Nhạc sĩ Quốc Trung: Hi vọng Việt Nam sẽ có một thị trường âm nhạc lành mạnh hơn
- Câu view trong thị trường âm nhạc: Khi giá trị ảo lên "ngôi"?
- Khi ca sĩ sáng tác thống lĩnh thị trường âm nhạc
Nhạc sĩ Quốc Trung, tổng đạo diễn của chương trình đã chia sẻ nhiều suy nghĩ và trăn trở của anh làm thế nào để đời sống âm nhạc Việt Nam có thể tiệm cận với thế giới và Việt Nam trở thành một điểm đến của các tour diễn quốc tế.
- Vì sao anh có ý định và nuôi giấc mơ tổ chức một lễ hội âm nhạc mang tầm cỡ quốc tế ở Việt Nam như "Lễ hội Âm nhạc Gió mùa"?
+ Tôi may mắn được đi dự nhiều lễ hội âm nhạc ở nước ngoài. Năm 2006, tôi được biểu diễn tại festival ở Đan Mạch và 2008, tôi được quay lại làm việc 2 tuần trước khi festival diễn ra. Tôi rất ấn tượng với quy mô và cách thức tổ chức của họ, nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc về những điều tốt đẹp. Ấn tượng nhất với tôi đó là một festival phi lợi nhuận với hơn 35 ngàn tình nguyện viên làm việc ngày đêm ở tất cả các khâu tổ chức.
Quay về Việt Nam, tôi cũng mơ ước làm một festival như vậy. Và Monsoon ra đời. Lúc đầu mọi người không hiểu festival âm nhạc như thế nào, phải chăng là mỗi ca sĩ đến hát một bài rồi về. Đa số mọi người không hiểu với một festival âm nhạc thì điều gì là quan trọng nhất. Ở đó không chỉ biểu diễn ca nhạc mà ở đó là một không gian lễ hội, thông qua âm nhạc để lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Nó có tác động tích cực đến đời sống âm nhạc và đời sống tinh thần nói chung, tạo nên sự hứng khởi cho cộng đồng.
- Sau một chặng đường dài từ lễ hội âm nhạc "Gió mùa" đầu tiên được tổ chức từ 2014 đến nay, với mục đích mang đến sự thay đổi trong đời sống âm nhạc, đến bây giờ, anh đã nhận được những tín hiệu tích cực đó chưa?
+ Trong những ngày đầu tiên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì vừa làm vừa thử nghiệm, cho đến hôm nay, chúng tôi đã tạo được một cộng đồng, một hệ sinh thái kết hợp giữa nhà tổ chức, các bên cung cấp thiết bị, chúng tôi bổ trợ cho nhau, cùng nhau học tập, huy động được các nhà cung cấp các thiết bị lớn trên thế giới.
Năm 2019, "Gió mùa" đã có tiến bộ vượt bậc về chất lượng âm thanh, ánh sáng, từng bước chuyên nghiệp hơn. Chọn địa điểm là một yếu tố thành công của chúng tôi. Tôi tham gia nhiều festival nổi tiếng trên thế giới như Hàn Quốc, Anh… tôi cũng tham gia nhiều show case ở Hy Lạp, Nhật Bản, tôi giới thiệu về "Monsoon" của mình và ngạc nhiên, nhiều nơi biết về Monsoon rất rõ, họ ấn tượng về địa đểm, một backgroud là di sản của thế giới. Và may mắn, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn trong năm năm tới.
125 ngàn khán giả đã đến dự, nhiều nghệ sĩ quốc tế từng biểu diễn ở Monsoon họ tự hào vì đây là bệ phóng cho chính họ. Ngoài ra, chúng tôi cũng dành nhiều hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Từ năm 2015, chúng tôi đã có một set biểu diễn luky duck hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ có tiềm năng, tài năng. Sau đó chúng tôi hỗ trợ các bạn sản xuất album, thực hiện các dự án âm nhạc.
Khán giả Việt Nam cũng dần cởi mở hơn, nghe nhạc một cách văn minh hơn và tiệm cận với các xu hướng mới của thế giới.
- Điều mà khán giả Việt Nam băn khoăn đó là Monsoon nói riêng và các sự kiện âm nhạc nói chung ở Việt Nam ít khi mời được các nghệ sĩ nổi tiếng. Việt Nam chưa có trong bản đồ dừng chân của các tour diễn vòng quanh châu Á của các nghệ sĩ quốc tế. Anh lý giải điều này như thế nào?
+ Sự giao thoa về văn hóa của Việt Nam với thế giới còn hạn chế nếu không nói là thưa thớt, nên khi chúng tôi mang khách mời về, nhiều người hỏi sao không có các nghệ sĩ nổi tiếng. Trong khi đó chúng ta không tự nhìn lại mình. Việt Nam chưa có một thị trường âm nhạc lành mạnh. Từ khâu khán giả chưa đáp ứng được yêu cầu, một sân khấu biểu diễn của các nghệ sĩ quốc tế phải đảm bảo từ 30-50 ngàn người. Rồi chất lượng kỹ thuật…
Chúng ta không tạo ra được thị trường để các nghệ sĩ thế giới có một thị phần ở Việt Nam thì việc mời họ đến Việt Nam rất khó khăn. Thế nên, tôi phải chọn cách khác. Tôi có nói với khán giả của mình rằng, các bạn cứ tin vào sự lựa chọn của tôi khi chọn nghệ sĩ và chắc chắn tôi không làm khán giả thất vọng.
Tôi chứng minh với khán giả khi họ còn trẻ, chưa thành ngôi sao chúng ta còn có cơ hội mời họ, còn khi họ thành ngôi sao thì việc mời họ đến Việt Nam rất khó. Sự thay đổi đó cũng tạo ra thói quen thưởng thức âm nhạc của khán giả. Khán giả đến với Monsoon là đến với một không gian của lễ hội chứ không chỉ để xem các nghệ sĩ nổi tiếng.
- Vậy theo anh, làm thế nào để trong thời gian tới, Việt Nam trở thành điểm đến của các nghệ sĩ quốc tế?
+ Để hỗ trợ thị trường và đón nhận những nghệ sĩ quốc tế và khu vực đến Việt Nam, việc đầu tiên ta phải tạo ra một thị trường âm nhạc, bao gồm tổng hợp các mối liên quan đến nhau, từ khán giả, điều kiện âm thanh, ánh sáng, khâu tổ chức đến cả vấn đề tài chính. Khi chúng ta tạo được thị trường, chúng ta sẽ có được sự ưu tiên của các nghệ sĩ, không chỉ nghệ sĩ trẻ mà cả các nghệ sĩ nổi tiếng.
Tôi biết nhiều nghệ sĩ nổi tiếng họ lựa chọn và ưu tiên khi ta tổ chức được một tour diễn cho họ. Để làm được tour diễn ở Việt Nam rất khó, chúng ta cần tạo ra một net work với các nhà tổ chức để làm ra các sân khấu khác nhau. Khi chúng ta tạo được net work, kết nối nhiều nhà tổ chức và nâng cao chất lượng, tạo ra nhiều sân khấu cho các nghệ sĩ, họ sẽ đến nhiều hơn, dần dần ta sẽ xây dựng được một thị trường âm nhạc và tạo ra được nhiều giá trị hơn cho đời sống.
Lễ hội âm nhạc “Gió mùa 2019” góp phần thay đổi thói quen nghe nhạc của người Việt. |
Ở khía cạnh khán giả, điều này cũng rất quan trọng. Các nghệ sĩ quốc tế, ngoài yêu cầu về tiền bạc, chất lượng, chúng ta còn phải đảm bảo sân khấu biểu diễn của họ phải có từ 30 đến 50 ngàn khán giả. Với chúng ta, điều đó rất khó khăn. Không phải do đời sống của dân chúng còn nghèo mà còn nằm ở thói quen của người dân Việt Nam. Họ chưa đặt ưu tiên cho đời sống tinh thần.
Ở các nước phát triển, thưởng thức âm nhạc là một nhu cầu bình thường của người dân, còn ở ta, nó đang là món ăn xa xỉ không được ưu tiên. Người Việt có thể bỏ hàng triệu, chục triệu đi hát karaoke hay đi nhậu, còn mua vé đi nghe nhạc ư, có vẻ xa lạ. Nhiều người chỉ nhăm nhăm chờ xin vé hoặc đi chui. Muốn phát triển phải tạo ra thị trường lành mạnh, bình đẳng.
Và Monsoon sẽ góp phần thay đổi thói quen của người Việt, giúp họ tiếp cận với các giá trị âm nhạc văn minh, hiện đại hơn. Họ sẽ thấy rằng, mua vé đi nghe nhạc cũng là một nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
- Để thúc đẩy đời sống âm nhạc, tạo ra một thị trường lành mạnh, chúng ta không chỉ mở cửa giao lưu, mời các ban nhạc quốc tế đến Việt Nam mà điều quan trọng là chúng ta cần hỗ trợ cho các ban nhạc trẻ, những nghệ sĩ trẻ tài năng của Việt Nam đi ra thế giới. Điều này vẫn đang là một khoảng trống?
+ Thực tế, chúng ta đang lạc hậu so với thế giới chừng 30- 40 năm. Các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam hiện nay biểu diễn trong điều kiện âm thanh, ánh sáng rất kém, vì thế, chất lượng biểu diễn thấp. Tôi cũng muốn kết nối các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam ra thế giới nhưng khi yêu cầu về kỹ thuật, đa số họ không đáp ứng được. Các bạn trẻ cần sự ủng hộ về nhiều mặt để có điều kiện tập luyện, nâng cao chất lượng, có đủ kỹ năng để thực hiện giấc mơ biểu diễn ở các festival thế giới.
Lễ hội Kucon của Hàn Quốc hay lễ hội Spot của Đan Mạch đều được Bộ Văn hóa hỗ trợ việc tìm kiếm những tài năng trẻ. Mỗi mùa lễ hội, họ đều tìm ra các nhân tố mới để đào tạo và giúp họ phát triển, đi ra thế giới. Chúng ta cũng cần đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có sự kết nối với các tổ chức văn hóa quốc tế, các nhà cung cấp trang thiết bị, chuyên gia sang Việt Nam hướng dẫn các bạn trẻ, hỗ trợ họ.
Hiện nay, có một ban nhạc nổi tiếng và là hình mẫu tốt nhất của các bạn nhạc trẻ hiện nay là ban nhạc Ngọt. Họ là những bạn trẻ tài năng, có cá tính nhưng cũng rất hạn chế khi đem ra so với chất lượng, kỹ năng sản xuất với nước ngoài. Họ cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển tốt hơn.
Tôi hy vọng nếu giấc mơ của tôi không thực hiện được thì các bạn trẻ Việt Nam có thể làm được, một ngày không xa các ban nhạc Việt Nam có thể đi tham dự các festival quốc tế. Như vậy, nó sẽ chắp cánh ước mơ cho các nghệ sĩ Việt Nam đi xa hơn và chúng ta có thể hội nhập một cách bình đẳng với các nghệ sĩ quốc tế.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.