Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Bay bổng với dòng sông quê
Với "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em", tên tuổi nhạc sĩ Đoàn Bổng thực sự đã bay bổng trên dòng sông quê nhà cùng dòng sông âm nhạc mà ông suốt đời gắn bó.
Nhà riêng của nhạc sĩ Đoàn Bổng ở ngay đầu một con ngõ xinh xắn của phố Hào Nam, đối diện cổng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cùng với sự hiếu khách của gia chủ, đó là một trong những lý do khiến nhà ông luôn có "khách nhạc" tới chơi, chuyện trò, đàm đạo về nghề, về đời sống... Cũng có một lý do nữa, đó là, sau mấy chục năm làm biên tập viên Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam, ông có nhiều cơ hội tiếp cận, làm việc và giữ mối quan hệ thân thiết với nhiều nhạc sĩ. Ngồi tiếp chuyện tôi được một lát, ông đã lại đón nhà soạn nhạc Tạ Tường ghé chơi, rồi tiếp đến là nhạc sĩ Nghiêm Bằng, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao ghé qua "khoe" bài hát "Đây thôn Vĩ Dạ" mới được anh phổ nhạc và cho thu âm.
Như nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ, Đoàn Bổng là người không quen với việc "tiếp thị bài hát" của mình với các nhạc sĩ trẻ hiện nay. Những sáng tác của họ ra đời khi trước, thường được phổ biến theo con đường "chính ngạch", đó là gửi đến Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam để được thu âm, phát sóng nếu đạt yêu cầu. Nhưng bây giờ, số lượng thính giả thưởng thức âm nhạc qua làn sóng phát thanh đã ít hẳn đi, số lượng tác phẩm mới được thu thanh và phổ biến qua làn sóng phát thanh cũng vì thế mà ít hơn so với trước kia. Nhưng các nhạc sĩ "già" cũng không vì thế mà buồn phiền. Họ cũng như Đoàn Bổng vẫn sáng tác đều tay và thường phổ biến bằng cách... "chuyền tay" trước khi một bài hát nào đó ra được với công chúng.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng còn nhớ: Sau lần đầu tiên bài hát "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" được phát sóng vào cuối năm 1978, rất nhiều thính giả viết thư về Đài Tiếng nói Việt Nam xin nghe lại bài hát này và không ít người nhầm đây là bài hát của nhạc sĩ... Thái Cơ (bởi khi ấy, nhạc sĩ Thái Cơ đã "danh nổi như cồn" với bài hát "Rặng trâm bầu" cũng có giai điệu vô cùng tha thiết). Lúc đó, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và đã có một số sáng tác đến được với thính giả và nhận được nhiều thư yêu cầu được nghe lại như "Dòng nước ân tình", "Niềm vui trọn vẹn". Nhưng khi bài hát "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" ra đời, có vẻ như khán giả bị "hút" vào đó nhiều hơn.
Nhớ lại cơ duyên có được bài hát này, nhạc sĩ Đoàn Bổng không giấu được niềm vui: "Tôi đến với bài hát này cũng thật tình cờ. Hồi đó, tôi có dịp ghé vào thăm anh em ở Ty Văn hóa Hà Sơn Bình cũ thì gặp nhà văn Quách Vinh lúc đó là Trưởng ty. Anh ấy tặng tôi quyển tạp chí "Núi Tản Sông Đà" và bảo tôi về xem có phổ nhạc được bài thơ nào không. Về đến nhà, khi đọc bài thơ "Dòng sông của anh, dòng sông của em" của nhà thơ - họa sĩ Lai Vu, tôi thấy thích mấy "cái tứ" ở trong bài thơ ấy quá.
"Sông trăng hay sông lụa" đều gợi nên cảm giác về một dòng sông êm đềm ở miền quê lụa Hà Tây nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đêm hôm đó, tôi ngồi trong căn nhà cũ 8 m2 của tôi ở tập thể Giảng Võ và suy nghĩ mãi tìm tư tưởng và giai điệu cho bài hát. Không có điện, trời lại nóng, tôi ra sân ngồi nhưng vẫn không ngừng nghĩ về nó cho đến đêm khuya chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tôi dậy muộn, khi đó vợ tôi và những người xung quanh đã đi làm, nhà rất vắng vẻ. Tôi bắt đầu ngồi vào bàn viết một mạch thì xong. Khi viết xong thì có ca sĩ Minh Quang bên Quân đội tới chơi. Tôi đem bài hát mới ra khoe, anh ấy xem xong reo lên: "Hay quá! Để em đi xin thu bài hát này!". Nhưng sau đó ca sĩ Minh Quang lại bị đau cổ, vì thế cặp song ca đầu tiên thể hiện lại là ca sĩ Lê Dung và Tiến Thành. Tiếc thay, cả hai nghệ sĩ tài danh này đều không còn nữa".
Từ đó đến nay, đã có rất nhiều cặp song ca thể hiện thành công bài hát "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em". Đặc biệt, trong các hội diễn chuyên và không chuyên, "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" là sự lựa chọn của nhiều cặp song ca bởi bài hát có giai điệu đằm thắm, tình tứ, tha thiết mà gợi cảm, thấm đẫm chất dân ca; có lời ca ngắn gọn, súc tích đầy chất thơ, đặc biệt là gần với một bài hát giao duyên. Bài hát này được những ai ở quê hương Hà Tây đặc biệt yêu mến, tự hào bởi bài hát như vẽ lên phong cảnh về một vùng quê với dòng sông Đáy đẹp trữ tình. Về sau, nhạc sĩ Đoàn Bổng còn có một bài hát nữa về mảnh đất Hà Tây, đó là bài "Về Hà Tây đi em" cũng được nhiều người yêu âm nhạc cảm mến, nhưng sức hút của nó vẫn không thể vượt qua "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em". Có thính giả khi có cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Đoàn Bổng đã tiết lộ: "Nhờ bài hát này mà em "cưa" đổ vợ em đấy!", hoặc "Mỗi khi nghe bài hát này, tôi lại rơm rớm nước mắt nhớ người bạn gái một thuở đã song ca cùng nhau, hẹn thành đôi lứa mà không thành"...
Nhạc sĩ Đoàn Bổng là người được giới chuyên môn đánh giá là có sự đa dạng trong sáng tác bởi chính ông cũng luôn cho rằng "Đừng bao giờ tự giẫm vào chân mình". Ngoài "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em", Nhạc sĩ Đoàn Bổng còn có một số sáng tác được chú ý như "Hà Nội những kỷ niệm trong tôi", "Từ làng Sen con hát tên Người", "Hồ Chí Minh - Ngọn cờ hòa bình", "Câu hát gọi xuân về", "Nỗi nhớ biển xa", "Cánh bằng lăng", "Bản tango thời cắp sách"; một số sáng tác phổ thơ thành công như "Thời gian" - phổ thơ Văn Cao, "Áo tím chiều mưa" - phổ thơ Khổng Minh Dụ, "Nhớ Hải Phòng" - phổ thơ Đặng Vương Hưng... Riêng với bài thơ nổi tiếng của nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao, được xem là rất khó với một người phổ nhạc, khi Đoàn Bổng đem đến cho nhạc sĩ Văn Cao nghe, nhạc sĩ Văn Cao đã rất thích thú. Bài hát gần như được phổ nguyên thơ. Khi nghe xong, nhạc sĩ Văn Cao cười vui: "Cái thằng này, nó vẫn thêm của mình 3 chữ". Ba chữ ấy là "còn trong xanh" được chêm vào sau hai câu thơ cuối cùng "Và đôi mắt em/ Như hai giếng nước" cho giai điệu thêm ngân vang, tha thiết.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng vui vẻ cho biết: "Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhạc viện Rowen (Pháp) có dàn dựng một chương trình ca nhạc đặc biệt gồm các tác phẩm âm nhạc Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi vinh dự là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất có 3 ca khúc được chọn đưa vào chương trình. Đó là các bài "Hà Nội của tôi", "Hà Nội - Những kỷ niệm trong tôi và "Thành phố ngàn năm văn hiến". Tôi thấy thật hạnh phúc khi trong bức thư gửi cho Chủ tịch TP Hà Nội, Nhạc trưởng Claude Brendel - Phó Giám đốc Nhạc viện Rowen đã viết: "Các tác phẩm tràn đầy chất thơ và nhạc cảm của nhạc sĩ Đoàn Bổng đã tạo điều kiện cho công việc của chúng tôi được thuận lợi...". Nói rồi, nhạc sĩ Đoàn Bổng đi lấy bức thư cho tôi xem. Bức thư khá dài, đầy cảm mến đối với đất nước, con người, âm nhạc Việt Nam đã được nhạc sĩ Đoàn Bổng giữ gìn cẩn trọng cùng với băng ghi hình buổi biểu diễn tại Paris các bài hát của ông do một Việt kiều yêu mến gửi tặng.
Sẽ là thiếu sót nếu như tôi không nhắc tới bốn câu thơ trong bài "Niệm khúc" được nhạc sĩ Đoàn Bổng viết trong sổ lưu niệm Khu di tích An ninh khu V - bốn câu thơ đã vinh dự được lãnh đạo Bộ Công an lựa chọn để khắc vào bia đá đặt ở vị trí trang trọng trong khu di tích: "An ninh khu V thời chống Mỹ/ Trăm người như một rất anh hùng/ Quên thân vì nước, vì dân tộc/ Các anh còn mãi với núi sông".
Nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết bốn câu thơ này trong chuyến đi thực tế sáng tác hưởng ứng cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài Công an nhân dân do Bộ Công an và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 2009. Ca khúc "Đừng trách anh" của nhạc sĩ Đoàn Bổng hưởng ứng cuộc thi này cũng đã được phổ biến trong nhiều đơn vị công an. Nhạc sĩ Đoàn Bổng kể: Khi tham quan Trại giam số 4 ở Thái Nguyên, biết trong đoàn có nhạc sĩ Đoàn Bổng tham gia, một số cán bộ chiến sĩ ở đây đã hát vang mấy câu trong bài hát "Đừng trách anh": "Đừng trách anh đi hàng tháng không về/ Công việc của anh quanh năm bộn bề/ Vì cuộc sống bình yên trong từng mái ấm...", khiến ông rất xúc động.
Những năm gần đây, ngoài sáng tác nhạc, nhạc sĩ Đoàn Bổng còn làm nhiều thơ như một sự tiếp nối giấc mơ một thời thơ bé mà ông từng ấp ủ. Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội với các tập thơ "Nốt nhạc buồn", "Em và đời", "Tình yêu ơi" nhưng âm nhạc với ông vẫn như một mối lương duyên mà ông nguyện không bao giờ từ bỏ