Nhộn nhịp sáng đèn, cải lương sắp hồi sinh?

Thứ Bảy, 14/09/2019, 07:58
Các suất diễn cải lương đang chen dày nhiều rạp. Điều vui mừng là hầu hết ở các buổi biểu diễn, khán phòng đều lấp kín khán giả. Sự sôi nổi này khiến giới chuyên môn và những người yêu cải lương thầm mong: "Thời hoàng kim" của cải lương sẽ trở lại.


Chương trình "Cải lương - Trăm năm nguồn cội" gây chú ý từ khi mới bắt đầu triển khai dự án và mang đến loạt danh tác kinh điển như "Đời cô Lựu", "Câu thơ yên ngựa"… Các vở diễn ra mắt đều đặn hàng tuần tại Nhà hát Bến Thành với sự góp mặt của nhiều ngôi sao cải lương như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Tú Sương, Quế Trân, Vũ Linh, Trinh Trinh…

Tương tự, chuỗi chương trình "Tài danh đất Việt" của nghệ sĩ Gia Bảo cũng vinh danh nhiều vở diễn quen thuộc.  Nếu "Lan và Điệp" quy tụ NSƯT Thanh Kim Huệ, Hồng Đào, Hồng Nga, Chí Tâm, Thanh Hằng… thì sắp tới đây, vở "Dương Quý Phi" là cuộc hội ngộ bộ đôi nghệ sĩ đình đám một thời: Kim Tử Long và Ngọc Huyền. Năm nay, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cũng cho ra mắt nhiều vở diễn ấn tượng: "Mai trắng se duyên", "Tân anh hùng náo", "Dương Gia Tướng", "Tân Lưu Kim Đính". Sân khấu Vũ Luân - Tú Sương thì có "Giang san mỹ nhân", "Tình người kiếp rắn"…

"Chuyện tình Khau Vai" thu hút khán giả nhờ những đổi mới trong cách thể hiện lẫn công tác tổ chức biểu diễn.

Suất diễn phủ sóng dày đặc ở tất cả các rạp hát trong nội đô TP Hồ Chí Minh và gần như suất nào cũng "cháy" vé. Các nghệ sĩ cố gắng thổi luồng gió mới mẻ, tươi tắn nhưng không làm mất đi cái hay, cái đẹp vốn có của kịch bản cũ.

Đến với khán giả miền Nam, vở "Chuyện tình Khau Vai" thu hút khán giả ngày từ lúc mới rục rịch lịch công diễn. Đây là vở diễn có sự đầu tư tỉ mỉ về công tác tổ chức. Cụ thể, ekip lập hẳn fanpage riêng để cập nhật tình hình vở diễn, thông tin diễn viên, hình ảnh hậu trường…, thậm chí còn mạnh bạo tổ chức mini game và tặng vé cho khán giả.

Các nghệ sĩ miền Nam lặn lội ra tận Khau Vai để đi thực tế, cùng ăn cùng ở với bà con dân tộc để cảm và thổi hồn vào nhân vật mình hóa thân. Vở có nhiều sáng tạo khi kết hợp nhuần nhuyễn nhạc dân gian Tây Bắc với điệu cải lương. Đường vào khán phòng sân khấu, họ còn trưng bày các dụng cụ, hình ảnh đặc tả phiên chợ tình vùng cao. Sự đầu tư bài bản, công phu này khiến công chúng không thể ngồi yên mà phải đến rạp để thổn thức cùng chuyện tình của nàng Út.

"Chuyện tình Khau Vai" là vở diễn mở màn của chuỗi chương trình cải lương mà Sân khấu mới Đại Việt (do nhóm Hoàng Song Việt - NSƯT Triệu Trung Kiên thành lập) tâm huyết. Sân khấu này là nơi tập hợp các ngôi sao cải lương của hai miền Nam - Bắc. Với nền tảng trên, NSƯT Triệu Trung Kiên cho hay trong tương lai, Đại Việt sẽ cho ra đời nhiều vở cải lương mới mẻ, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm văn hóa truyền thống dân tộc để chinh phục khán giả cả nước.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của sân khấu cải lương trong thời gian gần đây là kết quả từ nỗ lực không ngừng của nhiều nghệ sĩ tâm huyết. Sau cột mốc kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, giới chuyên môn đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo để nghiêm túc nhìn nhận về sự tuột dốc không phanh của loại hình nghệ thuật truyền thống từng lên đỉnh hoàng kim này.

Cải lương đã có một thời gian dài bị thờ ơ, chìm vào trầm lắng, ảm đạm. Bấy giờ, gần như không có vở cải lương nào được đầu tư bài bản, trọn vẹn để khán giả mua vé. Thậm chí số phận cải lương từng bị ví như ngọn đèn treo trước gió khi các suất diễn hiu hắt. Mức lương bèo bọt khiến nhiều nghệ sĩ phải mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, may vá, bán nước mía lề đường…

Vì mưu sinh, nghệ sĩ không hết lòng với nghệ thuật dẫn đến diễn dở, vô hồn, hát nhép, thoại nhép… Vở kém chất lượng, khán giả càng quay lưng. Điều đó tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào khởi sắc bước đầu này, giấc mơ cải lương trở lại thời hoàng kim xem chừng khó trở thành hiện thực. Bởi theo NSƯT Thanh Điền, hơn 2/3 vở diễn sáng đèn liên tục là kịch bản cũ, được tái dựng và thêm mắm dặm muối.

Trong khi đó, kịch bản mới rất hiếm hoi. Điều này đã được NSƯT Trần Minh Ngọc chỉ rõ nguyên nhân: lượng tác giả am hiểu cải lương còn lại rất hiếm hoặc đã cao tuổi, gác bút nghỉ. Người trẻ có nhiệt huyết lại ít hiểu biết về cải lương. Nhưng đây vẫn là căn bệnh trầm kha mà bấy lâu nay giới chuyên môn vẫn chưa tìm được thuốc giải. Việc dựng lại những danh tác kinh điển có thể thu hút một lượng khán giả nhất định nhưng muốn cải lương phát triển thì không thể mãi "ăn mày dĩ vãng".

Cảnh trong vở "Lan và Điệp" phiên bản 2019 của chuỗi chương trình "Tài danh đất Việt".

Khán giả không thể dùng hoài một món cũ. Đặc biệt, nếu cải lương muốn chinh phục thế hệ hôm nay, cạnh tranh với các loại hình giải trí nghe nhìn hấp dẫn khác thì buộc phải không ngừng đổi mới chính mình.

"Chuyện tình Khau Vai" bước đầu đã chứng minh sự cách tân, đưa cải lương gần gũi với khán giả đương đại sẽ được đón nhận. Trái lại, nhiều vở cố gắng làm mới nhưng vẫn mắc phải "sạn" làm phá vỡ cảm xúc, biến vở thành chương trình đại nhạc hội. Bởi như NSƯT Kim Tử Long phân tích: "Khâu dàn dựng, cảnh trí, trang điểm đến hát, diễn hiện nay đều phải có sự điều chỉnh, cải tiến để người xem không còn cảm giác cải lương quá cường điệu, sến sẩm mà gần gũi, bắt kịp hơi thở hiện đại.

Nhưng không vì vậy mà chúng ta chạy theo thị hiếu dễ dãi. Sự điều chỉnh, cải tiến phải dựa trên tinh thần, đặc trưng của cải lương. Cải lương xưa nay vốn là loại hình nghệ thuật sẵn sàng đón nhận và dung hòa mọi thứ mới mẻ để biến thành của riêng mình, phù hợp với khán giả mỗi thời. Do vậy, nếu biết cách tân khéo léo, thể nghiệm đúng chỗ thì loại hình này sẽ thăng hoa".

Nhìn lại thực tế mới thấy việc đầu tư công nghệ 4.0 để cách tân hình thức sân khấu, đẩy mạnh tính hiệu quả trong công tác tổ chức biểu diễn như quảng bá vở diễn, bán vé, chăm sóc khán giả, tương tác diễn viên - công chúng… cũng chỉ có lác đác vài sân khấu ứng dụng. Đó là các sân khấu có nguồn kinh phí, cơ sở vật chất hiện đại cộng với nguồn nhân lực am hiểu công nghệ, nắm bắt kịp các trào lưu mới. Còn hầu hết các rạp hát hiện nay đều xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu… thì khó mơ đến chuyện ứng dụng công nghệ để lôi cuốn, giữ chân khán giả. 

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh nhận định sự "hồi dương" của nghệ thuật cải lương hiện nay chỉ mang tính nhất thời, làm đến đâu hay đến đó. Đa phần, các vở diễn thu hút được khán giả vẫn là nhờ dàn nghệ sĩ gạo cội chứ không phải nhờ tài năng của lớp nghệ sĩ trẻ. Hào quang xưa vẫn phủ bóng thì khó kéo cải lương trở về chinh phục đời sống đương đại, nhất là khi lớp nghệ sĩ lão làng này rơi rụng dần.

Một điều nữa dễ nhận thấy, các vở diễn hút khách hiện nay đều do sân khấu tư nhân, nhóm xã hội hóa cố gắng gầy dựng mà thiếu sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành của Nhà nước, sự đồng lòng của cả xã hội. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho rằng đến nay cải lương vẫn yếu, thiếu về mọi mặt, đặc biệt hoàn toàn không có một tầm nhìn và động thái cụ thể tích cực mang tính quốc gia, khu vực và lâu dài.

"Cần quyết liệt cho đến cùng một kế hoạch cụ thể, dành giải pháp hiệu quả nhất cho loại hình nghệ thuật này thoát khỏi những bế tắc. Chúng ta đã nghe và nói quá nhiều về vấn đề này với rất nhiều tâm tư, lo lắng, bức xúc.

Điều cần nhất bây giờ là hãy hành động. Đó là đẩy mạnh việc đưa nghệ thuật cải lương vào học đường, đào tạo thế hệ khán giả mới; Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ một cách thiết thực các đơn vị xã hội hóa như đặt hàng tác phẩm, hỗ trợ điểm diễn riêng biệt cho cải lương…". - Ông đề xuất.

Mai Quỳnh Nga
.
.