Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và những bức ảnh sống động về đại dịch COVID-19

Thứ Năm, 17/09/2020, 11:34
Mới đây nhất, Nguyễn Á ra mắt bộ sách ảnh về Việt Nam trong trận chiến với COVID-19 xúc động và ấn tượng mang tên "Tinh thần Việt- Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19" do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành.


Tôi biết đến Nguyễn Á từ những bức ảnh đầu tiên khi anh chụp các nghệ sĩ nổi tiếng của anh ra mắt tại Hà Nội. Anh đã theo đuổi một hành trình dài với nhiếp ảnh, không ngần ngại dấn thân vào những đề tài khó, mang tính thời sự. Mới đây nhất, Nguyễn Á ra mắt bộ sách ảnh về Việt Nam trong trận chiến với COVID-19 xúc động và ấn tượng mang tên "Tinh thần Việt- Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19" do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành.

1.Trong khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội và mọi hoạt động từ kinh tế đến văn hóa nghệ thuật đều đình trệ trong cuộc chống COVID-19 thì nhiếp ảnh gia Nguyễn Á lại lặn lội lên đường. Với một người cầm máy, không thể vì lựa chọn sự an toàn mà bỏ lỡ những sự kiện lịch sử như vậy. Anh quyết định đi vào tâm dịch. 

Những bác sĩ, những anh bộ đội đều đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến này, thậm chí, họ còn đối diện với nguy cơ lây nhiễm khi làm việc trực tiếp trong bệnh viện, chăm sóc những người bị nhiễm COVID-19. Đó là những khuôn hình lịch sử của nhiếp ảnh. Điều đó thôi thúc anh lên đường. Nguyễn Á đã giấu gia đình đi biền biệt cả tháng trời, khi trở về tự cách ly theo quy định ở một nơi an toàn.

Khó khăn nhất là việc xin giấy phép hành nghề, vì Nguyễn Á là tay máy tự do, không nằm trong cơ quan báo chí nào. Để xin phép tác nghiệp, anh đã phải nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng cùng các cuốn sách ảnh trước đây của anh. Và cuối cùng, rất may, anh nhận được những cái gật đầu. 

Vào tâm dịch, hành trang của anh là bộ đồ bảo hộ và máy ảnh, với tinh thần tác nghiệp đánh nhanh, rút gọn. Anh không bỏ qua một điểm nóng nào như Bạch Mai, Hạ Lôi. Tôi hỏi điều gì khiến anh dũng cảm dấn thân như vậy, anh không sợ bị lây nhiễm sao. 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Nguyễn Á cười, vẫn nụ cười hiền và rộng mở: "Nếu sợ thì ngay từ đầu tôi đã không lên đường. Tôi nghĩ, nếu nghệ sĩ bỏ qua những thời khắc lịch sử này rất đáng tiếc, vì thế cứ cầm máy mà lên đường, không còn sợ hãi. Trong cuộc đời cầm máy hơn 30 năm, đến nay, đã xuất bản 13 tập sách ảnh, tôi vẫn không thể tin rằng, mình lại trải qua những khoảnh khắc tác nghiệp đáng nhớ đến vậy. Ngay khi bắt tay vào thực hiện, tôi đã xác định sẽ đi đường dài. Và tôi luôn cẩn thận mỗi khi tiếp cận các ổ dịch để tránh rủi ro có thể xảy ra. Nếu mình bị lây nhiễm thì không còn cơ hội chụp ảnh".

Cuốn sách tập hợp hơn 400 bức ảnh được Nguyễn Á thực hiện ròng rã nhiều tháng trời. Đây có lẽ là cuốn sách anh vất vả nhất trong khâu biên soạn khi có tới 8 lần chỉnh sửa. Trong lời giới thiệu cuốn sách, Phó chủ tịch Hội nhiếp ảnh Việt Nam Lê Xuân Thăng đã viết: "Tập sách được tác nghiệp trong hoàn cảnh đặc biệt, nóng hổi, đậm đặc chất liệu thời sự nhưng đầy tính nghệ thuật, đồng hành máu thịt cùng với cuộc sống của toàn dân. Những khoảnh khắc trong cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á góp phần nâng tầm vóc Việt Nam, tâm hồn Việt Nam cao lớn hơn - đẹp hơn và làm cho bản lĩnh Việt Nam được khẳng định hơn trên trường quốc tế".

2. Người xem bắt gặp trong cuốn sách những hình ảnh quen thuộc đã nhìn thấy ở đâu đó trên các phương tiện truyền thông. Nhưng khi lật giở từng trang, xem lại một cách hệ thống hàng trăm bức ảnh về đại dịch COVID- 19 ở Việt Nam, ta vẫn thấy xúc động. 

Những hình ảnh khám tầm soát ở khu cách ly, điều trị cho các bệnh nhân, giữ gìn an toàn biên giới giữa rừng sâu, rồi những câu chuyện cảm động trong mùa dịch khi người dân chia sẻ với nhau từng túi gạo trong những ngày phong tỏa… 

Ống kính của anh không bỏ qua một địa chỉ nóng hay một tâm điểm nào khi dịch COVID -19 lây lan ở Việt Nam. Từ các Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Bạch Mai, Chợ Rẫy, các bệnh viện dã chiến...; các khu cách ly tập trung từ Bình Dương đến tận Lào Cai; từ các ngả đường tầm soát người liên quan F1, F2 ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đến tận biên giới Mường Khương - Lào Cai; từ các suất ăn được chuẩn bị trong khu cách ly đến những túi gạo, túi quà của ATM gạo, shop 0 đồng trên đường phố đều xuất hiện trong ảnh Nguyễn Á.

Bức ảnh “Chiến sĩ biên phòng tặng khẩu trang và hướng dẫn người dân chống dịch”.

Anh ghi lại từng cử chỉ, hành động của các y, bác sĩ, những nỗi buồn, niềm vui trong mắt bệnh nhân, từng khoảnh khắc giành giật với tử thần của các bác sĩ để cứu sống các bệnh nhân… 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á kể: "Lúc vào các bệnh viện để tác nghiệp, tôi như người ngồi trên lưng cọp. Hầu hết bác sĩ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi làm việc. Từ quần áo chuyên dụng cho đến các vật dụng hỗ trợ tránh tiếp xúc với bệnh nhân tôi đều được cung cấp với số lượng gấp đôi bình thường. Tôi đã phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác liên tục, số lần kê khai y tế chắc cũng gấp đôi, gấp ba số ấy. Song song đó, tôi luôn cập nhật thông tin liên tục, bệnh viện, khu cách ly nào, bao nhiêu bệnh nhân đã nhập cảnh vào Việt Nam... tôi đều cố gắng nắm hết và sẵn sàng vác máy lên đường khi có thể".

Đằng sau mỗi tấm ảnh là những dòng tâm sự, những câu chuyện được chính những người trong cuộc kể lại, xúc động và rất đỗi đời thường.Với một bộ bảo hộ tự trang bị cho mình và người bạn đồng hành là máy ảnh, Nguyễn Á đã đi và dấn thân như thế. Góc chụp của anh hướng vào những chi tiết cảm động của đời sống, ở đó là sự yêu thương, sẻ chia, là tinh thần sống mạnh mẽ của mỗi người dân Việt Nam.

Không còn chuyên về ảnh nghệ thuật như trước, các tập sách sau này của Nguyễn Á có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và tính thông tấn, mang hơi thở cuộc sống đương đại. Anh lý giải: "Nếu anh chỉ chuyên sâu vào nghệ thuật, dễ bị đi vào lối mòn. Xã hội bây giờ năng động, phát triển rất nhanh; là người sáng tạo, nếu mình không bám vào, mình sẽ bị đánh bật ra ngoài dòng chảy đó. Tôi luôn dặn mình phải làm mới bằng cách quan tâm đến những vấn đề đang diễn ra của xã hội".

Nguyễn Á tiếc khi cuốn sách thiếu đi những hình ảnh về Đà Nẵng trong những ngày khó khăn vừa qua khi dịch tái bùng phát. Anh đã tìm mọi cách liên hệ để đến thành phố trong những ngày khó khăn chống dịch nhưng không được. Vì thế, bộ ảnh chưa thực sự trọn vẹn theo cách mà anh muốn. Nhưng nó đã thực sự trọn vẹn ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID -19, ở đó lan tỏa những giá trị của yêu thương, sự tử tế, minh chứng cho mộtViệt Nam luôn nỗ lực và đoàn kết trong cuộc chiến khó khăn này.

Nguyễn Á nói, anh sẽ tiếp tục hành trình và đam mê của mình, bởi đó là lẽ sống của người nghệ sĩ tài hoa, cầm máy dấn thân vào hành trình của đời sống. Bởi cuộc sống ngoài kia vẫn sống động và nhiều màu sắc. Người nghệ sĩ sẽ bỏ lỡ những thời khắc quan trọng nhất của cuộc sống, dù khó khăn hay đẹp đẽ nếu họ không dám dấn thân, đưa mình ra khỏi vùng an toàn. 

Bộ ảnh về COVID-19 của Nguyễn Á một lần nữa khẳng định tài năng, tình yêu và trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc đời. Những bức ảnh là minh chứng sống động nhất góp phần làm đẹp hơn hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng bạn bè quốc tế trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19. Còn với Nguyễn Á, đó đơn giản là cách anh làm nghề và yêu nghề của mình.

Nguyễn Á từng đoạt rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, trong đó có những giải thưởng do nước ngoài trao tặng: Tình đồng đội - HCV Áo 2009, Thích thú - giải danh dự của Macau 2008, Đường nét và ánh sáng - HCV FIAP Hồng Kông 2006, Chân dung - HCV Canada 2007... 

Anh đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm ảnh: "Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh" (2007), "Họ đã sống như thế" (2009), "Tâm và tài - Họ là ai?" (2013), "Trường Sa và Hoàng Sa", "Lý Sơn hôm nay" (2019) và cuốn sách cùng triển lãm về 11 di sản của Việt Nam tại Hà Nội. 

Đánh dấu 30 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á giới thiệu đến công chúng tập sách ảnh "2018 - Dấu ấn lịch sử bóng đá Việt Nam" do NXB Thông tấn ấn hành. Riêng bộ sách ảnh "Tâm và tài - Họ là ai?" tập hợp 365 câu chuyện với 4.500 bức ảnh của 400 nhân vật thuộc đủ mọi ngành nghề khác nhau trong xã hội được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á kể lại bằng hình ảnh. 

Nguyễn Á cho biết, anh vẫn sống nhờ ảnh dịch vụ cưới hỏi, tiền kiếm được từ ảnh dịch vụ giúp anh thực hiện những bộ sách ảnh theo ý tưởng mà không phải lệ thuộc bất cứ nhà tài trợ nào.

Phan Chi
.
.