Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích: Kỷ lục gia giải thưởng âm nhạc thiếu nhi

Thứ Tư, 01/10/2008, 16:30
Với tình yêu âm nhạc từ nhỏ, lại ham mê học hỏi, cộng thêm những cuốn sách quý và một không khí tràn đầy âm nhạc, tất cả những điều ấy đã thôi thúc Hàn Ngọc Bích bắt tay viết ca khúc đầu tiên: Một bài hát cho thiếu nhi. Bài hát có tựa đề "Cây bàng trước ngõ" với những câu rất dễ thương: "Mùa đông áo đỏ/ Mùa hạ áo xanh/ Cây bàng khi mở hội, là chim đến vây quanh…".

Tôi đã gặp nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đôi lần, nhưng ấn tượng còn đọng lại trong tôi là một Hàn Ngọc Bích rất ít… chất nghệ sĩ. Tóc lúc nào cũng chải ngôi thẳng thớm, tay xách chiếc cặp da màu đen nom từ xa đã toát ra sự mực thước. Ông có dáng vẻ và cách nói chuyện của một nhà giáo nhiều hơn là của một nhạc sĩ, một nhạc sĩ với hàng trăm ca khúc viết cho các em, trong đó có tới 4 ca khúc: "Tiếng chim trong vườn Bác", "Em bay trong đêm pháo hoa", "Tre ngà bên lăng Bác" và "Đưa cơm cho mẹ đi cày" được bình chọn trong tốp 50 bài hát dành cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX (cuộc bình chọn do báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức 1999 -2000).

Hàn Ngọc Bích đích thực là một nhà giáo. Sinh năm 1940 trong một gia đình có cụ thân sinh là công chức, ngay từ nhỏ, cậu bé Bích đã tỏ ra có năng khiếu âm nhạc. Nhưng vì các cụ thân sinh rất thích nghề giáo viên, nên sau này đã hướng cậu con trai đi thi Sư phạm, bởi theo các cụ: "Nghề giáo là một nghề hiền lành và đẹp...".

"Thế là tôi thi đỗ và theo học Sư Phạm. Tôi ra trường năm 1962. Sau đó, dạy Trung cấp Sư phạm ở Sơn Tây, rồi chuyển về làm giáo viên dạy lịch sử ở Trường cấp 3 Chương Mỹ, rồi lại chuyển đến dạy ở cấp 3 Phúc Thọ (nay thuộc Hà Nội), cuối cùng thì dừng lại ở Vụ Tiểu học cho tới lúc về hưu, năm 2000" - Hàn Ngọc Bích kể về hành trình làm nhà giáo của mình một cách ngắn gọn, giản dị như chính cuộc đời ông.

Nhưng âm nhạc như một sợi dây kỳ lạ và vô hình đã "buộc" người thầy giáo ấy gắn bó suốt cả cuộc đời mình. Hàn Ngọc Bích là một trong không nhiều thầy giáo trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Cơ duyên đưa ông đến với âm nhạc cũng thực tự nhiên.

Ông kể: "Năm 1962, khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi tình cờ gặp được nhạc sĩ Hoàng Long. Lúc ấy, Hoàng Long đã có một gia tài âm nhạc, đặc biệt là các bài: "Em đi thăm miền Nam" và "Nếu bạn muốn tìm tôi"… Cuộc gặp gỡ ấy là một bước ngoặt, có ý nghĩa lớn đối với tôi. Cuộc gặp gỡ ấy khiến tôi suy nghĩ: Nếu bạn có thể làm được, thì tại sao mình không? Sau đó, tôi nhận được từ Hoàng Long những cuốn sách học âm nhạc in rônêô - những giáo trình hòa âm cơ bản.

Với tôi Hoàng Long là người bạn chí tình. Hoàng Long sinh 1942, ít hơn tôi 2 tuổi. Anh xưng hô "anh - tôi", còn tôi chỉ xưng "cậu - tớ". Tất cả những công việc liên quan đến sách vở thì Long giúp tôi rất nhiều, sách giáo khoa, chương trình. Những lúc khó khăn trong cuộc sống, hay lúc buồn phiền đều tìm đến với nhau. Đến bây giờ Hoàng Long vẫn là bạn của cả gia đình tôi. Còn người thầy đầu tiên của tôi, đó chính là nhạc sĩ Mộng Lân. Tôi học được ở thầy những kinh nghiệm quý…".

Với tình yêu âm nhạc từ nhỏ, lại ham mê học hỏi, cộng thêm những cuốn sách quý và một không khí tràn đầy âm nhạc, tất cả những điều ấy đã thôi thúc Hàn Ngọc Bích bắt tay viết ca khúc đầu tiên: Một bài hát cho thiếu nhi. Bài hát có tựa đề "Cây bàng trước ngõ" với những câu rất dễ thương: "Mùa đông áo đỏ/ Mùa hạ áo xanh/ Cây bàng khi mở hội, là chim đến vây quanh…".

Đó là năm 1966, khi ấy Hàn Ngọc Bích dạy cấp 3 ở Chương Mỹ. Giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, những dãy bàng trên đường làng Do Lộ bị bom Mỹ đánh phá tơi bời xơ xác, người thầy giáo bước vào tuổi 26 đã rất xúc động đưa những tình cảm chân thực ấy vào ca khúc.

Bài hát hoàn thành và được một số bạn bè khen ngợi khiến cho Hàn Ngọc Bích tự tin hơn, và ca khúc thiếu nhi thứ 2 ra đời với những câu hết sức ngộ nghĩnh đáng yêu: "Leo leo leo rửa mặt như mèo/ Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu/ Khăn mặt đâu mà ngồi liếm mép/ Đau mắt rồi lại khóc meo meo…".

Tiếp đó, Hàn Ngọc Bích đã thử sức mình với những góc nhìn khác nhau mang tính xã hội hơn. Như bài hát "Đưa cơm cho mẹ đi cày" chẳng hạn.

Ông tâm sự: "Khi tôi viết bài này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Cả đất nước sôi sục khí thế lên đường ra tiền tuyến với những khẩu hiệu: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Thiếu nhi làm nghìn việc tốt"… --PageBreak--

Xúc động trước tấm gương của người phụ nữ đảm đang, thay chồng cáng đáng việc nhà, và hình ảnh những bé em lon ton giúp mẹ việc nhà, tới trưa lại mang cơm ra đồng cho mẹ đã khiến tôi rất xúc động. Cũng chính năm ấy, tôi mất đứa con gái đầu lòng. Cảm giác mất mát có phảng phất đâu đó trong bài hát.

Cái chung và cái riêng xen lẫn. Một ngày đầu năm 1970, khi đó tôi đang ở Thường Tín, tôi đã viết xong bài hát với tiết tấu phảng phất âm hưởng dân ca của đồng bằng Bắc Bộ. Mãi đến cuối năm ấy, sau nhiều lần sửa chữa, thấy ưng ý, tôi mới gửi tới Đài Tiếng nói Việt Nam và ngay sau đó được thu thanh phát sóng".

Kể cho tôi nghe kỷ niệm của bài hát này, giọng ông chùng xuống vì nó đã chạm vào nỗi buồn riêng của ông.

Cái duyên với âm nhạc thiếu nhi dường như ngày một gắn bó với Hàn Ngọc Bích. Hàng loạt ca khúc nối nhau ra đời. Đặc biệt, Hàn Ngọc Bích còn thành công hơn khi kết hợp hình tượng Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng.

Nhạc sĩ kể: "Tôi rất muốn viết một ca khúc cho các em nhưng gắn với Bác Hồ. Khi ấy, tôi đã đến thăm Lăng Bác nhiều lần nhưng vẫn chưa viết được. Ý tưởng trong đầu đã có, đấy là được nương tựa dưới bóng mát của vườn cây Bác Hồ. Nhưng phải đến một buổi chiều nắng tháng tư, ở Vườn hoa Chí Linh, tôi mới viết được ca khúc "Tiếng chim trong vườn Bác".

Chiều ấy, thấy cây cao quá, tiếng chim cũng cao vút, trời thì trong xanh quá. Vậy là cảm hứng chợt đến, tôi ngồi đó và hoàn thành bài hát. Đến năm 1992, tôi lại hoàn thành bài "Tre ngà bên Lăng Bác". Bài hát nào khi đặt bút viết cũng có cảm giác là nhanh, nhưng thực ra là nó miên man, nghĩ ngợi trong đầu tôi đã lâu lắm".

Không ít nhạc sĩ chỉ mong trong đời mình có được một ca khúc được khán giả nhớ, hát. Vậy nhưng Hàn Ngọc Bích có tới 4 ca khúc được bình chọn trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX. Khi biết tin mình được khán giả bình chọn như vậy, chính ông cũng bất ngờ.

Nhưng hình như, bất ngờ nối tiếp bất ngờ, may mắn nối tiếp may mắn, cái "duyên" đã gắn nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích với âm nhạc thiếu nhi cũng chính là cái "duyên" gắn ông với giải thưởng vậy. Ngay từ những sáng tác đầu tay, ông đã mạnh dạn gửi dự thi cuộc vận động viết ca khúc cho trẻ em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương tổ chức.

Điều bất ngờ và cũng chính là động lực lớn nhất khích lệ Hàn Ngọc Bích tiếp tục sáng tác ca khúc cho các em, đó là các ca khúc dự thi năm ấy đều đoạt giải. Bài "Cây bàng trước ngõ" giải A, "Sáo sậu là cậu sáo đen" được giải B, còn "Rửa mặt như mèo" và ca cảnh "Hoa bí vàng" đoạt giải C.

Nhưng "kỷ lục" về giải thưởng phải kể đến, đó là chuyện có một năm ông đoạt liền 5 giải thưởng. Nhắc tới chuyện này, Hàn Ngọc Bích không giấu được niềm vui: "Năm 1992 cả nước có 4 cuộc thi âm nhạc. Một của báo Hoa học trò, một của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một của Ủy ban Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em, một của ngành Văn hóa - Giáo dục Hà Nội mở rộng. Lúc ấy tôi đã ở tuổi 52, cũng muốn nghỉ ngơi đôi chút.

Tôi bảo, tôi muốn "tháo giày", nhưng vừa nói ra điều này, những người bạn chí cốt như nhạc sĩ Cao Minh Khanh, Vũ Trọng Tường bảo: "Chúng em không chịu cho ông anh như vậy đâu" và rằng sẽ "buộc giày" cho ông anh". Vậy là cứ vài ngày, các bạn lại đến chơi, hỏi bài đâu? Đến lúc tôi phải đưa bài ra thì mới thôi.

Và trong 4 cuộc thi năm ấy, tôi đều có những giải thưởng. Bài "Tre ngà bên Lăng Bác" - giải nhì (không có giải nhất - cuộc thi do ngành Văn hóa - Giáo dục Hà Nội mở rộng). "Ơi hành khúc mùa thu" thì đoạt giải B (của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tôi gửi 2 ca khúc dự thi với báo Hoa học trò thì "Tháng ba học trò" đoạt giải C, còn "Hái được bên bờ rào" (phổ thơ Phạm Công Trứ) đoạt giải khuyến khích. Ca khúc "Xinh xinh hạt nắng" được giải C của Ủy ban Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em".

Hơn 40 năm, bây giờ nhiều em thiếu nhi sinh ra ở cuối thế kỷ XX ngày ngày đến lớp vẫn hát vang nhiều ca khúc của Hàn Ngọc Bích. Đó là một niềm hạnh phúc vô bờ đối với người sáng tạo. Và nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích cũng quả quyết với tôi: "Giải thưởng lớn nhất, vinh hạnh nhất đối với tôi là sáng tác của mình đã được nhiều người thuộc, hát, và tồn tại trong tâm hồn của họ"

Nguyệt Hà
.
.