Những khúc bi tình của ông vua vọng cổ

Thứ Năm, 02/01/2014, 08:00

Ngày 5/12/2013, phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan đã chính thức công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không riêng gì người dân miền Nam mà cả đất nước cùng vui mừng trước sự kiện này.

Ở miền Tây Nam Bộ, bất kỳ người nào từ già đến trẻ, từ trai đến gái đều có thể hát vọng cổ. Tiếng hát cất lên từ trong máu thịt truyền đời. Các thầy đờn, các nghệ sĩ nối tiếp nhau như cơn sóng, để bài vọng cổ và đờn ca tài tử còn sống mãi với thời gian. Trong sự diệu kỳ ấy, có sự đóng góp vô cùng quan trọng của một người: Cao Văn Lầu, bác Sáu Lầu của xứ Bạc Liêu. Ông được xem là ông tổ của bài vọng cổ.

Vào một đêm tối trời cuối năm 1896, có gần 20 gia đình nông dân nghèo tại làng Thuận Lễ, xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ (Long An) vì không chịu nổi cảnh hà khắc của bọn quan lại địa phương nên đã xuống ghe xuôi về vùng Bạc Liêu lập nghiệp. Trong số đó có gia đình Cao Văn Lầu, lúc đó ông chưa đầy 5 tuổi. Cha mẹ dành dụm cho ông theo học chữ Nho và chữ Quốc ngữ đến lớp 4 thì nghỉ. Sáu Lầu được cha (Cao Văn Giỏi) gởi theo học đàn tranh, đàn kìm tại nhà thầy đờn Lê Tài Khị (Nhạc Khị) trong xóm rạch Ông Bổn. Nhạc Khị là một bậc kỳ nhân, một thầy đàn tài năng thiên phú. Bị mù từ khi lọt lòng mẹ, lại không có răng, không có râu, chân có tật nhưng đổi lại, ông có một trí nhớ phi thường. Chỉ cần nghe qua một lần là Nhạc Khị đã thuộc từng nốt nhạc và chơi lại rành rọt cả bài. Ông là bậc thầy danh tiếng trong vùng về nhạc lễ và nhạc tài tử.

Nhờ sáng dạ, lại được thầy Nhạc Khị mang hết sở trường, sở học ra chỉ dạy tận tình, nên chẳng bao lâu Sáu Lầu trở thành một môn đồ xuất sắc, điêu luyện hết độc chiêu đàn phách của thầy.

Thời gian học nhạc tại nhà thầy, Sáu Lầu và cô Hai Thân (con gái rượu thầy Nhạc Khị) đã âm thầm hẹn hò, thương yêu nhau. Cô Hai Thân xinh đẹp, tính tình đoan trang, kín đáo. Anh học trò xuất sắc Sáu Lầu nổi tiếng đờn ngọt ca hay, là học trò cưng, được thầy Nhạc Khị xem như một truyền nhân đắc ý. Nhưng mối thâm tình mai lan trúc mã cuối cùng đã không nở hoa kết trái trong viên mãn. Thầy Nhạc Khị dù rất thương trò giỏi nhưng "quyết lòng vun đắp tương lai con gái" nên nhất mực không chịu gả cô Hai Thân cho Sáu Lầu. Con không dám trái ý cha, trò không thể cãi lời thầy, Sáu Lầu và cô Hai Thân đành gạt nước mắt cúi đầu tuân theo số phận và sự sắp đặt.

Các em học sinh thăm Khu lưu niệm Cao Văn Lầu.

Đêm trước ngày cô Hai Thân lấy chồng, Sáu Lầu mặc chiếc áo rách ngồi đàn suốt đêm trước cửa. Khi ông cởi chiếc áo rách ra vắt trên ghế, cô Hai Thân đã âm thầm lấy áo vào buồng ngồi vừa vá áo cho người thương lần cuối, vừa đợi trời sáng để mặc áo cô dâu xuất giá... Một câu chuyện đẹp và buồn như trong tuồng cải lương "Kiếm sĩ mù" của soạn giả Viễn Châu sau này. Những đường kim mối chỉ tuyệt đẹp gởi gắm vào đó cả trái tim tình yêu rực lửa, như lời đoan thệ của người con gái trao trọn cho ông mối tình đầu dang dở. Sáu Lầu nhìn những đường chỉ may trên miếng vá như ngàn nhát dao chém tứa máu trong tâm hồn ông, như hằn sâu một vết thương lòng không bao giờ lành lặn. Tình yêu là sự diệu kỳ, tâm hồn càng buồn đau thì ngón đàn của Sáu Lầu càng du dương, ray rứt. Ngón đàn buồn ấy đã góp phần làm nên danh tánh nhạc sĩ Cao Văn Lầu trong lòng người mộ điệu sau này. 

Ban nhạc do Sáu Lầu làm trưởng nhóm ra đời từ sau lần đó và lưu diễn nhiều nơi trong vùng. Tình đầu nhạt phai dần trong khói bụi thời gian, nhường chỗ cho lời đồn đại về mối tình thứ hai của tài danh Sáu Lầu với cô đào hát nổi tiếng trong ban nhạc lúc đó là cô Ba Phấn. Câu chuyện tình này lãng đãng như khói sương, không rõ thực hư, bởi ngót trăm năm chưa thể nào tìm rõ căn nguyên về cô đào Ba Phấn. Nhưng theo lời thuật lại của ông Cao Văn Hoài, con trai thứ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu thì cô Ba Phấn còn có tên cô Ba Vàm Lẽo - sinh sống ở vùng giáp ranh Sóc Trăng với Bạc Liêu ngày nay.

Do nước da rất trắng, má hồng hồng phấn son và giọng ca truyền cảm lạ thường như quyến rũ, như say lòng người nên danh tánh cô nổi tiếng trong vùng. Nhưng cũng chính vì nhan sắc và sự tài hoa ấy mà cô trở thành nạn nhân của sự đố kị, ganh ghét, để rồi một ngày bị bọn nhà giàu trong vùng bắt cóc và giết chết rồi quăng xác xuống sông Bạc Liêu.

Thêm một lần nữa, trái tim Sáu Lầu lại rỉ máu đau tình… Ông bỏ ban nhạc, gác chuyện đờn ca quay về với cha mẹ già yếu. Hằng ngày Sáu Lầu mang giỏ lội đồng móc cua về bán. Bước sang tuổi 21, gia đình vay tiền của Hương Sư Chơn đi hỏi cưới cô Trần Thị Tấn, người ở nhà điền chủ Tư Ô cho ông. Sau bốn năm chăn gối vợ chồng, cô Tấn vẫn không sanh được con. Sáu Lầu bị gia đình bắt đi cưới vợ mới đề sinh con nối dõi. Quan niệm phong kiến đã đẩy hai vợ chồng Sáu Lầu vào cảnh buộc phải chia tay nhau.

Hương lửa mặn nồng hạnh phúc chưa tàn phai, gối chăn một thuở còn đây, tình yêu còn đây sao phải chia lìa. Chiều chiều nhìn những cánh cò cô lẻ chao nghiêng phía trước sân nhà, lòng Sáu Lầu như kim châm, muối xát. Đêm năm canh nằm trằn trọc không ngủ được, ông nghe vẳng xa xa tiếng chuông chùa Phước Vĩnh An từ làng Hòa Bình vọng lại, lòng như bừng tỉnh mộng, nhớ đến người vợ hiền chắc chắn thương nhớ chồng hóa đá Vọng Phu.

Lại nhớ chuyện nàng Tô Huệ (Tô Nhược Lan) ở đất Thần Châu đời nhà Tấn có dung nhan diễm kiều, giỏi cầm kỳ thi họa. Khi chồng là hàn sĩ Đậu Thao đỗ đạt làm quan ở xa, thương nhớ chồng nàng dùng tuyệt kỹ thêu chỉ ngũ sắc 10 bài thơ nhớ chồng vào gấm vuông dâng lên vua. Trước mặt bá quan văn võ, nàng đọc những khúc tương tư não nuột tâm can bài "Chức cẩm hồi văn" khiến Vua xúc động, hạ chiếu gọi Đậu Thao về… Bài "Dạ cổ hoài lang" của Cao Văn Lầu đã ra đời trong những chiều tà ngồi bên chái hiên nhà với cây đàn kìm não nùng tâm can thương nhớ vợ…

Ông Cao Kiến Thiết, con trai trưởng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu kể, cha ông từng tâm sự với bạn bè: "Lúc ấy tôi nghĩ, giờ này vợ mình ở đâu? Chắc chắn là vợ mình thương mình nhiều hơn mình thương vợ. Số phận vợ mình sao mà giống thân phận nàng Tô Huệ, quá thương chồng nên dệt bức "Chức cẩm hồi văn". Hay nàng Tô Thị đứng chờ chồng đến khi hóa đá. Nên tôi viết bài Hoài Lang (nhớ chồng):

Từ là từ phu tướng
Bửu kiếm sắc phong lên đàng
Ra vào luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin nhạn
Ôi, gan vàng quặn đau
Đường dần xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắt cầm đừng lợt phai
Thiếp cũng nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng hai chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi".

Bài "Dạ cổ hoài lang" mang nặng khối tình buồn của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được công bố vào đêm rằm tháng 8 - 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Hòa Thạnh (nay là phường 2, Tp Bạc Liêu) tỉnh Bạc Liêu, trở thành bản nhạc bất hủ, phổ biến trong giới tài tử Bạc Liêu và sau đó cả Nam kỳ lục tỉnh. Cùng với tâm tình gửi vào nhịp phách, ông cũng quyết không lấy vợ mới, không dứt tình vợ cũ nên lén đến thăm. Mấy tháng sau ông được vợ báo tin đã cấn thai. Cha mẹ ông vui mừng và rước lại con dâu về đoàn tụ. Kết quả là cậu bé Cao Kiến Thiết ra đời. Sau đó hai vợ chồng còn sinh cả thảy 7 người con, 5 trai, 2 gái.

Bản "Dạ cổ hoài lang" được phổ biến càng ngày càng rộng. Theo thời gian tiết tấu được tăng thêm: nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, và đến nay là bản vọng cổ nhịp 32. GS - TS Trần Văn Khê khẳng định: "Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như "Dạ cổ hoài lang" biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể".

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu mất ngày 13/8/1976 tại thị xã Bạc Liêu, hiện mộ phần của ông bà nằm trong khu tưởng niệm xây dựng rất khang trang ở phường 5, Tp Bạc Liêu

Hoàng Châu
.
.