Nhận diện thị trường sách... “lá cải”

Thứ Ba, 26/09/2006, 08:00

Dù có nhiều người “la ó”, phản ứng vì cho sách sạp, sách phóng sự xã hội là loại ấn phẩm giật gân rẻ tiền, câu khách… thì thực tế trong nhiều năm liền, sách loại này vẫn tồn tại và có lúc lên cơn sốt.

Ở TP.HCM gần đây thường xuyên xuất hiện loại  sách  được bày bán ở các sạp báo trên lề đường, được những người bán báo dạo rao bán trên đường phố, bến tàu, bến xe ở các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ… Người ta quen gọi đó là loại sách phóng sự xã hội, sách sạp và thậm chí có người gọi hẳn là sách “lá cải”.

Thị trường sách loại này đang ngày một lớn, nên các nhà xuất bản, đơn vị xuất bản tư nhân  đua nhau “sản xuất” nhưng xem ra cung vẫn không đủ cầu. Trong giới làm sách, những người kinh doanh và cả những tác giả “thâm canh” trên mảnh đất này lâu nay cũng cho rằng đây là một hiện tượng lạ và khó mà lý giải hết được ngọn nguồn vì sao nó lại nhanh chóng thu hút một lượng độc giả lớn trong khi không ít lời chê bai, dè bỉu và thậm chí đề nghị cấm phát hành loại sách này.

Những loại sách này thường mỏng, trình bày sơ sài nhưng có giá rẻ nên dễ bán, cách viết cũng đơn giản gần gũi với người dân ở các khu lao động, vùng nông thôn.

Còn tại sao nhiều người đọc lại chọn mua  loại sách này? Có rất nhiều nguyên nhân bởi đa số nội dung sách đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội, những thói hư tật xấu, liên quan đến an ninh đời sống mà người đọc thông quá đó để biết, hiểu, cảnh giác phòng ngừa. Một quyển sách, có khi cả gia đình cùng xem và có khi đọc dần  trong một  tuần hoặc hai tuần. ở bến tàu, bến xe người đọc thường là hành khách trong khi chờ đợi đọc để giết thời gian.

Có những bạn đọc không có điều kiện mua báo (như trường hợp người dân ở phường Thạnh Xuân, quận 12, để mua được tờ báo phải chạy có khi mất nửa giờ) hoặc không có thời gian đọc báo…. Họ mua loại sách này cũng một phần vì tò mò, muốn xem cái gì đang diễn ra trong đời sống quanh ta mà vì quanh quẩn với cuộc  mưu sinh họ không có điều kiện để biết ….

Có thể cho rằng cơn sốt sách sạp, sách phóng sự xã hội là hiện tượng lạ trong làng xuất bản bởi vì trong khi “thiên hạ” có nhiều người “la ó”, phản ứng vì cho nó là loại ấn phẩm giật gân rẻ tiền, câu khách… thì thực tế trong nhiều năm liền, sách loại này vẫn tồn tại và có lúc lên cơn sốt.

Cao điểm nhất là khoảng giữa năm 2005, trung bình một ngày chỉ riêng ở TP.HCM các đơn vị xuất bản cho ra lò 7 đầu sách, thậm chí có khi trong một tuần thị trường có đến gần 70 đầu sách… Lúc này, những bài phóng sự trên các báo được các biên tập viên trưng dụng tối đa. Có nhà xuất bản gặp thẳng những phóng viên chuyên viết mảng này đề nghị được sử dụng bài đã đăng trên báo, nếu đăng sẽ trả nhuận bút.

Có phóng viên được đặt viết phóng sự theo yêu cầu của biên tập viên với  mức nhuận bút cao gấp đôi nhuận bút của báo. Có một lực lượng biên tập khác lại làm theo kiểu chắp vá, cũng thu lượm bài trên các báo sau đó “xào nấu”, cắt gọt lại thành một bài phóng sự mới. Trong khi các biên tập viên lao vào tìm bản thảo hay thì các đầu nậu sách cũng “lầm lũi” đi săn lùng những tác giả từng có tên tuổi trong làng phóng sự. Và cứ như thế, lần lượt những tập phóng sự  - nhiều tác giả - ra đời, xen lẫn với những tập phóng sự – một tác giả.

Cơn sốt đã bắt đầu lắng dịu dần khi quá nhiều người nhảy vào khai thác và làm ăn chụp giựt. Có nhiều đầu nậu còn giở trò  lừa đảo núp dưới mác phóng sự  nhiều tác giả. Chẳng hạn như thu gom lại những quyển sách ế, bỏ bìa cũ, làm lại bìa mới đóng vào rồi bán ra sạp lần thứ hai. Cách này giống như cách  mà giới in sang đĩa lậu đang lừa người tiêu dùng - vỏ mới, ruột cũ. Có tác giả lại có “tài” chế biến một đề tài  thành nhiều bài gởi cho nhiều nhà xuất bản. Dần dà, nhiều quyển bị “xào nấu” theo cách mà giới in  sang đĩa lậu đang dùng. 

Về phía người đọc, với xu hướng hiện nay, họ đã bắt đầu ngán dạng phóng sự nhiều tác giả nên sách một tác giả vẫn đang ăn khách. Điều có thể nhận thấy, trong số sách dạng này, những quyển một tác giả bao giờ cũng được đầu tư, chăm chút kỹ vì bản thân người viết cũng luôn muốn giữ gìn thương hiệu của mình.

Càng nhiều nhà xuất bản càng nhiều đầu sách, nhiều đơn vị xuất bản lao vào cuộc thì sự  cạnh tranh càng lớn. Nhu cầu của người đọc bình dân đối với những ấn phẩm dạng này đang có và ngày một đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên không vì thế mà muốn cho độc giả “ăn” món ăn nào cũng được, bất kể đã ôi, thiu.

Với xu hướng cung ít, cầu nhiều và mức sống, nhu cầu giải trí ngày càng tăng của một bộ phận người dân lao động hiện nay, không ít ấn phẩm dạng này đáp ứng được mong đợi của họ. Và những ấn phẩm có nội dung tốt, chất lượng cao cũng ít nhiều góp phần tác động, giáo dục một cách sâu sắc vào nhận thức của người dân. Đó là điều cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn, sòng phẳng.

Quan trọng nhất vẫn là công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt của các cơ quan quản lý văn hóa nói chung và quản lý xuất bản nói riêng để sao cho “kiềm chế”, xử lý  bớt những ấn phẩm có nội dung quá đà, gây phản cảm….

Hạnh Chi
.
.