Nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị Hà Chương: Hát để nhặt màu

Thứ Ba, 16/10/2012, 08:00
Phòng trà Tiếng Xưa. MC cất giọng khàn khàn giới thiệu người nhạc sĩ, ca sĩ tốt nghiệp thủ khoa Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Một anh chàng cột tóc đuôi gà, đeo kính cận dò dẫm bước lên sân khấu theo tay dìu của MC. Anh ôm đàn guitar, say sưa cất bài "Món quà của sóng".

1. "Cơn gió lang thang rong chơi bên bờ sóng/ Sóng rì rào sóng hát tình ca/ Sóng vờn mây sóng hôn dài bờ cát/ Sóng ru đời nhẹ thênh cánh hải âu/ Sóng bạc đầu lời yêu trắng phôi pha/ Muôn kiếp bên nhau trong luân hồi non bể…".

Tiếng hát lạ quá. Nó chạm vào tim, rưng rưng. Người ta ngỡ ngàng như nghe thấy tiếng biển. Có những đôi mắt nhắm nghiền, thả hồn theo giọng hát. Lạ lẫm, tò mò về một gương mặt quen mà lạ, hình như đã từng gặp trên… báo, tôi tìm gặp anh sau buổi diễn. Hà Chương gật đầu: "Ừm, tôi yêu biển đến say mê cuồng dại. Chỉ tiếc chưa một lần được nhìn thấy cái sắc xanh huyền diệu của đại dương, chưa một lần được ngắm màu trắng tinh khôi của cát… Đó là lý do khiến ca từ vừa mơ vừa thực. Tôi cảm nhận biển bằng tiếng sóng, cơn gió, tiếng tung cánh hải âu chao nghiêng... Lúc đó, lòng tôi rất đỗi bình yên".

Tôi quen nhạc sĩ Hà Chương từ dạo ấy.

Nghe những ca khúc của anh như "Nắng hát" (ca khúc lọt vào Chung kết năm của Chương trình Bài hát Việt 2010), "Áo dài cuối phố", "Tình yêu về hát"… người ta thắc mắc tại sao anh có thể "tả" được nhiều màu đến thế khi từ năm 2 tuổi, ánh sáng đã không còn trong mắt? Đơn giản thôi, anh nhìn đời bằng đôi tai, bằng bàn tay và trái tim mình. Trời lấy đi đôi mắt nhưng đã cho anh giọng ca mượt mà, trầm ấm; cho anh gieo những giai điệu làm mê đắm bao người.

30 năm sống trong bóng tối, âm thanh, với anh là hơi thở. Khi ngủ Hà Chương phải mở rađio, vặn nhỏ âm thanh và đặt ngay bên tai mình suốt đêm. Đi đâu lỡ quên rađio, coi như đêm đó trằn trọc đến sáng. Còn âm nhạc, với anh, là máu! Ca khúc của nhạc sĩ Hà Chương mang nhiều phong cách khác nhau từ pop ballad đến R&B, rock…Anh bảo, khi buồn anh sáng tác bài vui, khi vui anh sáng tác bài buồn. Đó là cách cân bằng cảm xúc. Ca từ không quá trẻ trung, cũng không quá già cỗi, nó là sự chiêm nghiệm sâu sắc. 

Người ta bảo trái tim nghệ sĩ thường đa sầu, đa cảm. Trong thinh lặng bóng tối, trái tim còn nhạy cảm bội lần. Cơn mưa ngâu đột ngột ghé qua cửa sổ, âm thanh nhịp phố nghe từ quán cóc ven đường, một tiếng lá rơi, một tiếng cười thiếu nữ vẳng qua đều làm trái tim anh rung cảm mạnh mẽ. Anh mượn phím đàn ghi lại những cảm xúc của mình bằng nốt nhạc. Sự cô đọng của âm thanh tạo nên một hình ảnh đầy sắc màu vừa mơ vừa thực.

Hà Chương bảo trái tim anh bật khóc khi hát cho các em bệnh nhi bớt cơn đau. Đôi tay run run sờ nắn trên những thân hình dị dạng của tội ác màu da cam, chạm vào nỗi bất hạnh của một kiếp người, những nốt nhạc da diết từ trái tim đồng cảm bật lên.

Hà Chương bên góc làm việc của mình.

"Tôi có người bạn yêu hoa đồng nội/ Nhưng chỉ biết hoa qua mùi hương bay/ Tôi có người bạn đi bằng hai tay/ Ước mơ đến trường để vẽ mây bay/ Tôi có người bạn cút côi lạc loài/ Chỉ biết mẹ cha qua dòng ký ức…".

Một ngày đầu hạ năm 2000, khi những tiếng ve râm ran bên hiên, những nhành hoa phượng đỏ thắm cả một góc trời, trong căn phòng nhỏ, giai điệu bài "Bạn tôi" đã được ra đời. Tự mình hát lại, Hà Chương bỗng dưng thấy xúc động đến nghẹn ngào. Anh không thể kìm được những giọt nước mắt.

Hà Chương quả quyết: Nếu không xin được nguồn tài trợ, anh sẽ bỏ tiền túi để ra album vào cuối năm nay. Đó là album anh đang thực hiện, bao gồm 10 bài hát dành cho các bệnh nhi ung thư, mồ côi, người bị HIV/AIDS, chất độc màu da cam… Album là lời hứa cách đây 2 năm của anh với những số phận kém may mắn hơn mình, cho họ niềm tin vào cuộc sống. Anh đã lỗi hẹn vì quá trình tìm kiếm Mạnh Thường Quân. Dự định, toàn bộ số tiền bán album, nhạc sĩ Hà Chương sẽ dành tặng cho trẻ em khuyết tật, HIV/AIDS, hoàn cảnh khó khăn.

Trên website âm nhạc cá nhân của nhạc sĩ Hà Chương có rất nhiều lời cảm ơn xúc động. Nghe những ca khúc của anh, người bất hạnh như tìm lại được mạch sống của đời mình. Lời ca thúc giục người nghe - may mắn hay bất hạnh - phải làm một điều gì đó.

2. Căn gác nhỏ, nơi đặt cây đàn piano để ngày ngày nhạc sĩ Hà Chương sáng tác, nằm cuối con hẻm trên đường Phan Tây Hồ, quận Phú Nhuận. Hà Chương một thân một mình vào Tp HCM đã được 2 năm. Một sự mạo hiểm, anh bảo thế. Chuyến lưu diễn ở Mỹ hồi tháng 5-2012 của anh và ca sĩ khuyết tật Thủy Tiên được xem là bước ngoặt lớn với người nghệ sĩ khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung. Hà Chương kể, nhiều bạn khiếm thị của anh bị các chương trình ca nhạc bình thường từ chối vì ngán ngại. Họ sợ xúi quẩy, sợ sự ảm đạm vì cụm từ "khuyết tật". Nhưng cứ chương trình nhằm gây quỹ từ thiện thì ban tổ chức lại tìm họ, coi họ như những chứng nhân trớ trêu của tạo hóa. Hà Chương muốn chứng minh mình cũng như bao người bình thường, có thể tự làm mọi việc, tự đi biểu diễn. Với phần mềm mã hóa các ký tự thành âm thanh, anh có thể sử dụng máy tính, điện thoại như người bình thường.

Anh là nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam phát hành abum riêng: "Món quà của sóng" (2005); "Khúc hát hai mươi" (2007); "Tình yêu về hát" (2010);  sắp tới là album nhạc trữ tình với ca sĩ khuyết tật Thủy Tiên và album dành cho những số phận bất hạnh. Không thích nói nhiều về mình, anh chỉ lặng lẽ sáng tác. Chàng nghệ sĩ tài hoa ấy sinh ra từ vùng quê nghèo Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhiều nơi mời anh về dạy. An phận, anh có thể ngày ngày lên lớp, đến tháng nhận lương. Nhưng Hà Chương ra đi. Anh muốn tự tìm cơ hội cho mình. Có lẽ điều đó xuất phát từ bản tính hiếu động thuở nhỏ. Không thấy ánh sáng nhưng cậu bé Chương ngày ấy vẫn chạy nhảy, trèo cây, trộm ổi, thậm chí là đi xe đạp trên đường làng.

Mẹ anh kể, ngày còn nằm nôi, anh đã thuộc lòng giai điệu của các bài hát ru. Lên 5 tuổi, cậu bé thuộc rất nhiều điệu bài chòi, dân ca của miền Trung. Từ sự hiếu thắng trẻ con, năng khiếu sáng tác của Hà Chương mới được phát hiện. Hồi Chương học lớp 3, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) tổ chức thi văn nghệ. Một bạn lớp khác đoạt giải nhất do chính bài bạn ấy sáng tác. Chương nghĩ: "Tại sao người khác làm được mà mình thì không". Ca khúc "Ánh sáng đời em" - sáng tác đầu tay của cậu bé Hà Chương làm thầy cô giáo và bạn bè rất xúc động.

Chương đỗ thủ khoa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành Đàn bầu. Dưới sự dìu dắt của NSND Tường Vy, NSND Thanh Tâm, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, năng khiếu âm nhạc của Chương ngày càng phát triển. Ba mẹ làm nông, nhà nghèo nên Chương vừa đi biểu diễn, sáng tác vừa ra album để kiếm tiền trang trải học phí. Thời đi học, anh đoạt rất nhiều giải thưởng âm nhạc: 2 huy chương vàng cuộc thi văn nghệ cho người khuyết tật năm 1997 tại Quảng Trị; bằng khen của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; 6 huy chương vàng trong các cuộc thi "Tài năng trẻ thành phố Đà Nẵng", cuộc thi "Biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp khu vực phía Nam". Năm 2008, bài hát "Vì sao em không thể" của anh đoạt giải B (không có giải A) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

3. Mỗi lần có chương trình biểu diễn ở Tp HCM, Hà Chương lại nhắn tin cho tôi. Liveshow bài hát Việt tháng 9/2012 có ca khúc "Xin cảm ơn em" do anh sáng tác. Như bao lần trước, ra đón tôi là cô gái xinh đẹp vẫn thường đưa đón anh.

Nhạc sĩ Hà Chương không muốn nói nhiều về đời tư. Nhưng hôm ghé căn gác trọ, thấy môi anh tươi cười lặp đi lặp lại giai điệu bài hát "Xin cảm ơn em", tôi biết rằng anh đang hạnh phúc. Anh khẽ thì thầm: "Anh chỉ hết yêu khi nào anh chết". Tình khúc của nhạc sĩ Hà Chương nồng nàn, chân thành và trong trẻo. Tình yêu đến nâng anh dậy, giúp anh vững tin vượt qua bóng tối. Để rồi chàng nghệ sĩ khiếm thị ấy đem trái tim đang yêu vẽ nên những sắc màu rực rỡ, gói ghém chúng trong từng câu hát trao tặng cho bao người:

"Buổi sáng thức dậy, tiếng chim bên thềm dịu dàng trong gió, cỏ hoa hương êm/ Ngoài phố nắng về, nắng lên thật hiền nghe mùa vào, nắng đón ngày mới sang/ Nắng hát trong tay, nắng ôm bờ vai, nắng vương áo dài/ Nắng đánh thức môi thơm, nắng cười long lanh mắt, nắng mượt mà tóc em"

Quỳnh Nga
.
.