Những chiều bình yên bên đời...
Xót xa chưa kịp nguôi thì một đợt bom khác lại trút xuống, khiến những nấm mộ vừa mới đắp cách đó không lâu bị băm vằm tung tóe. Trong tâm trí của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn còn in đậm ký ức về thời chiến như vậy, và cho đến bây giờ, nó trở thành lời khẳng định: "không bao giờ quên".
Ba nỗi buồn từ chiến tranh
Đi ra từ chiến tranh, dẫu ở vị trí nào, nếu được trở về với thân thể lành lặn đã là một may mắn. Nhưng nói đến chiến tranh là nói đến đau thương tàn khốc; và bởi vậy, dù có may mắn như thế nào thì tâm hồn ai cũng không tránh khỏi mất mát và tan hoang. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bảo, ông có ba nỗi buồn từ chiến tranh mà giờ đây mỗi lần nhắc lại đều khiến ông rưng rưng.
Hàng xóm gọi ông là “ông tiên rau”. |
Nỗi buồn thứ nhất, ông nhớ đến người bố đã hy sinh ở chiến trường Núi Sam, Châu Đốc năm 1946. Phạm Minh Tuấn nói như chực khóc: "Đến bây giờ vẫn không tìm thấy xác". Năm đó, Phạm Minh Tuấn vừa lên 4 tuổi. Trước đó một năm, bố ông tham gia kháng chiến chống Pháp, đem cả gia đình từ Campuchia về nước. Đến lúc bố hy sinh thì mấy mẹ con lại dắt díu nhau trở lại Campuchia, lầm lũi sống cảnh đời tha phương cầu thực.
Nỗi buồn thứ hai, ông nhớ đến đứa con gái đầu lòng mất năm 1964 khi mới tròn 6 tháng tuổi. Ông lặng người đi một lúc rồi mới chậm rãi kể, giọng run run: "Năm đó, vợ chồng tôi chuẩn bị đưa cháu về nhà nuôi, vì nuôi ở rừng cực lắm. Đau yếu đủ thứ chuyện. Thuốc thang, đường sữa đều phải mua từ vùng ngoài tự do vào. Hôm đó, vợ chồng tôi cùng đoàn cán bộ đi qua ổ phục kích của giặc, sợ con khóc sẽ làm bại lộ, nguy hiểm cho đoàn nên lúc cho con bú, vợ tôi đành phải áp con vào bầu ngực thật chặt. Khi giặc càn qua thì bé bị ngạt thở". Giọng ông lạc đi khi nhớ lại hình ảnh đứa con gái đầu lòng chết ngạt trên tay vợ.
Nỗi buồn thứ ba, ông nhớ về một buổi sáng năm 1966 ở chiến khu R, căn cứ Suối Cây, một quả bom của Mỹ đánh vào căn cứ làm sập hầm; và ông đã tận mắt chứng kiến những người nghệ sĩ hy sinh trong một buổi sáng như thế. Họ là những soạn giả cải lương nổi tiếng thời bấy giờ của miền Nam, gồm: Ngọc Cung, Triệu Vân, Hai Phương và người con rể của soạn giả Trần Hữu Trang. Chính tay ông, soạn giả Trần Hữu Trang và đồng đội đã chôn cất cho bốn người nghệ sĩ đó. Nhưng rồi sau đó không lâu, bom lại đánh trúng huyệt của bốn người. Đất đai bị băm nát.
Bẵng đi vài tháng, một quả bom B52 lại rơi xuống căn cứ, lần này người xấu số là soạn giả Trần Hữu Trang. Mới vừa chôn cất cho người con rể mấy tháng trước, lần này ông lại bị chết bom. "Sau này, người nhà của những soạn giả đó có đi tìm nhưng không thấy được xác", nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ngậm ngùi.
Bài ca không bao giờ quên
Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, người yêu nhạc ngay lập tức nhớ về những ca khúc truyền thống cách mạng, thể hiện tinh thần yêu nước sục sôi của ông. Đó là "Khát vọng", "Đất nước", "Dấu chân phía trước", "Qua sông", hay những ca khúc trữ tình lãng mạn như "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ". Và đặc biệt, một ca khúc không chỉ gắn liền với tên tuổi của ông, mà còn làm nên tên tuổi và sự nghiệp cho ca sĩ Cẩm Vân sau này. Đó chính là "Bài ca không quên".
Không cần phải suy nghĩ lâu, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể rành rọt: "Đó là một trong những bài hát dành cho bộ phim cùng tên của đạo diễn, biên kịch Nguyễn Văn Thông. Đó cũng là bài hát đầu tiên tôi viết cho phim khi vừa tốt nghiệp, trước đó toàn viết nhạc cho sân khấu không thôi. Tôi viết năm 1981, nhưng phải ém lại hơn nửa năm trời, đợi đến lúc bộ phim "Bài ca không quên" được công chiếu rộng rãi thì bài hát mới được phổ biến. Lúc đó, có nhiều người xin hát nhưng tôi không đồng ý là vì vậy".
Hơn 30 năm trôi qua, "Bài ca không quên" đã trở thành tượng đài vững chắc trong dòng chảy ca khúc truyền thống cách mạng. Tôi liền hỏi: "Lúc sáng tác bài hát này, chú có nghĩ là nó được đón nhận nồng nhiệt như vậy không?".
Khuôn mặt người nghệ sĩ thoáng giãn ra, đôi mắt có chút lấp lánh vui: "Ban đầu tôi cũng rất đắn đo với việc đặt tên bài hát. Nhiều cái tên được đưa ra khiến tôi lưỡng lự. Nhưng rồi bằng tình cảm và cảm xúc của mình, tôi quyết định đặt tên là "Bài ca không quên". Ngay sau đó, đạo diễn Nguyễn Văn Thông cũng lấy tựa bài hát làm tên cho bộ phim luôn". Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nói thêm: "Lúc mới nghe thực sự là tôi đã thấy hay rồi, và khi lồng vào phim thì nó cảm xúc vô cùng. Hồi đó nhạc phim do Cẩm Vân thể hiện. Khi được coi phim, rồi nghe nhạc từ phim, tôi đã lặng người, không nói nên lời".
Nghe nói, khi bài hát "Bài ca không quên" được lồng vào phim, quay phim lúc đó là NSƯT Trần Đình Mưu (đã mất) có gặp ông và nói: "Bài hát này mà anh viết sớm hơn thì tôi sẽ chọn hình ảnh trong phim đẹp hơn nữa".
Tôi hỏi tiếp: "Hình như "Bài ca không quên" được chú viết theo đơn đặt hàng?". Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn mỉm cười: "Đúng là như vậy. Anh Nguyễn Hiền, Giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu hồi đó gọi tôi lên với đề nghị viết bài hát cho phim, mà phải để Cẩm Vân hát. Tôi cũng thấy hơi áp lực vì dù Cẩm Vân chưa nổi tiếng nhưng lúc đó Cẩm Vân có chất giọng rất hay và tôi rất thích chất giọng của cô ấy, nó phù hợp với nội dung của phim: tình cảm, sâu lắng và giàu chất tự sự.
Lúc đó Cẩm Vân còn trẻ, hai người đã có những buổi trao đổi để cô ấy hiểu thêm những tâm tư tình cảm mà nhạc sĩ đã gửi gắm trong bài hát. Cẩm Vân không đi qua chiến tranh nhưng bản thân cô ấy có lòng yêu nước, nói về kháng chiến, về cách mạng, về những kỷ niệm trong bài hát hết sức thuyết phục. Bởi vì người nghệ sĩ không chỉ có giọng hát thiên phú mà phải có cảm xúc mà cảm xúc phải thông qua cái não, phải hiểu vấn đề, truyền dẫn đến trái tim mình, dẫn qua kỹ thuật".
Và quả nhiên, "Bài ca không quên" đã mang lại tên tuổi cho Cẩm Vân sau này. Để giờ đây, nói tới bài hát này thì ngay lập tức, khán giả liền nhớ ngay tới Cẩm Vân. Trong chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 3 năm 2014, chính Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng: "Tôi không chịu nổi bất cứ một người nào ngoài Cẩm Vân hát "Bài ca không quên". Khó có thể thay được Cẩm Vân bằng một ai khác".
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nơi vườn rau nhà mình. |
Những buổi chiều bình yên
Căn nhà của ông nằm ở khu vực ngoại thành, tách biệt với bên ngoài bởi tiếng ồn ào xe cộ. Trước cổng nhà, có mấy cây sa kê đang thời kỳ lớn. Nắng rọi xuống những tán lá sa kê lấp loáng. Đó là một buổi chiều rất bình yên. Và dù đang bị tiểu đường, huyết áp, thoái hóa cột sống cổ, tim bị bệnh hở van hai lá nhưng buổi chiều của đời nghệ sĩ cũng bình yên như vậy.
"Bây giờ tôi sống yên bình với gia đình, thỉnh thoảng đi về các vùng miền để sáng tác khi có nhu cầu của địa phương. So với hồi xưa thì việc đi thực tế sáng tác không nhiều nữa, giờ lớn tuổi, sức khỏe yếu hơn rồi!", nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bộc bạch.
Trong suốt buổi trò chuyện, có hai lần nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn quay sang người viết, vẻ thấp thỏm: "Vậy là xong rồi chứ?". Tưởng ông sắp phải đi đâu đó, nhưng thực ra không phải. Lúc đó cũng vừa hơn 4 giờ chiều, là giờ ông phải đi… tưới rau. Ông bảo, ngày nào ông cũng thức dậy từ 4h sáng, đến 5h sáng thì ra vườn tưới rau; buổi chiều thì tưới vào lúc 4h. Ông bảo, phải đúng giờ vì sau giờ đó nước ở đây yếu lắm, đôi lúc còn không có nước để tưới.
Vườn rau của ông không rộng nhưng có đầy đủ thức cây: nào cà chua, cải; nào mồng tơi, húng... Ông tự đi mua đất, tự trồng rau, rồi cũng tự chăm sóc cho chúng. Và thành quả đã hiển hiện trước mắt khi những luống rau cải, rau húng xanh nõn nà; những cây cà chua lúc lỉu quả. Vậy mà vui! Không phải vì những giải thưởng, không vì những xưng tụng, niềm vui của tuổi về chiều chỉ cần thế thôi! Tôi hỏi. Thế những lần chú phải đi xa, ai sẽ là người tưới rau?". Ông bảo: "Có bà xã rồi. Được cái, bà xã cũng vui khi làm công việc này!".
Nhìn cách ông tưới rau, cách ông nâng niu từng thân cây nhỏ nhắn, lúc đó tôi chợt liên tưởng tới ông tiên trong vườn rau. Cũng là mái tóc trắng cước ấy, cũng là nụ cười đôn hậu ấy, ông xuất hiện giữa vườn, mang lại sự sống cho những cây rau bé nhỏ. Và lúc đó, trời cũng vừa về chiều, bóng hoàng hôn xôn xao trên những vách tường nhà.