Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hạnh phúc "Trên đỉnh Phù Vân" của đời sống thường nhật

Thứ Năm, 24/09/2020, 15:33
Mỗi người sinh ra đều có số mệnh của mình. Số mệnh của ông là trở thành một người làm âm nhạc, làm "con chim thiêng" đằm mình trong không gian xứ sở nơi mình sinh ra, thấm đẫm hương vị dân ca Việt. Âm nhạc của ông đã đến và neo đậu lại trong trái tim và trong tâm hồn người.


Ông đã đi xa, về với Thiên đường, nhưng ông vẫn ở lại. Trong những giai điệu đẹp như những giấc mơ mà ai cũng cần có trong đời.

Nếu âm nhạc được ví như biển cả thì mỗi người nhạc sĩ giống như một dòng sông, gom góp phù sa làm giàu có hồn người, làm màu mỡ tình yêu đất đai xứ sở. Dòng sông Phó Đức Phương bắt đầu từ cội nguồn, từ những gì nguyên bản, sơ khai, thuần túy tinh thần Việt nhất. 

Ông như loài tằm bước ra từ dân ca, được gửi đến từ dân ca, tắm trong dân ca, lớn lên cùng dân ca và cuối cùng nhả những kén vàng âm nhạc óng ánh, mịn màng, nhuần nhị chất dân ca. Chất dân ca, hay còn gọi là dân gian trong âm nhạc của Phó Đức Phương hòa trộn nhuyễn đến mức người ta chỉ có thể cảm thấy nó mà không dễ phân tích, mổ xẻ. 
Nhạc sĩ Phó Đức Phương vừa rời cõi tạm.

Người nghe có thể đã yêu hàng loạt ca khúc mang tinh túy hồn cốt văn hóa Việt như "Trên đỉnh Phù Vân", "Chảy đi sông ơi", "Huyền thoại hồ Núi Cốc", "Về quê", "Hồ trên núi", "Những cô gái quan họ"… của Phó Đức Phương, như cách họ ngược về cội nguồn, tìm ông bà tổ tiên, tìm dấu tích khởi thủy của chính mình, nhận ra mình từ đâu đến.

Người ta xếp Phó Đức Phương vào "Bộ tứ sông Hồng", gồm những "tráng sĩ" mà chỉ nhắc tên thôi đã là một niềm tự hào cho cả một thế kỷ âm nhạc vàng son, đặc biệt từ giữa thế kỷ 20 trở lại đây. 

Những Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường cùng với Phó Đức Phương đã tượng hình gương mặt một vùng Châu thổ nơi khởi nguồn con sông Cái mang phù sa đắp bồi nên tâm hồn Việt. 

Nghe Phó Đức Phương để tự hào về một vùng văn hóa đậm chất truyền thống, đậm tính dân gian, để thâu nhận những chất sinh dưỡng cần thiết cho tâm hồn. Để yêu thêm, tự hào thêm dân tộc Việt Nam mình.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Đức Phương kể rằng, ông đã có ý thức đi tìm mạch nguồn hồn cốt dân tộc trong âm nhạc từ rất sớm. Từ khi còn rất trẻ, chưa trở thành sinh viên của Nhạc viện, ông đã đi học quan họ với những nghệ nhân ở Bắc Ninh, học ca trù từ nghệ nhân lẫy lừng Quách Thị Hồ, học tuồng với các nghệ nhân Đội Tảo, bà Liễu, rồi lặn lội tận vào Bình Định học bài chòi. 

Người thanh niên khi xưa ấy sớm hiểu được sức mạnh của âm nhạc dân gian, sớm biết cách tưới tắm mạch nguồn văn hóa cho tâm hồn mình để có thể dài lâu chảy cùng con sông âm nhạc. Mặc dù có lúc ông đã để mình giống như bao người cùng thế hệ, chọn học một nghề kỹ thuật để kiếm sống, song dòng sông âm nhạc trong ông lớn đến mức đủ sức phá tung những giới hạn bờ, vượt ghềnh vượt thác, đòi được biểu hiện mình. 

Phó Đức Phương trở thành một dòng sông riêng biệt, độc đáo, đủ sâu rộng để làm nên tên tuổi nhiều nghệ sĩ lớn trong đời sống âm nhạc nước nhà, như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương… 

Ca sĩ, NSƯT Minh Thu nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi ơn nhạc sĩ vì ông đã viết những ca khúc quá hay, quá đặc biệt để rất nhiều ca sĩ thành danh, trong đó có Minh Thu. Hơn 20 năm, từ một cô sinh viên còn non nớt đến một NSƯT là tôi hôm nay, thực sự có một phần rất lớn của âm nhạc Phó Đức Phương. Tôi từng đoạt 3 huy chương vàng trong các kỳ hội diễn âm nhạc, cũng bởi hát nhạc Phó Đức Phương".

Phải chăng, khi cần thể hiện một cá tính âm nhạc độc đáo, một tư duy âm nhạc sâu sắc, người nghệ sĩ hoàn toàn có thể yên tâm khi mượn âm nhạc Phó Đức Phương để nhập vào, để biểu lộ? Những ca khúc của Phó Đức Phương đủ sức chứa đựng những cá tính âm nhạc mạnh mẽ nhất.

Tổng kết sự nghiệp âm nhạc của Phó Đức Phương, người ta thấy số lượng ca khúc ông viết không thể gọi là nhiều nếu so với một vài nhạc sĩ lớn cùng thời. Vì ông đã chủ động dành đến 18 năm để khơi thông một con sông khác mang tên Bản quyền âm nhạc. Ông đã vật vã với nhiều thác ghềnh, thành tựu đi kèm thị phi, thành công đi kèm thương tổn, chiến đấu để tạo ra một trật tự cần thiết cho đời sống âm nhạc trong nước, đưa vấn đề bản quyền trở thành một thói quen với người sử dụng âm nhạc. 

Trong sáng tác ông quyết liệt thế nào thì trong làm bản quyền ông quyết liệt y như vậy. Với ông, làm gì cũng phải tận cùng. Không ít người tỏ ý tiếc cho ông, vì ông đã "hy sinh" câu chuyện sáng tác vào những năm sung sức nhất của cuộc đời. Nhưng ông không tiếc, ông xem việc "hành đạo" vì bản quyền cũng là sứ mệnh của ông khi được gửi đến trong đời sống này. Nó có thể là thiệt thòi cho câu chuyện cá nhân ông, nhưng là cái được lớn cho cả một nền âm nhạc vốn còn rất nhiều vấn đề bất cập cần phải dọn dẹp, đưa vào quỹ đạo để có thể hòa nhập với dòng chảy âm nhạc trong thế giới hôm nay.

Cố nhạc sĩ Phó Đức Phương và ca sĩ Tùng Dương.

Cũng bởi Phó Đức Phương không có khái niệm tuổi tác. Ông vẫn thường xưng "tớ" với bất kỳ bạn trẻ nào và luôn thấy mình sung sức trong mọi thời điểm, mọi công việc. Rời câu chuyện bản quyền, ông về lại âm nhạc, sung sức với bao dự định. Với cảm hứng sử ca, ông dự định sẽ âm nhạc hóa tất cả những trang sử vàng chói lọi của dân tộc mình. Ngay cả khi lâm trọng bệnh, ông vẫn đầy cảm hứng khi nhắc về công việc, ông lạc quan mình sẽ vượt qua biến cố này nhanh thôi, để trở lại ngang dọc trong sáng tác như đã từng.

Nhưng thời gian dù có ưu ái với người "tráng sĩ sông Hồng" bao nhiêu, nó vẫn không thể giúp ông chiến thắng số phận. Có chăng thời gian chỉ mượn Phó Đức Phương để gửi một triết lý về đời sống, rằng cái trường tồn trong nó chính là các giá trị mà mỗi con người sáng tạo ra, dù cho thể xác là hữu hạn. Nhạc sĩ đã chìm vào thiên thu, đã bay về đâu đó, nhưng âm nhạc của ông vẫn còn trong khí quyển chúng ta đang thở, mang vóc dáng tâm hồn Việt nuôi dưỡng nhiều thế hệ người nghe. Ông có thể đã viết được nhiều hơn nếu ông ích kỷ dành thời gian cho mình nhiều hơn, nhưng chỉ ngấn ấy thôi cũng đã đủ cho tên tuổi một nhạc sĩ lớn.

Bởi, nghệ thuật "quý hồ tinh" mà "bất quý hồ đa".

Bởi, sứ mệnh là điều không thể giải thích, cũng chẳng nên đặt vấn đề nuối tiếc.

Để chia sẻ về điều này, xin quý bạn đọc hãy lắng nghe những lời nhạc sĩ Trần Tiến - một người bạn thân thiết trong "bộ tứ Sông Hồng" gửi Phó Đức Phương: 

"Phương đi trước nhé Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ta không sợ chết, chỉ sợ sống chưa đủ. Tôi không biết chắc Phó Đức Phương còn thiếu điếu điều gì chưa làm xong. Vợ anh đẹp, con anh khôn, làm nhạc giỏi hơn cha là nhà có phúc. Anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc, lại chạy vạy cùng tôi làm đơn lên chính phủ cứu Thủ đô dừng làm tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông khiến phố phường bị phá nát. 

Anh bỏ viết nhạc, làm những điều mình cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ. Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh đã sống đủ rồi. Chỉ cần vài khúc ca để lại trên đời rồi bay đi. Thế là đủ một cái tên Nhạc sỹ Phó Đức Phương. 

Những khúc ca như dấu chim thiêng không phải ai cũng có, rồi sẽ lẫn lộn và bay đi cả đàn rợp trời nhiều thế kỷ, biết dấu chân nào của anh Phương, anh Hoàng Vân, Đỗ Nhuận... Nhưng ai cũng biết đó là loài chim của thiên đường, của người nhà Trời. Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng mấy ai biết sống sao cho tử tế như các anh. 

Chia tay anh vài dòng như lời tự nhủ thôi. Ở nơi anh đến. Nhớ kiếm vài hòn đá trong rừng yên tĩnh, để nhóm bốn anh em cùng ngồi. Bên ly rượu hồ đào, bên một nàng tiên ít nói. Mình nhâm nhi và lặng lẽ ngắm cái đẹp với một chút lâng lâng. Thế người ta gọi là trời đánh cũng chưa chết. Với tôi, sống hay chết không quan trọng bằng bạn có hạnh phúc không".

Trên đỉnh Phù Vân của đời sống này, Phó Đức Phương có lẽ đã mỉm cười hạnh phúc. Vì thế gian còn mãi "chảy đi sông ơi" những giai điệu đẹp từ đôi bàn tay và trái tim âm nhạc của ông. Xin tiễn biệt người con của sông Hồng, của nước Việt ngàn năm văn hiến.

Bình Nguyên Trang
.
.