Những bức ảnh "sinh đôi" và sự tự trọng của người bấm máy

Thứ Ba, 31/05/2016, 08:04
Chưa kịp vui mừng vì tác phẩm "Buổi sáng mùa đông" đoạt Huy chương vàng cuộc thi ảnh Arbella lần 6 (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Nghĩa đã phải đối mặt với vô số tranh cãi. "Buổi sáng mùa đông" bị cho là đạo bức "Vó đánh cá" của Lý Hoàng Long (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) - tác phẩm từng đoạt Huy chương vàng cuộc thi Trophy Gipuzkoa ở Tây Ban Nha năm 2014. 


Cuộc tranh cãi nhanh chóng ngã ngũ vì nghệ sĩ Lý Hoàng Long lên tiếng cho biết, sở dĩ hai bức ảnh giống nhau như hai giọt nước vì hai người cùng đi sáng tác chung ở hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt hồi năm 2014. Cảnh chung, góc máy, thời gian chụp, cân chỉnh ánh sáng giống nhau nên chuyện cho ra đời tác phẩm có khoảnh khắc tương tự không có gì đáng ngạc nhiên. Cũng chính Lý Hoàng Long là người giới thiệu cho Nguyễn Trọng Nghĩa tham dự cuộc thi ảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy rõ ràng, Nguyễn Trọng Nghĩa thừa biết bức "Buổi sáng mùa đông" của mình giống y chang "Vó đánh cá" của Lý Hoàng Long nhưng vẫn gửi đi dự thi.

Chuyện đi sáng tác chung, đi theo nhóm với giới nhiếp ảnh Việt Nam vốn là chuyện thường ngày ở huyện. Đi nhiều người thì dễ san sẻ gánh nặng chi phí ăn ở, thuê địa điểm, người mẫu để dàn dựng... Có khi cũng là dịp để những tay máy mới vào nghề học hỏi đàn anh. Nên có một cảnh, một người mẫu mà hàng chục ống kính chĩa vào, đàn em ít kinh nghiệm cứ nhằm góc giống như đàn anh mà căn ống kính. Ảnh ra lò không giống nhau mới lạ. Nên tình trạng tác phẩm sinh đôi hay na ná nhau nhiều vô kể, trở thành chuyện hài với giới nhiếp ảnh phương Tây nhưng lại là chuyện hiển nhiên của giới nhiếp ảnh Việt Nam.

Bức "Buổi sáng mùa đông" (trên) của Nguyễn Trọng Nghĩa là chị em song sinh với bức "Vó đánh cá" của Lý Hoàng Long.

Nó khiến cho những người chấm giải cũng đau đầu. Ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thừa nhận: "Một số tác giả nhiếp ảnh chủ yếu chạy theo phong trào chứ không đào sâu vào phong cách cá nhân. Cứ có một tác phẩm ảnh đoạt Huy chương vàng thì đến cuộc thi năm sau, có hàng chục bức ảnh na ná hình thức của tác phẩm đoạt giải năm trước xuất hiện. Họ làm như thế để hy vọng dễ đoạt giải".

Vậy mới có chuyện hai tác phẩm đoạt giải A của cuộc thi ảnh toàn quốc liên tiếp hai năm liền - bức "Hoa nắng" của Trần Đình Thương (năm 2012) và "Nào cùng bay lên" của Phan Văn Hiền (2013) - đều chụp bóng người trong khinh khí cầu và ánh sáng, bố cục gần như nhau. Bức "Dưới mưa" của Mai Thanh Chương đoạt giải cao trong một cuộc thi toàn quốc lại na ná bức "Thăm phố ngày mưa" của Thái Bích Thuận đoạt giải Ảnh xuất sắc toàn quốc năm 2012.

Hay bức "Thả đèn hoa đăng và cầu nguyện trên sông ở TP Huế" của Phạm Tỵ không khác mấy "Thả đèn hoa đăng" của Phạm Ngọc Tiến gửi dự thi cuộc thi Ảnh di sản Việt Nam 2016. Ảnh chụp vùng cao thì thường tập trung vào hình ảnh các bà mẹ và em bé dân tộc Mông mặc váy xòe với cách dàn dựng nhàm chán, quen thuộc...

Vì đi sáng tác chung nên khi có vấn đề gì đụng chạm đến danh lợi, các tay máy "tình thương mến thương" lại "tẩn" nhau ra trò vì nghi ngờ "đạo ảnh". Lắm bức bị tranh giành bản quyền hoặc gây nhầm lẫn khi không biết ai là tác giả. Thế nên mới có chuyện cười ra nước mắt như nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến kể: "Người có máy ảnh cho bạn mượn, bạn đi dã ngoại thấy cảnh đẹp nhưng không chụp mà bảo anh bạn ngồi gần chụp. Ảnh chụp chơi, không ai tính đến. Tình cờ dự thi lại đoạt giải cao kèm phần thưởng lớn, thế là gây tranh cãi ai là tác giả. Người nói "máy ảnh là của tôi", người nói "tôi mới là người bấm máy", người khác nói "chụp là do tôi bảo"…".

Sáng tác kiểu đội nhóm khiến tâm lý ăn theo, ỷ lại có đất phát triển. Nó thui chột sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Những bức ảnh - vốn là những tác phẩm nghệ thuật - ra lò theo kiểu sản xuất công nghiệp, rập khuôn, máy móc và khô cứng cảm xúc trong khoảnh khắc bấm máy. Nếu có thì cũng chỉ là giả tạo. Nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật sáng tạo.

Đã là sáng tạo thì sẽ đề cao cá tính nghệ thuật, dấu ấn cá nhân độc đáo và duy nhất. Đó còn là rung cảm nghệ thuật, có được rung cảm đó người ta mới bấm máy để ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời mà họ muốn lưu giữ và chia sẻ.

Hiểu vậy nên với sự tự trọng của một người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp giữa đời, các nhiếp ảnh gia như Nguyễn Á, Duy Anh, Trần Thế Phong... thường "tác chiến độc lập" khi đi sáng tác. Các anh không ngại khó khăn, lăn lộn cùng những con người, sự kiện đặc biệt để cho ra những bộ ảnh đáng giá. Chỉ khi cần chỉ vẽ cho những người mới tập tành vào nghề, Nguyễn Á hay Duy Anh mới tổ chức chụp theo nhóm. "Các chuyến đi như vậy tôi cố gắng hướng dẫn mỗi người chụp ở một góc riêng chứ không túm tụm một chỗ. Đồng thời, khuyến khích sáng tạo cá nhân của họ. Riêng tôi sẽ cùng chụp chung nhưng những hình ảnh này mình chỉ dùng để thị phạm" - Nguyễn Á cho hay.

Riêng nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh dù đi chụp chung với các bạn trẻ, ông vẫn có tấm ảnh không "đụng hàng" vì cách sáng tạo mới mẻ và phong cách cá nhân riêng biệt mà không ai dễ bắt chước.

Bức "Thả đèn hoa đăng và cầu nguyện trên sông ở TP Huế" (phải) của Phạm Tỵ và "Thả đèn hoa đăng" của Phạm Ngọc Tiến na ná nhau.

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, bức ảnh có giá trị là bức ảnh có nội dung thực, có giá trị tài liệu lâu dài, được xã hội và nhiều thế hệ công nhận và sử dụng. Nó được đánh giá cao còn bởi sự lao động cật lực, sáng tạo, bất chấp hiểm nguy của nghệ sĩ. Nếu nhà nhiếp ảnh không có mặt tại nơi xảy ra sự kiện, nếu nhân vật trong ảnh chỉ là những người đóng thế, nếu câu chuyện trong bức ảnh do tác giả bịa ra … thì những bức ảnh như vậy phải bị coi là hàng giả, người tạo ra ảnh là người làm hàng giả.

Đáng buồn là hàng giả nhiếp ảnh nhìn bề ngoài là thứ hàng trông rất thực, rất khó phát hiện nên dễ đoạt giải. Ông bức xúc: "Sự có mặt của hàng giả, hàng nhái tại các cuộc trưng bày, phổ biến các sản phẩm những năm gần đây có xu hướng ngày một nhiều, thậm chí có những hàng giả đoạt giải cao vô tình đã khuyến khích lối chụp ảnh không tôn trọng cái thực". 

Là người bấm máy, mang danh nghệ sĩ nhiếp ảnh nhưng họ vẫn vô tư gửi ảnh giống người khác đi dự thi. Họ không tôn trọng ban tổ chức, tôn trọng công chúng và không tôn trọng chính mình. Các cuộc thi nở rộ chỉ khiến những tay máy ráo riết săn lùng giải thưởng mà quên đi yếu tố chính của nghệ thuật nhiếp ảnh là cái đẹp, cái thực. 

Trong khi các cuộc thi trong nước vẫn lỏng lẻo ở khâu tuyển chọn, để lọt nhiều tác phẩm "bản sao" thì tất cả gần như trông chờ vào ý thức nghề nghiệp của nhiếp ảnh gia gửi ảnh dự thi. Dù về luật họ không sai vì không đạo của ai nhưng họ cũng nên "áy náy" khi nhận giải thưởng cho một tác phẩm không khác gì "ăn sẵn" của người khác. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh mong muốn ở các cuộc thi, ban giám khảo nếu phát hiện ra tác phẩm theo kiểu "đường xưa lối cũ" thì nên kiên quyết loại bỏ hoặc tước giải thưởng để cảnh cáo, nâng tầm trong mắt bạn bè quốc tế.

Nguyễn Trang
.
.