Những giọt nước mắt đọng trên Bức tường Việt Nam

Thứ Hai, 13/02/2006, 09:00

Khi thi công Bức tường, ngoài việc khắc tên trên đá dằng dặc kia, chính quyền Washington đã làm thêm bên cạnh hai cái lồng kính kết cấu khá trang nhã... Chỉnh chiện giữa lồng, người ta đặt hai cuốn sách khổ to dày cộm in đủ 58 ngàn họ tên lính Mỹ bỏ mạng tại Việt Nam!

...Dự xong cuộc gặp của Thủ tướng với Hạ viện Hoa Kỳ thì đã trưa trật. Về khách sạn kiếm cái dằn bụng cũng dở nhưng may thay anh bạn đồng nghiệp tốt bụng là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Hoa Kỳ gợi ý dẫn năm anh em chúng tôi đi ăn phở! Trúng ý quá nên ngần ấy người cộng lại cũng được hai trăm tuổi, nghe vậy mà còn khoái trá hét tướng lên khiến ông tài taxi phải ngoái lại cười, nếu ông mà biết tiếng Việt chắc phải nghĩ phở là thứ chi lạ lùng lắm?

Phở 75 Restaurant. Phía dưới còn chua thêm một dòng ngắn ý chừng để thực khách xứ người lĩnh hội thêm cả bằng mắt thứ súp độc đáo do người Việt chế ra từ thịt bò: Authetic Vietnamese Beef Noodle Soup. Dưới dòng địa chỉ 1721 Wilson Boulevard Arlington VA. 22209 còn kèm  hàng chữ con, thời gian mở cửa từ 9h sáng đến 8h tối. Tôi phân vân không rõ phở 75 là cái chi vì số nhà lẫn tên phố ở đây hình như chả dính dáng gì đến con số 75 cả? Chao ôi, bảy lăm, bảy lăm... thời khắc ấy, cái date ấy chăng? Nhưng mà thôi!

Tô lớn 12 USD. Tô nhỏ 9 USD. Hình như không có ai kêu tô nhỏ? Bát phở to tức là tô lớn ấy, nói không ngoa, nó phải nhỉnh bằng cái chậu cám cho thứ ỉn nhỡ mà tôi thấy hồi bé ở quê! Nhưng cả tuần nay ăn uống vạ vật toàn đồ khô nên cả bọn vào cuộc khá chi là hăm hở. Nước dùng lẫn bánh hình như có vấn đề, nghĩa là nó hơi bị lờ lợ lẫn bánh cưng cứng nhưng có hề chi? Được cái thịt bò bên này khá tươi lại mềm. Lưng lưng bát cũng là lưng lửng bụng, tôi liếc xéo qua mới thấy vợ chồng chủ quán cứ nhìn sự ăn uống của cả bọn chằm chằm mà thấy ngường ngượng.

Không có thời gian chuyện vãn với vợ chồng chủ quán đáng mến này, chúng tôi hối hả xin mỗi người một cái card-visit làm kỷ niệm rồi quày quả ra taxi để tới một địa danh mà anh bạn đồng nghiệp bên TTX hối thúc rất là nên đến: Trên thế giới này có một bức tường viết hoa. Tại Mỹ có một bức tường mà nhiều người Mỹ biết, đó là Bức tường Việt Nam.

Du khách bên Bức tường Việt Nam.

...Khi còn ở trong nước, tôi đã được nghe nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên kể về Bức tường Việt Nam ở Washington D.C này. Cả cái chuyện về bức thư của một người lính Mỹ gửi một chiến sĩ Quân giải phóng Việt Nam đã hy sinh bởi viên đạn của anh ta. Người cựu binh Mỹ ấy là Richard A.Luttrell. Năm 1989, Richard A.Luttrell đến thăm Bức tường Việt Nam và để lại một bức thư như thế này:

Ngày 18 tháng 11 năm 1989

Ông quý mến!

Hai mươi năm nay tôi mang theo tấm ảnh trong ví của mình. Cái ngày chúng ta đối mặt với nhau trên lối mòn ở Chu Lai, Việt Nam, tôi chỉ mới 18 tuổi. Vì sao ông không cướp đi mạng sống của tôi, tôi không bao giờ biết được! Ông đã chĩa khẩu AK-47 vào tôi nhưng không hiểu sao ông không bắn? Hãy tha thứ cho tôi đã cướp đi mạng sống của ông, tôi đã phản ứng như cái cách mà tôi đã được huấn luyện...

Kể từ cái năm 1967 đó, tôi càng ngày càng thấy tôn trọng cuộc sống và những người khác trên thế gian.

Không biết bao lần trong từng ấy năm qua tôi ngắm tấm hình ông chụp với con gái, tôi chắc thế. Lần nào ruột gan tôi cũng quặn thắt một nỗi đau đớn. Tôi bây giờ đã có hai con gái. Một đứa hai mươi tuổi. Đứa kia hăm hai, và trời thương tôi đã cho tôi hai đứa cháu gái tuổi lên một và tuổi lên bốn.

Hôm nay tôi đến thăm đài kỷ niệm cựu chiến binh Mỹ ở Washington D.C. Vài năm nay tôi muốn đến đây để nói lời tạm biệt với những đồng đội của mình. Chẳng hiểu sao tôi hy vọng và tin họ sẽ biết tôi đang ở đây, tôi thật sự yêu mến họ như tôi tin ông yêu mến nhiều đồng đội cũ của ông.

Hôm nay chúng ta không còn là kẻ thù của nhau nữa. Tôi hiểu ông là một người lính dũng cảm chiến đấu để bảo vệ quê hương mình. Trên hết, tôi bây giờ đã biết quý trọng cuộc đời được ban cho ông. Tôi nghĩ rằng vì vậy tôi có thể đến đây hôm nay.

Khi tôi rời khỏi đây hôm nay, tôi để lại tấm ảnh của ông chụp với con gái và bức thư này. Đã đến lúc tôi phải sống tiếp cuộc đời mình và thoát khỏi nỗi phiền muộn, đau đớn. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi sẽ cố gắng sống trọn đời mình, một cơ may mà ông và nhiều người khác đã bị khước từ...

Kính thư.

Richard A. Luttrell

Sư đoàn không vận 101.--PageBreak--

Cũng theo Phạm Xuân Nguyên, sau đó, tấm ảnh và bức thư trên đã được đưa vào cuốn sách những đồ vật để lại trên Bức tường. Năm 1996, một người bạn trông thấy cuốn sách ấy và báo cho Richard A. Luttrell biết. Nhìn lại tấm ảnh và bức thư để lại trên tường bảy năm trước, Richard đau khổ bật khóc... Ký ức ùa về khiến ông biết rằng mình không thể nhắm mắt được chừng nào mình không trả lại tấm ảnh cho người con gái của người lính Việt Nam mà mình đã bắn chết.

Ông đã xin lại tấm ảnh để lại trên Bức tường. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của Sứ quán Việt NamWashington, Luttrell đã nhờ một tờ báo ở Hà Nội đăng tấm ảnh kèm theo một bài viết. May mắn làm sao, bài báo đó đã đến được cái làng nhỏ bé có gia đình người lính kia đã sinh sống. Mấy ngày sau, Luttrell nhận được một bức thư ngắn đã dịch sang tiếng Anh chuyển qua đường fax từ Việt Nam tới Mỹ, trong đó có một phụ nữ xưng tên là Lan viết:

Ông Richard thân mến. Đứa trẻ mà ông quan tâm bây giờ đã lớn. Hồi nhỏ cô ta đã chịu nhiều mất mát đau khổ vì mất bố. Tôi mong ông sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình tôi.

Luttrell lập tức viết thư trả lời và hỏi Lan liệu ông có đến thăm Việt Nam được hay không? Lan nói được. Tháng 3/2000, Richard tới Việt Nam - lần đầu tiên ông trở lại đây sau ba mươi hai năm và đã trực tiếp gặp Lan tại làng cô. Phút nhìn thấy Luttrell. Lan đã bật khóc. Tôi xin lỗi, ông nói và cũng bật khóc. Lan tha thứ cho Richard và tấm ảnh chụp hai bố con cô bây giờ đặt trên chiếc bàn thờ bé nhỏ ở nhà cô.

...Bây giờ tôi đang đối diện với Bức tường Việt Nam. Khách tham quan Bức tường Việt Nam khá đông. Nhưng bặt hẳn tiếng người lẫn dép giày lạo xạo. Tôi sững người khi thấy một người đàn ông, không một chàng trai thì đúng hơn đang nép người vào Bức tường mà khóc! Người ấy không để ý chi đến xung quanh mà cứ gục đầu khóc... Tuổi này không thể là cựu binh được. Vậy anh là ai? Người thân của một cái tên trên tường kia hay là một người khách nào đó giàu lòng trắc ẩn? Tò mò nhưng không thể hỏi... Kể cả việc ghi hình vào cái lúc như thế này có lẽ cũng chả nên?

Tôi lúc tha thẩn, lúc bước cao bước thấp lướt chậm chậm dọc Bức tường. Đá nối đá... Thớ đã bào đã chuốt bóng lọng nhưng dường như không câm lặng mà như đang cựa quậy, đang gồ đang cộm trong lòng tay những tên người khi áp vào. Tuyền tên người. Dằng dặc những tên người. Họ tên chắp khít chiều dài và chiều cao. Nối lẫn chắp cho đủ 58 ngàn cái họ tên như thế... Có bao nhiêu người bạn của Richard đang giăng giăng mờ ảo bằng cái tên kia? Cứ như là nhân đôi hay so sánh những ấn tượng.

Khi thi công Bức tường, chính quyền Washington ngoài việc khắc tên trên đá dằng dặc kia đã làm thêm bên cạnh hai cái lồng kính kết cấu khá trang nhã... Để làm gì với hai cái lồng kính ấy? Chỉnh chiện giữa lồng, người ta đặt hai cuốn sách khổ to dày cộm in đủ 58 ngàn họ tên lính Mỹ bỏ mạng tại Việt Nam! Đọc trên giấy dễ dò tìm hơn trên đá? Nhưng hình như làm thế để ai đó có non non vía một chút thì dễ làm cái việc ngắm ngó và dễ tra cứu hơn? Tôi thử sục tay vào những tờ giấy nhàu (trước có lẽ  mượt và phẳng lắm bởi nhiều người đã lật đã giở) của hai cuốn sách dày cộm kia chợt thấy nó âm ấm mà thoáng cái giật mình như đang cảm nhận một hơi người nào đó qua một làn áo!

Xẩm chiều hè nước Mỹ nhưng na ná một thứ gió cữ thu bên nhà. Khí lạnh của xương cốt của cõi âm gì đâu ở cái Bức tường viết hoa tại đất Washington D.C này nhưng quả có thoang thoáng vẻ âm u rờn rợn. Cái âm u rờn rợn như không thực cho dù đang giữa trưa nắng có chút khói hương... Hình như hiệu ứng ấy không chỉ mang lại cho riêng một ai mà là chủ đích của người thiết kế! Khá khen cho cô kiến trúc sư hay nhà điêu khắc trẻ gốc Hoa nào đó, trong gần ba trăm phương án xây Đài tưởng niệm lính Mỹ chết trận ở Việt Nam, chính quyền Washington đã chọn phương án Bức tường Việt Nam này của một cô gái mới hơn ba mươi.--PageBreak--

Minh triết phương Đông, nguyên lý hay hồn cốt âm - dương trong Kinh Dịch khôn thiêng thế nào đó mà thuyết phục được cả những ông những bà người Mỹ da trắng, vốn sốt sột phương pháp duy lý từ cách nghĩ đến việc làm đang đảm trách những phận sự hành chính ở Washington D.C này? Cái ý nghĩ, cái mạch liên tưởng của người thiết kế truyền sang người tham quan Bức tường là từ âm trổ lên dương. Như thể người dưới đất dưới âm đang đội mồ lên để nói cùng người sống vậy! Dường như chiều cao, độ dày của bức tường chỉ là phần nhỏ nhoi nhìn thấy được của một tảng băng chìm khổng lồ?

Hun hút chót một tầm nhìn đá phía cuối Bức tường, tôi chợt nhớ ra một người. Dương Tường, một cựu binh Việt Nam thời chống Pháp cũng là dịch giả Dương Tường - người đã chuyển ngữ hơn 50 tác phẩm danh tiếng của nước ngoài ra tiếng Việt Nam. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, một lần có kể tôi nghe về con người đa tài ấy về chuyến thăm nước Mỹ năm 1995 của Dương Tường như thế này.

Khi Davis Thomas, cựu chiến binh giáo sư họa sĩ Trường Đại học Emmanuel, người đầu tiên tổ chức triển lãm Mỹ thuật Việt - Mỹ mang tên Nhìn từ hai phía sang Hà Nội, ông đã tìm đến Dương Tường. Do cảm phục nhiệt tình và kiến thức sâu rộng của Dương Tường đối với hội họa nên ông đã tới Hội đồng văn hóa châu Á Asian Cultural Council xin tài trợ để có thể mời Dương Tường cùng với hai họa sĩ Việt Nam khác nữa là Nguyễn Quân và Đoàn Xuân Hòa sang Mỹ dự triển lãm lần thứ hai do Davis tổ chức, với cái tên gọi Cách nhau một đại dương.

Đó là vào năm 1995. Một ngày cuối tháng Chạp năm 1995, Dương Tường đã ngồi thụp xuống chân Bức tường này và viết những dòng thơ bằng tiếng Anh, vẫn như mọi lúc, như tính khí cố hữu của mình, Dương Tường vẫn cái thói làm thơ ngẫu hứng không có ý định công bố hay xuất bản. Thơ viết vội cho mình, đơn giản là thơ, thế thôi! Tuy chỉ là ghi vội cảm xúc cho mình nhưng bài thơ để trên Bức tường đã lọt vào mắt xanh của một chuyên san Đại học Yale. Nữ nhiếp ảnh Ellen Kaplowitz đã xin phép viết bài thơ lên một tấm pano lớn đặt ngoài cửa triển lãm của chị. Còn họa sĩ Rodney Dickson thì in bài thơ của Dương Tường vào thiếp mời triển lãm của mình có tên là Life-Death (Sống-Chết) vào đầu tháng 2/2001 ở New York.

At the Vietnam Wall

Viết ở Bức tường Việt Nam

 

bởi lẽ mình với cậu

chưa hề biết nhau

nên mình đến

 

bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha cùng

người hôn ước

và mình cũng từng giã biệt vợ con

nên mình đến

 

bởi lẽ tình yêu mạnh hơn thù hận

và có thể bắc cầu qua mọi đại dương

nên mình đến

 

bởi lẽ cậu không trở lại

Còn mình đã có ngày về

nên mình đến

 

Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, nếu như những dòng thơ này, một ngày đẹp trời nào đó sẽ đậu trên những thớ đá của Bức tường Việt Nam kia?

(Rút từ tập Một tuần nước Mỹ. Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2005)
.
.