hiểu và tôn trọng ông: "Ông ấy không có lỗi, ông ấy có sự nghiệp của ông ấy…".
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trong lần sinh nhật thứ 84. Bên phải ông là bà Grasa Machel, người vợ sau này, và bên trái là bà Winnie Madikizela, vợ cũ. |
Khác với Evelyn Wase, bà Winnie Madikizela - ngoài vai trò người vợ - còn là người đồng chí cùng chung sự nghiệp với Mandela. Trong nhiều thập kỷ, tên tuổi bà thường xuyên vang lên tại các diễn đàn quốc tế, như một biểu tượng bất khuất của cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của con người.
Năm 1963, Mandela bị bắt, suốt 27 năm ròng, Winnie đã không quản ngại gian lao vất vả, hết vận động biểu tình lại tới gửi thư kiến nghị…, thậm chí bà còn cất công sang một số nước tìm kiếm sự ủng hộ của một số tổ chức quốc tế. Bà cũng không ngần ngại gặp và tranh luận với người lãnh đạo cao nhất chính phủ Nam Phi về vấn đề nhân quyền, đồng thời đòi chính phủ phải trả tự do cho Mandela và nhiều chính trị phạm khác.
Bởi hoạt động quá tích cực, trở thành cái gai trong con mắt nhà cầm quyền, nên năm 1977, Winnie bị trục xuất, rồi sau đó, bị bắt (khi bà tổ chức lực lượng phụ nữ da đen đoàn kết đấu tranh). Đối với nhiều người dân Nam Phi, Winnie thực sự là một "Quốc Mẫu". Bản thân ông Mandenla cũng đã có những lời đánh giá xác đáng về bà: "Winnie có những công lao can trường trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nam Phi cực kỳ man rợ" và "Tôi hết sức tự hào về Winnie".
Trong các ngày từ 26 đến 29/4/1994, cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên được tổ chức ở Nam Phi với thắng lợi thuộc về Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC). Ông Mandela, trên cương vị chủ tịch ANC, được bầu làm Tổng thống.
Như một "nghịch lý cuộc đời": Đói không chết, lại chết vì no! Nếu như trong những năm đấu tranh gian khổ, hiểm nguy, Winnie không một chút nhụt chí, ngã lòng, thì sau này - đặc biệt từ khi ông Mandela lên nắm quyền, người ta thấy ở Winnie có nhiều biểu hiện biến chất. Bà độc đoán, chuyên quyền, buông lỏng quản lý tài chính, và đặc biệt - có nhiều quan hệ bất minh. Việc Winnie xử sự "thân mật" quá mức đối với một người đàn ông dưới quyền, cùng những điều tiếng xung quanh mối quan hệ đó đã khiến ông Mandela không thể không cảnh giác.
Tuy vậy, điều làm Mandela buồn phiền nhất vẫn là khi bà Winnie đứng ra thành lập "Câu lạc bộ bóng đá Mandela". Tên thì vậy, thực chất đây là nơi tập hợp các thành phần bất hảo, gồm toàn "đầu gấu", lưu manh, mục đích là để cưỡng bức, tra tấn, thậm chí ám sát những nhân vật hoặc không làm "vừa lòng", hoặc không "cùng cánh" với "bà chủ".
Nam Phi tuy là một nước tuy giàu tài nguyên khoáng sản (từng đứng đầu thế giới về khai thác vàng, kim cương...), song sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc đã khiến xã hội luôn ở tình trạng báo động về sự bất ổn. Khi ông Mandela lên điều hành, những di chứng của thời kỳ chủ nghĩa Apartheid còn rất nặng nề, tình trạng bạo lực, tội ác tràn lan. Chính vì lẽ đó mà những hành động nói trên của bà Winnie đã có tác động dư luận rất xấu, nhất là khi bà đang ở cương vị "Đệ nhất phu nhân" như thế. Thực tế đã có một số Ủy ban điều tra của Nam Phi đứng ra tổ chức xác minh các hành vi tội lỗi của Winnie. Phút chốc, tên tuổi bà trở thành cái thứ để người đời mỉa mai.
Sự tình đã đến nước ấy, ông Mandela chỉ còn biết chọn cho mình một giải pháp: ly hôn!
Người vợ thứ ba, và cũng là cuối cùng của ông Mandela là bà Grasa Machel, năm nay đã gần 70 tuổi. Bà là vợ góa của cố Tổng thống Mozambique, ông Samora Machel, đã mất trong một tai nạn máy bay năm 1986. Lần đầu tiên hai người liên hệ với nhau là khi họ hay tin ông Samora tử nạn. Thời gian này Mandela còn bị giam cầm trong tù.
Được tin trên, ông tức tốc viết thư gửi tới vợ người quá cố, vừa để chia buồn đồng thời cũng là để động viên an ủi bà. Không chỉ có vậy, vợ Mandela khi ấy, bà Winnie cũng gửi thư cho Grasa. Mặc dù người ta cố giải thích nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tổng thống Samora là do sơ suất của phi công, song cả Grasa, cả vợ chồng Mendela (và nhiều người khác nữa) đều có chung nhận định: Ông Samora chết là do bị mưu sát, và thủ phạm không ai ngoài chính phủ phản động Nam Phi bấy giờ. Điều này đã khiến Grasa và vợ chồng Mandela xích lại gần nhau hơn.
Trong lá thư phúc đáp gửi bà Winnie, Grasa đã viết những dòng mạnh mẽ: "Chính những kẻ giết chồng tôi đã giam chồng chị trong nhà tù. Chúng tưởng rằng chặt đi những cây cổ thụ, chúng có thể triệt phá toàn bộ khu rừng. Lịch sẻ không bao giờ quên tên tuổi Samora và Nelson Mandela".
Là một người phụ nữ rất mực yêu kính chồng, bỗng chốc trở thành "bà góa" ở tuổi bốn mươi, trong mấy năm đầu thờ chồng, Grasa có ý nguyện suốt đời ở vậy nuôi dạy các con (ông Samora mất đi, để lại cho bà hai con nhỏ: gái đầu 10 tuổi và trai út mới lên 7; ngoài ra là 5 đứa con nuôi). Chỉ đến khi tiếp xúc với Mandela lần đầu tiên (bấy giờ ông vừa ở tù ra) thì Grasa mới chợt nhận ra trên cánh cửa tâm hồn từ lâu khép kín của mình đã bắt đầu rung lên những âm thanh của một luồng gió mới. Và "tín hiệu" ấy đã nhanh chóng trở nên rõ rệt trong lần Madela gặp Grasa nhân buổi lễ bà được trao tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự ở trường Đại học Nam Phi (năm 1992).
Sau này Grasa hồi tưởng lại tâm trạng, ý nghĩ khi đó của mình: "Khi chồng chết, tôi nghĩ là cuộc sống của mình đã chấm dứt, nhưng sau vài năm sau đó tôi tự hỏi mình: Liệu Samora sẽ nói gì khi thấy tôi buồn chán như thế này? Anh ấy có hạnh phúc nhìn thấy tôi trong tâm trạng như thế này không? Tôi có con cái bên cạnh kia mà. Tôi cần phải nâng đỡ chúng".
Và Grasa hiểu rằng, bà đã yêu Mandela, người hùng của nhân dân Nam Phi. Về phía Mandela, ông cũng vậy...
Đó là giai đoạn mà mối quan hệ vợ chồng giữa Mandela và Winnie đang lâm vào tình cảnh bi đát. Lối thoát duy nhất chỉ có một con đường là... ly hôn! Để vơi nhẹ nỗi buồn đau, trên cương vị Tổng thống mới của Nam Phi, ông Mandela đã đi thăm nước láng giềng Mozamnique. Và ông lại tiếp tục gặp Grasa ở đó. Bản thân Grasa, với công tác mới ở Liên hiệp quốc, bà cũng có nhiều điều kiện để được thường xuyên đến Nam Phi, đến với Madenla.
Rõ ràng Grasa đã tìm thấy ở Mandela những phẩm chất cao quý, những nét gì đó tương đồng với người chồng quá cố của mình. Hãy nghe bà tâm sự: "Tình yêu đến với tôi như tia lửa, như tiếng chuông reo trong lòng mình. Với Samora trước đây và với Mandela bây giờ cũng vậy. Mặc dù mức độ nồng cháy khác nhau, nhưng có nhiều cái chung. Khi tôi đang nói chuyện với Mandela tôi cứ tưởng như mình đang nói chuyện với Samora".
Cảm giác rất thực này của Grasa cũng là cảm giác chung của nhiều người dân Mozambique. Chính vì lẽ đó mà người dân ở xứ sở này có thể sẵn sàng "tha thứ" cho Grasa cái tội "không chung thủy" với vị lãnh tụ kính mến của họ, để bà được tái lập gia đình, duy nhất với một trường hợp: Người chồng đó không ai khác ngoài ông Mandela.
"Tôi hạnh phúc bởi vì Mandela hạnh phúc. Ông xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để ông được hạnh phúc" - Trong thực tế, Grasa đã thực hiện đúng những gì mà bà từng cam kết. Tháng 7/1998, hôn lễ của đôi tình nhân "đặc biệt" nhất hành tinh này được cử hành một cách trang trọng. Niềm hạnh phúc tăng gấp bội phần khi trong bữa tiệc, ái nữ Zindziswa - con riêng của ông Mandela với bà Winnie - đã công khai nâng ly rượu chúc mừng bố (bất chấp lệnh "cấm vận" của mẹ đẻ). Điều này rất có ý nghĩa trong việc xoa dịu tâm hồn đầy dằn vặt đau khổ của Mandela, là sự thừa nhận của đại diện những người thân thuộc về một giải pháp đúng đắn mà ông đã lựa chọn