Kỷ niệm 55 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2009)

Nhạc sĩ Văn Cao với ca khúc "Tiến về Hà Nội"

Thứ Sáu, 30/10/2009, 10:00
Chợ Đại - chợ Cống Thần (thuộc huyện ứng Hòa, Hà Tây) gần như là thủ phủ của giới văn nghệ sĩ lúc đó. Khi được biết chủ trương chuẩn bị "Tổng phản công" ai cũng vui mừng, phấn khởi. Mọi người hào hứng vào công tác. Ai cũng mong ngày chiến thắng để được trở về Hà Nội. Hòa trong cái không khí đó, mình sáng tác liền một lúc 2 bài "Tổng tiến công" và "Tiến về Hà Nội".

Chiếc xe U-Oát của Sở Văn hóa - Thông tin Thái Bình đến đón cha con tôi vào khoảng 2 giờ chiều ngày 10/10/1984. Khi xe chuyển bánh, mẹ tôi còn dặn với theo:

- Mày trông bố cẩn thận đấy. Đừng để bố uống rượu nhiều.

- Bố có nghe mẹ nói gì không?

Bố tôi cười:

- Mẹ mày đúng là giám đốc nhà trẻ Hoa Hồng...

Câu nói của ông làm mọi người cười rung cả xe.

Đoàn Kịch nói Thái Bình dựng vở mới, mời ông Lộng Chương làm đạo diễn, ông Việt Hồ thiết kế ánh sáng, cha tôi (nhạc sĩ Văn Cao) thiết kế mỹ thuật. Còn tôi tháp tùng ông làm họa sĩ thể hiện.

Xe máy chạy đến đầu công viên (ngồi chưa kịp ấm chỗ), ông vỗ vai tôi:

- Mày có mang cho bố chai rượu không đấy?

Tôi giật bắn người:

- Thôi chết! Con để quên mất rồi!

Ông hừ lên một tiếng:

- Mày hại bố rồi!... Con ơi!

Ông Việt Hồ bật cười, rút trong túi áo ra một chai thủy tinh dẹt:

- Đây, tôi có mang theo một chai.

Ông Lộng Chương cũng móc túi xách tay, rút ra nửa lít.

- Tôi cũng có một chai đây rồi, ông khỏi lo.

Cha tôi lắc đầu:

- Tôi sợ rằng đêm nay chúng mình không có cái uống! - Ông vỗ vỗ mấy cái vào trán rồi bật người lên:

- Mình nhớ rồi! Ở Phú Xuyên có một hàng bán rượu, qua đấy, dừng xe, ta vào làm một chai, chất nước hơi đục, nhưng được cái họ nấu bằng gạo. Rượu Phú Xuyên uống được.

Ông Việt Hồ móc túi áo ra một cái ly nhỏ, rót ra một ly đưa cho cha tôi!

- Nào chúng mình hãy uống với nhau mỗi người một ly đã. Mừng cuộc đi này thành công...

Đỡ chén rượu ông Việt Hồ đưa, nét mặt cha tôi có vẻ đăm chiêu:

- Này! Hôm nay là ngày quái gì mà suốt từ sáng đến giờ "bọn nhà đài" nó cứ phát liên tục bài "Tiến về Hà Nội" của tớ...?

Đạo diễn Lộng Chương quay sang, giương mục kỉnh, mắt ông tròn xoe, ngạc nhiên nhìn cha tôi như một người từ hành tinh khác:

- Hôm nay là ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô, "nhà đài" nó không phát bài "Tiến về Hà Nội" của ông thì còn ra cái quái gì nữa - Đạo diễn Lộng Chương khẽ lắc đầu - Hay thật! Tính đãng trí của bậc "nghệ sĩ nhớn" đôi khi cũng thật đáng kính nể...

Lộng Chương và Việt Hồ nhìn nhau bật cười. Tiếng cười của hai ông khùng khục, giật lên từng đợt. Mặt cha tôi dài thuỗn ra trong giây lát. Ông lúng túng đưa chén rượu lên, tợp một hơi rồi tủm tỉm buông một câu đánh trống lảng:

- Rượu này uống cũng được đấy.

Văn Cao ngó đầu nhìn qua cửa xe. Trên đường, xe đạp, xe máy, ôtô lũ lượt đi vào thành phố.

- Các ông nhìn xem, mọi người thì "Tiến về Hà Nội", còn chúng mình lại "Tiến ra Hà Nội".

- Nghe đâu bài "Tiến về Hà Nội" của cậu cũng gặp nhiều phiền toái lắm phải không. Cậu kể cho bọn này nghe đi - Ông Việt Hồ hỏi.

- Thôi chuyện dài lắm, xuống Thái Bình rồi mình sẽ kể cho các ông nghe - Văn Cao ắng đi, ánh mắt của ông nhìn mà không nhìn.

Bất chợt, chiếc U-oát giật lên, tiếng máy nổ có vẻ nghèn nghẹn, không đều. Cho xe đỗ lại bên lề đường, người lái xe áy náy:

- Các cụ chờ con vài phút, để con kiểm tra lại máy, rồi con lại đưa các cụ đi cho an toàn.

Người lái xe mở nắp cabô, lúi húi kiểm tra lại máy. Một cảnh sát giao thông từ bên đường tiến sang:

- Ai cho phép các anh đỗ xe ở đây! Giấy tờ đâu? Cho kiểm tra!

Người lái xe giật mình lúng túng:

- Báo cáo anh, đây là xe của Sở Văn hóa Thái Bình, em được cử lên Hà Nội đón nhạc sĩ Văn Cao, đạo diễn Lộng Chương, nghệ sĩ Việt Hồ về tỉnh công tác. Em vừa dừng xe kiểm tra lại máy một chút, mong anh thông cảm.

Người cảnh sát giao thông khoảng hơn 30 tuổi liếc mắt nhìn vào trong xe thấy "ba cụ"... Anh tiến lại ngó vào trong xe.

- Xin phép hỏi, ai là nhạc sĩ Văn Cao?

- Có việc gì đấy đồng chí công an? Tôi là Văn Cao đây.

Mắt người cảnh sát sáng lên. Anh vội vàng dập gót giày, đứng nghiêm đưa tay lên mũ chào cha tôi.

- Con nghe tiếng ông từ lâu. Hôm nay mới được gặp ông, thật vinh dự cho con quá. Con công tác ở trạm Ngọc Hồi. Tuần nào con cũng hát bài chào cờ của ông - Nói xong anh công an trịnh trọng, kính cẩn đưa cả hai tay lên nắm lấy tay cha tôi, lắc lia lịa.

- Cám ơn anh! Tôi rất vui. Đây là đạo diễn Lộng Chương, còn đây là nghệ sĩ ánh sáng Việt Hồ - Cha tôi giới thiệu

Người công an cung kính bắt tay hai ông:

- Quý hóa quá, không ngờ hôm nay con lại có vinh dự được gặp các ông - Nói xong anh ta lại dập gót đứng nghiêm chào ba người - Con xin phép các ông, con phải đi làm nhiệm vụ. Con chúc các ông đi đường bình an...

Rồi anh quay sang người lái xe đứng cạnh đang còn ngỡ ngàng:

- Anh có thể cho xe đi! Nhớ đi cẩn thận và an toàn đấy.

Xe chuyển bánh. Cha tôi giơ tay vẫy, người công an trẻ tần ngần nhìn theo với vẻ mặt xúc động. Từ phía bên chợ Ngọc Hồi, chiếc loa truyền thanh công cộng phát ra tiếng: "Trùng trung quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về..."

Hơn 6h chiều, chúng tôi mới về đến Sở Văn hóa Thái Bình, không có người đón. Ông Giám đốc Sở đợi lâu quá đã về nhà. Sau khi đưa chúng tôi vào "nghỉ tạm" tại nhà khách của Sở (một căn nhà cấp 4 có hành lang rộng và thoáng), anh lái xe hấp tấp đánh xe đi tìm Giám đốc Sở...

Buổi tối ở đây thật dễ chịu, không khí mát mẻ, thoáng đãng. Tôi lấy chiếc chiếu trải ra thềm. Mọi người quây quần, chuyện gẫu bên ấm trà đặc. Riêng Văn Cao vẫn uống rượu. Mất điện. Bù lại cho chúng tôi là một vầng trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa bạc treo lửng lơ, chênh chếch giữa bầu trời đêm trong vắt. Một thứ ánh sáng dìu dịu, mát lạnh bao trùm lên không gian, thoảng đâu đó, mùi hoàng lan ngan ngát lởn vởn. Hiếm có khi chúng tôi được sống trong một không gian huyền ảo như thế này. Trong đầu tôi vọng lên tiếng hát: "Thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian...".

Đêm ấy, dưới ánh trăng, bên ly rượu, Văn Cao đã thủng thẳng kể lại cho chúng tôi nghe về bối cảnh ra đời của bài "Tiến về Hà Nội":

"Giữa năm 1949, tại Việt Bắc, mình cùng một số văn nghệ sĩ được triệu tập đến dự một cuộc họp để nghe Trung ương phổ biến tình hình chiến sự. Đích thân hai ông Trường Chinh và Tố Hữu chủ trì cuộc họp đó. Mọi người được nghe phổ biến chủ trương chuẩn bị tổng phản công và giới văn nghệ sĩ được giao nhiệm vụ: "Cần phải nhanh chóng có những sáng tác kịp thời phục vụ cho kháng chiến...".

Sau cuộc họp đó, mình và Nguyễn Đình Thi được phân công trở lại Khu 3 công tác và phổ biến lại cho mọi người. Mình thuê một chuyến đò dọc, đưa cả vợ con cùng với Nguyễn Đình Thi xuôi theo dòng sông Lô về Khu 3.

Chợ Đại - chợ Cống Thần (thuộc huyện ứng Hòa, Hà Tây) gần như là thủ phủ của giới văn nghệ sĩ lúc đó. Khi được biết chủ trương chuẩn bị "Tổng phản công" ai cũng vui mừng, phấn khởi. Mọi người hào hứng vào công tác. Ai cũng mong ngày chiến thắng để được trở về Hà Nội. Hòa trong cái không khí đó, mình sáng tác liền một lúc 2 bài "Tổng tiến công" và "Tiến về Hà Nội". "Tiến về Hà Nội" mình làm trong một đêm thu, bầu trời trong vắt đầy sao, không gian ngập tràn ánh trăng và dậy mùi lúa ngậm đòng. Mình đánh thức Tạ Tỵ dậy (Tạ Tỵ là họa sĩ) và hát cho hắn nghe. Tạ Tỵ sướng quá chồm lên: "Hay! Hay quá. Moa để toa đi thông báo cho mọi người".

Bài hát lập tức được truyền đi khắp nơi.

Chủ trương "Tổng phản công" chưa kịp thực hiện thì cuối năm 1949, giặc Pháp đã mở các cuộc càn quét lớn vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ - và thế là để bảo toàn lực lượng, quân ta phải rút lên rừng. Một số "các vị" không chịu được gian khổ "dinh tê" vào thành. Nhóm Tạ Tỵ - Phạm Văn Đôn - Phạm Văn Chừng - Phạm Duy vào khu 4 theo tướng Nguyễn Sơn, mình - Tạ Phước - Tô Vũ... chạy sang Đồng Năm Thái Bình. Tại đây, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng "Tiến về Hà Nội" và biểu diễn phục vụ cho bộ đội và nhân dân".

Văn Cao ngừng kể, ông tợp một hụm rượu, đôi mắt ông ắng đi, bất động. Vài phút sau, ông mới từ từ ngẩng lên kể tiếp: "Nghĩ lại cái không khí của đêm đó mình vẫn thấy bồi hồi, xúc động. Mọi người vỗ tay hát theo: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về...". Giai điệu đó, lời ca đó đã trở thành ước nguyện của mọi người. Có lẽ chính vì thế mà bài hát đó đã loang ra khắp nơi. Ít lâu sau, tại Việt Bắc, trong các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân, bài "Tiến về Hà Nội" được "đem lên bàn mổ" và tác giả của nó bị phê phán là "lạc quan tếu", tuy nhiên, cũng chính nhờ có cái vụ này mà từ đó mình rút ra kinh nghiệm "Không sáng tác nhạc có lời nữa". Văn Cao cười. Nụ cười thanh thản trở lại trên khuôn mặt ông.

Đã gần nửa đêm. Bóng đèn điện trong phòng chợt bừng sáng, soi rõ từng khuôn mặt đăm chiêu của mọi người.

Văn Cao ngửa cổ, nhìn lên trời. Mặt trăng vẫn sáng xanh và huyền ảo. Ông lẩm bẩm: "Giá cứ mất điện thì hơn"

Văn Thao
.
.