Nhạc sư Vĩnh Bảo: Phải giúp giới trẻ yêu âm nhạc dân tộc

Thứ Ba, 04/03/2014, 08:00

Cuộc gọi của một bác sĩ từ bang Texas (Mỹ) gọi về: "Thầy lên Skype chưa ạ?". "Ờ, cô chờ chút, thầy lên bây giờ". Không đeo kính nhưng đôi tay nhăn nheo vẫn thoăn thoắt nhấp chuột. Những giọt đàn tranh từ bên kia nửa vòng trái đất vọng về, thánh thót hòa tấu cùng thầy. Nhạc sư Vĩnh Bảo quay sang tôi, giọng sang sảng: "Học trò bên Mỹ đang trả bài". 96 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước, vầng trán vị nhạc sư khả kính hằn sâu bao trăn trở, âu lo với "hò, xự, xang, xê, cống", nhất là khi nghe tin đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh...

Dù được hẹn trước, tôi vẫn phải ngồi đợi cho đến khi cuộc trả bài kết thúc mới có cơ hội thực hiện được cuộc trò chuyện với lão nhạc sư danh tiếng.

- Thưa nhạc sư Vĩnh Bảo, vừa qua, UNESCO đã chính thức công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hẳn là ngoài niềm vui chung, một người cả đời truyền bá đờn ca tài tử đến bạn bè khắp nơi trên thế giới như ông có nhiều ưu tư?

+ Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO nhìn nhận, đây là một vinh dự, một niềm vui, một cơ hội. Nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để xứng đáng với vinh dự và niềm vui này, đó là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta có một nền âm nhạc lâu đời, đa dạng với nhiều sắc thái địa phương nhưng đang dần bị giới trẻ quên lãng bởi các yếu tố văn hóa ngoại lai. Nhạc nước ngoài đang trở thành nhu cầu ồ ạt của giới trẻ. Bằng cớ là bây giờ thi hát, thí sinh toàn ca nhạc nước ngoài. Tinh thần vọng ngoại thái quá như vậy là rất nguy hiểm. Văn hóa nghệ thuật là nhịp cầu ngắn nhất để các dân tộc xích lại gần nhau, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau. Trước đà tiến hóa của nhân loại, việc bảo tồn, phát triển và kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống là việc làm không dễ. Đánh giá một nước, người ta căn cứ vào cốt cách tinh thần và di sản văn hóa của dân tộc mình chứ không phải dân số, diện tích.

- Việc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể rõ ràng đang đặt ra cho đờn ca tài tử Nam Bộ nhiều thách thức?

+ Đúng vậy. Ai cũng thấy nhu cầu cấp thiết là bảo vệ kho tàng quý báu của cha ông để lại. Nhưng khi đề cập tới việc bảo tồn thì không ai có ý kiến gì, không biết bảo tồn cách nào hoặc chỉ nói qua loa. Thành ra giới trẻ không thấy được tầm quan trọng của kho tàng này. Phải làm cho họ thấy. Để giới trẻ quay lưng với nhạc truyền thống, chạy theo nhạc Mỹ, nhạc Hàn… là lỗi của mình. Dân tộc bị mất văn hóa truyền thống chẳng khác gì con người mất linh hồn. Khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải giữ. Một số Việt kiều về nước đến thăm tôi, xin học đờn. Đến khi tôi chấp nhận, họ lại khai thật: "Hôm nay con đến thăm ông là để biết ông chứ thực sự con không đến đây để xin học. Mỗi lần con nghe cái nhạc này, con bịt lỗ tai hoặc trốn đi chỗ khác. Nhưng sau khi tiếp xúc với ông,  nghe ông đờn rồi, con mới cảm nhận được cái chân giá trị của nó".

- Nhưng để ai cũng thấy được cái chân giá trị ấy quả là việc khó, thưa nhạc sư?

+ Chuyện bảo tồn đờn ca tài tử không phải là công việc của một cá nhân ai đó, cũng không thể làm trong ngày một ngày hai. Việc làm này đòi hỏi người đó phải biết rõ truyền thống và hướng đi của nó. Phải chọn những người giỏi, biết đờn nhiều loại nhạc cụ, tâm huyết với nghề, có kỹ năng sư phạm để truyền đạt lại cho thế hệ sau. Nhà nước tham gia bằng cách nâng đỡ các tài năng, khuyến khích bằng những buổi trình diễn âm nhạc đứng đắn để người ta thưởng thức thực sự chứ không phải lên để giúp vui. Trong học đường, nên đưa nhạc dân tộc trong đó có đờn ca tài tử để giảng dạy cho học sinh từ nhỏ đến lớn. Riêng học trò của tôi muốn hát, muốn chơi nhạc Tây tôi cho phép vì tôn trọng tự do. Nhưng ai học nhạc dân tộc tôi đánh giá cao hơn. Đó là cách tôi khuyến khích các em yêu âm nhạc dân tộc. Sau khi thành tài, người ta sẽ trọng vọng, có thể kiếm sống và thi thố tài năng…

- So với chèo, tuồng, hát bội… rõ ràng đờn ca tài tử đang sống khỏe.  Ở miệt vườn sông nước miền Tây người ta đưa đờn ca tài tử phục vụ du khách. Phải chăng nhạc sư quá lo lắng?

+ Đờn ca tài tử đang sống nhưng nó sống vất vưởng và loạn, chưa vô nền nếp. Nói đúng ra, người ta đưa đờn ca tài tử vào du lịch như một kiểu kinh doanh để kiếm tiền chứ không phải là sân chơi văn hóa đúng nghĩa. Đờn ca tài tử tự phát theo phong trào. Hiện nay, vẫn chưa có sự hợp tác chặt chẽ để nghiên cứu cách giữ gìn và phát triển di sản này.

- Thông thạo cả năm ngoại ngữ (Nhật, Trung Quốc, Pháp, Anh, Campuchia),  từng đi thuyết trình giới thiệu và biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, nhạc sư hiện còn đang mở lớp truyền dạy đờn ca tài tử không chỉ cho học trò trong nước mà còn cho bạn bè quốc tế cũng như kiều bào qua mạng. Một việc làm thiết thực để bảo tồn và quảng bá đờn ca tài tử đến với thế giới. Chuyện dạy đờn qua máy vi tính ở cái tuổi "bách niên giai lão" như nhạc sư quả là xưa nay hiếm… 

+ Vì cái tình của học trò thôi. Có đứa nửa khuya kêu tôi dậy, tôi cũng thức mà ngồi nghe nó trả bài, sửa lỗi cho nó. Nhiều đứa biết được, gây chuyện với nó, còn viết mail về kêu thầy đừng chiều ý nó nữa. Mình mới nói: thôi, tội nghiệp. Mình dạy nó đờn được, nó khoái nên muốn khoe với mình, đâu để ý bên kia là ngày, bên Việt Nam là đêm.

Tôi dạy đờn ca tài tử từ xa từ mấy chục năm trước. Hồi đó bài giảng, bài đờn thâu vào băng cat-set rồi gửi ra nước ngoài bằng đường bưu điện. Mất gần cả tháng băng mới tới nơi. Thấy tôi khó khăn quá, học trò mua cho tôi cái dàn máy vi tính để tôi dạy qua mạng hơn 6 năm rồi. Hồi mới mua máy vi tính, không biết sử dụng, tôi kêu con gái mướn thầy về dạy. Kêu hoài cả tháng không có ai hết trơn. Hỏi mời cách sao mà người ta hổng tới? Nó biểu: Nhờ tới nhà dạy cho ông già tôi, năm nay hơn tám mươi tuổi. Nói vậy thì người ta không tới là phải rồi, người ta tưởng ông già tám mươi mấy tuổi thì lú lẫn rồi học gì nữa. Bữa sau có một cậu tới, hỏi ai học vi tính hả cụ. Tôi nói tôi học có được hông? Nó lí nhí kêu được. Nó dạy tuần ba buổi lấy 300 ngàn. Dạy chừng 50 phút, tôi ngưng. Học được ba, bốn bữa nữa tôi trả luôn cho nó một tháng lương rồi tự mày mò.

Ai muốn học đờn thì xin, rồi tôi mới gửi bài cho họ học. Tới chừng họ thuộc bài thì gọi điện hoặc gửi email hẹn ngày trả bài. Giờ giấc học rất tự do và dạy không đòi hỏi học phí. Mỗi học trò tôi đều có ngăn hồ sơ riêng, mỗi người là một giáo trình. Tôi có cả trăm học trò ở khắp nơi như Mỹ, Pháp, Đức, Ý… Nhiều đứa đờn thành thạo mở lớp dạy, có đứa đi trình diễn.  Nhiều người biết tiếng, bay về Việt Nam gặp tôi để xin học như  hai anh em Eric (nhạc sĩ) và Laurent (nhà quay phim truyền hình) từ Pháp sang học đàn tranh hồi năm 1998.

- Giáo sư âm nhạc Trần Quang Hải từng ví nhạc sư "là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu ứng tác. Ở Việt Nam ông là người duy nhứt vừa là nhạc sĩ trình tấu vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo". Có phải cả ba điều đó làm nên ngón đàn bay bướm tuyệt vời của ông ?

+ Chơi đờn do chính mình làm, chơi bản mình sáng tác mới thể hiện hết tâm tình của mình. Hồi trẻ tôi chơi đờn để giải trí, lớn lên đi dạy tiếng Pháp. Đến khi Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn thành lập, tôi mới nghĩ rằng dạy tiếng Pháp thì thiếu gì người dạy, còn nhạc truyền thống này đang thiếu người trầm trọng. Do vậy tôi  mới vào trường dạy đàn tranh và làm Trưởng ban nhạc cổ miền Nam rồi gắn bó với đờn ca tài tử đến giờ. Tôi học đóng đờn ở phương Tây rồi về nhà tự mày mò nghiên cứu cách làm đờn cò, đờn kìm, đờn tranh… Rồi cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17,19 và 21 dây vì âm vực của nó chưa phong phú, lại khó sử dụng. Tôi cũng tự tay đóng đàn cho học trò.

Tiếp xúc với học trò đủ màu da, tôi không chỉ dạy đờn, dạy cái tinh hoa của âm nhạc dân tộc mà còn dạy họ lẽ sống ở đời. Tôi hay kể cho họ nghe về lịch sử, văn hóa của đất nước mình …

- Xin cảm ơn nhạc sư Vĩnh Bảo! Chúc ông năm mới nhiều sức khỏe và thành công!

Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp) trong một gia đình Nho học yêu đờn ca tài tử. 18 tuổi ông đã được một hãng ghi âm danh tiếng của Pháp mời ghi âm những bản nhạc cổ truyền Việt Nam để phát hành tại Pháp. Năm 1972, ông cùng GS-TS Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa "Nhạc tài tử Nam Bộ" cho hãng Ocara, Phillips… tại Paris. Năm 2005, nhạc sư Vĩnh Bảo nhận Giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại Tp HCM cho những đóng góp của ông đối với sự phát triển của nhạc đờn ca tài tử. Năm 2008, nhạc sư Vĩnh Bảo được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Nghệ thuật và văn học.

Phan Thi Uyên
.
.