Nhiều bất ngờ tại triển lãm "Một thành phố khác"

Thứ Sáu, 01/11/2019, 07:21
"Một thành phố khác - CÔNG CỘNG, RIÊNG TƯ, THẦM KÍN" là tên triển lãm sẽ được khai mạc tại Trung tâm văn hóa Pháp - L'Espace (24 Tràng Tiền - Hà Nội) vào ngày 7-11-2018 và kéo dài đến hết tháng 12. 

Đây là sự kết hợp giữa 2 nhiếp ảnh gia trẻ tài năng Joseph Gobin (Pháp) và Phương Nguyễn (Việt Nam) qua phần giám tuyển của nhiếp ảnh gia Mai Nguyên Anh - một cái tên không hề xa lạ trong giới nhiếp ảnh trẻ của Việt Nam.

Ở tuổi 20, Mai Nguyên Anh liều lĩnh đi thẳng vào vùng chiến sự Syria để chụp ảnh. Năm 2016, anh nhận được học bổng toàn phần và hoàn thành chương trình đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế ở New York. Nguyên Anh đồng thời cũng là người thắng cuộc hạng mục mở - giải thưởng nhiếp ảnh tư liệu Objectifs lần thứ nhất được tổ chức tại Singapore vào năm 2018.

Tác phẩm ảnh của tác giả Joseph Gobin.

Joseph Gobin là một nhiếp ảnh gia trẻ người Pháp đầy triển vọng. Sau 4 năm theo đuổi ngành nhiếp ảnh tại trường đào tạo SEPR tại Lyon, anh trở thành nhiếp ảnh gia tự do, làm việc cho các tờ báo địa phương và doanh nghiệp tại Pháp.

Năm 2012, Joseph được lựa chọn tham gia chương trình Monde Académie do tờ báo danh tiếng bậc nhất nước Pháp Le Monde tổ chức để thực hành nhiếp ảnh phóng sự trong vòng 1 năm tại đây. Một năm sau đó, anh được Le Monde trao tặng giải thưởng EDF/Le Monde cho những phóng sự ảnh xuất sắc của mình.

Xuyên suốt các dự án và tác phẩm nhiếp ảnh của Joseph Gobin, có thể thấy nhiếp ảnh đối với người nghệ sỹ trẻ tài năng này là một quá trình tìm kiếm không ngừng nghỉ sự cân bằng, viên dung giữa yếu tố thẩm mỹ, thực tế đời sống và trí tưởng tượng.

Đến với triển lãm "Một thành phố khác - CÔNG CỘNG, RIÊNG TƯ, THẦM KÍN", người xem sẽ được chiêm ngưỡng chùm tác phẩm về không gian trà đá của Joseph Gobin. Khung cảnh một quán nước được dựng tạm bợ trên hè phố, tách biệt khỏi nhịp sống tấp nập diễn ra bên cạnh luôn làm Joseph Gobin tò mò.

Với 5 cuộn phim 120 hết đát, anh quyết định chụp lại không gian sinh hoạt cộng đồng đặc biệt này. Tuy nhiên, thay vì khắc hoạ chúng dưới cái nhìn của quá khứ hay hoài cổ, văn hoá trà đá trong ảnh của Joseph hiện lên đồng hành với sự chuyển mình của thời đại. Ở đó, sự vá víu, bày biện tạo nên một nơi chốn vừa kín vừa mở, vừa riêng tư lại vừa công cộng, mang đậm chất xã hội Việt Nam đương thời, đặc biệt là trong những thành phố lớn.

Khác với Joseph Gobin, Nguyễn Phương đi sâu vào khai thác những suy nghĩ hỗn độn của bản thân. Anh cảm thấy lạc lõng giữa chốn phồn hoa đô thị, nơi mà sự ô nhiễm vẫn hiện hữu nhưng khéo léo ẩn mình dưới lớp áo xa hoa, hào nhoáng. Ô nhiễm không chỉ dừng lại ở sự thờ ơ của con người với môi trường sống, được nghệ sĩ thể hiện qua thủ pháp nhiếp ảnh, mà còn ở trong chính mỗi con người, khi mà sự ganh đua để sinh tồn đang dần làm biến chất những giá trị đạo đức bên trong.

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Phương tốt nghiệp trường Đại học mỹ Thuật Việt Nam chuyên ngành hội họa. Từ năm 2015, song hành với hội hoạ, nghệ sĩ Nguyễn Phương quyết định sử dụng nhiếp ảnh như một công cụ biểu đạt nghệ thuật của mình. Anh phát triển ngôn ngữ hình ảnh riêng thông qua việc quan sát mối quan hệ giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Các tác phẩm nghệ thuật của anh khởi nguồn từ đời sống nội tâm và những nỗi ám ảnh xoay vần trong cuộc sống thường nhật.

Tuy kể hai câu chuyện đối lập nhưng Joseph Gobin và Nguyễn Phương đều lựa chọn không gian Hà Nội làm bối cảnh chính. Cách thực hành nhiếp ảnh của cả hai mang nhiều nét tương đồng, khi việc sáng tạo không chỉ dừng lại ở nút chụp (shutter button), mà còn ở sự thử nghiệm với hoá chất để tạo nên hiệu ứng thị giác đặc sắc trong từng tấm hình. Hai bộ ảnh tưởng chừng như không có điểm chung, nhưng khi đặt cạnh nhau lại vẽ nên một Hà Nội vừa lạ, vừa quen, vừa cởi mở, vừa riêng tư, vừa ẩn chứa những nỗi niềm riêng của từng tác giả.

Xuân Ban
.
.